CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG – BƯỚC 5: TÌM CÂU CHUYỆN LỚN (PHẦN 1)
Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh. (Lu-ca 24:27)
Mọi người thường hỏi tôi, “Bí quyết thành công của ông là gì?” Tôi luôn trả lời rằng tôi không có bí quyết nào khác ngoài điều này, rằng tôi đã rao giảng Tin Lành, — không phải giảng về Tin Lành, mà là giảng Tin Lành, — Tin Lành đầy đủ, miễn phí và vinh quang của Đấng Christ hằng sống, Đấng là hiện thân của Tin Lành. Hãy rao giảng Chúa Giê-su Christ, hỡi anh em, trong mọi lúc và khắp mọi nơi; và mỗi khi bạn rao giảng, hãy chắc chắn có nhiều Chúa Giê-su Christ trong bài giảng. Bạn có nhớ câu chuyện về một vị mục sư già nghe một thanh niên trẻ tuổi rao giảng, và khi được anh ta hỏi ông nghĩ gì về điều đó, ông không trả lời ngay, nhưng cuối cùng đã nói: “Nếu tôi phải nói với cậu, thì thật tình là tôi không thích bài giảng của cậu chút nào; không có Đấng Christ trong bài giảng của cậu.” “Đúng thế,” người thanh niên trả lời, “bởi vì tôi không thấy có Đấng Christ trong bản văn tôi đang rao giảng.” “Oh!” Vị mục sư già nói, “anh không biết rằng từ mỗi thị trấn, làng mạc và xóm nhỏ ở Anh quốc đều có một con đường dẫn đến thủ đô Luân Đôn? Khi nghiên cứu bất cứ bản văn nào, tôi cũng tự hỏi: “Từ đây hẳn phải có một con đường dẫn đến Chúa Giê-su Christ, và tôi có ý định đi theo con đường của Ngài cho đến khi tôi đến được với Ngài.” (Charles H. Spurgeon – The Soul Winner)
Mỗi phân đoạn là một phần trong câu chuyện lớn hơn của Kinh thánh và Công việc Cứu rỗi của Đấng Christ. Bài giảng của bạn kết nối với điều đó như thế nào?
Tại sao điều này lại quan trọng?
Nên làm thế này, phải làm thế kia là điều người giảng đạo rất hay đưa vào những bài giảng của mình. Đây là một trong những thói quen tệ hại nhất. Cách nhanh nhất để tạo ra những con người tôn giáo là chất lên họ một loạt các nhiệm vụ đạo đức – anh nên thế này, chị đừng thế kia. Điều mà dân sự cần mỗi ngày Chúa Nhật là thấy Chúa Giê-su được bày lộ qua các trang Kinh thánh. Chúng ta thật sự cần đưa dân sự đến với Chúa Giê-su vì Chúa Giê-su cứu người ta khỏi cảnh đạo đức giả về tôn giáo cũng như hoang đàng, hư mất về thuộc linh.
Tôi thích nghĩ rằng nhiệm vụ của mình vào ngày Chúa Nhật là giảng phân đoạn Kinh thánh để vén màn mọi điều về bổn tính Chúa, sau đó vén màn mọi điều về con người của tôi và của chúng ta. Sau đó, xét trên một khía cạnh, tôi sẽ lánh đi để người ta có thể tương tác với Chúa là Đấng đã bày tỏ chính Ngài cho chúng ta trong Đấng Christ.
Tất cả chúng ta đều cần thấy và nghe Chúa Giê-su được bày lộ mỗi tuần qua Lời Ngài để chúng ta có thể được biến đổi nhờ ân điển và quyền năng Ngài. Trọng tâm câu chuyện của Đức Chúa Trời, khoảnh khắc cao trào của lịch sử là việc Chúa Giê-su đến thế giới của chúng ta, sống đời sống mà chúng ta không tài nào làm được, chết sự chết mà lẽ ra chúng ta phải nếm trải, sống lại từ hầm mộ vốn dành cho chúng ta, và thăng thiên về trời – nơi Ngài cầu nguyện không ngơi nghỉ cho chúng ta để có thể cứu chúng ta cách trọn vẹn.
Có quá nhiều hy vọng và lời mời gọi chúng ta đến với đức tin trong sự học biết về Đấng Christ, và hy vọng của sự giảng luận là người ta sẽ thấy, biết và bước theo Chúa Giê-su bởi đức tin. Để họ thấy Chúa Giê-su là niềm hy vọng từ mỗi phân đoạn chúng ta giảng là một nhiệm vụ bất khả thi.
Vậy chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào? Nói thì dễ hơn làm, nhưng hãy xem một vài ý dưới đây.
Cảnh báo
Hãy cố gắng bắt đầu từ điều mà trước giả muốn người nghe của mình nghe được. Một sai lầm mà chúng ta dễ mắc phải là nhảy ngay vào Chúa Giê-su, bỏ qua ý nghĩa mà trước giả định cho phân đoạn đó. Điều này tạo ra dạng ngụ ý rất đáng ngờ và dạng “đao to búa lớn” rất thú vị về mặt chú giải.
