Các Bước Chuẩn Bị Cho Một Bài Giảng: Bước 1 – Chuẩn Bị Tâm Linh Trước Khi Giảng
Giangluankinhthanh – Tuần trước, Giảng Luận Kinh Thánh đã giới thiệu tới quý độc giả chín bước chuẩn bị một bài giảng theo trang preachingtoday.com. Bài viết dưới đây giới thiệu bước chuẩn bị đầu tiên, cũng là bước dễ bị người giảng đạo bỏ qua nhất: chuẩn bị tâm linh của chính mình.
Hãy giữ cho tâm linh mình tươi mới mỗi tuần với Chúa.
Nào, hãy thử tưởng tượng đến một người truy tìm kho báu đơn độc. Anh ta đang nhòm vào một hang động trên sườn núi cằn cỗi. Vì anh ta nghe nói “có vàng trên những ngọn đồi đó” nên dù trên người không có gì ngoài gói đồ ăn, một cây đèn và cái cuốc chim, anh ta đã đến ngọn núi này để tìm mạch vàng. Anh ta thắp đèn lên, lao vào bóng tối với hy vọng rằng mình sẽ giàu to.
Chuẩn bị bài giảng cũng giống như vậy. Đối với hầu hết chúng ta, đó là một sự dò tìm lặng lẽ, đơn độc. Trên trường lớp, chúng ta đã học cách nghiên cứu Kinh thánh, học cách đào bới. Cần cù nghiên cứu là một công việc khó nhằn hơn, dài hơi hơn so với chúng ta tưởng. Nếu chúng ta là những người giảng đạo cần cù thì đến khi dân sự nghe giảng, Lời Chúa có vẻ quá rõ ràng đến nỗi họ tưởng rằng chúng ta vừa tìm thấy những mẩu vàng thánh kinh lấp lánh trên mặt đất.
Công việc nghiên cứu khó khăn là thế, nhưng ít nhất tôi cũng biết mình đang làm gì trong địa hạt đó. Tôi được dạy dỗ bài bản về các kỹ năng giải kinh, chú giải và tuyên đạo pháp. Thế nhưng song song với chuẩn bị Lời Chúa, mỗi tuần chúng ta cần chuẩn bị tâm linh của chính mình. Tôi không biết phần nào lâu hơn, nhưng với tôi, làm việc với tâm linh là một công việc khó đoán và thường là rắc rối hơn nhiều.
Một lần nọ, tôi đã hỏi một số mục sư xem họ đã cầu nguyện như thế nào cho những bài giảng của mình. Nhiều mục sư đã trả lời như sau: “Thì trước khi bắt đầu, tôi xin Chúa giúp đỡ mình và chúc phước cho công việc của mình. Xong là tôi bắt đầu thôi.” Khởi đầu vậy là tốt nhưng không liên quan gì lắm đến việc chuẩn bị tâm linh của chúng ta. Ngoài sự chịu khổ thì chuẩn bị bài giảng là công việc đòi hỏi chúng ta phải khắt khe với tâm linh nhất mà tôi từng biết. Tuy có những ngoại lệ nhưng tôi ngờ rằng những bài giảng của chúng ta đi sâu vào tấm lòng của chính chúng ta đến đâu thì chúng sẽ đi vào lòng người nghe đến đó.
Trở nên yên lặng
Không gì cản trở việc nghiên cứu của tôi hơn tiếng om sòm trong lòng. Công việc thuộc linh không thể chịu được nhiều phân tán. Danh sách công việc cần làm, email, rồi giấy nhắc việc cứ mãi lảm nhảm trong đầu tôi, nên chính Chúa cũng khó lòng mà chen lời Ngài vào đó. Thêm vào đó, sự mệt mỏi đờ đẫn của tôi cứ lải nhải như một bài giảng lúc bốn giờ chiều. “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời” đâu phải là một mạng lệnh dễ thực hiện. Sự cầu nguyện ở giai đoạn này không phải là chúng ta nói gì, mà là chúng ta có cố gắng tắt đi những tiếng huyên thuyên không dứt trong mình hay không.
