Các bước chuẩn bị bài giảng – Bước 8: Trình bày
“Khi phương thức truyền đạt và sứ điệp của lẽ thật Kinh thánh gặp nhau trong khoảng khắc giảng, khi mọi giác quan của bạn đều đầu phục, cốt để truyền đạt lẽ thật Kinh thánh cho thân thể chung của Chúa thì đó là một bài giảng.”
“Quan trọng không phải là trình bày bài giảng thế nào, quan trọng là nội dung bài giảng ra sao,” một cậu sinh viên của tôi đã hùng hồn khẳng định như vậy. Là giáo sư giảng dạy cậu ta, tôi nói “Cậu trình bày gì trên bục giảng thì đó chính là nội dung thôi.” Để nhấn mạnh thêm chút nữa, tôi hỏi cậu ta rằng: “Theo cậu thì điều gì tạo nên nội dung bài giảng?” Câu trả lời của cậu ta không có gì đáng nói nhưng rõ ràng là cậu quan niệm rằng mấy tờ ghi chú bài giảng là nội dung của nó.
Nhưng bài giảng không phải là những gì bạn viết. Bài giảng là những gì bạn nói. Không một điều gì liên quan đến bài giảng là không dính dáng đến thần học, kể cả việc trình bày bài giảng bằng lời. Không thể nào tách những điều bạn nói khi giảng khỏi cách bạn trình bày chúng. Đáng buồn là trong giới giảng đạo tin lành, trình bày bài giảng là nội dung thường bị coi là thứ yếu trong tuyên đạo pháp. Gần như người ta coi bài giảng ghi trên giấy là điều thuộc linh còn việc trình bày bài giảng là một phụ lục phiền phức và không mấy liên quan, đồng thời tách bạch hai điều này theo kiểu trí huệ phái (gnostic-like).
Thật kỳ lạ khi người ta cho rằng truyền đạt bài giảng không hấp dẫn có thể được coi là một tính tốt. Nếu bạn thờ ơ trong truyền đạt bài giảng thì làm sao có thể chứng minh được rằng bạn nghiêm túc với nhiệm vụ giảng dạy đây? Có lần tôi nghe một nhóm giảng đạo tin lành tự xưng gần như đã chế giễu John Piper vì cách truyền đạt đầy nhiệt huyết và bùng nổ của ông. Tôi hỏi họ: “Các anh nghĩ đó là nhiệt huyết giả tạo ư? Ông ấy chân thật hay cố làm ra vẻ kịch tính?” Họ trả lời là chân thật nhưng vẫn nguy hiểm. Tôi bảo họ rằng cho tôi dự phần kiểu nhiệt huyết nguy hiểm đó với.
Thái độ đó khác xa với thái độ của Martin Luther khi ông tuyên bố rằng:
“Hội thánh chẳng phải là chốn viết lách mà là chốn nói năng. Vì kể từ khi Đấng Christ giáng sinh, Phúc âm – điều từng được giấu kín trong Thánh Kinh – đã trở nên sự rao giảng bằng lời. Cho nên, theo phương cách của Tân Ước và Phúc âm, nó phải được rao giảng và thực hiện bằng lời nói, bằng tiếng nói sống động. Chính Đấng Christ không viết ra điều gì, Ngài cũng chẳng ra lệnh cho người ta chép lại điều gì, nhưng Ngài giảng bằng lời truyền miệng.” (Wood, Thuận phục Ngôi Lời, 90).
Một số người vin vào lời của Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 2:1 “Thưa anh em, khi đến với anh em, tôi không dùng những lời cao siêu hay khôn ngoan để công bố sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho anh em,” để chứng minh cho quan điểm “truyền đạt như thế nào không quan trọng” trong giảng đạo. Nhưng họ đã hoàn toàn hiểu sai vấn đề. Chính sứ điệp Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá là điều mà người ta chống đối và muốn ông ngó lơ.