Để người ta tin cuốn Kinh thánh trên tay họ, chúng ta phải xử lý sao cho đáng tin. Khi nói đến việc đưa họ đến với Chúa Giê-su, chúng ta không nói đến việc nhảy cóc, bỏ qua ý nghĩa của phân đoạn trong ngữ cảnh của chính nó, cũng không nhét Chúa Giê-su vào các phân đoạn một cách vô tội vạ. Nếu chúng ta làm như vậy thì người ta sẽ dần nghi ngờ sự giảng dạy của chúng ta, coi chúng ta là một người cố gắng nhồi nhét một động cơ gì đó vào các trang Kinh thánh, phớt lờ điều mà phân đoạn thực sự đang nói tới.
Chúng ta có thể đến với Chúa Giê-su, nhưng chúng ta cần phải đi từ ý định của trước giả tới câu chuyện lớn hơn của Kinh thánh. Chúng ta đến với Chúa Giê-su trong phân đoạn nhờ kết thúc với Chúa Giê-su chứ không phải bắt đầu từ Chúa Giê-su. Có nhiều phân đoạn liên hệ trực tiếp đến Chúa Giê-su như trong các sách Tin lành, nhưng nhiều phân đoạn khác không liên hệ trực tiếp đến Chúa Giê-su. Đó là những phân đoạn mà tôi nhắm tới trong bài viết này.
Bốn thanh ray dẫn hướng để tìm Câu Chuyện Lớn
Tôi tưởng tượng đến những vòng tròn đồng tâm. Chúng ta bắt đầu từ ý định của trước giả và dần tiến ra ngoài để đến với Chúa Giê-su chứ không phải là ngược lại. Bốn vòng tròn đồng tâm là:
Ý định của trước giả
Lịch sử cứu chuộc
Thần học hệ thống và thần học Kinh thánh
Bổn tính và công việc của Chúa Giê-su
Ý định của trước giả
Trong bước một, bạn khám phá xem phân đoạn có ý nghĩa gì với trước giả. Hãy chống lại xu hướng áp dụng ngay phân đoạn vào hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Thay vào đó, hãy để thông điệp tự lên tiếng. Trước giả đang truyền đạt điều gì cho người nghe vào thời điểm đó trong lịch sử? Những người nghe khi đó sẽ hiểu phân đoạn này như thế nào? Trước giả muốn nói điều gì đó và trong hầu hết các trường hợp, ông viết điều đó cho những người nghe cụ thể. Để giảng phân đoạn một cách toàn vẹn và đáng tin thì điều này là yếu tố quyết định. Đừng giảng các ý của bạn ở đây, hãy tìm ý của trước giả và giảng điều đó. Nhưng nếu chúng ta dừng tại đó thì có lẽ chúng ta không đến được với Chúa Giê-su. Vậy chúng ta cần làm gì khi thấy mình đã hiểu ý định mà trước giả muốn gắn cho phân đoạn đó?
Ví dụ, trong cuốn Giảng về Đấng Christ trong Cựu Ước (Preaching Christ in the Old Testament), Sidney Gredanius giúp chúng ta hình dung ra điều này với Sáng thế ký 22: Dâng Y-sác làm sinh tế. Phần đa các nhà giảng đạo sẽ vội vàng giảng rằng việc dâng Y-sác làm sinh tế là hình ảnh của Đấng Christ. Y-sác là người mang củi; người cha giơ con dao lên, v.v. Gredanius thúc giục chúng ta bắt đầu từ cách hiểu của trước giả/người nghe thời đó. Y-sơ-ra-ên là người nghe. Y-sơ-ra-ên sẽ không bao giờ coi Y-sác là Đấng Mê-si-a. Tại sao? Vì Y-sác chính là họ! Nếu Y-sác chết trong câu chuyện này thì sẽ không có Y-sác; trong câu chuyện này, dân tộc của họ mới chỉ là Y-sác thôi. Nghĩa là để đi từ Sáng thế ký 22 đến Chúa Giê-su, chúng ta không thể đi qua Y-sác trong phân đoạn này.
Lịch sử cứu chuộc
Bước hai liên quan đến việc đặt phân đoạn đó trong câu chuyện về lịch sử cứu chuộc. Bạn có thể hỏi câu sau: “Chúa đang làm gì với thông điệp này, hoặc trong câu chuyện này?” Với bước này, bạn có thể đặt phân đoạn vào dòng lịch sử Kinh thánh, nhưng hơn thế nữa là đặt nó trong sứ mệnh lịch sử cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
Ở đây, tôi đang đặt ra những câu hỏi về hoàn cảnh của những người nghe phân đoạn. Họ đang nghe phân đoạn này trong những điều kiện như thế nào? Y-sơ-ra-ên đang ở chốn lưu đày, hội thánh đang bị bắt bớ hay phân rẽ? Chúa đang làm điều gì đó trong lịch sử và với lịch sử. Sự cứu chuộc của Ngài đang bày lộ ra, phân đoạn mà bạn sắp giảng nằm ở đâu đó trong dòng lịch sử cứu chuộc thế giới của Đức Chúa Trời. Nếu muốn đến với Chúa Giê-su, bạn phải biết lịch sử cứu chuộc đang đi tới đâu và bắt dầu từ đâu để khám phá ra vị trí của phân đoạn cụ thể đó trong toàn bộ dòng lịch sử.