Ngoài ra, mỗi khi ngồi xuống nghiên cứu Kinh thánh là tôi lại cảm thấy mình muộn mất rồi. Có quá nhiều thứ phải làm mà còn quá ít thời gian để hoàn thành chúng. Tôi luôn cảm thấy mình như Thỏ Trắng chạy đua cạnh Alice(1), miệng run rẩy: “Muộn mất rồi, muộn mất cuộc hẹn quan trọng rồi.” Khi chúng ta cảm thấy như vậy thì sự cầu nguyện dường như vô ích; thậm chí là một xứ xa xỉ. “Tất nhiên là mình muốn cầu nguyện lắm chứ” – tôi tự nhủ – “nhưng Chúa sẽ hiểu thôi. Mình phải hoàn thành cái này đã.” Đúng là Chúa hiểu và Ngài sẽ giúp đỡ bạn. Nhưng tôi sẽ không thể nghe rõ tiếng Ngài nếu tâm linh tôi không tĩnh lặng. Tôi nghiên cứu Lời Chúa nhưng lại bỏ lỡ sứ điệp Ngài muốn truyền đạt. “Họ lắng tai mà không nghe, không hiểu.”
Trở nên nhỏ bé
Lúc con chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi hay đưa thằng bé đến công viên gần nhà để chơi trên một “mô hình giải trí” khổng lồ, một thế giới thần tiên đầy những lối đi và nơi ẩn náu, những chiếc cầu đu đưa và các tòa tháp. Một người có thể bị lạc trong đó. Hoặc trong trường hợp của tôi là bị kẹt trong đó. Đó là một nơi dành cho những người nhỏ bé. Vương quốc của Đức Chúa Trời cũng giống như vậy, việc nghiên cứu Kinh thánh cũng thế. Anh phải nhỏ lại để luồn lách mà không bị mắc kẹt hay đụng đầu. Chúa Giê-su phán: “Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu.”
Cánh cổng để bước vào từng phân đoạn Kinh thánh rất thấp và hẹp. Chúng ta có thể cố gắng chen vào như những người to xác, hoặc chúng ta có thể để Thánh Linh cùng phân đoạn thánh đó khiến mình nhỏ lại. Mỗi phân đoạn đều chứa một thứ thuốc khiêm nhường. Mỗi vai trò của Thánh kinh, “dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” đều biến đổi kích thước của chúng ta nếu chúng ta uống cạn những điều ấy, nếu chúng ta để Ngôi Lời tự hành động trong lòng mình.
Để bắt đầu, hãy dừng lại và tra xét lòng bạn. Điều này có thể giống với việc hỏi một đứa trẻ tám tuổi có tính lươn lẹo rằng cháu đã làm gì vậy. Rất có thể là ngay từ đầu, bạn sẽ không nhận được câu trả lời thật lòng. Hãy kiên trì. Không phải tội lỗi và sự gian xảo nào cũng lộ lên ngay. Không phải lúc nào chúng ta cũng thấy con người bên trong của mình đã phình to ra như thế nào. Không dễ để biết được rằng bạn đã trở nên quá kênh kiệu. Nêu chúng ta thường cầu nguyện rằng “Đức Chúa Trời ôi! Xin tra xét con và biết lòng con; xin thử nghiệm con và biết tư tưởng con”. Chúa sẽ dùng phân đoạn của bạn như một chiếc ống nghe đoán bệnh.
Công việc chăn bầy của chúng ta, nhất là công việc giảng đạo, cần khiến chúng ta có tấm lòng cao cả nhưng chính việc đó lại cũng có thể phản tác dụng và khiến chúng ta trở nên cao ngạo. Có thể bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng tất cả những người này đến để nghe tôi giảng. Chúng ta trở nên giống như một đứa trẻ mặc chiếc áo choàng siêu nhân đang chuẩn bị nhảy từ trên mái nhà xuống. Trong tất cả những thất bại trong Kinh thánh, Sam-sôn là thất bại khiến tôi e ngại nhất. Tôi không bao giờ quên được khoảng thời gian cách đây nhiều năm, khi tôi đứng giảng trong tội lỗi, giống như Đa-li-la vậy, nó cướp đi sức mạnh Chúa ban cho tôi. Lời nói của tôi hôm ấy không sức nặng, không sự sống, không sức lực. Tôi không bao giờ muốn quên cái bóng đáng ngại của Sam-sôn đui mù đó.
