Các Bước Chuẩn Bị Bài Giảng – Bước 4: Lập Dàn Ý Bài Giảng (Phần 2)
MỞ ĐẦU, CHUYỂN TIẾP CÁC Ý, VÀ KẾT THÚC BÀI GIẢNG
Giangluankinhthanh.net – Tuần trước, chúng ta đã cùng khám phá hai bước đầu tiên để lập dàn ý cho bài giảng của mình. Sau đây là hai bước cuối với những ví dụ, minh họa và đánh giá hết sức cụ thể.
Hình minh họa: Bạn đã bao giờ nghe (hoặc giảng) bài giảng mà có phần mở đầu, chuyển tiếp các ý và kết thúc “gập ghềnh” như thế này chưa?
Bước thứ ba: Liên kết các luận điểm chính bằng các phần chuyển tiếp rõ ràng
Diễn ngôn bằng lời nói xảy ra vào đúng thời điểm nói. Ví dụ, bắt đầu lúc 11:20 và kết thúc lúc 11:49. Đó là một dòng sông lời nói, một khi đã nói ra, sẽ trôi đi mất và không bao giờ quay trở lại. Lời nói tan biến khi âm thanh dần tan biến. Ngược lại, diễn ngôn bằng văn bản xảy ra trong không gian. Bạn đang đọc bài viết này trên một vật thể không gian, trên màn hình máy tính hoặc trên các trang giấy. Điều này cho bạn khả năng đọc lại một câu ba lần, suy ngẫm, gạch chân câu đó, thảo luận với người bên cạnh, bỏ qua hoặc gạt câu đó sang một bên và đọc lại vào tuần sau. Khi giao tiếp bằng văn bản, người nhận nắm quyền điều khiển luồng thông tin.
Dàn ý rõ ràng của bài giảng phụ thuộc vào sự hiểu biết thấu đáo về dòng tư tưởng ẩn chứa trong phân đoạn Kinh thánh. Việc giao tiếp qua lời nói thì không như vậy. Người gửi tin kiểm soát dòng thông tin và sự cố gián đoạn giao tiếp xảy ra khi người nói chỉ nêu các khái niệm trọng tâm một lần, như thể họ đang viết chứ không phải đang nói. Họ tin rằng chỉ cần một lần phát ngôn là đủ, nhưng trên thực tế, các khái niệm chính nhanh chóng bị nhấn chìm trong dòng chảy của các từ ngữ đổ ập xuống người nghe. Các diễn giả giàu kinh nghiệm biết rằng việc lặp đi lặp lại là điều cần thiết để tránh sự cố gián đoạn trong giao tiếp.
Khi áp dụng tiên đề trên cho chủ đề của bài viết này – lập dàn ý – chúng tôi thấy rằng quá trình chuyển tiếp phải được trình bày và rồi nhắc lại. Một quá trình chuyển tiếp tốt có thể khiến người nói cảm thấy mất công và dư thừa, nhưng người nghe sẽ cảm thấy biết ơn vì bạn đã nhanh chóng đóng băng dòng sông từ ngữ với sự dư thừa có chủ ý, để cho họ thời gian để bắt kịp và hiểu rõ hơn. Hầu hết người nghe chỉ có cảm giác mơ hồ về những gì được nói ra khi chúng ta giảng. Phước cho người nào biết liên kết các luận điểm chính bằng các bước chuyển tiếp rõ ràng, trực tiếp, và trọn vẹn. Một bước chuyển tiếp tốt cần tóm tắt lại điểm trước đó và rồi hướng người nghe đến điểm tiếp theo. Việc sử dụng câu hỏi thường sẽ rất hiệu quả.
Một ví dụ về phần chuyển tiếp — Thi thiên 19
I. Lời thầm lặng cho chúng ta: Các tầng trời công bố sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. (1-6)
Chuyển tiếp: Phần đầu Thi thiên đã cho chúng ta thấy rằng các tầng trời âm thầm công bố sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Không một lời nào chúng nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời thật vĩ đại. Bây giờ chúng ta chuyển sự chú ý sang các chữ viết, Lời được viết ra, Lời Chúa, điều mà tác giả Thi thiên gọi là Kinh Torah (Ngũ Kinh). Đây là lời tuyên bố: Lời Chúa ban phước cho chúng ta khi chúng ta vâng theo. Đúng vậy, Lời thánh của Đức Chúa Trời làm sống lại linh hồn chúng ta.
