Bàn Về Mô Hình Quản Trị Hội Thánh
Giangluankinhthanh.net – Quản trị hội thánh (đôi khi còn gọi là thể chế hội thánh) là một nhánh của hội thánh học (nghiên cứu về hội thánh) đề cập đến cơ cấu tổ chức và hệ thống phẩm trật của hội thánh. Về cơ bản, có ba loại tổ chức hội thánh đã được phát triển trong nhiều hệ phái Cơ Đốc: thể chế giám mục, thể chế trưởng lão và thể chế giáo đoàn (hội chúng). Câu hỏi đặt ra là Kinh thánh có mô tả tổ chức hội thánh nào không?
Các trích dẫn đáng lưu ý
“Dường như trong thời đại sứ đồ không có một khuôn mẫu tiêu chuẩn nào của tổ chức hội thánh, và dường như cơ cấu tổ chức của hội thánh không phải là một yếu tố thiết yếu trong thần học hội thánh” – George Eldon Ladd
“Tân Ước không ám chỉ rằng hội thánh cần – thậm chí là muốn hay cho phép – bất kỳ sự lãnh đạo địa phương nào ngoài sự lãnh đạo của nhóm trưởng lão” – J. Alec Motyer
Thể chế giám mục (Episcopal)
Giáo thể giám mục đã trở thành giáo thể của hội thánh Công giáo suốt từ thời Giám mục Ignatius thành Antioch đến thời Cải chánh. Những người ủng giáo thể giám mục lập luận: chỉ riêng thực tế là thể chế này không hề gây tranh cãi cho đến thời Cải chánh đã xác nhận tuyên bố về tính sứ đồ của nó, tuy rằng không phải mọi nhà biện giáo theo thể chế giám mục đương thời đều lập luận dựa trên lịch sử thay vì dựa trên Kinh thánh. Một ví dụ nổi bật là Ray Sutton, Phó Giám mục Giáo phận Trung Kỳ (Diocese of Mid-America) của Giáo hội Tân giáo (Reformed Episcopal Church); ông đã viết một tác phẩm lập luận rằng hệ thống giám mục là đúng Kinh thánh.
Thể chế trưởng lão (Presbyterian)
Thường thấy tại các hội thánh Trưởng lão và Cải chánh, hình thái tổ chức hội thánh này thường được mô tả là “do trưởng lão quản trị”.
Thông thường, thẩm quyền ban đầu, tức thẩm quyền mà hội thánh tin rằng Đấng Christ đã trao phó, được cho là thuộc về cấp trưởng lão địa phương trong mô hình giáo thể này. Vì vậy, thẩm quyền “cao nhất” (sau Đấng Christ) trong một hội thánh trưởng lão hoặc cải chánh được cho là thuộc về các Trưởng lão của hội thánh. Các trưởng lão đó thường được hội chúng bầu ra theo nhiệm kỳ (một nhiệm kỳ thường kéo dài 3 năm). Đôi khi, các trưởng lão được bầu bằng cách bốc thăm.
Những người được bầu vào chức vụ phục vụ trong nhiệm kỳ ở vai trò lãnh đạo thuộc linh/thần học/đạo đức/khải tượng của hội chúng. Họ cũng tham gia vào cơ quan quản trị các hội thánh theo khu vực (đôi khi được gọi là một “giáo phận” – classis) bằng việc thường xuyên gửi các đại biểu đến một buổi họp giáo phận. Mức độ quản trị giáo phận trong mô hình trưởng lão không phải là một thẩm quyền cao hơn mà được coi như thẩm quyền “đại diện”, chỉ có quyền khi được sự ưng thuận của các Trưởng lão ở cấp địa phương.
Tương tự, Giáo phận sẽ gửi một số đại biểu được chọn đến một cơ quan có thẩm quyền rộng hơn, đôi khi được gọi là Đại Hội Đồng (Synod). Đại Hội Đồng sẽ thường xuyên họp lại (chẳng hạn như hằng năm) để thảo luận những vấn đề thần học và thực hành chính mà toàn hệ phái đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cả Đại Hội Đồng cũng không có thẩm quyền “cao hơn”, thẩm quyền “đại diện” của nó chỉ ở chừng mực được các giáo phận và Trưởng lão địa phương chấp thuận.
