Phân Loại Thần Học Theo Tiến Trình Nghiên Cứu
Giangluankinhthanh.net – Từ thần học (theology) đã được các Cơ đốc nhân sử dụng từ thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên. Từ này bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Hy lạp: “theos” (Thần) và “logos” (Lời, hay nghiên cứu). Như thế, nói một cách giản dị thì thần học là “nghiên cứu và nói về Đức Chúa Trời.” Một cách cụ thể hơn, thần học thường được hiểu là những nỗ lực của chúng ta nhằm hiểu và áp dụng điều Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, còn thần học là lời của con người về sự hiểu biết của con người về Chúa.
Ai đó có thể cho rằng chỉ cần Kinh Thánh, không cần thần học. Kinh Thánh đúng là tài liệu đầu tiên và cũng là thẩm quyền cao nhất đối với Cơ đốc nhân trong mọi vấn đề của cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lúc nào các Cơ đốc nhân cũng có cách hiểu giống nhau về điều Kinh Thánh dạy. Hơn nữa, trong suốt lịch sử Hội thánh, các tín đồ phải đối mặt với những vấn đề và tình huống mới, điều này làm nảy sinh những câu hỏi thần học mới. Các nhà thần học trong Hội thánh đã thực hiện công việc thần học để giúp trả lời những câu hỏi này. Sự thật về lời Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi. Nhưng với mỗi thế hệ, hoàn cảnh của chúng ta thay đổi, và sự hiểu biết của chúng ta gia tăng (hoặc, rất tiếc, bị giảm sút) theo nhiều cách khác nhau.
Tân Ước và lịch sử hội thánh cho thấy thần học rất hữu ích để giúp các tín hữu và hội thánh được trưởng thành. Thần học rất hữu ích để chỉnh sửa những suy nghĩ và thực hành sai lầm. Thần học cũng hữu ích để tiếp cận những người bên ngoài Hội thánh bằng cách trả lời các câu hỏi của họ và bảo vệ đức tin Cơ đốc trước những lời chỉ trích.
Tiến trình nghiên cứu thần học được tiến hành theo nhiều bước, và những bước này liên quan đến các loại thần học khác nhau.
Đầu tiên, tiến trình thần học bắt đầu bằng sự cầu nguyện. Chúng ta không được nghiên cứu thần học ngoài Đức Chúa Trời. Thần học phải được thực hiện với tinh thần cầu nguyện và nương dựa vào Đức Thánh Linh.
Thứ hai, khi chúng ta cầu nguyện và bắt đầu nghiên cứu, bản thân Kinh Thánh là thẩm quyền và nền tảng cho mọi hiểu biết về Đức Chúa Trời. Vì vậy, việc nghiên cứu các bản văn của nó (‘Chú giải Kinh Thánh’) là bước đầu tiên.
Sau khi nghiên cứu các phân đoạn nhỏ, chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo là hiểu cách các phần lớn hơn của Kinh Thánh (cả chương, cả sách, cả Cựu ước hoặc Tân ước) kết hợp với nhau như thế nào để tạo thành một thông điệp rõ ràng (‘Thần học Kinh Thánh’).
Thứ tư, chúng ta xem xét những gì mà cả Kinh Thánh dạy chúng ta ngày nay về các chủ đề khác nhau (‘Thần học hệ thống’).
Thứ năm, trên nền tảng của sự cầu nguyện, chú giải, Thần học Kinh Thánh và Thần học hệ thống, các nhà thần học sau đó có thể hiểu biết sâu hơn bằng cách nghiên cứu cách Hội Thánh hiểu Kinh thánh trong các thời đại lịch sử khác nhau (‘Thần học lịch sử’), cách áp dụng các chân lý thần học (‘Thần học thực hành’) và cách bảo vệ đức tin Cơ đốc chống lại những lời chỉ trích (‘Biện giải Kinh Thánh ‘).
Biểu đồ dưới đây chỉ ra tiến trình thần học và các loại thần học:
Cơ đốc nhân ngày nay đã được kế thừa nhiều truyền thống thần học tốt đẹp mà lịch sử hội thánh đã mang lại. Chúng ta nên tôn trọng và sử dụng những truyền thống này một cách thích hợp. Đồng thời, chúng ta cũng cần tiếp tục học hỏi, nghiên cứu để có thể đứng vững và phát triển trong bối cảnh ngày nay.
Theo TS Bruce Anderson (Tài liệu huấn luyện bộ môn Những Nền Tảng Thần Học)
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!