Bài Giảng Vĩ Đại Nhất Của Charles Spurgeon
Giangluankinhthanh.net – Charles Haddon Spurgeon (19/06/1834-31/01/1892) là một mục sư, một nhà giảng đạo người Anh vĩ đại của thế kỷ 19. Bước lên bục giảng từ thuở thiếu niên, những bài giảng mạnh mẽ, cuốn hút và đầy thôi thúc của Spurgeon đã thu hút những đám đông lặn lội đường xa đến nghe ông giảng. Sống một cuộc đời không mấy dễ dàng, nhưng cho đến cuối đời, nhà giảng đạo này vẫn giữ trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời toàn năng và không dời đổi. Bài viết dưới đây là cảm nhận của một tác giả người Anh về tầm ảnh hưởng không nhỏ của Charles Spurgeon từ thời đại của ông và cho đến ngày nay. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Tại sao Cơ Đốc nhân thời nay lại say mê nhà giảng đạo người Anh ở thế kỷ 19 – Charles Haddon Spurgeon đến vậy? Lớn lên tại Vương Quốc Anh và là một người nghiên cứu lịch sử hội thánh, tôi không thể nào ngó lơ tầm ảnh hưởng của Spurgeon.
Năm 1892, Spurgeon qua đời cùng tháng với một Hồng y và một vương tôn. Vị Hồng y đã sống trong địa vị, quyền lực và những đặc quyền. Vị vương tôn đã hưởng mọi cơ hội và sống đời sống xa hoa mà dòng dõi hoàng gia có thể chi trả. Spurgeon không có lấy một lợi ích nào trong số đó. Trong một thế giới vẫn nặng về tầng lớp và dòng dõi, ông là con, là cháu của những người mục sư, được giáo dục không đến nơi đến chốn.
Ấy thế nhưng khi Spurgeon qua đời ở tuổi 57, cả Luân Đôn đã khóc thương ông. Thi thể Spurgeon được đặt tại nhà thờ Metropolitan Tabernacle trong ba ngày, 60.000 người đã đi qua để tưởng nhớ. Tới ngày chôn cất ông, các hàng quán đều đóng cửa, cờ để rủ. Xe tang trên đường đến nghĩa địa, 100.000 người đã xếp hàng để chứng kiến dòng người đưa tiễn dài hơn ba cây số.
Tất cả những điều này là để tưởng nhớ một người từng tự nhận xét về danh tiếng của mình rằng:
Thà rằng làm cát bụi trên đường, làm trò cười cho kẻ ngốc, làm điệu hát cho kẻ say mà phục vụ Chủ được tốt hơn, được ích lợi cho việc Ngài hơn, còn hơn được cả đoàn người đi theo, hay nhận được những tiếng vỗ tay tán tụng của loài người.
Nhà giảng đạo nhỏ tuổi
Khi Spurgeon mới được 10 tuổi, một giáo sĩ đến thăm nhà đã nói rằng một ngày nào đó, ông sẽ giảng cho cả ngàn người. Lời tiên tri này đã trở thành sự thật. Một sáng Chúa Nhật nọ, khi mới được 15 tuổi, Spurgeon sửa soạn đi lễ tại một nhà thờ trong vùng, trong hệ phái mà cả cha và ông Spurgeon phục vụ trong vai trò mục sư. Trên đường đi, một cơn bão tuyết dữ dội buộc ông phải tấp vô lề. Ông trú bão trong một Hội thánh Giám lý Nguyên thủy (Primitive Methodist Church), và Spurgeon tin rằng bài giảng mà ông nghe sáng đó đã khiến ông cải đạo.
Tuy không được học qua trường lớp nhiều nhưng Spurgeon cực kỳ ham học hỏi. Mỗi tuần ông đọc tầm sáu cuốn sách. Đến tuổi trưởng thành, thư viện cá nhân của ông có tới 12.000 cuốn. Khi bắt đầu chức vụ, Spurgeon chỉ là một cậu bé, nhưng là một cậu bé tài giỏi và có biệt tài diễn thuyết. Khi Spurgeon đứng sau bục giảng, người nghe sửng sốt khi nhận ra rằng chàng thanh niên mảnh khảnh này giảng ra những sứ điệp quyền năng và phức tạp hơn nhiều so với tuổi của cậu, nhưng lại luôn cuốn hút và dễ tiếp cận. Không lâu sau đó, các tín hữu đã lặn lội hàng dặm để đến nghe cậu giảng.
Một năm rưỡi sau khi nhà giảng đạo tuổi thiếu niên nhận chức vụ chăn bầy đầu tiên của mình, ông được mời đến giảng tại Nhà nguyện New Park Street tại Luân Đôn. Quá kinh ngạc về sứ điệp của Spurgeon, hội chúng này đã bỏ phiếu để được nghe ông giảng tiếp trong sáu tháng sau đó. Vậy là chàng thanh niên 19 tuổi chuyển đến Luân Đôn. Đám đông cứ thế lớn dần, lớn dần. Trong vòng vài năm, nhà giảng đạo nhỏ tuổi vùng thôn quê đã trở nên nổi tiếng khắp nước Anh và trên toàn thế giới.