Dù Phao-lô có công bố lẽ thật Kinh thánh hay và thuyết phục đến thế nào thì họ cũng không muốn nghe về Đấng Mê-si-a chịu đóng đinh. Theo họ, cách duy nhất mà Phao-lô có thể nói lời cao siêu và khôn ngoan là ngừng công bố về thập tự giá.
Theo những kẻ phản đối Phao-lô, “sứ điệp của thập tự giá là điên rồ” (1 Cô 1:18). Khác với những thầy thông giáo và nhà hùng biện phô trương sự tài giỏi của mình, Phao-lô không nói về chính mình nhưng “quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Giê-su Christ, và Đức Chúa Giê-su Christ bị đóng đinh vào thập tự giá” (1 Cô 2:2). Sự khôn ngoan của loài người khoe mẽ bản thân, nhưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khoe về Chúa Giê-su Christ. Như Phao-lô đã viết: “Vì chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Đức Chúa Giê-su Christ là Chúa” (2 Cô 4:5).
Trong sách Công vụ, Phao-lô chữa lành cho một người què và đám đông la lên “Các thần đã lấy hình người hiện xuống cùng chúng ta!” (Công vụ 14:11). Rồi bắt đầu từ Phao-lô, họ cố nghĩ ra xem những thần nào đã hiện ra. Họ định rằng Phao-lô, người rao giảng chính hẳn phải là thần Héc-mê, vị thần hùng biện tạo ra lời nói của người Hy Lạp. Hẳn rồi, nếu ông là một nhà giảng đạo lãnh đạm, chẳng quan tâm đến việc mình nói gì và nói như thế nào thì người ta sẽ chẳng mô tả ông như vậy.
Khi cách truyền đạt của chúng ta phù hợp với sứ điệp của phân đoạn Kinh thánh, rõ ràng là phân đoạn chúng ta đang giảng đã xuyên thấu chính lòng chúng ta. Hành động truyền đạt bài giảng hé lộ tâm hồn giảng dạy của chúng ta; cuối cùng, nó sẽ tạo ra sức mạnh cho lời chúng ta nói.
Khi phương thức truyền đạt và sứ điệp của lẽ thật Kinh thánh gặp nhau trong khoảng khắc giảng, khi mọi giác quan của bạn đều đầu phục, cốt để truyền đạt lẽ thật Kinh thánh cho thân thể chung của Chúa thì đó là một bài giảng. Trên hết, khi truyền đạt, hãy cho phép bạn say mê và nhiệt thành thật sự với những gì mà bạn tin rằng sẽ thể hiện rõ nhất về thập tự giá.
Giảng đạo là một “giao dịch” từ Chúa, dựa trên Lời Chúa, lấy Đấng Christ làm trung tâm, được Thánh Linh xức dầu, bùng nổ và sống động giữa người giảng đạo và hội chúng. Đây là một hành động hướng đến sự hoàn tất của Vương quốc Đấng Christ khi mọi bộ tộc, mọi thứ tiếng, mọi dân tộc sẽ họp lại và nghe tiếng của Đấng chăn chiên tối cao (1 Phi-e-rơ 5:2-4, Khải huyền 7:17, Khải huyền 22:4).
Từ giờ tới lúc đó, hãy giảng. Hãy dồn tâm sức cho nhiệm vụ cao cả nhất này trong một thế giới sa ngã. Hãy cố gắng, nỗ lực và đổ mồ hôi để nói những gì đúng Kinh thánh, hãy đầu phục đến tột cùng để nói những điều đó một cách rõ ràng nhất, nhiệt thành nhất và mạnh mẽ nhất có thể.
Tác giả bài viết, Tiến sĩ David E. Prince là Mục sư giảng dạy và truyền đạt khải tượng tại Hội thánh Báp-tít Ashland Avenue tại Lexington, Kentucky, Hoa Kỳ và là Phó Giáo sư về Giảng dạy Cơ đốc tại Viện Thần học Báp-tít Nam Phương.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.davidprince.com/2020/05/12/sermon-delivery-matters/ truy cập ngày 21/07/2021.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!