CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH – Phần 3/3: Tầm Quan Trọng Của Phẩm Hạnh
Có ba vai trò hay chức năng cơ bản của một người mục sư đó là giảng, tâm vấn (khuyên bảo) và lãnh đạo. Không ai được ban ân tứ ngang nhau trong cả ba lĩnh vực nhưng chúng ta lại phải làm tất cả. Vì vậy, chúng ta có những khoảng trống (thiếu hụt) trong ân tứ của mình, những lĩnh vực mà chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để bù đắp cho việc thiếu ân tứ. Hầu hết tài liệu lãnh đạo dạy rằng chúng ta cần bù đắp những khoảng trống đó bằng cách kết thân với những người có ân tứ khác để bổ sung. Chắc chắn điều này rất có ích nếu bạn làm được. Tuy nhiên vẫn có một cách khác chắc chắn hơn: khỏa lấp sự thiếu hụt bằng sự tin kính.
Ưu tiên cho phẩm hạnh
Chúng ta có thể kết luận điều gì từ những yếu tố gây sốc trong phần 2 về mối nguy và cạm bẫy thuộc linh nội tại trong chức vụ được trao phó? Sự thật là vậy đó. Ngọn nguồn của những thất bại vô hình hoặc sắp xảy ra đều xuất phát từ thất bại trong việc xây dựng đời sống cá nhân bên trong. Hãy nhìn lại danh sách những yếu tố gây nên tình trạng thiếu bông trái trong chức vụ (phần 2). Những yếu tố đó đều đến từ việc chúng ta đã thất bại trong việc nhận biết chúng ta là ai, không tin vào Phúc Âm và quên đi lẽ thật của Lời Chúa. Vì cớ đó, chúng ta phải nuôi dưỡng đời sống bên trong của mình.
Ưu tiên đời sống bên trong hơn chức vụ bên ngoài.
Cần nói rằng thất bại trong chức vụ có thể bắt đầu từ việc không thực sự được kêu gọi, nhưng chúng ta sẽ xem xét điều này trong một bài viết khác. Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp đó ra thì hầu hết các thất bại trong chức vụ xuất phát từ việc bỏ bê đời sống bên trong và mối thông công với Chúa. Những vấn đề thứ yếu khác như người hầu việc Chúa thiếu sự trang bị hoặc tiếp cận không đúng cách thì thường sẽ không tới nỗi dẫn đến thất bại toàn tập trừ khi chúng xảy ra cùng với thất bại trong đời sống cá nhân và phẩm chất (và vì vậy thất bại bị phóng đại lên nhiều lần). Do đó, khi một người hầu việc Chúa trẻ tuổi áp dụng một mô hình không phù hợp cho Hội Thánh mình, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh nhưng không đến nỗi tai hại. Trừ khi anh ta bắt đầu coi sự chống đối là mối đe dọa cho hình ảnh một người hầu việc Chúa thành công của mình. Trong trường hợp đó, anh ta sẽ đáp ứng lại với sự thiếu an ninh và sẽ bài trừ mọi người một cách không cần thiết.
Ưu tiên phẩm cách hơn ân tứ
Lãnh đạo Cơ Đốc là huy động các ân tứ của Chúa ban để hoàn thành mục tiêu của Chúa theo cách của Chúa. Lãnh đạo bao gồm phát triển thế mạnh của chúng ta để truyền đạt khải tượng, thuyết phục mọi người cùng đồng hành và giúp mọi người cùng làm việc với nhau. Điều chính yếu mà một lãnh đạo Cơ Đốc cần nhiều hơn các yếu tố trên chính là sự trưởng thành thuộc linh. Mục sư Robert Murray M’cheyne người Scotland nổi tiếng với điều ông nói cùng các lãnh đạo khác: “Điều mà dân sự tôi cần nhất chính là sự nên thánh của cá nhân tôi!”. Trước khi qua đời năm 1843, M’cheyne đã giảng bài giảng cuối cùng của mình trong sách Ê-sai 60:1 “Hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh-quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi.” Ông trở về nằm trên giường, người sốt cao và qua đời một tuần sau đó. Sau khi ông mất, người ta tìm thấy một lá thư trong phòng ngủ của ông. Một phần trong lá thư viết:
“Tôi hy vọng rằng ông (M’cheyne) sẽ tha thứ cho một kẻ xa lạ nhắn nhủ đôi dòng này. Tôi nghe bài giảng của ông vào tối Sa-bát vừa qua. Bài giảng đó được Chúa đẹp lòng và Ngài dùng chính nó để chúc phước cho linh hồn tôi. Không phải những gì ông nói, mà chính thái độ khi ông giảng đã đánh động tôi. Tôi nhìn thấy trong ông một vẻ đẹp của sự thánh khiết mà tôi chưa từng gặp. Một điều trong lời cầu nguyện của ông đã đánh động tôi rất nhiều. Lời đó là “Ngài biết là chúng con yêu Ngài!”. Ôi thưa ông, tôi phải làm sao để có thể nói với Đấng Cứu Rỗi của mình rằng “Chúa biết là con yêu Ngài!” như ông đây?
