Các Bước Chuẩn Bị Bài Giảng – Bước 3: Xác Định Ý Chính
“Chúng ta truyền đạt theo ý. Không phải từ ngữ. Không phải thông tin. Mà là các ý. Ấy thế mà nhiều nhà giảng đạo cứ mãi phát ngôn mà không định trước cách truyền đạt các ý của mình.”
Vài năm vừa qua, tôi rất bất ngờ vì có rất nhiều người giới thiệu cho tôi cuốn Giảng luận theo Kinh thánh (Biblical Preaching) của nhà giảng đạo nổi tiếng Haddon Robinson, nhưng dường như họ không nắm được những dạy dỗ trong sách. Tôi hiểu rằng họ ấn tượng với những chương sách được viết rất hay về những yếu tố khác nhau trong chuẩn bị và trình bày bài giảng, nhưng họ lại không nắm được ngay, thậm chí bỏ lỡ một khái niệm đầy quyền năng về Ý Chính (Big Idea, đôi khi dịch là ý tưởng chủ đạo) – viên ngọc quý của cuốn sách. Chính tôi cũng mất một thời gian mới có thể hiểu được điều này. Vì vậy, trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ xét đến Ý Chính ở ba khía cạnh: sự truyền đạt, việc nghiên cứu Kinh thánh và công việc của Đức Thánh Linh.
Ý Chính trong tương quan với sự truyền đạt – Dường như nhiều người bằng lòng với một loạt các luận điểm được kết nối lỏng lẻo với nhau bằng một phân đoạn chung, một thuật ngữ chung, hoặc đơn giản là một dàn ý tương đồng nhau. Điều này có thể giúp ích cho người truyền đạt và lấy được sự đồng thuận của người nghe – với họ, mục đích chính của việc giảng luận là để người nghe nhớ được dàn ý, nhưng như vậy là không thực sự đạt đến Ý Chính. Sự dạy dỗ của Robinson về Ý Chính còn sâu sắc hơn rất nhiều, nó buộc người truyền đạt phải theo đuổi một sự thống nhất thật sự trong sứ điệp, một Ý Chính xuyên suốt mọi tầng bậc của sứ điệp để có được sự thống nhất thật sự (thay vì chỉ kết hợp các yếu tố lại với nhau một cách hời hợt). Một sứ điệp có Ý Chính thực thụ sẽ thống nhất, tuần tự và có mạch phát triển hấp dẫn. Một sứ điệp có Ý Chính thực thụ có thể được truyền đạt bằng chỉ một câu.
Thực ra, người ta ít khi nắm được cái nhìn sâu sắc của Robinson về bản chất của sự truyền đạt. Chúng ta truyền đạt theo ý. Không phải từ ngữ. Không phải thông tin. Mà là các ý. Ấy thế mà nhiều nhà giảng đạo cứ mãi phát ngôn mà không định trước cách truyền đạt các ý của mình. Một ý nói lên điều gì đó về một điều gì đó. Chúng ta có thể phát triển một ý theo ba cách – giải thích, chứng minh, áp dụng. Nếu nắm được sách của Robinson thì bạn sẽ biết mình đang cố gắng làm gì ở bất cứ điểm nào trong sứ điệp. Bạn sẽ không chỉ phát ngôn mà bạn sẽ tìm cách truyền đạt hiệu quả. Sứ điệp của bạn sẽ là tập hợp của những ý phụ, tất cả đều phục vụ mục đích của Ý Chính. Và nếu không có nhiều thời gian thì bạn sẽ sử dụng Ý Chính của mình một cách đơn giản hơn, vì đó chính là sứ điệp!
Ý Chính trong tương quan với việc nghiên cứu Kinh thánh – Sự dạy dỗ của Robinson thể hiện trình độ truyền đạt bậc thầy, nhưng Robinson cũng là một con người yêu Kinh thánh. Ý Chính của sứ điệp không phải là sản phẩm sáng tạo của người giảng đạo, nhưng là công cuộc truy tìm nhà giải kinh trong người giảng đạo. Ý Chính không chỉ là công việc riêng của người giảng đạo, nhưng bắt nguồn từ công việc của người giảng đạo để hiểu được phân đoạn đó một cách hiệu quả. Việc hiểu đúng phân đoạn sẽ tạo ra sự thống nhất trọn vẹn, khiến phân đoạn và chính bài giảng về phân đoạn đó trở nên mạch lạc. Theo đuổi Ý Chính không phải là chuyến bay tưởng tượng vào sự sáng tạo thuộc linh hay thần học, mà là công việc của “sự nghiên cứu lịch sử và ngữ pháp của một phân đoạn ở ngữ cảnh của nó” trong sự cầu nguyện.
