5 kiểu minh họa bài giảng và cách áp dụng
Mặc dù một học sinh lớp 4 có thể học vẽ chỉ với một cây chổi vẽ, nhưng bất kỳ ai bắt đầu nghiêm túc học môn nghệ thuật này cũng biết rằng mình cần những cây cọ với bề rộng và kích cỡ khác nhau. Điều này cũng giống như việc người giảng đạo bắt đầu nghiêm túc sử dụng ví dụ minh họa. Một vài phần trong bài giảng cần những chiếc cọ dày như những câu chuyện, còn các phần khác chỉ cần một chiếc cọ mỏng như phép tương đồng.
Tôi từng không chú trọng đến việc sử dụng phương pháp minh họa trong các bài chia sẻ của mình vì tin rằng điều đó không thực sự cần thiết. Tôi cứ nghĩ rằng mục đích của việc sử dụng minh họa chỉ nhằm góp phần giải thích phân đoạn Kinh Thánh mà bạn đang giảng. Tôi thiết nghĩ chỉ cần giảng phân đoạn đó cho tốt là được, như vậy mình sẽ tránh vẽ ra những mối liên hệ hiện đại. Kết quả là bài giảng của tôi nặng về giải thích, ít tính ứng dụng và không hề có minh họa.
Quan điểm của tôi đã thay đổi 180 độ sau khi nghe những bài giảng của Bryan Chapell về việc giảng dạy lấy Đấng Christ làm trung tâm. Ông cho rằng việc dùng minh họa có thể giúp chạm đến tấm lòng hơn cả bởi chúng không chỉ giải thích mà còn thôi thúc người nghe.
Khi ấy trở nên rõ ràng rằng người giảng đạo phải kết nối cảm xúc với nhận thức để tạo ra hành động. Không có cảm xúc thì không có hành động! Như một huấn luyện viên gắng sức truyền cảm hứng cho các cầu thủ của đội bóng đang yếu thế hơn vào giờ giải lao ở phòng thay đồ, bạn cần làm điều đó cho các tín đồ đang ngồi trên các băng ghế hội thánh vào ngày Chủ Nhật.
Tôi không còn lý do gì để biện hộ cho việc từ chối dùng những chiếc cọ vẽ phát ra thanh âm để họa lên những bức tranh trong tâm trí người nghe nữa.
Sử dụng minh họa khác nhau cho các mục đích khác nhau
Một lý do khiến tôi phớt lờ việc sử dụng minh họa lâu đến vậy là vì tôi đã giới hạn định nghĩa về minh họa. Theo như tôi được biết, minh họa chỉ giới hạn ở những câu chuyện nêu lên quan điểm của bài giảng. Không lâu sau khi nỗ lực để cải thiện cách sử dụng minh họa của mình, tôi nhận ra rằng minh họa không phải “kiểu gì cũng hợp”.
Mặc dù một học sinh lớp 4 có thể học vẽ chỉ với một cây chổi vẽ, nhưng bất kỳ ai bắt đầu nghiêm túc học môn nghệ thuật này cũng biết rằng mình cần những cây cọ với bề rộng và kích cỡ khác nhau. Điều này cũng giống như việc người giảng đạo bắt đầu nghiêm túc sử dụng ví dụ minh họa. Một vài phần trong bài giảng cần những chiếc cọ dày như những câu chuyện, còn các phần khác chỉ cần một chiếc cọ mỏng như phép tương đồng.
Câu hỏi đặt ra là loại minh họa nào có hiệu quả nhất cho từng phần của bài giảng?
5 cách minh họa bài giảng hiệu quả
1. Câu chuyện:
Đây là cách mà hầu hết mọi người sẽ nghĩ tới khi nói đến việc minh họa cho bài giảng. Các ví dụ như kinh nghiệm cá nhân, những câu chuyện về lịch sử thế giới hay những sự kiện hiện tại.
Những câu chuyện ngắn sẽ rất hữu ích trong việc chuyển từ giải thích sang áp dụng phân đoạn Kinh Thánh. Bất kỳ điều gì dài hơn thế sẽ khiến khán giả quên mất điểm chính mà bạn muốn nhấn mạnh. Nhưng kết thúc bài giảng bằng những câu chuyện dài có thể sẽ mang lại hiệu quả cao, bởi khi đó bạn tổng kết lại những điểm chính mà bạn muốn hội thánh ghi nhớ.
Bất luận dài hay ngắn, những câu chuyện có thể đạt hiệu ứng tốt nhất khi vấn đề hay xung đột của câu chuyện gợi cho người nghe cảm thấy mình cần giải pháp mà phân đoạn Kinh Thánh đưa ra.
2. Gợi hình
Cách minh họa này dùng để giải thích một điều gì đó mang tính tượng hình hay ẩn dụ nhằm nêu ra ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh.
Ví dụ: Dạo gần đây tôi giảng dạy về Ê-phê-sô 5:15, Phao-lô nói: “Vậy, hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại dột, nhưng sống như người khôn ngoan.” Tôi kể câu chuyện về cậu con trai hai tuổi của mình khi nó chơi trốn tìm. Nó chạy với tốc độ tối đa, nhìn khắp mọi nơi trong phòng, trừ chính nơi mà nó đang chạy. Đó cũng chính là cách mà nhiều người trong chúng ta đang sống: sống một cách dại dột mà không để ý đến cách sống của mình.