Trong Sáng thế ký 22, chúng ta mới đang ở phần đầu của lịch sử cứu rỗi. Việc dâng Y-sác làm sinh tế khiến chúng ta hoảng hốt. Các vị thần ngoại đạo thời đó đòi dâng con trẻ làm sinh tế. Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham và Y-sác cũng vậy sao?
Chúng ta đang quay đầu nhìn lại, nhìn qua thập tự giá, nhìn đến khởi đầu của sự cứu chuộc qua Áp-ra-ham. Có gì đó trong câu chuyện này liên hệ với lịch sử cứu chuộc, nhưng nó là gì?
Đó là con chiên đực mắc trong bụi cây. Khi Áp-ra-ham cầm dao giết Y-sác, đứa con của phép lạ, đứa con được hứa cho mình, Chúa đã can thiệp và thực hiện những lời mà Áp-ra-ham nói với Y-sác trên đường lên núi: “Con ạ, Đức Chúa Trời sẽ cung cấp con chiên cho chúng ta.”
Thần học Kinh thánh và thần học hệ thống
Bước ba giúp bạn tìm ra nguyên tắc thần học trong phân đoạn này. Đây là bước lấy thông điệp ban đầu dành cho người nghe ban đầu và biến nó thành nguyên tắc vượt thời gian – áp dụng lẽ thật của phân đoạn Kinh thánh đó với dân Chúa trong toàn bộ dòng lịch sử. Phân đoạn này đang dạy chúng ta điều gì đó về Đức Chúa Trời và về chính chúng ta, một lẽ thật nào đó có thể trở nên sắc nét khi chúng ta vén màn toàn bộ vẻ đẹp thần học, tức chính Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã cung cấp con chiên trong Sáng thế ký 22, điều này bắt đầu cho chúng ta thấy một điều mà toàn bộ Kinh thánh đã xác chứng. Bởi ân điển, Chúa đã gìn giữ và cứu chúng ta qua sinh tế hay tế lễ hy sinh.
Chúa Giê-su
Bước bốn là đưa dân sự đến với Chúa Giê-su. Trong bước này, chúng ta cần suy xét xem nguyên tắc này được trả lời một cách rõ ràng và mạnh mẽ nhất trong Chúa Giê-su như thế nào.
Trong Sáng thế ký 22, Gredanius giúp chúng ta không vội vàng nêu ngụ ý mà tương tác với phân đoạn một cách sâu sắc và có ý nghĩa. Sau khi cân nhắc ý định của trước giả, lịch sử cứu rỗi, thần học Kinh thánh, chúng ta đã có thể chuyển sang Chúa Giê-su một cách liền mạch và trung thành.
Chúng ta không nhảy ngay vào Chúa Giê-su nữa, mà dẫn dắt dân sự một cách trung thành để họ thấy rằng Chúa là Đức Chúa Trời đòi hỏi sinh tế và chu cấp sinh tế. Kể từ khi Chúa chu cấp một con chiên đực cho Y-sác, Ngài đã và đang thực hiện sự cứu chuộc xuyên xuốt lịch sử dâng sinh tế của Y-sơ-ra-ên. Chúa đưa toàn bộ điều đó vào thế giới, đỉnh điểm của nó trong lịch sử là Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi. Đức Chúa Trời, Đấng đòi hỏi sinh tế đã trở nên sinh tế để tôi và bạn có thể thuộc về Chúa Cha.
Bốn bước này đóng vai trò thanh ray dẫn hướng cho tôi khi suy xét việc giảng về Chúa Giê-su trong mọi phân đoạn. Cần giảng phân đoạn Kinh thánh từ ý định của trước giả đến Chúa Giê-su một cách trung thành. Nếu đảo lại quá trình này (tôi cũng đã phạm phải lỗi đó) thì chúng ta sẽ đi rất xa khỏi những gì trước giả đã định và về cơ bản, chúng ta dùng phân đoạn đó để giảng ý của chính mình, từ đó khiến dân sự ngầm hiểu rằng họ cũng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với Kinh thánh giống như vậy.
(còn tiếp)
Tác giả bài viết, Rick McKinley là mục sư sáng lập Cộng đồng Imago Dei tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Ông có bằng Tiến sĩ tại Chủng viện Gordon Conwell và là giảng viên môn thần học ứng dụng tại Chủng viện Multnomah.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!