Vắc-Xin Và Thế Giới Quan Cơ Đốc: Bảy Nguyên tắc Tư duy Trong Bối Cảnh COVID-19
Giảng Luận Kinh Thánh – Việc tiêm vắc-xin, bao gồm vắc-xin phòng chống virus Covid-19, có vi phạm các nguyên tắc đức tin hoặc đạo đức hay không là câu hỏi gây tranh luận. Nhằm thêm thông tin cho vấn đề khá phức tạp này, xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ R. Albert Mohler Jr., chủ tịch Viện Thần học Báp-tít Nam Phương (The Southern Baptist Theological Seminary). Tiến sĩ Mohler là tiếng nói Cơ đốc uy tín, đặc biệt trong các vấn đề xã hội đương đại.
Với bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào, chúng ta thường phải so sánh phương pháp điều trị này với phương pháp điều trị kia; cách phẫu thuật này với liệu pháp kia. Không điều gì trong thế giới sa ngã này là dễ dàng cả. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải làm điều gì có vẻ đúng đắn nhất, an toàn nhất và tốt nhất.
Những người Mỹ thuộc thế hệ tôi vẫn còn nhớ cảnh tượng diệu kỳ khi con người lần đầu đặt chân trên mặt trăng. Năm 1969, Hoa Kỳ kỷ niệm một trong những thành tựu công nghệ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Sứ mệnh Apollo 11 đã đưa con người vào không gian, đặt anh ta trên mặt trăng và đưa anh ta trở lại an toàn. Chưa đầy một thập kỷ trước thời điểm lịch sử đó – tháng 7 năm 1969, Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố rằng phải đặt lên mặt trăng làm mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, tuyên bố là một chuyện, còn thực hiện lại là một chuyện hoàn toàn khác — và Hoa Kỳ đã làm được điều đó. Thành tựu ấy vẫn rất đáng kinh ngạc.
So sánh điều đó với những diễn biến gần đây trong vài tháng qua: Chỉ vài tháng sau khi thế giới phát hiện ra vi-rút COVID-19 và đưa nó vào vốn từ vựng của chúng ta, một loại vắc-xin đã được phát triển thành công. Cuối năm 2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Pfizer chống lại vi-rút corona.
Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y học. Về mặt công nghệ, nó gợi nhớ đến sứ mệnh lên mặt trăng của Apollo.
Việc phát triển loại vắc-xin này được thực hiện dưới sự bảo trợ của Chiến dịch Warp Speed. Thông thường, chúng ta phải mất nhiều năm mới có thể phát triển một loại vắc-xin thành công, có loại còn không phát triển được. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học và y tế đã phá vỡ điều đó. Vắc-xin Pfizer đã được hoàn tất trong thời gian ngắn kỷ lục; không những thế, một loại vắc-xin khác do Moderna sản xuất đã được trình FDA để nhận giấy phép khẩn cấp giống như Pfizer. Các mũi tiêm tại cánh tay đã được thực hiện ngay sau đó.
Đây là bước đầu để chấm dứt đại dịch COVID-19 và chúng ta đã làm được điều này trong khoảng thời gian ngắn chưa từng có, đồng thời đạt kết quả rõ ràng.
Nhưng Cơ Đốc nhân nên nghĩ gì về vắc-xin và công dụng của chúng? Chúng đặt ra những câu hỏi đạo đức và thần học nào? Vắc-xin COVID-19 có gợi ra những câu hỏi độc đáo nào về đạo đức không? Thế giới quan Cơ Đốc có gì để nói về toàn bộ những câu hỏi đó?
Để tôi đưa ra bảy điểm để các bạn cân nhắc.