Một lần nữa, điều này lại liên quan đến tư duy truyền đạt. Kinh thánh là sự truyền đạt. Cho nên các trước giả – những người mong muốn truyền đạt – sẽ viết theo các ý được phát triển. Một suy nghĩ sẽ hòa vào dòng suy nghĩ chung. Các ý phụ sẽ phục vụ cho các ý chính. Các ý sẽ được phát triển nhờ giải thích, hoặc đưa ra bằng chứng, hoặc áp dụng. Việc giảng theo Ý Chính sẽ mang lại hiệu quả vì nó phản ánh bản chất của việc truyền đạt – Kinh thánh là một ví dụ tiêu biểu nhất cho điều đó. Giảng theo Ý Chính hoàn toàn không phải là áp đặt hình thức giảng đạo trên Kinh thánh (một điều đã xảy ra khá nhiều). Thay vào đó, nếu hiểu đúng thì nó là sự phản ánh chính xác về bản chất của Kinh thánh, để những phương tiện truyền đạt Kinh thánh hiệu quả nhất không bị cản trở bởi hình thức bài giảng, sự trù tính hay hạn chế về cấu trúc.
Ý Chính trong tương quan với Đức Thánh Linh – Phần 2 không đi ngược với phần đầu, và phần 3 cũng không đi ngược lại với hai phần đầu. Việc nghiên cứu Kinh thánh xác thực tại sao cách tiếp cận này không phải một kiểu áp đặt lý thuyết truyền đạt nào đó vào phân đoạn. Tôi muốn chỉ ra rằng vai trò của Đức Thánh Linh khiến cho điều này không phải là một dạng tiếp cận gượng ép tới việc chuẩn bị và trình bày bài giảng. Định nghĩa của Robinson về giảng giải kinh không chỉ xác nhận cách tiếp cận theo hướng giải kinh mà người giảng đạo sử dụng trong cả chuẩn bị lẫn trình bày, mà còn chỉ ra vai trò của Đức Thánh Linh. Chính Thánh Linh Chúa là Đấng lấy và áp dụng khái niệm trọng tâm trong phân đoạn Kinh thánh “với người giảng đạo trước, sau đó qua người giảng đạo, đến với người nghe.” Đây không phải là cách tiếp cận máy móc để đảm bảo rằng khi áp dụng đúng quy trình này, chúng ta sẽ có những bài giảng theo mẫu. Bằng ngôn từ, Robinson đã chỉ ra một điều hiển nhiên trong chức vụ của ông: Đây là công việc của Chúa. Trước hết, người giảng đạo nghiên cứu phân đoạn trong vai trò một người tin Chúa, mở ra công việc của Thánh Linh trên đời sống mình trong sự cầu nguyện; rồi tự mình áp dụng trước, sau đó mới trông cậy rằng Chúa sẽ giúp những người khác cũng được ích lợi khi phân đoạn này được giảng qua mình.
Tôi lại nghe thấy một số người nhắc đến sự cứng nhắc trong cách tiếp cận của Robinson, phê bình tình trạng chuyên nghiệp hóa việc giảng đạo. Hoàn toàn không phải như vậy. Robinson dạy về một cách tiếp cận gần như không có quy tắc nào, một cách tiếp cận hoàn toàn không có công thức, nhưng trung tín trông đợi rằng Chúa đã truyền đạt và thực sự truyền đạt qua Lời Ngài. Chính năng lực truyền đạt của Chúa đã thúc đẩy người giảng theo Ý Chính nghiên cứu phân đoạn, đáp ứng với phân đoạn và giảng phân đoạn đó ra cho những người khác. Không cần phải thêm một hình thức giảng mẫu nào. Không cần phải biến nó thành một sứ điệp thông minh dựa trên những thành phần khô khan trong phân đoạn. Không cần phải “khiến nó trở nên thiết thực.” Không, chính bản chất của Chúa – Đấng truyền đạt cực kỳ hiệu quả, sẽ dức dấy chúng ta tìm cách trở thành những người truyền đạt tốt nhất, từ đó thúc đẩy chúng ta tiếp cận việc giảng đạo bằng Ý Chính, vì theo dự định, mọi sự truyền đạt hiệu quả đều là Ý Chính. Chúa định thần cảm. Con người định viết ra. Còn chúng ta theo đuổi sự rao giảng.
Tác giả bài viết, Tiến sĩ Peter Mead là giám đốc của Cor Deo, một chương trình huấn luyện mục vụ có trụ sở tại Chippenham, Anh Quốc và là một trong những mục sư của một hội thánh mới, Trinity Chippenham. Ông cũng lãnh đạo Mạng lưới Giáo viên Kinh thánh & Nhà Giảng đạo tại Diễn đàn Lãnh đạo châu Âu. Peter là một người ham học hỏi về việc giảng dạy theo Kinh thánh và rất thích trang bị cho dân sự nhận biết Lời Chúa để họ có thể tự động truyền đạt điều đó cho những người khác và tăng trưởng về mặt thuộc linh. Peter Mead tốt nghiệp Đại học miền Tây nước Anh vào những năm 1990, sau đó dành bốn năm tại Chủng viện Kinh thánh Multnomah cho việc Thạc sĩ Thần học và Thạc sĩ Văn chương về Nghiên cứu Kinh thánh. Ông tiếp tục học và nhận bằng Tiến sĩ Mục vụ về tuyên đạo pháp tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell dưới sự hướng dẫn của chính nhà giảng đạo nổi tiếng Haddon Robinson.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Link bài viết: https://biblicalpreaching.net/tag/big-idea/, truy cập ngày 09/03/2021
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!