CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH (Phần 1/3)
Một khi đã dấn thân hầu việc Chúa, chúng ta sẽ liên tục đau đáu với những câu hỏi thường trực như “Tôi có đang làm tốt công việc của mình không?” và “Làm sao để tôi biết là mình đang làm tốt?”. Trong vô thức (và có ý thức), chúng ta tìm mọi cách trả lời. Một mấu chốt quan trọng cho cuộc đời hầu việc Chúa của bạn là tìm cách trả lời cho những câu hỏi đó. Bạn sẽ dựa trên bài kiểm tra nào?
Bài kiểm tra về sự thành công
Rất nhiều phương thức và mô hình kinh doanh ngày nay đang chạy trên nền tảng của sự thành công, kết quả kinh doanh, lợi nhuận, và tài sản. Do đó, chúng ta cũng có xu hướng đánh giá mức độ hiệu quả của chức vụ theo cách tương tự.
Sự trỗi dậy của tiêu chuẩn thành công
Ngày nay, áp lực phải “thành công” trong mục vụ đè nặng lên người hầu việc Chúa hơn bao giờ hết. Ý niệm thành công trở thành phương cách mới để đánh giá người hầu việc Chúa. Các tiêu chuẩn lượng giá trước đây thường quan tâm đến tính chính xác của giáo lý, lòng trung thành, và sự kiên định hoàn thành các nhiệm vụ. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng những tiêu chuẩn này đã bị phai mờ bởi tiêu chuẩn thành công. Nhiều hội thánh và hội chúng ngày nay tìm kiếm những người hầu việc Chúa thành công và phớt lờ những người ít thành công hơn. Ngay cả người hầu việc Chúa cũng tự đặt cho họ tiêu chuẩn thành công qua việc gia tăng con số và mở rộng ngân sách.
Phân tích về tiêu chuẩn thành công
Theo Avery Dulles, nhận thức hiện đại về sự thành công trong chức vụ không còn tập trung vào sự tăng trưởng đơn giản của hội thánh mà xoay quanh năng lực của người đầy tớ Chúa trong việc thu hút nhiều người đến nhờ sức hút của cá nhân anh ta và rồi tạo ra một trải nghiệm thuộc linh đầy quyền năng cho họ. Tôi cho rằng điều này không đáng ngạc nhiên, vì nó là hệ quả trực tiếp của chủ nghĩa cá nhân thể hiện trong nền văn hoá phương Tây hiện đại. Văn hoá này đã thay thế lòng trung thành đặt tập thể lên trên hết của các thế hệ trước. Cá nhân được dạy dỗ để trở thành người tiêu dùng, không chỉ đối với các nhà bán lẻ và thương nhân mà còn với cả những thể chế và tổ chức. Họ sẽ đến một hội thánh chỉ khi nào (chừng nào) sự thờ phượng và sự giảng đạo ở đó còn hấp dẫn và thu hút họ.
Các cá nhân bị văn hoá định hình để trước hết nghĩ về hạnh phúc và thành đạt của bản thân; đồng thời họ sẽ không để cam kết với bất kỳ tập thể, thể chế nào trở thành rào cản ngăn họ tìm cách thoả mãn bản thân. Khái niệm phục vụ và hy sinh được xem là không lành mạnh về mặt tâm lý. Thậm chí nếu một Cơ Đốc Nhân có thể gạt bỏ được thế giới quan cá nhân chủ nghĩa ở mức độ cá thể đơn lẻ, thì nền văn hoá vẫn cứ xô đẩy họ vào con đường này.
Chỉ riêng bức tranh về công việc cũng đóng vai trò quan trọng trong sự cô lập và chủ nghĩa tiêu dùng của cá nhân: ngày nay công việc đòi hỏi giờ làm việc dài hơn, di chuyển xa hơn và thường xuyên phải đi công tác ở các thành phố khác. Chưa kể các công ty có thể sa thải nhân viên trong vòng một nốt nhạc. Vì thế khó có và hiếm có cá nhân nào có thể trung thành “ở yên chỗ”, hay cam kết với một cộng đồng lâu dài.
