CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH – PHẦN 2/3: TÁC NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG THIẾU BÔNG TRÁI
Giangluankinhthanh.net – Khi bước vào chức vụ hay sự kêu gọi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ trở thành những Cơ Đốc nhân tệ hại hơn trước. Tại sao vậy?
Khỏi phải nói, tiêu chuẩn về kết quả sẽ thách thức chúng ta tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kết quả trong dài hạn. Như đã ám chỉ trước đó, nguyên nhân có thể là một người không thực sự được kêu gọi để trở thành mục sư. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, ngọn nguồn của nguyên nhân thường nằm ở sự tự cao, nuông chiều bản thân, nhút nhát hoặc giả hình.
Sự tự cao trong chức vụ
Trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, tự cao là thủ phạm của tình trạng thiếu kết quả bởi vì nó kìm kẹp chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Trước hết, sự tự cao khiến chúng ta lưu tâm đến danh tiếng và sự tán dương hơn là quan tâm đến việc kết quả. Như chúng ta đã thấy, mặc dù chúng ta than phiền về áp lực do tiêu chuẩn thành công đặt ra nhưng chúng ta lại khoác lên người sự tự cao. Sự tự cao khiến chúng ta so sánh bản thân với những người hầu việc Chúa khác, nó khiến chúng ta ghen tỵ và kết quả là không có sự tin cậy và khích lệ lẫn nhau giữa các mục sư. Nếu Hội Thánh của bạn kết quả trong những hình thức có thể quan sát được như số lượng, chương trình, hay tài chính; bạn sẽ vui mừng quá mức về điều đó và bị cám dỗ lượng giá mình dựa trên kết quả đó thay vì dựa trên việc bạn là ai trong Đấng Christ. Nhân dạng sai lệch này có thể dẫn tới tinh thần độc đoán và những quyết định thiếu khôn ngoan. Mặt khác, nếu Hội Thánh của bạn không kết quả trong những hình thức có thể quan sát được, bạn sẽ trở nên thất vọng chán chường. Tại sao vậy? Bởi vì sự tự cao đánh giá bạn dựa trên sự tăng trưởng của Hội Thánh chứ không phải dựa trên nhân dạng (bạn là ai) trong Đấng Christ. Vì vậy (trong cả hai trường hợp), bạn sẽ trở nên bị thổi phồng quá mức hoặc bị xẹp lép bởi vì những thành công hữu hình được tạo nên bởi sự tự cao mà không mấy hướng về Phúc Âm. Giá trị bản thân và nhân dạng của bạn trồi sụt không còn dựa vào việc bạn là một tội nhân được cứu và được yêu nữa, mà dựa vào việc bạn có trở nên một người hầu việc Chúa hiệu quả hay không.
Thứ nhì, sự tự cao khiến chúng ta phòng thủ khi bị chỉ trích. Chúng ta không tạo ra cho mọi người cảm giác an toàn chia sẻ những phản hồi tiêu cực. Chúng ta tức giận hoặc cãi cọ, trở nên những người tránh né bất kỳ góp ý quan trọng nào. Hoặc vì người chỉ trích có một thái độ chưa tốt hoặc đã phóng đại về những điều chưa tốt (thường là một trong hai) khiến cho sự tự cao phòng vệ của chúng ta tập trung vào những mặt này mà bỏ qua những điểm đúng trong sự chỉ trích và tránh né nỗi đau của sự ăn năn. Khi ấy, những thay đổi cần thiết để khiến chúng ta hiệu quả hơn sẽ không bao giờ xảy ra.
Hình thức tự cao thứ ba có thể khiến người hầu việc Chúa bị trật hướng đó là sự tự cao về hội chúng, tức là đề cao mô hình hội thánh và truyền thống hệ phái của chúng ta lên trên và khiến chúng ta xem thường những quan điểm thần học khác.
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về sự tự cao trong chức vụ, bạn nên tìm đọc Nhật ký của George Whitefield. Ông đã viết Nhật ký khi ông còn là một người giảng đạo nổi tiếng ở lứa tuổi hai mươi. Sự nổi tiếng quá sớm này khiến ông trở nên ngày càng cố chấp và không khoan nhượng đối với những phê bình cũng như chức vụ của mình. Nhiều năm sau đó khi đã trưởng thành trong chức vụ và sự khiêm nhường, ông đã hiệu chỉnh và đã bỏ đi nhiều tuyên bố quá trớn và kiêu ngạo của mình ra khỏi Nhật ký.
