7 LỜI KHUYÊN CHO TÔI – THẦY TRUYỀN ĐẠO TRẺ TUỔI CỦA QUÁ KHỨ
Hãy cảnh giác, đừng lầm tưởng rằng những bài giảng dài hơn là những bài giảng đầy đức tin hơn. Đôi khi, giảng dài là dai và dại.
Một anh bạn cùng làm trưởng lão với tôi đang giảng dạy tại một trường thần học địa phương. Thi thoảng anh mời tôi chia sẻ với các sinh viên về việc chuẩn bị bài giảng, thuyết giảng và mục vụ Hội thánh dựa trên quan điểm của một mục sư như tôi. Trong một buổi lên lớp gần đây, một sinh viên đã hỏi tôi rằng: “Nếu có thể quay ngược thời gian về lúc mục sư mới bắt đầu giảng đạo thì mục sư sẽ cho bản thân mình lời khuyên nào?”
Đã 15 năm kể từ ngày tôi bắt đầu giảng đạo. Không biết như vậy đã đủ thời gian để khiến tôi trở thành một Hiệp sĩ Jedi(1) chuyên đào tạo các thầy truyền đạo mới chưa. Nhưng có vẻ cũng khá đủ để tôi có thể đưa ra cho mình những lời khuyên nếu có thể quay ngược về quá khứ.
Dưới đây là bảy gợi ý cho những truyền đạo sinh mà tôi đúc rút qua việc tự ngẫm từ chính mình và quan sát những thầy truyền đạo mới trong suốt hơn 15 năm qua.
1. Hãy Giảng Lời Chúa
Lời khuyên đầu tiên, hiển nhiên nhưng không phải là ai cũng biết, và cũng cần nói đến nhiều, đó là hãy giảng Lời Chúa. Ngay lúc khởi đầu mục vụ, hãy cam kết với việc giảng giải kinh. Giảng giải kinh là gì? Là khi người giảng đạo dùng chính quan điểm Kinh Thánh làm quan điểm của bài giảng để hội chúng áp dụng.
Khi tôi giải đáp những câu hỏi của các sinh viên thần học đó, tôi có cảm giác rằng nhiều bạn đang vật lộn với băn khoăn: “Thật sự là mình sẽ phải dành 10 hay 15 hay 20 tiếng mỗi tuần tại lớp thần học để tìm hiểu ý nghĩa của một phân đoạn hay sao?” Tôi hy vọng là họ sẽ làm vậy và tôi cũng hy vọng điều đó ở bạn. Càng chăn bầy lâu, tôi lại càng ngạc nhiên về cách mà việc kiên định giảng Lời Chúa mang lại ảnh hưởng sâu và rộng trên sức khỏe thuộc linh của hội chúng. Hãy khiến việc giải kinh thường xuyên trở thành nhịp tim và sự hô hấp để bơm Thánh Linh sự sống tràn đầy trong thân thể Đấng Christ từ tuần này sang tuần khác.
2. Tin cậy Lời Chúa
Hãy tiến thêm một mức nữa. Đừng chỉ giảng Lời Chúa. Hãy tin cậy Lời Ngài.
Ngay cả khi đang áp dụng phương pháp giải kinh, bằng một cách tinh vi nào đó, trái tim bạn có thể sẽ muốn tạo ảnh hưởng trên hội chúng bằng những điều khác. Bạn có thể ngầm tin tưởng rằng sự hài hước, thâm niên, sự uyên bác, xuất thân, phong cách, công nghệ hay hình xăm của mình là điều thực sự chạm đến mọi người.
Nếu có thể quay ngược thời gian và trò chuyện với tôi thời trẻ tuổi, tôi sẽ khuyên bản thân mình bớt cố gắng để trở nên hài hước đi. Ngày nay tôi vẫn vận dụng khiếu hài hước của mình bởi nó vốn là một phần trong tính cách của tôi. Nhưng giờ đây nó được dùng để phục vụ cho Lời Chúa. Đức Chúa Trời nhân từ đã giúp tôi vượt qua được nỗi sợ của loài người và ước muốn sâu thẳm trong tôi là mong mọi người thích tôi. Rồi Ngài đã thay thế điều đó bằng một lòng tin quyết lớn hơn vào quyền năng của Lời Ngài để cứu tội nhân và thánh hóa các thánh đồ.
