CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ CHO MỘT BÀI GIẢNG: BƯỚC 7 – NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG PHẦN ÁP DỤNG CHO BÀI GIẢNG
Sau 15 giảng đạo, áp dụng vẫn là một trong những phần khó nhất khi soạn bài giảng. Tại sao vậy?
Tôi từng phải vật lộn với điều này vì trường thần học trang bị kỹ năng giải kinh và giải nghĩa cho tôi rất tốt, nhưng kỹ năng áp dụng Kinh thánh thì không được như vậy. Thế nên chúng ta mới có ấn tượng là mấy ông mục sư mới ra khỏi trường thần học giảng nghe giống giải nghĩa Kinh thánh hơn là giảng lời từ Đức Chúa Trời. Các cuốn giải kinh có vẻ giúp ích nhất cho chúng ta trong phương diện giải nghĩa mà không giúp gì nhiều trong phương diện áp dụng phân đoạn.
Có lẽ sự áp dụng luôn có chút lẩn khuất với chúng ta vì nó có tính sống động và luôn biến chuyển. Áp dụng là để thông điệp vượt thời gian của Chúa nói với hiện tại, mà hiện tại thì luôn thay đổi. Hoặc có thể cái khó là ở chỗ, trong soạn bài giảng, phần giải kinh thiên về khoa học hơn, còn phần áp dụng thiên về nghệ thuật hơn. Mà nghệ thuật thì luôn khó nắm bắt hơn một chút.
Dù là lý do gì thì chúng ta cũng thấy khó đưa ra phần áp dụng hữu ích, kết quả là người ta thường phàn nàn là không hiểu bài giảng trong hội thánh có liên hệ gì tới đời thực. Chẳng trách các mục sư hay bị cám dỗ từ bỏ giảng giải kinh và chỉ đề cập đến các chủ đề mà người ta cho là phù hợp.
Nghe để áp dụng
Qua nhiều năm, tôi dần tin rằng thực ra, phát triển phần áp dụng tốt cũng khá giống giải kinh hay. Cả hai đều cần đặt những câu hỏi phù hợp về phân đoạn. Cả giải kinh và áp dụng đều cần lắng nghe phân đoạn một cách có chủ ý – đặt nhiều câu hỏi cho phân đoạn đó. Trong giải kinh, rốt lại, chúng ta hỏi rằng: “Phân đoạn này nghĩa là gì? Điểm chính của phân đoạn là gì?” Và trong áp dụng, chúng ta đặt câu hỏi: “Thông điệp ban đầu của phân đoạn áp dụng như thế nào trong thời đại ngày nay?”
Tôi đã liệt kê các câu hỏi áp dụng mà tôi thường đặt ra cho một phân đoạn như dưới đây. Tôi đã góp nhặt danh sách này từ sách báo, các vị giáo sư và nhà giảng đạo trong nhiều năm nay. Khích lệ bạn hãy lượm lặt từ danh sách này và phát triển khuôn mẫu riêng trong việc chủ động lắng nghe để áp dụng. Đây là bảy câu hỏi cần đặt ra khi khám phá ý nghĩa của phân đoạn trong thời đại ngày nay.
1. Điểm chính là gì?
Phần giải kinh vững chắc dọn đường cho phần áp dụng hiệu quả. Càng chốt lại điểm chính của phân đoạn một cách chính xác và rõ ràng thì bạn càng sẵn sàng nhấn mạnh sao cho ý nghĩa đó còn đọng lại với người nghe. Cho nên, bước đầu tiên cho phần áp dụng là viết ra ý chính của phân đoạn chỉ trong một câu. Tôi thực hành kỷ luật này mỗi tuần và với tôi, đó là một trong những bước soạn bài giảng quan trọng nhất (đọc đoạn nói đến việc biến “ý giải kinh” của một phân đoạn thành “ý tuyên đạo” trong cuốn Giảng Luận Kinh Thánh của Haddon Robinson, tr. 66-69). Nếu không nắm chắc chủ đề trọng tâm của phân đoạn như đinh đóng cột thì làm sao bạn có thể đưa ra những áp dụng hợp với phân đoạn đó và thấm thía với đời sống dân sự đây? Mũi tên mà cong thì khó lòng bắn trúng mục tiêu.
2. Phân đoạn này áp dụng với thời đó như thế nào?
Cũng giống như nỗ lực giải kinh, hãy đặt câu hỏi xem phân đoạn đó được áp dụng trong ngữ cảnh ban đầu như thế nào. Ban đầu thì đó là một mệnh lệnh cần vâng theo, một lời ngợi khen cần hát lên, hay một lời hứa cần tin cậy? Phân đoạn đó có bày tỏ những lẽ thật cần tin theo hoặc những lời cảnh báo cần chú ý không? Các nhân vật trong phân đoạn làm gương về sự công chính cần noi theo hay nêu gương xấu về tội lỗi cần tránh?