II. Lời viết cho chúng ta: Luật pháp ban phước cho kẻ nào vâng theo. (7-11)
Chuyển tiếp: Từ lời thầm lặng đến lời Chúa được viết ra, và bây giờ là lời của chính chúng ta. Chúng ta nên nói những lời nào để đáp lại sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ trên các tầng trời và lời hứa của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong luật pháp? Chúng ta cần đáp lại trong lời cầu nguyện: xin tha tội của chúng con và giải cứu chúng con khỏi điều ác. Xin Chúa cho những hành động và lời nói của chúng con được đẹp lòng Ngài.
III. Lời của chúng ta đáp lại Đức Chúa Trời: Xin giải cứu chúng con khỏi tội lỗi. (12-14)
Những phần chuyển tiếp này sử dụng các kỹ thuật khác nhau để đưa người nghe về phía trước: tóm tắt, nhắc lại, câu hỏi và các cụm từ trực tiếp báo hiệu sự thay đổi hoặc tập trung dòng suy nghĩ, chẳng hạn như “Bây giờ chúng ta chuyển sự chú ý của mình…” và “Cần chú ý rằng ở đây…” Phần chuyển tiếp tốt chỉ cần đơn giản và bình dị. Hãy dành những câu từ văn chương nghệ thuật bay bổng cho các phần khác của bài giảng.
Bước thứ tư: viết phần mở đầu và phần kết luận
Một phần mở đầu tốt sẽ thu hút sự chú ý, nhấn mạnh tầm quan trọng và giới thiệu ý tưởng chủ đạo. Nếu bài giảng đi theo lối diễn dịch, toàn bộ ý chính được nêu trong phần mở đầu, nhưng nếu theo lối quy nạp, chúng ta chỉ nêu chủ đề (chủ đề của ý chính mà không nói thêm gì nữa). Đây là hai ví dụ ngắn gọn.
Ví dụ: phần giới thiệu Thi thiên 19
-Đây là phần giới thiệu theo lối diễn dịch về Thi thiên 19:
“Khi một nhân vật nhìn thấy Hamlet đi qua lâu đài trong khi đọc sách, ông ta hỏi cậu đang đọc gì. Hamlet đáp: “Từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ.” Chỉ là một mớ từ ngữ. Chỉ là lời nói suông. Chỉ là quá nhiều lời vô nghĩa. Lời nói thật là rẻ rúng, phải không? [tạm dừng] Chà, không đâu. Một số từ ngữ có thể rẻ rúng, nhưng những từ ngữ khác là bạc là vàng. Lời nói có thể chứa đầy sức mạnh, thay đổi cuộc sống, làm phong phú tâm hồn. Lời Chúa không hề rẻ mạt. Lời Ngài là chiếc búa đập vỡ những tấm lòng chai đá, là ngọn lửa thiêu rụi, là dòng nước gột rửa, là dòng sữa nuôi dưỡng, là tấm gương cho chúng ta thấy con người thật của mình, là tia sáng soi tỏ con đường, và là thanh gươm phân tách những suy nghĩ và ý định của chúng ta. Chúng ta có thể làm ngơ trước một số từ ngữ — bla bla bla vô nghĩa— nhưng có những từ ngữ khác đem đến sự sống.
Sáng nay, chúng ta đọc Thi thiên 19, một bài thơ về các từ ngữ lới nói: lời im lặng của các tầng trời, lời viết ra của Luật pháp, và lời cầu nguyện đáp lại của chúng ta. Khi nghe lời tuyên bố của các tầng trời, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời thật vĩ đại. Khi nghe lời hứa của Luật pháp, chúng ta muốn vâng theo. Nhưng khi xem xét lòng mình và nhìn thấy những lỗi lầm ẩn giấu của mình, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy giải phóng con, xin cứu con, xin cho những lời nói của miệng con và sự suy ngẫm trong lòng con được đẹp lòng Chúa.” Hãy bắt đầu với những lời im lặng của các tầng trời.”