Ngoài việc khiến chúng ta trở về đúng kích thước của mình thì khiêm nhường cũng là một sự giải tỏa. Sự khiêm nhường mấy khi khiến chúng ta dễ chịu, nhưng nó đem đến sự giải tỏa. Thật khó để giữ khư khư cái bong bóng thuộc linh hư ảo ấy. Một tâm linh khiêm nhường có thể khéo léo lách qua những lắt léo của Lời Chúa. Những nhà giảng đạo nhỏ bé là những nhà giảng đạo tuyệt vời nhất.
Làm việc với bản thân
Chúng ta chẳng bao giờ chuẩn bị bài giảng với một tâm trí trung lập. Bực bội hay sốt sắng, mệt mỏi hay lo toan, tất cả đều kéo đến bàn nghiên cứu của chúng ta. Thực ra những điều đó là một phần trong sự chuẩn bị tâm linh của chúng ta. Chúa định cho bạn giảng phân đoạn này trong tuần này. Vì vậy, tôi không thể phớt lờ những gì đang diễn ra bên trong. Những bài giảng hay, giống như ngọc trai vậy, thường là Lời đẹp đẽ của Chúa bọc bên ngoài một hạt cát khó chịu.
Gordon T. Smith đã viết về một thời điểm mà ông thấy bực bội với một số đồng nghiệp. Người dẫn dắt thuộc linh đã khuyên ông rằng “Gordon ạ, đôi khi cậu cần nhớ rằng những người khó chịu làm nên năng lực chịu đựng của tâm linh. Đôi khi, để có thể giảng được, tôi phải xử lý những chất độc đã dồn lại bên trong. Công việc đó của tâm linh mang đến sự chân thực và chu đáo cho bài giảng của tôi.
Chuẩn bị phục vụ
Nhiều người trong chúng ta thích giảng Lời Chúa đến nỗi muốn khiến những người trả tiền cho chúng ta phải kinh ngạc. Chúng ta muốn hầu hạ hay phục vụ Kinh thánh. Chúng ta yêu thích vinh hạnh đó. Thế nhưng Kinh thánh không phải lúc nào cũng cho tôi nói điều mình muốn nói. Bạn đã bao giờ gò ép bài giảng của mình để rồi nghe thấy Kinh thánh thì thào trong phẫn nộ rằng “Ta có nói thế đâu” chưa? Đức Thánh Linh có bao giờ trách bạn rằng “Sáo rỗng thế là đủ rồi!” hay “Câu chuyện ngươi kể hướng đến ngươi nhiều hơn là Ta” không? Kinh thánh có thể là một khách hàng khó tính.
Phao-lô viết trong Cô-lô-se 3:16 rằng “hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em, hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau…” Nào, hãy dừng lại một chút. Hãy xem lại câu này.
Hãy để Lời của Đấng Christ. Ấy là phân đoạn của chúng ta, dù là Phục truyền, Giăng hay Hê-bơ-rơ thì Chúa Giê-su cũng đang phán và Ngài khiến phân đoạn đó trở nên sống động.
Sống (hay Ngự). Giống như Đức Chúa Trời ở trong đền tạm nơi đồng vắng. Giống như Chúa Giê-su trở nên xác thể trong thế gian tăm tối này.
Sung mãn. Với tất cả sự vinh quang của Lời. Đổ đầy bạn cho tới khi được đầy trọn trong bạn.
Trong lòng anh em. Như ma-na hay bánh và chén. Như Thánh Linh trong Lễ Ngũ tuần.
Một tâm linh được chuẩn bị cần được sống sung mãn trong Ngôi Lời. Sau đó chúng ta mới sẵn sàng dạy dỗ và khuyên bảo. Chứ không phải trước đó.
Phao-lô tiếp tục viết trong câu đó rằng “Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.” Khi chúng ta đã phục vụ Kinh thánh một cách chu đáo thì sự dạy dỗ và ca hát khó có thể tách khỏi nhau. Lời giảng hay như một giai điệu, như hòa ca với Chúa. Khi còn là một đứa trẻ đứng cạnh mẹ mình trong hội thánh, tôi đã nghe bà hát giọng nữ trầm trong tất cả các bài thánh ca. Tôi vẫn nhớ lúc mình phát hiện ra cách làm như vậy – cách tìm cao độ ở quãng ba dưới giai điệu đó và hòa nhịp. Cầu nguyện khi chuẩn bị bài giảng là cách chúng ta tìm ra cao độ của mình và để giọng mình hòa nhịp với Lời Chúa. Đó là một điều thật đẹp.