Trong cơ cấu này, cũng cần chú ý rằng về cơ bản, “Quý Mục sư” hay “Người Phục vụ Lời Chúa và Thánh lễ”, tức Mục sư, được coi là một trong những Trưởng lão có vai trò chuyên biệt. Trong mô hình quản trị này, Mục sư không có thẩm quyền đặc biệt trên thẩm quyền của Trưởng lão, trừ khi trong chừng mực mà – với vai trò và những gì họ được đào tạo – họ được nhìn nhận là “chuyên gia” về đời sống thuộc linh và thần học của hội chúng địa phương.
Thể chế giáo đoàn (Congregational)
Thể chế giáo đoàn lấy tên từ việc tách biệt các hội chúng địa phương khỏi thẩm quyền và sự kiểm soát của các cơ quan tôn giáo khác. Paige Patterson đã tóm tắt thể chế giáo đoàn như sau:
“Từ điển Oxford về Hội thánh Cơ Đốc định nghĩa “thể chế giáo đoàn” là “dạng thức giáo thể hội thánh phụ thuộc vào sự độc lập và tự chủ của mỗi hội thánh địa phương”. Theo nguồn này, các nguyên tắc dân chủ trong tổ chức hội thánh phụ thuộc vào niềm tin rằng Đấng Christ là đầu duy nhất của hội thánh, các thành viên đều là thầy tế lễ trước Chúa, và từng đơn vị này được coi là một điểm nổi bật và đại diện của hội thánh phổ thông.” (Sách Ai Điều hành Hội thánh?: Bốn Quan Điểm về Tổ chức Hội thánh, Steven B. Cowan, tổng biên tập, tr. 135, NXB Zondervan, 2004)
Các hội thánh tổ chức theo giáo thể chế giáo đoàn có thể tham gia vào các hội nghị, giáo phận hoặc liên hiệp cho phép họ chia sẻ niềm tin chung, hợp tác thực hiện các mục vụ và điều chỉnh hàng giáo phẩm với những hội chúng khác. Các hội thánh tổ chức theo thể chế giáo đoàn thường không chấp nhận thẩm quyền của các hội đồng hoặc nghi thức liên quan đến các đại biểu hoặc đại diện từ bên ngoài, không thuộc hội chúng địa phương. Tuy nhiên, thể chế giáo đoàn không cản trở đội ngũ lãnh đạo của hội chúng địa phương thông qua quyết định hoặc chấp nhận chức vụ của một hội chúng, hội đồng hoặc sự nhóm họp khác.
Chỉ một trưởng lão/mục sư lãnh đạo
Trong một hội thánh theo thể chế giáo đoàn do chỉ một trưởng lão/mục sư lãnh đạo, quyền lãnh đạo chính trong mọi quyết định và quyết nghị về giáo lý được trao cho một người lãnh đạo duy nhất (sách Ai Điều hành Hội thánh?, tr.150-152) Thông thường, ngoài công tác lãnh đạo hành chính, người lãnh đạo này cũng thực hiện công việc của một mục sư trưởng cũng như mục vụ giảng dạy cho hội thánh. Thông thường, một hội chúng dưới quyền lãnh đạo của một trưởng lão/mục sư là do chính lãnh đạo đó hoặc một lãnh đạo đi trước bổ nhiệm lãnh đạo hiện tại lập nên.
Paige Patterson lập luận rằng, tuy rõ ràng là có bằng chứng Kinh thánh để ủng hộ trạng thái nhiều trưởng lão nhưng có một số yếu tố ủng hộ việc một trưởng lão chính lên làm người lãnh đạo duy nhất của hội thánh. Các yếu tố đó bao gồm 1) khuôn mẫu chung trong Cựu và Tân Ước (ví dụ như Môi-se, các quan xét, Phi-e-rơ, Gia-cơ em Chúa Giê-su); 2) khuôn mẫu của hội thánh thời đầu (ví dụ như John Chrysostom thành Antioch và Thánh Sophia tại Constantinople, Augustine tại Hippo, Jonathan Edwards tại Nothampton); 3) ảnh hưởng của nhà hội trên hội thánh, bao gồm cả việc hội thánh du nhập khái niệm “chủ tịch nhà hội” dưới dạng “mục sư/trưởng lão/người giám sát”; và 4) tâm lý về sự lãnh đạo của con người (sách Ai Điều hành Hội thánh?, tr.150-52)
Đáp lại Patterson, L. Roy Taylor làm dấy lên lo ngại về trách nhiệm giải trình của giáo thể này. Taylor, khi viết với tư cách là người đề xướng giáo thể trưởng lão, nhận định: “Theo tôi đánh giá thì một số người thông thạo và kiên quyết sẽ dễ dàng thao túng một hội nghị (thể chế hội chúng) hơn là một cơ quan có quyền thảo luận.” (Ai Điều hành Hội thánh?, tr. 164) Trong vai trò một người khởi xướng thể chế hội chúng nhiều trưởng lão, Samuel E. Waldron chỉ ra rằng giáo thể hội thánh chỉ có một trưởng lão chính là mô hình dẫn đến chức giám mục trong hội thánh thời đầu. (Ai Điều hành Hội thánh?, tr.177-78).