Tất nhiên là lời Chúa dành cho họ không phải lúc nào cũng giống hệt lời Chúa dành cho chúng ta. Cách áp dụng lúc ban đầu phải đi qua các tấm lọc của thần học Kinh thánh, hiểu biết đúng đắn về các giao ước và cân nhắc đến đặc trưng văn hóa. Nhưng nếu bạn có thể xác định “loài” của cách áp dụng ban đầu thì ít nhất phần áp dụng hiện đại cũng có cùng “giống”.
Nếu phần áp dụng được vun trồng từ chính mảnh đất của phân đoạn thì hội chúng của bạn sẽ nhận thấy sự chân thật trong đó. Họ sẽ biết rằng chính Lời Chúa, chứ không chỉ sự thông minh của ông giảng đạo, đang chạm đến tấm lòng họ.
3. Phân đoạn này có thể nói với những dạng người nghe khác nhau ra sao?
Cố gắng áp dụng phân đoạn theo cách của người Thanh Giáo (chẳng hạn, hãy đọc cuốn Nghệ Thuật Nói Tiên Tri của William Perkins). Hãy nghĩ đến nguyên tắc phân loại mức độ thuộc linh của những người nghe bài giảng, nghĩ xem phân đoạn có thể nói với từng nhóm đó như thế nào. Phân đoạn này nói gì với những người không tin Chúa? Với những người tin Chúa? Nó có nói đến những tuýp người cụ thể như cha mẹ, con cái, phụ nữ, người giàu, lãnh đạo tôn giáo, quan chức, người trầm cảm, người nóng tính, hoặc người sợ sệt không?
Bạn có thể tiến thêm một bước nữa: đối chiếu giữa những gì Kinh thánh nói và những gì văn hóa nói với từng nhóm. Ngụ ý của phân đoạn này về hôn nhân, tiền bạc, hạnh phúc khác với sự khôn khéo đời này như thế nào? Mỗi khi tôi có thể đối chiếu giữa cách tiếp cận theo Kinh thánh và cách tiếp cận của thế gian thì dân sự bắt đầu thông suốt.
4. Phân đoạn này định hình hội thánh ra sao?
Hãy thay đổi góc nhìn của bạn và tập trung vào phân đoạn bằng ống kính rộng để thấy cách phân đoạn đó áp dụng với toàn bộ hội chúng, chứ không chỉ với từng cá nhân. Chúng ta hay có xu hướng cá nhân và tập trung vào bản thân. Kết quả là theo bản năng, chúng ta liên hệ đến bản thân. Chúng ta hỏi rằng: “Phân đoạn này có ý nghĩa gì với tôi?” nhưng không suy nghĩ về ý nghĩa của phân đoạn với chúng ta. Nhưng phần lớn Kinh thánh lại được viết cho các nhóm dân sự của Chúa: Y-sơ-ra-ên hoặc các hội thánh địa phương.
Dân sự trong hội thánh tôi có vẻ hoạt bát hơn khi tôi áp dụng phân đoạn với đời sống của hội chúng. Điều này nghe có vẻ tươi mới và mang tính cách mạng đối với đôi tai đậm chất cá nhân của chúng ta. Cho nên đừng sợ nói với dân sự rằng: “Theo phân đoạn Kinh thánh, hội thánh của chúng ta cần phải như thế này…” Các hội thánh tại Hoa Kỳ thường có nền hội thánh học rất thực dụng và yếu ớt. Nên hãy khiến các thành viên trong hội thánh bạn bất ngờ vì nhiều điều mà Lời Chúa nói với hội thánh địa phương – hằng tuần, hãy đưa ra phần áp dụng dành cho cả hội chúng.
5. Một người hoài nghi sẽ đưa ra những phản đối nào?
Một người hoài nghi sẽ mắc kẹt ở đâu trong phân đoạn đó? Liệu cô ấy có bị vướng ở một lẽ thật khó chấp nhận, hoặc một mô tả sống động về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời hay một yêu cầu đạo đức khắt khe không? Hãy cân nhắc dành ra một phút trong một bài giảng để giải quyết những nghi ngờ mang tính đặc trưng trong nền văn hóa của bạn. Tôi không đề nghị chúng ta biến bài giảng thành bài biện giáo. Nhưng những nhận xét biện giáo có thể là một dạng áp dụng vì chúng lý giải những thắc mắc của dân sự.