Làm một người phục vụ cũng đòi hỏi tôi phải có ý thức phục vụ hội chúng của mình. Họ không ngồi đó vì tôi, mà chính tôi đến đó vì họ. Dù có tiện hay không thì tôi cũng phải gặp họ tại chỗ của họ.
Gần đây, hai trong số những người lãnh đạo tài năng của nhóm học Kinh thánh cho nữ giới đã đến gặp tôi trong sự bực bội. Phần đa những người nữ mà họ dẫn dắt không dự phần cùng họ. Hai người lãnh đạo kỳ cựu này không tài nào khiến họ trả lời hoặc chia sẻ gì cả. Hai người họ nghĩ đến việc mở một nhóm nữ giới khác gồm những người sẽ làm bài tập họ giao hoặc tham gia vào buổi nhóm. Sau khi trò chuyện được một lúc, tôi chợt nhận ra một điều. “Các cô biết không, chúng ta cần cảm tạ Chúa vì họ đã đến nhóm”, tôi nói. “Đây là những người nữ yêu mến Chúa và họ đã cố gắng có mặt. Cho dù họ không nói gì cả hoặc không chuẩn bị theo yêu cầu của chúng ta, nhưng họ đến còn hơn không đến! Dù sao đi chăng nữa thì chúng ta mới là những người phục vụ kia mà!”
Vài ngày sau, một trong hai người lãnh đạo ấy viết cho tôi rằng cô đã đọc thấy trong Lu-ca những đoàn người đông đã đến cùng Chúa Giê-su. Cô viết: “Chúa Giê-su không khước từ họ chỉ vì họ có lịch trình khác với Ngài. Không, Ngài đã chào đón họ.” Cô tiếp tục viết: “Tôi nghĩ mình có thể áp dụng điều này với nhóm học Kinh thánh nữ giới và Chúa đang dẫn dắt rằng tôi cần vượt qua chính mình. Tất cả điều này không phải là về bản thân tôi, về việc tôi có được dùng các ân tứ của mình hay không, mà là những người nữ này đã đến, tôi cần chào đón họ và chia sẻ với họ về vương quốc Đức Chúa Trời.” Giờ đây, tâm linh cô đã sẵn sàng đón nhận Lời Chúa.
Khiến đức tin trở nên mềm mại
Có những khía cạnh đức tin đến với tôi rất dễ dàng khi tôi nghiên cứu Kinh thánh. Chẳng hạn như tôi tin rằng Kinh thánh thực sự là lời phán của Đức Chúa Trời và rằng đây là lời sự sống. Tôi tin rằng Chúa sẽ dùng tôi để giảng – một món quà ân điển. Tôi tin rằng nhờ việc nghe, người nghe sẽ trở thành những môn đồ tốt hơn của Chúa Giê-su. Những điều đó thường rất dễ khiến tôi tin.
Có những khía cạnh đức tin tinh vi hơn thế. Đức tin không chỉ là nghĩ rằng một điều là đúng. Đức tin còn là sự cởi mở thuộc linh, để đưa lẽ thật đó vào tư duy và hành động thực sự của mình. Chẳng hạn, tôi tin Chúa Giê-su khi Ngài phán: “Phước cho những người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ!” Nhưng trước khi giảng được điều đó, tôi cần đủ tin rằng mình cảm thấy cơn đói đang hành hạ và nhận ra rằng mình khát khao sự công chính như thế nào. Đó là chỗ không dễ để có đức tin. Đặt để tâm linh tôi vào phân đoạn ấy có thể mất thời gian hơn so với đọc sách giải kinh! Theo nghĩa đó, chuẩn bị tâm linh nghĩa là loại bỏ sự lười biếng của bản thân và mặc lấy trách nhiệm thuộc linh của mình vì tôi tin rằng điều đó sẽ dẫn đến một đời sống được Chúa chúc phước. Tôi tin rằng nếu tôi yêu Chúa Giê-su thì tôi sẽ vâng phục Ngài.