Quãng đời đau khổ
Lối diễn đạt cuốn hút của Spurgeon đã truyền tải thông điệp dức dấy lòng ông – thẩm quyền tuyệt đối của Kinh thánh, quyền năng vô hạn của một Đức Chúa Trời yêu thương, và đời sống mà những người được cứu rỗi trong Chúa Giê-su Christ cần có. Đó là một nền tảng thần học vững vàng, nhưng không khiến Spurgeon tránh khỏi nhiều nỗi gian truân trong cuộc sống.
Tuy cực kỳ nổi tiếng giữa vòng những đám đông tại Luân Đôn nhưng phong cách giảng mạnh mẽ của ông lại khơi lên những chỉ trích gay gắt từ những người đồng thời. Ông nói: “Tôi thường quỳ rạp xuống, những giọt mồ hôi nóng giãy trên trán chảy xuống vì những lời vu khống mà người ta mới quăng vào tôi; trong cơn sầu khổ, cõi lòng tôi dường như tan nát.” Những người cùng làm mục sư với ông thường xuyên công kích ông bằng lời nói, gọi ông là “gã hề trên bục giảng”. Những lời chỉ trích cay độc như vậy gây quá nhiều tổn thương cho một người đã phải cả đời vật lộn với những cơn trầm cảm.
Trong một lần ông giảng, hội chúng phía dưới tưởng tòa nhà đang bốc cháy nên họ giẫm đạp lên nhau để thoát thân khiến bảy tín đồ thiệt mạng. Sau thảm họa đó, Spurgeon rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề. Từ đó trở đi, những mùa phiền muộn u ám cứ dai dẳng bám theo ông. Nhớ lại một quãng đời đó, ông nói: “Tâm linh của tôi chìm sâu đến nỗi tôi cứ khóc hàng giờ như một đứa trẻ mà không biết mình khóc vì cái gì.”
Ngoài nỗi thống khổ về tình cảm và tinh thần, Spurgeon cũng mang gánh nặng của bệnh tật. Có những lúc bệnh gout giày vò khiến ông không thể đi được, không thể ngủ được. Mỗi lần như vậy, bệnh tật thường khiến ông nằm liệt giường trong nhiều tuần.
Nguồn an ủi từ một Đức Chúa Trời không dời đổi
Trong đời mình, Spurgeon đã giảng cho hơn 10 triệu người. Sau khi ông qua đời, những bài giảng đó cùng những tác phẩm của ông, đã ảnh hưởng tới hàng triệu người nữa. Ấy thế nhưng không có bài giảng nào gần gũi với thời đại ngày nay hơn bài mà Spurgeon đã giảng bằng cuộc đời mình, khi ông đối mặt với đau khổ trong những thử thách tột cùng cho đức tin.
Cuối cùng thì niềm tin không lay chuyển của ông vào quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời đã an ủi ông trong những thời khắc đen tối. Biết rằng giữa những đau đớn, Đức Chúa Trời yêu thương vẫn luôn tể trị, ông lại có thêm can đảm để kiên trì bước tiếp. Trong bài giảng cuối cùng của Spurgeon, ông đã làm chứng về tình yêu thành tín của Chúa giữa những đau khổ:
Ngài là vị tướng quân trượng nghĩa không ai bằng. Trong những quân vương ưu tú nhất, nào có lấy một ai như Ngài. Ngài luôn xông pha vào chốn khốc liệt nhất của trận chiến. Gió lạnh tràn về, Ngài luôn nhận lấy chỗ gió rét căm căm phía bên kia đồi. Thập giá kia phần nào nặng nhất? Ấy là phần hằng ở trên vai Ngài.
Trong một thế giới mà những kẻ điên vào chốn thờ phượng để hủy hoại những người trung tín, và ngày qua ngày, tin tức đầy những “chiến tranh và tin đồn về chiến tranh”, thì bài giảng cuối cùng của Spurgeon đã thắp lên ánh sáng giữa đêm tối mịt mùng. Spurgeon công bố với những người đang chịu khổ rằng Vua chúng ta, Đấng chăn chiên của chúng ta vẫn tể trị, và tình yêu Ngài sẽ không bao giờ hư mất.
Alistair Begg, tác giả bài viết là tổng biên tập của cuốn Học Kinh thánh theo Spurgeon (CSB Spurgeon Study Bible), mục sư trưởng của Hội thánh Parkside, Cleveland, bang Ohio, Hoa Kỳ, đồng thời là giáo viên Kinh thánh của chương trình Lẽ thật cho Đời sống (Truth for Life) trên sóng phát thanh và trực tuyến trên khắp thế giới. Ông tốt nghiệp cao đẳng thần học tại Luân Đôn và phục vụ hai hội thánh tại Scotland trước khi chuyển đến bang Ohio, Hoa Kỳ. Alistair kết hôn với Susan, họ có ba người con đã trưởng thành và bảy đứa cháu.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Link bài viết gốc: https://www.thegospelcoalition.org/article/spurgeons-greatest-sermon/ truy cập ngày 19/01/2021.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Kính chào quý tôi tớ Chúa,
Tôi muốn tìm kiếm các tài liệu của C.H. Spurgeon nhưng hiện chỉ kiếm được cuốn Lời Sống Hằng Ngày.
Tôi rất mong được quý vị giúp đỡ, giới thiệu tôi chỗ mua hoặc bằng cách nào để có được bản điện tử!
Trong ơn Chúa Jesus kính chúc Quý vị Bình An!
Trân trọng cảm ơn,