Một, Cơ Đốc nhân không tin vào chủ trương không can thiệp y tế. Thay vào đó, chúng ta tin vào tính hợp pháp về mặt đạo đức của việc điều trị y tế. Thế giới quan Cơ đốc cho rằng trị bệnh là chính đáng — và chúng ta làm vậy như một sự nới rộng giáo lý về sự sáng tạo và quyền thống trị mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại theo sự bày tỏ trong chương mở đầu Sáng thế ký. Chống lại bệnh tật và vi-rút là một phần nhiệm vụ của chúng ta. Một số người có thể nói rằng “Tôi tin vào sự tể trị của Đức Chúa Trời, và nếu Đức Chúa Trời muốn tôi nhiễm vi-rút này thì Ngài sẽ truyền vi-rút cho tôi. Tôi không cần can thiệp y tế vì tôi tin tưởng Chúa. ” Tuy nhiên, loại logic đó, nếu nếu xét kỹ về mặt logic, là không thể chấp nhận được — nếu vậy thì chẳng phải chúng ta sẽ không điều trị bất kỳ bệnh tật, ung thư hoặc thương tích nào sao? Điều trị y tế là phần nới rộng của ân điển phổ quát của Đức Chúa Trời và Cơ Đốc nhân luôn hiểu điều này. Đó là lý do tại sao, trong suốt lịch sử, nơi nào có Cơ đốc nhân là nơi đó có bệnh viện và nhà thờ để chữa cho người bệnh.
Vì vậy, Cơ Đốc nhân thực hiện các biện pháp phòng bệnh hoặc tránh nhiễm vi-rút không có gì là sai trái. Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 không có gì là sai trái cả.
Tất nhiên là có những tiền lệ trong lịch sử tin lành Hoa Kỳ. Chẳng hạn như Jonathan Edwards qua đời vào ngày 27/03/1758 do tiêm chủng sai cách. Điểm quan trọng nhất là Edwards đã chịu tiêm, từ đó thể hiện tính hợp pháp của việc tiêm chủng, dựa trên khẳng định của thế giới quan Cơ Đốc rằng khoa học và thuốc men là có trật tự và dễ hiểu, vì Đấng Tạo hóa đã tạo dựng thế giới theo cách này.
Thật mừng là từ năm 1758 đến nay, chúng ta đã tiến xa trong khoa học y tế, nhưng điểm cốt yếu vẫn vậy: Cơ Đốc nhân coi phòng bệnh và trị bệnh là một mạng lệnh theo Kinh thánh.
Hai, chúng ta phải cân nhắc đến nguồn gốc của vắc-xin đó – công nghệ nào liên quan đến phát triển một loại vắc-xin? Đối với nhiều loại vắc-xin và trong quá trình điều trị y tế, nhiều tiến bộ đến từ các dòng tế bào (cell line) có vấn đề về mặt đạo đức. Tất nhiên, điều này liên quan đến vấn đề phá thai, vấn đề tế bào con người cũng như lấy mô mà không có sự đồng ý.
Hầu hết các loại vắc-xin ngừa COVID-19 chính đều dùng đến dòng tế bào của thai nhi gọi là HEK-293. Những tế bào ban đầu của dòng đó được lấy từ các mô có nguồn gốc từ một vụ phá thai ở Hà Lan vào những năm 1960. Dòng tế bào này được phát triển vào khoảng năm 1972. Có cả dòng HeLa từ năm 1951. Những tế bào này được lấy từ một người Mỹ gốc Phi bị ung thư giai đoạn cuối, Henrietta Lacks. Các tế bào được lấy từ cơ thể của bà trong điều kiện bà không hay biết hoặc không đồng ý. Cho nên việc sử dụng các tế bào từ dòng đó trở thành một vấn đề phức tạp trong đạo đức y học.
Vậy Cơ Đốc Nhân phải nghĩ như thế nào về tất cả những điều này? Trước hết, chúng ta phải kịch liệt lên án việc sử dụng bất kỳ tế bào nào từ những em bé bị nạo phá. Đó là một vấn đề mà Cơ Đốc nhân không thỏa hiệp khi xét đến các tiến bộ và điều trị y học. Tuy nhiên, cũng có những phức tạp nhất định khi Cơ Đốc nhân suy nghĩ về những câu hỏi đạo đức đặc biệt nghiêm túc này.