Sự nuông chiều bản thân trong chức vụ
Chúng ta phải thật cẩn trọng về điều này. Rất nhiều mục sư là những người nghiện công việc, bị lèo lái bởi những động cơ không lành mạnh. Nhưng dường như đối với tôi, chính tinh thần của văn hoá chủ nghĩa cá nhân đã ảnh hưởng đến người hầu việc Chúa theo hai thái cực: hoặc là làm việc quá mức hoặc là quá lười biếng. Trong khi nhiều đầy tớ Chúa trong những thế hệ trước thường hy sinh mà không than phiền, thậm chí bị người khác đối xử bất công thì nhiều người hầu việc Chúa ngày nay không sẵn sàng hy sinh nhiều. Một ví dụ của việc này là nhiều mục sư không sẵn sàng chấp nhận chức vụ ở tại những Hội thánh nhỏ, vùng nông thôn hoặc trong thành phố nhưng không có nhiều triển vọng phát triển hoặc triển vọng thu nhập cao hơn. Một ví dụ khác về năng suất làm việc kém của các mục sư: Bên ngoài những Hội Thánh rất lớn, nhiều đầy tớ Chúa không có người giám sát theo lẽ thông thường dẫn đến thiếu cần cù và có cơ hội lãng phí thời gian, nuông chiều bản thân. Có những thái cực lớn hơn của việc này trong chức vụ so với công việc khác, lý do thì đã rõ ràng. Nếu bạn làm việc trong một ngân hàng đầu tư, bạn sẽ làm việc quá sức hoặc bạn sẽ tìm ra cách để làm việc vừa phải, nhưng sẽ rất khó để bạn tự nuông chiều bản thân và không kỷ luật mà vẫn giữ được công việc của mình. Quả thực đây là một vấn đề khó có thể cân bằng. Nhiều người đang đúng khi kêu gọi các Hội Thánh xem lại cách mà họ lợi dụng những người hầu việc Chúa (bằng cách trả lương thấp, bằng cách cướp hết quyền riêng tư, bằng cách trao những kỳ vọng không thực tế trên họ, v.v.). Nhưng rất nhiều những mục sư ngày nay thiếu đi tinh thần hy sinh. Chức vụ trong Hội Thánh cho phép cả hai nhóm người tuy vô cùng khác nhau nhưng làm việc với nhau nhiều năm rồi mới phát hiện ra rằng họ quá tải hoặc lười biếng.
Sự nhút nhát trong chức vụ
Sự nhút nhát (một hình thái khó nhận ra của sự tự cao) đặt nhu cầu của bản thân bạn lên trên nhu cầu của người khác. Cũng giống như tự cao, nhút nhát không hướng mấy về Phúc Âm và nó cám dỗ chúng ta tìm kiếm sự chấp nhận của người khác thay vì dựa vào công tác của Đấng Christ để bạn được xưng công bình và trở nên quan trọng. Sự nhút nhát là một trong những phương thức mà việc thiếu tập trung vào Phúc Âm khiến bạn không đạt được phẩm chất giống như Đấng Christ, trong trường hợp này là can đảm. Người mới hầu việc Chúa sẽ bị ngạc nhiên vì công việc thường xuyên đòi hỏi sự can đảm. Bởi vì công việc chính của người hầu việc Chúa là công khai rao giảng lẽ thật trong lời Chúa và trong kỷ nguyên hậu hiện đại nơi mà chân lý đã bị xói mòn (người ta không tin rằng có chân lý mà tin vào thuyết tương đối – ND) thì vai trò của người hầu việc Chúa càng đòi hỏi sự can đảm biết chừng nào. Tôi là một người giảng đạo từ năm 1975, có thể nói rằng trong hai thế hệ vừa qua, sứ điệp Cơ Đốc đã mất đi sự phổ biến đối với người Mỹ. Khái niệm về chân lý, thẩm quyền, tội lỗi và sự cứu rỗi trở nên lỗi thời và không còn liên quan nữa. Hơn thế, khái niệm về sự đoán phạt, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, và sự tồn tại của địa ngục được xem như là nguy hiểm và cực đoan. Để giảng về những chủ đề trên cho những người bên ngoài vòng bảo thủ và truyền thống đòi hỏi sự can đảm. Tuy nhiên, ngay cả với những người truyền thống và bảo thủ là bộ phận chiếm phần đông trong các hội thánh tin lành cũng cần có sự can đảm nhất định. Những mục sư sẽ thường vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ nếu họ giảng về những tội lỗi bám lấy những người gần gũi như kỳ thị, chủ nghĩa vật chất, giả hình hoặc sự tự xưng công chính. Dân sự thích nghe mục sư giảng về “những điều tệ hại trong xã hội ngoài kia” hơn. Bạn cần sự can đảm nếu bạn giảng về những vấn đề gần gũi (của dân sự). Công việc của chức vụ luôn mang đến những tình huống cần đối chất trong tình yêu thương với những người có quyền lực trong Hội Thánh. Vai trò lãnh đạo của bất kỳ tổ chức nào luôn luôn đòi hỏi phải đưa ra quyết định. Một vài quyết định sẽ “đụng chạm” hoặc làm mất lòng một nhóm nào đó trong Hội Thánh. Hãy cảnh giác với sự dũng cảm giả tạo. Tôi đang nhắc tới những vị mục sư một mặt tuyên bố rằng “có sự can đảm cho những điều mình tin chắc”, nhưng thật ra đang thể hiện một sự can đảm giả tạo và xa lạ. Họ có vẻ thích thú với việc phải đối chất. Họ thậm chí giảng một cách thường xuyên và tài tình về những chủ đề không được yêu thích. Họ không ngớt nói cho mọi người biết chỗ sai của mọi người ở đâu. Nhưng nhiều vị mục sư như thế rất dễ mở đường cho những người cảm thấy bị xúc phạm rời khỏi Hội Thánh. Khi điều này xảy ra thường xuyên, sự can đảm sẽ trở thành sự kiêu ngạo của chức vụ và khiến cho chức vụ của họ trở nên xa lạ. Sự can đảm thật được sinh bởi Phúc Âm, sẽ không ham thích mâu thuẫn hay né tránh mâu thuẫn. Một người được an ninh trong Đấng Christ sẽ không cần phải chiến thắng một cuộc tranh luận hay lấy lòng người khác để có được sự đảm bảo cho bản thân. Tuy sự can đảm tin kính này có thể khiến nhiều người phàn nàn hoặc rời khỏi Hội Thánh nhưng những người như thế không đến nhiều. Vì vậy nếu chưa có ai rời khỏi Hội Thánh của bạn, hoặc ngược lại nếu có rất nhiều người rời khỏi Hội Thánh thì có lẽ bạn đang thiếu sự can đảm trong chức vụ.