Đó đúng là một lời chứng tuyệt vời, vững bền về điều cần thiết nhất ở một người mục sư!
Những dẫn chứng Kinh Thánh
Trong I Cô-rinh-tô đoạn 13, chúng ta thấy một ví dụ rõ ràng rằng phẩm hạnh Cơ Đốc cần cho chức vụ Cơ Đốc hơn là ân tứ. Hội chúng ở Cô-rinh-tô đã tăng trưởng, có rất nhiều ân tứ dư dật trong việc nói tiếng lạ (13:1), nói tiên tri (13:2), dạy dỗ, ban phát và quan tâm tới cộng đồng (13:3). Nhưng những câu còn lại đã bày tỏ về mọi nét thiếu tin kính của Hội Thánh. Họ đã thiếu nhịn nhục và trở nên kiêu ngạo (13:4), đố kỵ, chỉ trích, thô lỗ, ghen tị, vụ lợi và tự cao tự đại. Không những Phao-lô chỉ ra rằng những vấn đề đó là nguyên nhân sâu xa của những vấn đề trong Hội Thánh, ông còn đi xa hơn nữa để nói rằng một Hội Thánh có thể trở nên năng động với nhiều ân tứ như vậy mà “chẳng ra gì”. Hầu hết những nhà giải kinh đều đồng ý rằng cần phải giải nghĩa theo nghĩa đen. Phao-lô đang nói rằng một người có thể thực hiện phép lạ bởi năng quyền của Chúa và có sự mặc khải nhưng thậm chí chẳng phải là một Cơ Đốc Nhân. Chúng ta thấy điều này nơi môn đồ Giu-đa, rõ ràng là hắn đã thực hiện phép lạ nhưng cũng là người không thực sự biết Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 7:21-22). Hay nói cách khác, (chúng ta) có thể làm chức vụ trong quyền năng của Chúa mà không có một ân điển nào trong tấm lòng hay không hề biết tình yêu thương thật sự “không bao giờ suy tàn” (I Côr. 13:8). Đây cũng là lý do tại sao Chúa Giê-su nói rằng “Bởi bông trái mà chúng ta biết họ” chứ không phải “bởi ân tứ”. Tình yêu thương, sự vui mừng, bình an và khiêm nhu không thể nào tăng trưởng và phát triển khi tấm lòng của chúng ta xa rời Chúa. Nhưng sự giảng dạy, truyền giáo, cố vấn và công tác lãnh đạo thì lại có thể. Thật nguy hiểm khi chúng ta có thể coi hoạt động mục vụ của mình là bằng chứng cho rằng Chúa ở cùng chúng ta hoặc cách để chúng ta được ơn từ Chúa. Sự tham chiếu trong I Cô-rinh-tô 13 về cồng chiêng (đồng), chập chõa có lẽ nói về sự thờ phượng của người ngoại trong các đền thờ của Demeter và Cybele. Ở đó có những sự biểu diễn ồn ào và huyên náo nhằm thu hút ân huệ của các vị thần. Theo Phao-lô, chức vụ Cơ Đốc cũng có khả năng giống như vậy. Nếu chúng ta ghi khắc Phúc Âm, nếu chúng ta đang vui mừng về sự công chính của mình thì chức vụ của chúng ta sẽ là một sinh tế tạ ơn kèm theo kết quả là những hành động trong tình yêu thương, sự khiêm nhu, nhịn nhục, mềm mại. Nhưng nếu tấm lòng của chúng ta không đặt công việc cứu rỗi của Chúa Giê-su làm trung tâm và nếu chúng ta không giảng Phúc Âm vào tấm lòng mình thường xuyên thì chúng ta sẽ tìm cách kiểm soát Chúa và thu hút ơn của Ngài bằng những “tiếng vang chập chõa” của sự phục vụ. Khi đó, chức vụ của chúng ta sẽ có những dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn, cáu kỉnh, tự cao, tổn thương trong cảm xúc, ghen tị và khoe khoang (I Cô rinh-tô 12-14). Chúng ta sẽ đồng nhất bản thân với chức vụ và xem nó như một phần của chúng ta. Chúng ta trở nên bị điều khiển, sợ hãi, quá rụt rè hoặc quá thô lỗ. Và có lẽ khi rời khỏi đám đông thì chúng ta lại tiếp tục dính vào tội lỗi kín giấu.
Kết luận
Chúng ta phải cẩn trọng việc đồng nhất bản thân với chức vụ và biến chức vụ trở thành một phần của chúng ta. Nếu chưa nhận ra điều này thì chúng ta có thể thành công trong ngắn hạn nhưng có thể bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu thiếu bông trái: sự nhút nhát, giả hình và nuông chiều bản thân. Chúng ta gõ chập chõa vang tiếng và kết quả là sự ồn ào của những cảm xúc bị tổn thương, tinh thần phê bình chỉ trích, sự lo lắng và thường xuyên thiếu vắng niềm vui trong công việc.