Cụ thể, đối với vắc-xin COVID-19, Cơ Đốc nhân cần hiểu rằng trong các bước sản xuất những vắc-xin này, không có bước nào liên quan trực tiếp đến việc nạo phá bất kỳ em bé nào. Vấn đề này mang tính tương đối. Càng xét đến lịch sử, bạn càng khó vạch một ranh giới rõ ràng về trách nhiệm trong các sự kiện quan trọng về mặt đạo đức. Tuy vậy, tin vui về các loại vắc-xin COVID-19 là dù những tế bào này (nhất là từ HEK-293) được dùng để tạo hình dạng cơ bản cho vắc-xin nhưng người ta không dùng mô bào thai nào cả.
Tuy nhiên, cấu trúc của vắc-xin lại phụ thuộc vào dòng tế bào của HEK-293, bắt nguồn từ một bào thai bị nạo phá. Đó là bi kịch của lịch sử. Người ta đã phạm phải một sai lầm kinh khủng, nhưng như vậy không có nghĩa là tổn hại đó không thể đem lại điều gì tốt lành, ngay cả khi điều tốt lành ấy bị vấy bẩn bởi thực tại của một thế giới tội lỗi. Với Cơ Đốc nhân, tư tưởng này được thể hiện trong giáo lý song hiệu (double effect). Một số hành động có hơn một kết quả. Cơ Đốc nhân phải hướng đến đức hạnh và điều tốt đẹp. Ý định đằng sau một hành động không phải là để gây tổn hại, làm điều ác, hay gây ra kết quả đạo đức trái với ý muốn Chúa. Chúng ta không bao giờ được đồng lõa với ý định phạm tội, và chắc chắn điều này áp dụng với mọi chiều hướng nạo phá thai. Nhưng Cơ Đốc nhân cũng nhìn nhận rằng song hiệu có thể xảy ra, vì mọi hành động đạo đức có thể dẫn đến những hậu quả tuy không cố ý, nhưng không tránh được. Nếu vắc-xin này đòi hỏi việc nạo phá dù chỉ một bào thai, hoặc những vật chất bắt nguồn từ việc nạo phá thai được đưa vào vắc-xin này, thì Cơ Đốc nhân hoàn toàn có thể phẫn nộ. Nhưng không, các Cơ Đốc nhân phản đối nạo phá thai vẫn có thể tiêm vắc-xin này.
Nguyên tắc đạo đức thứ ba, Cơ Đốc nhân phải xem xét các vấn đề liên quan đến hiệu quả và tính an toàn của vắc-xin. Tại thời điểm hiện tại, cộng đồng y tế rất tin tưởng vào vắc-xin này. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm không chỉ yêu cầu chứng minh mức độ an toàn mà còn phải chứng minh mức độ hiệu quả của vắc-xin này. Tất nhiên, một số người, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng nhất định, có thể phải cân nhắc kỹ xem họ có nên dùng bất kỳ loại vắc xin nào hay không. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, vắc xin này vừa an toàn, vừa hiệu quả. Đây chắc chắn không phải là một câu hỏi đóng — liên quan đến điều trị y tế, có rất ít câu hỏi đóng. Với bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào, chúng ta thường phải so sánh phương pháp điều trị này với phương pháp điều trị kia; cách phẫu thuật này với liệu pháp kia. Không điều gì trong thế giới sa ngã này là dễ dàng cả. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải làm điều gì có vẻ đúng đắn nhất, an toàn nhất và tốt nhất.
Vấn đề thứ tư là cơ quan quản lý có bắt buộc tiêm vắc-xin hay không và Cơ Đốc nhân sẽ phải tìm hiểu các chính sách của nhà nước về điều này.
Nguyên tắc thứ năm trong việc Cơ Đốc nhân cân nhắc tiêm vắc-xin có liên quan đến lợi ích chung – vấn đề yêu người lân cận. Một số người có thể tự đặt ra định nghĩa cho mình trong việc tiêm vắc-xin. Người đó có thể nói rằng: “Nếu có vắc-xin, ai muốn thì cứ tiêm thôi. Tôi sẽ không tiêm vì tôi chẳng làm hại đến ai, tôi sẽ tự chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân.”