Nghĩa là, thậm chí những Cơ Đốc Nhân có tinh thần tập thể cũng liên tục chuyển đến nhiều nơi và “tùy thích lựa chọn hội thánh”. Qua lăng kính xấu xí của chủ nghĩa cá nhân, gần như chúng ta không thể nào tìm kiếm một hội thánh mới để phục vụ mà ngược lại, chúng ta tìm kiếm Hội Thánh chỉ để đáp ứng nhu cầu của gia đình chúng ta. Xét trên khía cạnh văn hoá, khó có người chấp nhận phục vụ lâu dài trong một cộng đồng Cơ Đốc, hoặc tìm kiếm một nơi phù hợp với ân tứ và sự kêu gọi của họ. Thay vào đó, chúng ta thường dễ suy nghĩ và hành động như một người tiêu dùng, chứ không phải một người phục vụ.
Hội Thánh tiếp nhận tiêu chuẩn thành công
Suốt những năm 1970 và 1980, trào lưu “hội thánh tăng trưởng” khởi nguồn từ Donald McGavran và C.Peter Wagner là một trong những trường phái tư tưởng nổi bật trong vòng các thần học viện. Trong hơn hai mươi năm, có vô số dòng sách viết về chủ đề “làm sao để Hội Thánh tăng trưởng” dành cho giới mục sư. Ban đầu, chỉ có các hội thánh Tin Lành ủng hộ phong trào này, nhưng sau đó các hội thánh chính thống khác do đối mặt với sự suy giảm về số lượng tín hữu cũng bắt đầu quan tâm. Phong trào này đã đem đến nhiều thay đổi tích cực và lâu dài cho mục vụ trong bối cảnh hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra áp lực khủng khiếp trên người hầu việc Chúa bình thường. Hàng trăm đầu sách ra đời chỉ trong khoảng 20 năm nói về sự tăng trưởng của Hội Thánh! Chúng mang đến ấn tượng rằng sự tăng trưởng của hội thánh là sản phẩm của việc đi theo một quy trình “mười bước”, hoặc đạt được các chỉ số phù hợp. Hậu quả là, nhiều mục sư cảm thấy nếu hội thánh họ không tăng trưởng thì hẳn là do bản thân thiếu năng lực. Nhìn lại trào lưu tăng trưởng trong những năm đó, nhiều nhà phê bình đã nhận định đúng đắn rằng trào lưu này phần lớn bị ảnh hưởng từ nền văn hoá đại chúng đang nghiêng dần về hướng chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ. Có thể nói, trong một số hình thức và đường lối nhất định, nó là sự thích nghi “quá mức” đối với nền văn hoá đại chúng.
BÀI KIỂM TRA VỀ SỰ TRUNG TÍN
Đến những năm 1990, bắt đầu có nhiều phản ứng mạnh mẽ đối với trào lưu hội thánh tăng trưởng. Kết quả là có nhiều đầu sách ra đời trong thời gian này nhấn mạnh rằng sự trung tín, không phải sự tăng trưởng, mới là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của chức vụ. Trào lưu mới này cũng được thực hành trong chức vụ ở phương Tây và tạo được ảnh hưởng tích cực.
Eugene Peterson là một trong những phát ngôn viên hàng đầu của phong trào mới. Những quyển sách của Peterson như làn gió mát trên sa mạc cho các mục sư đang chịu sức ép của những tiêu chuẩn thành công và tăng trưởng. Ông chú trọng các tài liệu kinh điển về thần học mục vụ và nhấn mạnh vai trò truyền thống của mục sư như: gây dựng đời sống nội tâm qua sự suy ngẫm và cầu nguyện; phục hồi nghệ thuật cố vấn thuộc linh và định hướng cho tín hữu; và xây dựng cộng đồng hội thánh gần gũi gắn bó qua sự thăm viếng và các hoạt động khác. Peterson kịch liệt phản đối khái niệm “mục sư là CEO” và nhấn mạnh mô hình “mục sư là người chăn bầy”. Ông là sự đối trọng rất cần thiết để cân bằng lại trào lưu hội thánh tăng trưởng những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên, một vài người lại chỉ ra rằng mô hình của Peterson có thể sẽ mang đến cảm giác tội lỗi bởi vì nó có những yêu cầu tưởng chừng thiếu thực tế như sự biệt riêng, cầu nguyện và chăm sóc không vội vàng trong một thế giới luôn vội vã tất bật.