Danh sách “các niềm tin chống phá”(1) của Tim Keller đã giúp tôi phân tích một đoạn Kinh thánh cụ thể đối với những vấn đề nóng hổi.
6. Mình có thể giảng Phúc âm từ phân đoạn này như thế nào?
Hãy luôn giảng Phúc âm trong mọi bài giảng. Phúc âm là sứ điệp trọng tâm của Kinh thánh, nên mọi bài giảng giải kinh trung thành cần áp dụng Phúc âm cho dân sự. Hãy phấn đấu trở nên như Phao-lô, ông đã tóm tắt sự giảng đạo của mình bằng câu: “chúng tôi rao giảng Đấng Christ bị đóng đinh vào thập tự giá” (1 Cô-rinh-tô 1:23).
Phúc âm nằm ở đâu trong phân đoạn đó? Bạn thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và vinh quang Ngài được bày tỏ ở đâu? Tội lỗi chống lại Đức Chúa Trời thánh khiết đó đã tự phô bày như thế nào? Bryan Chapell gọi đây là “tập trung vào tình trạng sa ngã” (Cuốn Giảng dạy lấy Đấng Christ làm trọng tâm: Cứu lấy bài giảng giải kinh, tr. 40-44). Hãy dùng những cái nhìn thoáng qua về tội lỗi trong phân đoạn như một tấm gương để mọi người thấy rằng họ thực sự là những kẻ nổi loạn cần được ân xá theo phúc âm. Và tất nhiên, hãy đưa mọi người đến với Chúa Giê-xu và thập giá Ngài bằng chính phân đoạn đó. Hãy học theo phương châm của Charles Spurgeon “Tôi chọn một phân đoạn Kinh thánh và gióng nó cho thẳng với thập tự giá.”
7. Phân đoạn này giúp tôi nhận biết và thờ phượng Chúa như thế nào?
Cuối cùng, hãy cho dân sự thấy Đức Chúa Trời và vinh quang Ngài trong mọi bài giảng. Khi bạn giúp dân sự nhận biết bổn tính của Chúa trong một bài giảng, lòng họ sẽ tự động thấy Ngài thật diệu kỳ và muốn thờ phượng Chúa. Dân sự ngồi dưới sẽ tự thấy các trang Thánh kinh liên hệ đến bản thân khi lòng họ biết trân quý chính Chúa Giê-su.
Tấm lòng
Chắc chắn là còn nhiều câu hỏi áp dụng hữu ích nữa. Tôi khích lệ bạn chia sẻ các cách tiếp cận của mình. Đừng để trống phần bình luận phía dưới, hãy đưa ra những thực hành hay nhất.
Nhưng dù bạn có dùng quá trình nào để lắng nghe và áp dụng phân đoạn Kinh thánh, hãy nhớ nhắm đến tấm lòng. Chạm tới tấm lòng là chạm tới toàn bộ con người.
Và đừng bỏ qua tấm lòng của chính bạn. Khi lòng bạn đầy tình yêu cho dân sự, phần áp dụng trở nên tự nhiên và tự động theo bản năng. Các câu hỏi trên sẽ trở thành những công cụ hữu hiệu nhất khi đặt trong tay một người chăn bầy thực sự quan tâm đến bầy chiên mình. Tình yêu là nhiên liệu tuyệt vời nhất để truyền động lực cho công việc áp dụng đầy gian nan. Cho nên, hãy yêu dân sự một cách sâu sắc, hãy áp dụng phân đoạn một cách chính xác và không sợ hãi; hãy giảng phúc âm cách mạnh mẽ mỗi tuần, và hãy nóng cháy hết mình trước họ khi chiêm ngưỡng vinh quang Chúa; rồi dân sự sẽ thấy thấy Kinh thánh thật thiết thực với đời sống họ.
Jeramie Rinne, tác giả bài viết là mục sư trưởng của Hội thánh Evangelical Community tại Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/article/learning-the-art-of-sermon-application/, truy cập ngày 22/06/2021.
[1] Defeater belief. Mọi nền văn hóa thù địch với Cơ đốc giáo đều tuân theo một tập hợp các niềm tin thống nhất ‘theo lẽ thường’, từ đó khiến Cơ đốc giáo trở nên khó tin với mọi người. Các nhà triết học gọi là “niềm tin chống phá”, một niềm tin mà nếu nó đúng thì niềm tin còn lại không thể đúng. Nguồn: Apologetics and Outreach, https://static1.squarespace.com
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!