Đây là thẻ đánh giá của tôi về phần giới thiệu này:
• Nó có thu hút sự chú ý không? Tôi cho 8,5/10 điểm. Bắt đầu với Hamlet có thể không phù hợp một số người nghe, nhưng đối với hội chúng của tôi ở bang Massachusetts, tôi nghĩ nó hiệu quả. Phần nhắc đến Hamlet sẽ rất ngắn gọn và ngay lập tức gia tăng ‘sự chú ý nhẹ nhàng’ về sức mạnh của ngôn từ “đơn thuần”. Sự chú ý sẽ còn gia tăng hơn nếu sức mạnh của lời nói được minh họa bằng một ví dụ cá nhân ngắn gọn (“Tuần trước, các con đã nói với tôi….”)
• Nó có nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề không? Tôi cho nó điểm 8/10. Hãy đọc nhận xét ở trên về “sự chú ý nhẹ nhàng.” Làm thế nào để phần giới thiệu tạo được hiệu ứng thu hút mạnh mẽ hơn nữa? Làm sao để nêu chủ đề của lời nói/giao tiếp sao cho thu hút toàn bộ sự chú ý của hội thánh? Hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề rồi bạn sẽ có tất cả sự chú ý mình muốn từ hội chúng.
• Nó có giới thiệu đầy đủ không? Có. Tôi cho điểm 9/10. Theo lối diễn dịch, thật dễ dàng để nêu ra ý chính và thậm chí có thể sơ lược trước các phần nội dung chính. Nhưng có một điều khiến nó không nhận được điểm 10 trọn vẹn. Đoạn đầu tiên với những ẩn dụ ngắn gọn và phép lặp ngữ pháp ngụ ý rằng chủ đề của bài giảng là Lời Chúa. Điều đó đúng một phần, nhưng không hoàn toàn chính xác.
Hãy tham khảo cách tiếp cận quy nạp cho cùng một phân đoạn:
“Khi một nhân vật nhìn thấy Hamlet đi qua lâu đài trong khi đọc sách, ông ta hỏi cậu đang đọc gì. Hamlet đáp: “Từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ.” Chỉ là một mớ từ ngữ. Chỉ là lời nói suông. Chỉ là nhiều lời vô nghĩa. Lời nói thật là rẻ rúng, phải không? [tạm dừng] Chà, không đâu. Một số từ ngữ có thể rẻ rúng, nhưng những từ ngữ khác là vàng là bạc. Lời nói có thể có sức mạnh, thay đổi cuộc sống, làm phong phú tâm hồn.
Điều đó có thể đúng ngay cả khi từ ngữ không được nói ra. Vâng, cả khi không được nói ra. Giao tiếp phi ngôn ngữ. Một người chủ vuốt ve con chó của mình. Không lời nào, nhưng chất chứa rất nhiều tình cảm, nhiều thông điệp được gửi đi. Người nhạc sĩ sáng tạo âm nhạc. Không có lời nào, nhưng nó khuấy động chúng ta. Người nghệ sĩ sáng tạo bằng màu sắc, hình dạng và kết cấu. Cô không sử dụng từ ngữ nào, nhưng cô khơi nguồn dòng suy ngẫm trong chúng ta.
Thi thiên 19 nói rằng Đức Chúa Trời là một nghệ sĩ. Các tầng trời là khung tranh của Ngài, và chúng nói điều gì đó với chúng ta. Bầu trời phía trên chúng ta im lặng, nhưng chúng phát ngôn. Chúng nói lên những điều gì?”
Phiếu đánh giá như sau:
-Thu hút sự chú ý — điểm 8,5/10. Phần giới thiệu sử dụng ngôn ngữ cụ thể và kích thích suy nghĩ.
-Trình bày tầm quan trọng — điểm 8/10. Phần giới thiệu tạo ra một số căng thẳng đối với các từ ngữ “đơn thuần” và gia tăng sự tò mò, nhưng nó không làm được nhiều hơn thế. Sự tò mò là đủ để mở đầu một bài giảng, nhưng chỉ có hiệu quả tối thiểu. Chạm vào nhu cầu cấp thiết nhất thì sẽ tốt hơn.
-Phần giới thiệu — điểm 10/10. Phần giới thiệu dẫn dắt mượt mà vào bước chuyển đầu tiên của bài giảng.