Những phẩm hạnh tin kính che lấp khoảng trống trong ân tứ
Có ba vai trò hay chức năng cơ bản của một người mục sư đó là giảng, tâm vấn và lãnh đạo. Không ai được ban ân tứ ngang nhau trong cả ba lĩnh vực nhưng chúng ta phải làm tất cả. Vì vậy chúng ta có những khoảng trống (thiếu hụt) trong ân tứ của mình, những lĩnh vực mà chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để bù đắp cho việc thiếu ân tứ. Hầu hết tài liệu lãnh đạo dạy rằng chúng ta cần bù đắp những khoảng trống đó bằng cách kết thân với những người có ân tứ khác để bổ sung. Chắc chắn điều này rất có ích nếu bạn làm được. Tuy nhiên vẫn có một cách khác chắc chắn hơn: khỏa lấp sự thiếu hụt bằng sự tin kính. Ý tôi là gì? Bạn có thể không thu hút, nhưng nếu bạn là một người rất tin kính thì sẽ có một sự khôn ngoan và hiểu biết thu hút những người khác. Bạn có thể thiếu cá tính và kỹ năng để trở nên người tâm vấn hiệu quả, nhưng nếu bạn rất tin kính thì sự thấu hiểu và yêu thương sẽ được bày tỏ ra và giúp cho bạn hiệu quả. Bạn có thể không phải là người giỏi tổ chức và có tính cách năng động nhưng nếu bạn rất tin kính thì sẽ có một sự khiêm nhường từ bạn khiến người khác phải kính trọng. Nói cách khác, phẩm hạnh tin kính sẽ khỏa lấp những sự thiếu hụt do thiếu ân tứ tạo ra. Thực ra những người có nhiều ân tứ lại rất bất lợi vì mọi người hay tưởng rằng họ trưởng thành thuộc linh hơn mức độ thực sự của họ. Điều này là bởi vì những tài năng họ được ban cho chứ không phải sự thánh khiết đã che khuất mọi điều chính yếu trong chức vụ.
Phẩm hạnh tin kính khỏa lấp mặt tối của ân tứ chúng ta.
Nếu không có sự tin kính và phẩm hạnh, những ân tứ thuộc linh có thể khiến chúng ta vấp chân không chỉ bởi thiếu hoặc yếu mà còn bởi có và mạnh. Ý của tôi ở đây là gì? Một người mục sư có thế mạnh là ân tứ nói tiên tri trong chức vụ (prophetical gifts) sẽ thường thiếu nhịn nhục và có thể không khôn ngoan trong những công việc ngoại giao cần thiết để hoàn thành công việc. Một người mục sư với điểm mạnh trong ân tứ chăn bầy (priestly gifts) thường sẽ rất ấm áp, nhưng họ lại không hiệu quả hoặc thiếu tổ chức. Một người mục sư với điểm mạnh trong ân tứ quản trị (kingly gifts) có thể rất có tổ chức nhưng lại thiếu tầm nhìn hoặc can đảm để chấp nhận rủi ro và có xu hướng đặt mục tiêu lên trên nhu cầu của mọi người. Một lần nữa, hầu hết những tài liệu lãnh đạo sẽ chỉ cho chúng ta cách để đối phó với những lĩnh vực thiếu hụt ân tứ. Nhưng những tài liệu này không bao giờ cảnh báo về những lĩnh vực giàu ân tứ. Ân tứ mà không có sự tin kính bù đắp sẽ dẫn đến những điểm mù và sai lầm. Như chúng ta đã thấy, việc cam kết với chức vụ Cơ Đốc sẽ khiến chúng ta trở nên một người tốt hoặc tệ hơn rất nhiều so với khi không bước vào chức vụ. Bạn sẽ không đứng yên một chỗ, bạn sẽ tăng trưởng và thay đổi. Vì vậy câu hỏi ban đầu “Tôi có đang làm tốt công việc của mình không?” không nhất thiết phải trở thành một tiêu chuẩn khó chịu nhưng có thể dùng để nhắc nhở bản thân theo đuổi sự tin kính, nuôi dưỡng sự kết quả, làm việc siêng năng, tin tưởng trọn vẹn và tự tin giảng dạy.
Bản quyền © 2002 của Timothy Keller, © 2011 của Redeemer City to City. Ban đầu, bài viết này được sử dụng cho một hội nghị đào tạo lãnh đạo vào năm 2002.
Tác giả bài viết, Tiến sỹ Timothy Keller (sinh năm 1950) là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời đại hậu hiện đại. Timothy Keller là mục sư sáng lập hội thánh Redeemer Presbyterian tại Manhattan.
CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH (Phần 1/3)
CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH – PHẦN 2/3: TÁC NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG THIẾU BÔNG TRÁI
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Bài viết của mục sư Tim Kelly và bài dịch rất tuyệt vời!
Cảm ơn đội Ba-rúc rất nhiều!
Cảm ơn Chúa vì bài viết chất lượng của MS Tim Keller. Tôi được khích lệ và nhắc nhở tra xét lòng mình rất nhiều khi đọc bài này của ông.
good