Các Minh Họa Của Bạn Có Mới Mẻ Không?
Giangluankinhthanh.net – Dùng minh họa trong bài giảng giúp chúng ta dễ chạm đến tấm lòng người nghe hơn. Nhưng nếu dùng minh họa quá nhiều hoặc quá ít, quá ngắn hoặc quá dài thì cũng lại phản tác dụng! Bài viết dưới đây giúp bạn minh họa sao cho vừa đủ, hiệu quả và có chủ đích hơn.
Người ta nói rất nhiều về tầm quan trọng của việc sử dụng minh họa trong giảng dạy Kinh Thánh. Trong đó có một số quan điểm đúng. Hy vọng danh sách dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc chuẩn bị sứ điệp chia sẻ tiếp theo:
1. Mọi người cần thấy được điều bạn đang nói. Có nghĩa là bạn cần mô phỏng sứ điệp bằng hình ảnh, chứ không chỉ là một khái niệm.
2. Trong phân đoạn bạn đang giảng có sẵn hình ảnh nào không? Các sách thơ ca, sách khôn ngoan hay tiên tri đều chứa đựng những hình ảnh trực quan. Lối viết tường thuật cũng có hình ảnh. Các sách thư tín có thể sử dụng ít hình ảnh hơn, nhưng hãy xem xét ngữ cảnh và ghi nhớ bối cảnh sự việc (đó chính là một sự tường thuật).
3. Trước khi vội vàng thêm các minh họa khác, hãy nghĩ xem bạn có thể mô tả nội dung trong phân đoạn đó một cách hiệu quả hơn không?
4. Đừng chỉ cốt sao có nhiều minh họa. Hãy có chủ đích hơn. Chỉ thêm minh họa khi cần. Chỉ thêm bằng chứng khi cần. Hãy nhớ rằng “minh họa” cũng có thể rất lan man và không có mục đích rõ ràng. Tốt hơn là nên bổ sung điều thật sự cần vào thời điểm cần trong sứ điệp một cách có chủ đích.
5. Bạn có đang lạm dụng tư liệu nhằm thu hút sự chú ý của người nghe? Hãy bình tĩnh lại, bạn đang nói gì vậy? Lời Kinh Thánh nhàm chán ư? Hay bạn thấy mình tẻ nhạt? Lý do có thể là ở bạn, chứ không phải ở Lời Chúa. Hãy xét xem liệu bạn đang bổ sung thêm thông tin để nhấn mạnh tính thiết thực của phân đoạn đó hay bạn chỉ đang chứng minh cho giả thiết rằng phân đoạn đó không thiết thực? Nếu bạn không tin rằng phân đoạn đó cực kỳ thiết thực thì xin hãy dành thêm thời gian trong sự cầu nguyện và nghiên cứu cá nhân, đừng tìm thêm tư liệu minh họa nữa.
6. Nên giải thích để làm rõ phần bạn trình bày về phân đoạn. Dẫn chứng để khiến bài giảng của bạn thêm phần thuyết phục. Đưa các cách áp dụng để phần giải thích trở nên thiết thực hơn. Điều bạn bổ sung vào bài giảng có khiến người nghe mất tập trung vào đoạn Kinh Thánh hay vào Đức Chúa Trời, là Đấng được bày tỏ trong đoạn đó không? Nếu có, hãy suy nghĩ kỹ lại.
7. Nên trình bày tư liệu bổ sung đó trong bao lâu? Đôi khi chúng ta có thể bị cuốn vào “minh họa” đến nỗi khó mà ra khỏi. Điều này thật không may và nó có nghĩa là trọng tâm của bài giảng bị mất cân bằng. Đôi khi, chúng ta ưa sử dụng tư liệu bổ sung nhưng không dành thời gian đủ lâu để làm rõ nội dung cần thiết. Điều này thật không may bởi những thông tin đó sẽ trở thành “tai họa” gây phân tâm chứ không phải “minh họa”. Thực ra, nếu chúng ta sa đà quá hay vắn tắt quá cũng đều khiến phân tán sự chú ý của khán giả và làm mất thời gian.
8. Tư liệu bổ sung của bạn thiết thực đến đâu? Nếu bạn đưa người nghe đến một địa hạt hoàn toàn mới (ví dụ như cuộc nội chiến hay nước Nhật thời phong kiến), thì bạn phải phác họa ra một bức tranh hoàn toàn mới với rất nhiều chi tiết. Như vậy có đáng không? Thay vào đó, hãy thêm những tư liệu thiết thực với họ và tạo cảm giác chúng thân thuộc với phân đoạn đang giảng. (Cũng xin nói thêm rằng thay vì lấy các đoạn Kinh thánh khác để minh họa, hãy huấn luyện bản thân mình tin vào chính đoạn đó thì hơn!)
9. Hãy giảng sao cho ý chính của bài giảng được truyền tải một cách rõ ràng và chính xác, để người nghe gặp gỡ được Đức Chúa Trời và được giục lòng để đáp ứng lại với Ngài. Hãy “minh họa” khi cần thiết. Và nếu có minh họa, hãy đảm bảo rằng người nghe vẫn hướng đến Đức Chúa Trời và không bị phân tâm vì nhìn vào bản thân nhiều quá.
Bạn có muốn thêm điều gì vào danh sách trên không?
Tác giả bài viết, Tiến sĩ Peter Mead là giám đốc của Cor Deo, một chương trình huấn luyện mục vụ có trụ sở tại Chippenham, Anh Quốc và là một trong những mục sư của một hội thánh mới, Trinity Chippenham. Ông cũng lãnh đạo Mạng lưới Giáo viên Kinh thánh & Nhà Giảng đạo tại Diễn đàn Lãnh đạo châu Âu. Peter là một người ham học hỏi về việc giảng dạy theo Kinh thánh và rất thích trang bị cho dân sự nhận biết Lời Chúa để họ có thể tự động truyền đạt điều đó cho những người khác và tăng trưởng về mặt thuộc linh. Peter Mead tốt nghiệp Đại học miền Tây nước Anh vào những năm 1990, sau đó dành bốn năm tại Chủng viện Kinh thánh Multnomah để lấy bằng Thạc sĩ Thần học và Thạc sĩ Văn chương về Nghiên cứu Kinh thánh. Ông tiếp tục học và nhận bằng Tiến sĩ Mục vụ về tuyên đạo pháp tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell dưới sự hướng dẫn của chính nhà giảng đạo nổi tiếng Haddon Robinson.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!