Luận điểm của Patterson nói đến các thực hành phổ biến của các hội thánh Báp-tít tại Hoa Kỳ chứ không nói đến cơ cấu thể chế giáo đoàn một trưởng lão phổ biến trong Ngũ tuần, Ân tứ và các hội chúng từ những truyền thống khác. Mặc dù kinh nghiệm thực tế đã điều chỉnh những biểu hiện quá cực đoan nhưng thể chế hội chúng một trưởng lão trong một số truyền thống này đã tập trung quyền lực đến độ chuyên quyền.
Những lo ngại liên quan đến các hình thức quá cực đoan của thể chế hội chúng một trưởng lão đã gia tăng trách nhiệm giải trình giữa vòng các hội chúng Ngũ tuần, chẳng hạn như các hội chúng liên kết với hệ phái Hội Chúng Đức Chúa Trời (the Assemblies of God). Ngoài ra, những hậu quả thường xảy ra do thẩm quyền không phải giải trình – từ sử dụng tài chính hội thánh không thích đáng cho đến thảm kịch ở Jonestown (một thị trấn tại Hoa kỳ, nơi một giáo phái đã ép hơn 900 thành viên tự sát tập thể – ND), thường được những người phản đối thể chế này dựa vào để ủng hộ việc tăng trách nhiệm giải trình.
Thể chế này thường thấy ở một số hội thánh Báp-tít và Giáo Đoàn.
Thể chế giáo đoàn dân chủ
Trong một hội thánh theo thể chế giáo đoàn lãnh đạo bởi một ủy ban hoặc hội đồng lãnh đạo được bầu theo hình thức dân chủ, thẩm quyền cuối cùng đối với mọi quyết định và quyết nghị về giáo lý được trao cho nhiều lãnh đạo đại diện mà hội chúng chọn ra. Chức danh của cá nhân các lãnh đạo và cơ cấu của ủy ban hoặc hội đồng lãnh đạo tùy theo từng hội thánh.
Một cách sử dụng phổ biến của cơ cấu này liên quan đến việc bầu chọn các “trưởng lão” vào “hội đồng trưởng lão”. Các “trưởng lão” đưa ra các quyết định thuộc linh cho hội thánh theo ủy ban, còn cá nhân họ phục vụ trong vai trò tấm gương và người cố vấn cho những người còn lại trong hội chúng. Thường thì các “chấp sự” cũng được bầu để lãnh đạo các ủy ban, mục vụ hoặc các chức năng hành chính cụ thể. Thông thường, các “chấp sự” là cấp dưới quyền của các “trưởng lão”. Trong một số hội thánh theo thể chế hội chúng, các “chấp sự” phục vụ trong một “hội đồng” thống nhất với các trưởng lão có quyền biểu quyết ngang bằng.
Một cách sử dụng phổ biến của cơ cấu này nhìn nhận “mục sư” là một “trưởng lão” trong hội chúng, tham gia vào quá trình đưa ra quyết định với một “hội đồng chấp sự” gồm “mục sư” và các “chấp sự” cho hội chúng lựa chọn. “Mục sư” cũng thường phục vụ trong vai trò hằng ngày điều hành hội chúng thực hiện các quyết định của hội đồng lãnh đạo.
Lưu ý là thuật ngữ và chức danh khác nhau tùy theo hội thánh. Thể chế này thường thấy ở các hội thánh Báp-tít, hội thánh Hội chúng và hội thánh Lutheran.