Lần tới, nếu bạn chuẩn bị cho bài giảng, hãy liệt kê những cụm từ tượng hình ra và tìm cách khai triển nó theo lối gợi hình.
3. Phép tương đồng
Phép tương đồng nói chung sẽ nhấn mạnh đến các điểm so sánh, nhưng phép tương đồng hiệu quả nhất sẽ kết thúc đường đột để tạo ra một mối liên hệ đáng ngạc nhiên. Forrest Gump là bộ phim tiêu biểu cho cách minh họa này: “Cuộc đời giống như một hộp kẹo sô-cô-la, bạn không thể biết trước bạn sẽ nhận được những gì” (Dạng hộp sô-cô-la có nhân ngẫu nhiên – ND). Câu chốt bất ngờ sẽ khắc sâu trong tâm trí người nghe.
Lối minh họa này đặc biệt hiệu quả trong việc truyền tải những khía cạnh văn hóa của thời Kinh Thánh đã xa lạ với người đọc ngày nay. Tôi đã từng nghe David Helm nói: “Khi Đức Chúa Trời phán với Giô-suê rằng: ‘Hãy cởi giày khỏi chân ngươi’ là Ngài đang nói: ‘Đừng có làm bẩn tấm thảm của ta’.” Xin nhắc lại một lần nữa rằng chìa khóa chính là cần một câu chốt hấp dẫn.
4. Một loạt các ví dụ
Các ví dụ giúp minh họa những hoàn cảnh mà Hội thánh bạn có thể áp dụng từ bài giảng. Thay vì đưa ra các bước áp dụng (mọi người thường không nhớ được điều này), hãy đưa ra một loạt các ví dụ về cách một người có thể áp dụng sứ điệp vào các hoàn cảnh khác nhau. Hội Thánh bạn có thể tự tìm ra các bước nếu bạn chỉ cho họ biết sứ điệp của bạn mang đến sự thay đổi nào trong đời sống họ.
Mấu chốt là danh sách của bạn không được sáo rỗng, hời hợt hay quá hiển nhiên. Đừng nói: “Điều này áp dụng cho tính ham dục, tài chính và tính nóng vội”. Đó là những ví dụ, nhưng lại không mang tính minh họa. Thay vào đó, hãy nói: “Điều này áp dụng khi có một nữ đồng nghiệp rất quyến rũ bước vào phòng giải lao, hay khi cái máy tính của bạn không tính ra được số ngân sách bạn cần, hoặc khi các con của bạn đang lập kỷ lục ăn chậm nhất thế giới.”
5. Tách câu chuyện ra
Có một cách kết thúc bài giảng hiệu quả là kể một nửa câu chuyện vào lúc bắt đầu và kể nốt nửa còn lại vào phần cuối. Trong phần giới thiệu, hãy dừng câu chuyện lại trước khi vấn đề được sáng tỏ. Sau đó, hãy kết nối vấn đề chưa được giải quyết đến nhu cầu thuộc linh mà phân đoạn đó hướng đến.
Cách tiếp cận này sẽ khiến khán giả nghĩ rằng câu chuyện không có một kết thúc có hậu, buộc họ phải lắng nghe để biết kết cục của câu chuyện. Sau đó, trong phần kết, để gây ngạc nhiên, bạn hãy kể một kết thúc có hậu mà cả hội chúng không ngờ tới.
Lối dẫn dắt này có hiệu quả bởi vì nó có thể tạo ra một cái kết đầy thỏa mãn cho bài giảng. Ai trong chúng ta cũng đều mong câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu. Thậm chí, bạn có thể kể cho khán giả của mình, những người vẫn nghĩ rằng họ không thể thay đổi, một tấm gương về một ai đó đã chiến thắng một nan đề dường như không thể vượt qua nổi. Hy vọng rằng cách minh họa này sẽ góp phần thuyết phục họ rằng họ hoàn toàn có thể thay đổi với sự vùa giúp của Đức Chúa Trời.
Hãy đeo những công cụ vào thắt lưng
Việc phân loại các cách minh họa rất hữu ích bởi vì nó cung cấp cho bạn những công cụ nhất định cho những mục đích nhất định. Sẽ rất khó chịu nếu dùng búa để vặn đinh vít thay vì dùng tuốc-nơ-vít, mặc dù nếu bạn đập mạnh thì cũng được việc. Tương tự như vậy, sẽ rất khó chịu nếu dùng cả một câu chuyện dài lê thê để minh họa cho một câu Kinh Thánh chỉ cần dùng phép gợi hình hoặc phép tương đồng. Khi bạn vận dụng đúng kiểu minh họa thì bài giảng sẽ trở nên dễ hiểu và thú vị hơn.
Vậy nên, đừng chấp nhận rằng mình là một người giảng đạo không mấy chú trọng đến minh họa, hãy thử áp dụng các cách minh họa khác nhau. Bạn sẽ thấy việc minh họa có hiệu quả hơn so với bạn nghĩ.
Eric McKiddie, tác giả bài viết là mục sư của cộng đồng tin lành tại Hội thánh Chapel Hill Bible tại North Carolina, Hoa Kỳ. Ông là một trong những người viết cuốn Mục vụ giới trẻ lấy Tin lành làm trọng tâm – Hướng dẫn thực tế (Gospel-Centered Youth Ministry: A Practical Guide). Ông viết nhiều blog tại pastoralized.com, và bạn có thể theo dõi ông trên Twitter @ericmckiddie.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc.
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/article/5-types-of-sermon-illustrations-and-how-to-use-them/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!