Sự giả hình trong chức vụ
Có lẽ cái khó nhất của vị trí mục sư hoặc bất kỳ người lãnh đạo Cơ Đốc nào chính là tính nguy hiểm của sự giả hình. Ý tôi nói là không giống như những công việc khác, chúng ta là những người hầu việc Chúa, được trông đợi để công bố sự tốt lành của Đức Chúa Trời và mang đến sự khích lệ trong mọi thời điểm. Chúng ta luôn muốn hướng mọi người về Chúa bằng cách này hay cách khác để chỉ cho mọi người thấy chân giá trị và vẻ đẹp của Ngài. Đó chính là bản chất của chức vụ chúng ta. Nhưng ít khi nào tấm lòng chúng ta ở trong trạng thái có thể nói ra một điều như thế với sự ngay thẳng trọn vẹn. Bởi vì tấm lòng của chúng ta luôn cần sự khích lệ, cần đặt Phúc Âm ở trung tâm và cần niềm vui thật. Vì vậy chúng ta có hai lựa chọn: hoặc là chúng ta sẽ phải liên tục giữ gìn tấm lòng để có thể thực hiện điều mà mình giảng; hoặc là chúng ta chia đôi cuộc sống thành chức vụ bên ngoài và sự buồn rầu bên trong.
Chức vụ sẽ khiến bạn trở thành một Cơ Đốc nhân tốt hơn hoặc tệ hơn rất nhiều so với con người bạn nếu không bước vào chức vụ.
Bằng cách đó, chức vụ sẽ khiến bạn trở thành một Cơ Đốc nhân tốt hơn rất nhiều hoặc tệ hơn rất nhiều (so với chính bạn nếu không bước vào chức vụ). Nhưng chức vụ sẽ không để bạn yên một chỗ mà nó sẽ đặt áp lực khủng khiếp lên sự ngay thẳng và nhân phẩm của bạn. Vấn đề cốt yếu ở đây chính là việc giảng về Phúc Âm nhưng lại không tin vào Phúc Âm. Là những người hầu việc Chúa, chúng ta cần phải sẵn sàng thừa nhận rằng những thành công trong chức vụ sẽ thường xuyên trở thành tiêu chuẩn cho niềm vui và tầm quan trọng của chúng ta, sẽ vượt trên cả tình yêu và sự chấp nhận mà chúng ta có trong Đấng Christ Giê-su. Sự thành công trong chức vụ sẽ thường xuyên trở nên điều mà chúng ta tìm kiếm để đo lường giá trị của chúng ta so với người khác và sự mạnh dạn của chúng ta khi đến trước Chúa. Nói cách khác, chúng ta tìm kiếm sự thành công trong chức vụ để tìm kiếm điều mà chỉ có Đấng Christ mới có thể cho chúng ta. Tất cả những người hầu việc Chúa hiểu rõ chính mình sẽ tranh đấu về điều này trong suốt cuộc đời. Đây cũng là lý do sinh ra sự ghen tỵ, so sánh với những người hầu việc Chúa khác, mong muốn kiểm soát con người và chương trình trong Hội Thánh, cả sự phòng thủ trước những lời phê bình. Ở một mức độ, chúng ta tin vào Phúc Âm rằng mình được cứu bởi ân điển không phải việc làm, nhưng ở một mức độ sâu xa hơn, chúng ta không mấy tin vào điều đó. Chúng ta vẫn đang cố gắng tạo ra sự công bình riêng cho bản thân thông qua những việc làm thuộc linh, mặc dù sự công bình (riêng) đó bị đoán phạt bởi chính sự kêu gọi bước vào chức vụ của chúng ta.
Tiến sỹ Timothy Keller, tác giả bài viết (sinh năm 1950), là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời đại hậu hiện đại. Timothy Keller là mục sư sáng lập hội thánh Redeemer Presbyterian tại Manhattan.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://gospelinlife.com/downloads/ministry-and-character/.
Trackbacks & Pingbacks
[…] CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH – PHẦN 2/3: TÁC NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG THIẾU BÔNG TRÁI […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!