Vấn đề của phương trình đạo đức này là ở chỗ, có những bên thứ ba – những người không thể tiêm vắc-xin hoặc không được tiếp cận với nó nhưng lại bị lây từ những người không chịu tiêm vắc-xin.
Luận điểm về lợi ích chung là một luận điểm mạnh trong truyền thống Cơ Đốc. Thực chất thì đó là điều răn lớn thứ hai mà Chúa Giê-su Christ liệt kê: yêu người lân cận như chính mình. Nguyên tắc tổng quát của lợi ích chung có thể hiểu đơn giản là sự rộng lượng, tình yêu thương, sự quan tâm đến người khác, hạ thấp những ưu tiên cá nhân để phục vụ người khác. Khi nghĩ đến vấn đề vắc-xin, Cơ Đốc nhân phải cân nhắc nguyên tắc then chốt theo Kinh thánh này như một phần trong tư duy của họ.
Nguyên tắc thứ sáu gắn liền với tính toàn vẹn của gia đình và thẩm quyền của cha mẹ trên con cái. Tất nhiên là có những trường hợp chính phủ phải can thiệp vào quyết định của cha mẹ, đặc biệt là trong những tình huống nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ. Không có thời gian để chờ sự đồng thuận của cha mẹ khi đứa trẻ cần truyền máu hoặc trong tình huống khẩn cấp. Có những tình huống mà chính phủ cần can thiệp, nhưng đó phải là những tình huống cần kíp và hiếm gặp.
Cơ Đốc nhân sống lý trí và các bậc cha mẹ Cơ Đốc sẽ có quan điểm khác nhau về việc tiêm vắc-xin, nhưng cá nhân tôi, tôi sẽ tiêm vắc-xin này ngay khi nó dành cho tôi. Tôi sẽ tiêm nó không chỉ để bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà của cả những người khác nữa. Tôi sẽ cố gắng khích lệ những người khác tiêm vắc xin. Tuy nhiên, khích lệ rất khác với cưỡng ép.
Nguyên tắc đạo đức thứ bảy, cũng là nguyên tắc cuối cùng, liên quan đến mức độ tiếp cận và thứ tự ưu tiên – đây có lẽ là nguyên tắc dễ hiểu nhất. Những người có nguy cơ rủi ro cao khi đang phục vụ trên tuyến đầu của đại dịch phải là những người đầu tiên được tiêm vắc-xin.
Đây rõ ràng là một thời điểm mang tính lịch sử và có vai trò quyết định. Đại dịch này đã phá hoại biết bao điều, và tôi cầu nguyện rằng chúng ta đang ở trong những tháng cuối cùng của sự lây lan chết người này. Tạo ra được vắc-xin trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là điều đáng mừng. Và khi Cơ Đốc nhân bắt đầu quyết định xem có nên tiêm vắc xin hay không, chúng ta cần hiểu những yếu tố phức tạp nhưng nghiêm túc về mặt đạo đức liên quan đến nó. Chúng ta cần tư duy theo Kinh thánh về vấn đề sống còn này.
Đó là trách nhiệm đầu tiên và căn bản của chúng ta.
Tiến sĩ R. Albert Mohler Jr., tác giả bài viết là chủ tịch Viện Thần học Báp-tít Nam Phương (The Southern Baptist Theological Seminary) – ngôi trường hàng đầu của Giáo hội Báp-tít Nam Phương, cũng là một trong những chủng viện lớn nhất trên thế giới. Tiến sĩ Mohler đã được những ấn phẩm có tầm ảnh hưởng như Time và Christianity Today công nhận là một lãnh đạo giữa vòng cộng đồng Tin lành Hoa Kỳ. Thực chất, Time.com gọi ông là “trí thức có tầm ảnh hưởng trong phong trào Tin lành tại Hoa Kỳ.”
– Lược dịch: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://albertmohler.com/2020/12/14/vaccines-and-the-christian-worldview-principles-for-christian-thinking-in-the-context-of-covid, truy cập ngày 19/05/2021.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!