3. Giảng ngắn lại
Đôi khi tôi vẫn hay khuyên những thầy truyền đạo trẻ tuổi nên giảm thời gian giảng xuống, còn khoảng 25 đến 30 phút. Tại sao ư? Để họ có thể học cách giảng đúng trọng tâm Kinh Thánh.
Chúng ta đều đã từng nghe những người giảng lan man. Và tôi cũng đã từng là một trong số đó. Người giảng lan man sẽ dẫn chúng ta vào những lối mòn quanh co từ ý này đến ý khác hoặc câu này đến câu khác mà không có cấu trúc hay chỉ dẫn rõ ràng. Nếu mục sư giảng lòng vòng nhưng cũng dựa trên Kinh Thánh thì hội chúng có thể sẽ mót được vàng nếu họ tập trung. Nhưng mọi người rất dễ rơi vào trạng thái trông thì có vẻ rất chú ý nhưng thực ra lại đang bị mất tập trung.
Nếu bài giảng được rút gọn ngay từ đầu, bạn có thể tự kỷ luật bản thân tập chú vào những ý chính và không sa lầy hay lệch hướng. Khi bạn phát huy được khả năng truyền tải sứ điệp một cách rõ ràng rồi thì bạn có thể bắt đầu kéo dài bài giảng của mình một cách từ từ. Tôi bắt đầu giảng trong tầm 30 phút và tới nay là gần 45 phút. Tuy nhiên, thời gian qua đi, tôi học được một số kỹ năng trình bày cần thiết để khiến nhiều người trong hội chúng lắng nghe mình hơn trong khoảng thời gian đó.
Hãy cảnh giác, đừng lầm tưởng rằng những bài giảng dài hơn là những bài giảng đầy đức tin hơn. Đôi khi, giảng dài là dai và dại.
4. Nói như người bình thường
Bạn có thể hiểu những gì mà các giáo sư thần học nói, nhưng đừng nói như họ. Hãy nói như theo cách dân sự trong hội thánh nói. Đừng khiến các bài giảng của bạn bị tối nghĩa vì những biệt ngữ thần học, kinh thánh và lịch sử mà bạn đã học tại các lớp Kinh Thánh.
Tôi không có ý ủng hộ cho các bài giảng bị giản lược, nhưng muốn thúc đẩy việc giảng dạy dễ hiểu. Tất nhiên là phải rao giảng những lẽ thật thần học có sức nặng, nhưng hãy giải thích rõ ràng. Nếu bạn định nhắc đến hiệu lực của sự chuộc tội thay hình phạt của Đấng Christ, bạn cần giải thích ý nghĩa của từng từ ngữ thần học vô giá đó bằng ngôn ngữ thông dụng hằng ngày.
Đối với các sinh viên thần học: hãy nghĩ về điều này như tuyên đạo pháp nhập thể.
5. Tìm cách áp dụng
Những bài giảng của các mục sư mới đôi khi thường dẫn chứng Kinh Thánh dài và để phần áp dụng ngắn. Trường thần học dạy chúng ta cách giải kinh. Nhưng làm thế nào để biết lý giải dân sự và tấm lòng họ? Tôi phải mất một thời gian để khám phá ra điều này.