Ví dụ: Kết luận về Thi thiên 19
Mục đích của phần kết luận là tóm tắt, nhấn mạnh và áp dụng cách cụ thể ý chính. Những mục tiêu này thường được thực hiện bằng các kỹ thuật như tóm tắt đơn giản, minh họa cụ thể hoặc cầu nguyện theo trọng tâm bài giảng. Phần kết luận cô đúc và bày tỏ sự thống nhất của toàn bộ thông điệp, để đưa người nghe đến một đáp ứng cụ thể. Tôi thấy đa số các mục sư làm tốt phần giới thiệu nhưng lại không tốt ở phần kết luận. Lý do là vì chúng ta đã cạn kiệt thời gian và sức lực để chuẩn bị, hoặc bản thân chúng ta không hoàn toàn hiểu được sự thống nhất của thông điệp và những tác động của nó đối với đời sống hàng ngày. Trong khi việc áp dụng phải được đưa ra xuyên suốt bài giảng, phần kết luận phải đưa các ý áp dụng thành trọng tâm.
Sau đây là minh họa cho phần kết luận:
“Một lời im lặng từ các tầng trời– Đức Chúa Trời thật vĩ đại. Một lời khích lệ từ kinh luật — phước cho những ai vâng theo. Một lời đáp ứng cá nhân — Xin Chúa cứu con! Trước sự vĩ đại của Ngài, dưới ánh sáng của Luật pháp rạng rỡ của Ngài, hãy giúp đỡ con! Mong rằng những lời nói của miệng chúng con, và những suy nghĩ trong trái tim chúng con là một của lễ đẹp lòng Ngài. Nguyện những lời nói từ miệng của chúng con và những động cơ thầm lặng trong hành động của chúng con, ẩn ngầm và không rõ ràng ngay cả với chính chúng con, cũng làm đẹp lòng Ngài. Chẳng phải chúng con luôn cần một vầng đá sao? Ai đó mà chúng con có thể nương cậy vào. Chẳng phải chúng con luôn cần một Đấng cứu chuộc sao? Ai đó để giải cứu chúng con, không chỉ khỏi thế giới này mà còn khỏi chính chúng con nữa. Cảm tạ Chúa, Ngài đã ban cho chúng con Đấng cứu chuộc. Danh của Ngài là Jêsus. Ngài là vầng đá của chúng con và là Đấng cứu chuộc chúng con.
Thẻ đánh giá:
-Tóm tắt — điểm 9/10. Phần kết luận tóm tắt một cách hiệu quả ba luận điểm quan trọng của bài giảng và thể hiện sự thống nhất của Thi thiên 19 một lần cuối cùng.
-Nhấn mạnh và trình bày rõ ràng ý chính— điểm 8/10. Cách trình bày (cụm từ song song) giúp gia tăng hiệu quả với người nghe. Việc tập chú hướng về Chúa Giê-su thúc giục người nghe thờ phượng Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Phần kết luận sử dụng cả đại từ số ít lẫn số nhiều, do đó làm cho việc áp dụng mang tính cá nhân cũng như cho tập thể, dù điều này có lẽ quá tinh tế nên không có nhiều tác động. Phần áp dụng có thể sắc sảo hơn nếu có vài hình ảnh cụ thể cho phần “lời nói” và “suy ngẫm”: “Nguyện lời nói của chúng con làm vinh hiển danh Ngài — lời nói của chúng con với con cái, lời nói của chúng con với sếp, lời nói của chúng con với đồng nghiệp. Những suy ngẫm của chúng con khi tiền lương sẽ không đủ dùng cho đến cuối tháng, suy ngẫm của chúng con khi đồng nghiệp giành hết công lao. Nguyện mọi suy ngẫm của chúng con tôn vinh Ngài. “
Bài giảng theo lối giải kinh đòi hỏi chúng ta phải đổ “mồ hôi và công sức”, đặc biệt là việc lập dàn ý thật nhọc nhằn, nhưng bốn bước trên sẽ giúp chúng ta định hình bài giảng của mình một cách rõ ràng và phù hợp với người nghe.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Jeffrey Arthurs là Giáo sư bộ môn Giảng đạo và Truyền thông, đồng thời là Chủ tịch, Phân ban Thần học Thực hành tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!