Một trường phái khác phản ứng lại với tiêu chuẩn thành công bằng cách chú trọng vào truyền giáo trong hội thánh. Tiêu biểu là Mạng lưới Phúc Âm và Văn hoá dưới sự lãnh đạo của Darrell Guder, Craig Van Gelder, và George Hunsberger cũng như nhiều nhà tư tưởng khác. Họ chịu ảnh hưởng rất lớn từ truyền thống A-na-Báp-tít và Alasdair Maclntyre, tác giả của quyển sách kiệt xuất After Virtue (Phía sau Đức hạnh). Tác phẩm của ông nhấn mạnh việc xây dựng cộng đồng Cơ Đốc mạnh mẽ, dám đi ngược lại văn hoá và các kỹ năng mục vụ cần thiết cho cộng đồng. Quan điểm này rất phù hợp với những tác phẩm của Eugene Peterson cũng như phản ứng của ông đối với trào lưu “siêu hội thánh”.
Tất cả các quan điểm này đều cần điều chỉnh, điều quan trọng là không được đơn giản hoá quá mức: hoặc thành công hoặc trung tín. Đồng thời, chúng ta cũng cần biết rằng cách phân loại như thế không phải là mới đây. Trong Bài giảng cho sinh viên tôi do Charles Spurgeon viết gần 150 năm về trước, ông đã nói rằng để trở thành mục sư cần nhiều hơn là sự trung tín:
“Một vài người tốt từng liên lạc với tôi. Họ đặc biệt có lòng nhiệt thành rất lớn nhưng lại thiếu đầu óc. Những anh em đó có thể nói mãi, nói mãi mà không dựa trên nền tảng nào cả. Họ có thể dùi mài tan nát cả quyển Kinh Thánh nhưng không rút ra được gì. Họ rất sốt sắng, sốt sắng cách đáng sợ, lao lực cho những việc vất vả nhất nhưng không có kết quả gì…vì vậy tôi thường từ chối hồ sơ ứng tuyển của họ.”
Những dòng chữ này nghe thật đau lòng. Rõ ràng Spurgeon có cảm tình với những con người đó. Ông không hề chế giễu họ mà còn công nhận họ, thật ra, là những người trung tín, cam kết với công việc mục vụ. Nhưng bởi vì “không có kết quả gì cả”, ông đã từ chối đơn ghi danh của họ vào chủng viện. Hay nói cách khác, ông nghi ngờ rằng Chúa không kêu gọi họ. Bởi vì khi họ giảng dạy thì có rất ít hoặc không có ích lợi gì, khi có truyền giáo thì không có ai cải đạo cả. Vì vậy, nếu nói rằng sự trung tín là tiêu chuẩn tốt hơn (so với sự thành công), hoặc trung tín là tiêu chuẩn duy nhất thì đã quá đơn giản hoá vấn đề.
BÀI KIỂM TRA VỀ SỰ KẾT QUẢ
Vì vậy, trong việc lượng giá chức vụ, tôi muốn đề xuất sự kết quả như một thang đo phù hợp với Kinh Thánh hơn là sự trung tín hay thành công. Từ việc mô tả dân tộc Hê-bơ-rơ là cành nho đến câu nói nổi tiếng của Chúa Giê-xu “cứ dính vào gốc nho”, khó mà bỏ qua phép so sánh về sự kết quả trong Kinh Thánh. Cụ thể dành cho các mục sư, sứ đồ Phao-lô đã nêu lên sự kết quả là bài kiểm tra về chức vụ mới ra đời của ông:
• Trước hết, kết quả là những người mới cải đạo, tin nhận Phúc Âm. Phao-lô nói với Cơ Đốc Nhân người La Mã rằng ông khao khát đến và giảng ở La Mã “đặng hái trái trong anh em cũng như trong dân ngoại khác” (Rô-ma 1:13).