Nhiều trưởng lão lãnh đạo
Trong một hội chúng do nhiều trưởng lão lãnh đạo, thẩm quyền cuối cùng đối với mọi quyết định và quyết nghị về giáo lý được trao cho nhiều trưởng lão hoạt động trong ủy ban. Cơ cấu này rất giống với phương thức “hội đồng trưởng lão” của cơ cấu giáo đoàn dân chủ, thường chỉ khác ở cách thức chọn các trưởng lão và/hoặc nhiệm kỳ phục vụ của từng trưởng lão. Ở một số hội chúng, các trưởng lão được bổ nhiệm và cho phép bởi một người hoặc một thực thể nào đó mà hội chúng tôn trọng. Ở một số hội chúng, các trưởng lão phục vụ cho tới khi họ từ chức, qua đời hoặc bị hội chúng hay các trưởng lão khác cách chức vì lý do đạo đức hoặc giáo lý. Cơ cấu này có thể dùng đến các “chấp sự” hoặc lãnh đạo khác dưới quyền các trưởng lão nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Thường thấy ở các hội thánh Tin lành Tự do (Evangelical Free) và một số hội thánh Báp-tít.
Khuôn mẫu theo Kinh thánh
Ba thể chế hội thánh nổi bật này đều viện đến Kinh thánh cũng như truyền thống hội thánh để chứng minh cho luận điểm tương ứng của họ. Vì Kinh thánh không phải là không nói đến chủ đề này nên có một số yếu tố then chốt trong các ví dụ Kinh thánh. Greg Bahnsen đã lưu ý những điều sau:
• Không có sự phân biệt giữa “trưởng lão” và “giám mục” (Tít 1:5-7; Công vụ 20: 17, 28); hai chức danh này mô tả cùng một chức vụ và cấp bậc.
• Mỗi hội chúng và trung tâm của sự lãnh đạo cần có nhiều trưởng lão (Công vụ 14:23; 20:17, Phi-líp 1:1) chứ không phải chỉ một người cai trị.
• Các trưởng lão này coi sóc hội thánh (Công vụ 20:28, 1 Phi-e-rơ 5:2-3); vì vậy, họ có trách nhiệm quản trị hội chúng (1 Ti-mô-thê 3:5; 5:17; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, Hê-bơ-rơ 13:7, 17, 24). Họ phân xử giữa anh em mình (1 Cô-rinh-tô 6:5) và, trái ngược với các thành viên, họ thực hiện việc khiển trách (1 Ti-mô-thê 5:20). Đấng Christ kêu gọi họ dùng “chìa khóa vương quốc thiên đàng” để buộc và mở (Ma-thi-ơ 16: 19; 18: 18; Giăng 20:23) – những chìa khóa này là việc rao giảng Tin lành (1 Giăng 1:3), làm các thánh lễ (Ma-thi-ơ 28:19-20; 1 Cô-rinh-tô 11:23 và các trang tiếp theo) và thực thi kỷ luật (Ma-thi-ơ 18:17, 1 Cô-rinh-tô 5:1-5).
• Các “chấp sự” quan tâm đến mục vụ thương xót sẽ giúp đỡ chức vụ của các trưởng lão (Phi-líp 1:1, Công vụ 6:1-6; so sánh với 1 Ti-mô-thê 3:8-13).
• Các viên chức (office-bearer) trong hội thánh được các thành viên trong hội chúng đề cử và bầu ra (VD Công vụ 6:5-6), nhưng cũng phải được hội đồng trưởng lão đương nhiệm xem xét, xác nhận và phong chức (Công vụ 6:6; 13: 1-3; 1 Ti-mô-thê 4: 14).
• Các thành viên trong hội thánh có quyền đưa các vấn đề tranh chấp trong hội chúng ra cho các trưởng lão giải quyết, và nếu có tranh chấp với các trưởng lão địa phương, họ có thể đưa ra hội đồng quản trị khu vực (hội đồng trưởng lão) hoặc cao hơn nữa là toàn bộ giáo hội nghị (Công vụ 15). Quyết định của các cơ quan quản trị rộng hơn có thẩm quyền trên mọi hội chúng địa phương (Công vụ 15:22-23, 28, 30; 16:1-5).
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.theopedia.com/church-government, truy cập ngày 01/06/2021
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!