Hãy đào sâu vào phần áp dụng. Trong lúc chuẩn bị bài giảng, hãy dành thời gian nghĩ về những áp dụng vốn có trong phân đoạn Kinh Thánh. Và một điều quan trọng không kém nữa là hãy biết dân sự của mình. Tình yêu thương là bí quyết để đưa ra những áp dụng khả quan. Khi bạn yêu bầy chiên của mình và biết họ như cách người chăn chiên biết rõ bầy chiên mình, thì thiên hướng áp dụng của bạn sẽ trở nên sắc nét. Bạn sẽ không chỉ giảng một bài giảng theo Kinh thánh hay đưa ra những áp dụng theo Kinh thánh, mà bạn sẽ giảng và áp dụng Kinh Thánh cho chính dân sự của mình.
6. Nhận phản hồi
Không gì khiến sự giảng dạy của bạn được cải thiện hơn là những phản hồi sâu sắc. Thật được khích lệ khi tuần nào giảng xong cũng nhận được hàng tá lời khen như “Bài giảng hôm nay tuyệt quá!”. Nhưng bạn cũng cần những lời phê bình cặn kẽ và mang tính xây dựng.
Nếu trong Hội thánh hay giữa các bậc trưởng lão có những nhà giảng đạo tài ba, hay thậm chí là những thành viên tuy không tham gia vào công tác giảng dạy nhưng có cái nhìn sáng suốt, hãy nhờ họ thường xuyên đưa ra lời phê bình cho bạn. Còn nếu bạn là mục sư duy nhất, hãy kết bạn với các mục sư khác tại địa phương, là những người cam kết với việc giảng giải kinh và đánh giá lẫn nhau. Hằng tháng, mục sư đoàn của tôi đều nghe và nhận xét các bài giảng của một mục sư. Việc này rất ích lợi cho chúng ta. Tôi đã không cầu thị như vậy khi mới bắt đầu chức vụ. Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ khích lệ chính bản thân mình để làm điều đó.
7. Hãy kiên nhẫn
Cuối cùng, hãy kiên nhẫn với chính mình. Cho bản thân cơ hội để phát triển. Không gì có thể thay thế được thời gian đứng trên bục giảng để bạn tìm thấy tiếng nói, phát triển kỹ năng và học từ những kinh nghiệm để tin cậy Lời Chúa và Thánh Linh. Nếu bạn không phải là người giảng chính của Hội thánh, hãy tìm cơ hội để giảng dạy tại những nơi nhóm lại hàng tuần như nhóm thanh niên, lớp cho người trưởng thành hay các nhóm buổi tối.
Trong mục vụ giảng đạo, hãy nhìn xa trông rộng. Đừng đắm chìm trong tuyệt vọng vì bạn vừa mới ho ra một, hoặc hai, hoặc năm bài giảng lúng búng như gà mắc tóc. Hãy hạ mình, trang bị lại và thử lại lần nữa.
Tất cả những thầy truyền đạo trẻ (và những nhà giảng đạo lão làng) nên dán 1 Ti-mô-thê 4:13-15 lên tường nhà: “Con hãy chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh trong các buổi nhóm, việc khuyên bảo và dạy dỗ cho đến khi ta đến. … Hãy thực hành và chú tâm vào những việc nầy, để mọi người thấy sự tiến bộ của con.”
Bạn nắm được ý cuối chứ? Chúa đang kêu gọi chúng ta – những người giảng đạo thể hiện cho hội chúng thấy sự tiến bộ, chứ không phải sự hoàn hảo. Tất nhiên là tôi chưa thành thạo việc giảng đạo, cho dù là trong bất kỳ trường nghĩa nào của từ “thành thạo”. Nhưng bởi ân điển Chúa, suốt 15 năm qua, tôi đã thể hiện được sự tiến bộ của mình trong việc đọc và giảng dạy Kinh Thánh trước hội chúng. Và bởi ân điển của Ngài, bạn cũng có thể làm được điều đó!
Jeramie Rinne, tác giả bài viết là một mục sư trưởng của Hội thánh Evangelical Community tại Abu Dhabi tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/article/7-tips-for-my-younger-preacher-self/
[1] Tên một dòng tu trong phim Chiến tranh giữa các vì sao gồm những nhà thông thái; giáo viên, triết gia, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nhà ngoại giao và chiến binh.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!