Gần đây, tôi thấy một khía cạnh khó nắm bắt hơn của đức tin trong câu chuyện Ma-thê, Ma-ri và căn nhà đầy khách (Lu-ca 10:38-42). Hai chị em cần cho các môn đồ ăn và cần phục vụ chính Chúa Giê-su. Giống hệt như khi tôi bước lên giảng, tôi cần cho các môn đồ ăn và cần phục vụ chính Chúa Giê-su. Hãy giả sử rằng Ma-thê rất muốn nghe Chúa Giê-su nhưng tinh thần trách nhiệm của bà cao hơn. Lu-ca chép rằng Ma-thê “mải bận rộn với việc phục vụ.” Theo tôi thì Ma-thê nên nhớ tới việc Chúa Giê-su đã cho năm ngàn người ăn mà đến ngồi cạnh Ma-ri. Nhưng nếu Chúa Giê-su không làm lại phép lạ đó thì các vị khách của bà sẽ đói. Bổn phận buộc phải làm. Trách nhiệm buộc phải để ý. Tôi biết cảm giác đó. Trách nhiệm giảng dạy – trách nhiệm cho tất cả những môn đồ đó ăn và làm đẹp lòng Chúa Giê-su – cũng khiến tôi lo lắng.
Điều Ma-thê không tưởng tượng được, ấy là Chúa Giê-su không phải là khách của bà. Bà là khách của Ngài mới đúng! Bà không ở đó để phục vụ Chúa Giê-su. Ngài đến đó để phục vụ bà. Tôi không biết Ma-ri – có lẽ bà cũng là một chủ nhà có trách nhiệm như chị mình – đã thể hiện đức tin phi thường thế nào đến nỗi bà có thể dừng lại để lắng nghe. Trong cả ngàn người có trách nhiệm, lấy đâu ra một người có thể làm điều mà bà đã làm! Bằng một cách nào đó, bà tin rằng Chúa Giê-su muốn cho bà ăn còn hơn cả chính bà muốn chăm sóc cho Ngài và những môn đồ theo Ngài. Bạn muốn nghe cô chị hay cô em giảng hơn đây?
Để chuẩn bị cho tâm linh mình, chúng ta cần để Chúa Giê-su phục vụ chúng ta. Và điều đó đòi hỏi chúng ta phải mở rộng đức tin của mình – đủ đức tin để chuyển gánh nặng trách nhiệm từ tôi sang Ngài. Đủ đức tin để yên lặng và lắng nghe.
Thấy rồi!
Khi chúng ta chuẩn bị tâm linh cũng như những phân đoạn Kinh thánh của mình, Chúa Giê-su sẽ cùng đi với chúng ta dưới một hình dạng khác, theo cách mà Ngài đã làm với hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út trong Lu-ca 24. Ngài dùng Kinh thánh đáp ứng những khao khát trong lòng của chúng ta cho tới khi chúng ta hiểu được ý của họ khi nói rằng “Trong lúc đi đường, Ngài nói chuyện và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bùng cháy sao?”
Giống như người truy tìm kho báu, chúng ta một mình tiến vào mỏ với cây đèn và chiếc cuốc chim. Chúa Giê-su nói trong Ma-thi-ơ 13:52 rằng “Vì vậy, những thầy thông giáo đã học biết về vương quốc thiên đàng, cũng giống như chủ nhà kia, đem những vật mới lẫn cũ ra khỏi kho báu của mình.” Khi chúng ta chuẩn bị tâm linh kỹ càng như chuẩn bị Kinh thánh, dân sự Chúa được nhận những kho báu vĩ đại và tin kính. Nhưng họ cũng nghe thấy chúng ta la lên trong vui mừng rằng “Thấy rồi! Xem tôi tìm được gì này!” Đó là một hội chúng giàu có.
Lee Eclov – tác giả bài viết – đã nghỉ hưu sau 40 năm làm chức vụ chăn bầy địa phương và hiện đang tập trung vào chức vụ giữa vòng các mục sư. Ông là tác giả của một số cuốn sách về chăn bầy và là cộng tác viên thường xuyên của Preaching Today.
– Nguồn: preachingtoday.com –
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
[1] Một chi tiết trong truyện Alice ở Xứ sở Diệu kỳ – N.D.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!