• Thứ hai, kết quả là những người dưới sự chăm sóc của người hầu việc Chúa được lớn lên trong sự tin kính. Đó được gọi là “bông trái của Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:22). Và các việc lành như bày tỏ lòng thương xót với người nghèo được gọi là “bông trái” (Rô-ma 15:25-27).
Thần học theo Kinh Thánh đảm bảo rằng Lời Chúa và những ai được kêu gọi để rao giảng Lời Chúa sẽ kết quả. Vì sao? Vì giáo lý về sự tuyển chọn. Ở Công vụ 18:8-10, Chúa nói với sứ đồ Phao-lô rằng chức vụ của ông sẽ thành công: “Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh…vì ta có nhiều người trong thành nầy.” Khi Phao-lô giảng “phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo” (Công vụ 13:48). Tuy nhiên, rất nhiều người rao giảng Phúc Âm đã dùng giáo lý về sự tuyển chọn để hợp lý hoá việc thiếu kết quả trong chức vụ. Nhưng thật ra, giáo lý về sự tuyển chọn đảm bảo rằng phải có kết quả. “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn” (Giăng 15:16). Nếu bạn được kêu gọi vào chức vụ thì bạn sẽ kết quả. Kết quả được bảo đảm bởi sự kêu gọi và sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời.
Phép so sánh trong Kinh Thánh về kết quả thường được mở rộng ra như một ẩn dụ liên hệ đến việc làm vườn. Nói về làm vườn, thì kỹ năng và sự trung tín của người làm vườn chỉ đại diện cho hai yếu tố quyết định sự thành công của khu vườn. Sự kết quả của khu vườn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thành phần đất (một vài nhóm người có tấm lòng cứng cỏi hơn), điều kiện thời tiết (sự tể trị của Đức Chúa Trời qua công tác của Thánh Linh), và các hoạt động mùa vụ khác. Trong I Cô-rinh-tô 3:6, Phao-lô sử dụng hình ảnh làm vườn và mùa vụ khi ông viết rằng có người trồng, kẻ khác tưới, và người khác gặt. Điều này giúp chúng ta hiểu ra rằng thời kỳ gieo hạt thì có thể dễ dàng bị nhầm lẫn là không kết quả. Điều này cũng cho phép chúng ta suy ngẫm về tầm quan trọng của sự kiên trì như của người làm vườn (Gia-cơ 5:7-8) và sự “nhịn nhục cũng như bền lòng”. Chúng ta cần có cái nhìn dài hạn về công việc của mình, đồng thời cũng phải chú ý đến những mùa thiếu kết quả.
Tóm lại, phong trào hội thánh tăng trưởng đã có nhiều cống hiến quan trọng và lâu dài cho mục vụ thời hiện đại. Tương tự như thế, phản ứng đối với phong trào này giúp chúng ta, đặc biệt là người Tin Lành, phục hồi những tài liệu lâu đời nhấn mạnh vai trò của sự suy ngẫm, định hướng thuộc linh và xây dựng cộng đồng. Tuy nhiên, cuối cùng thì quan điểm của Kinh Thánh về sự kết quả có lẽ là tiêu chuẩn tốt nhất để vừa lượng giá mục vụ vừa cho phép chúng ta nhận được ích lợi từ những hiểu biết về sự tăng trưởng lẫn sự trung tín của hội thánh.
Tác giả: Tiến sỹ Timothy Keller (sinh năm 1950), là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời đại hậu hiện đại. Timothy Keller là mục sư sáng lập hội thánh Redeemer Presbyterian tại Manhattan.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://gospelinlife.com/downloads/ministry-and-character/.
Trackbacks & Pingbacks
[…] CHỨC VỤ VÀ PHẨM HẠNH (Phần 1/3) […]
[…] Phần 1>>> […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!