Đừng Bỏ Việc Đọc Kinh Thánh Trước Hội Chúng
Giangluankinhthanh.net – Đọc Kinh Thánh đã trở thành một thực hành chủ yếu mang tính cá nhân — điều mà chúng ta làm trong “thời gian tĩnh nguyện” riêng. Hội thánh chỉ đọc chung một vài câu, hoặc cùng lắm là một chương trước bài giảng vào sáng Chúa Nhật. Lần cuối cùng bạn được nghe nhiều chương, hoặc thậm chí cả một sách, hoặc toàn bộ Kinh Thánh, từ đầu đến cuối, được đọc lớn tiếng, trước hội chúng của hội thánh là khi nào?
ĐỪNG BỎ VIỆC ĐỌC KINH THÁNH TRƯỚC HỘI CHÚNG
Việc đó đã trở thành một hiện tượng tương đối hiếm trong các hội thánh. Tuy nhiên, việc đọc Kinh thánh trước hội chúng là một trong những thực hành cổ xưa nhất, lâu đời nhất của dân Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh thánh. Việc làm đó được mô tả và khen ngợi nhiều lần vào những thời khắc quan trọng trong lịch sử cứu chuộc, từ đầu đến cuối Kinh thánh. Trên thực tế, đó là điều mà dân sự của Đức Chúa Trời được lệnh đặc biệt phải làm với lòng mến mộ. Như Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê, người trợ tá trẻ tuổi của ông, “Con hãy chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh trong các buổi nhóm” (1 Ti-mô-thê 4:13, Bản hiệu đính).
ĐỌC KINH THÁNH TRƯỚC HỘI CHÚNG TRONG CỰU ƯỚC
Nơi đầu tiên mà chúng ta thấy cả dân đọc Lời Chúa trong Kinh thánh là ở chân núi Sinai trong Xuất Ê-díp-tô Ký 24. Cũng có thể nói đây là chỗ đầu tiên mô tả đầy đủ sự thờ phượng của toàn dân sự trong Kinh Thánh. Vì vậy, thật đáng lưu ý khi chính trong hoàn cảnh đầy ý nghĩa này, sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, Môi-se đã “cầm quyển sách giao ước và đọc cho dân chúng nghe” (Xuất 24:7).
Sau khoảnh khắc lập quốc này ở chân núi Sinai, nơi Đức Chúa Trời thiết lập giao ước của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta thấy thực hành còn xuất hiện tại nhiều nơi khác. Trong Phục truyền luật lệ ký 31, qua Môi-se, Chúa ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải đọc toàn bộ luật pháp vào cuối mỗi bảy năm “trước cả dân Y-sơ-ra-ên để ai cũng được nghe” (câu 11). Nói cách khác, dân sự của Đức Chúa Trời được kêu gọi để ghi nhớ giao ước mà họ đã lập với Chúa, và một phần thiết yếu để lưu giữ ký ức này là đọc Kinh thánh trước hội chúng. Qua thực hành đọc này, danh tính của dân tộc Y-sơ-ra-ên như dân giao ước của Đức Chúa Trời đã được hình thành và làm mới lại, và những người dân của quốc gia từng là nô lệ này lại tái cam kết phụng sự Đức Chúa Trời, Đấng đã cứu họ.
Nghi thức làm mới giao ước này, trong đó việc đọc Kinh thánh trước hội chúng đóng vai trò trung tâm, chính là những gì chúng ta thấy được mô tả sau khi dân Y-sơ-ra-ên vừa vào Đất Hứa. Giô-suê 8: 34–35 ghi lại rằng Giô-suê “đọc toàn bộ luật pháp, gồm lời chúc lành và lời rủa sả như đã chép trong sách luật pháp. Không một lời nào trong tất cả các lời Môi-se đã truyền dặn mà Giô-suê không đọc trước mặt cả hội chúng Y-sơ-ra-ên, kể cả phụ nữ, trẻ em, và khách lạ ở giữa họ”.
Điều này cũng được thuật lại trong lịch sử Y-sơ-ra-ên về sau, khi sách luật pháp đã bị thất lạc một thời gian rồi được tìm thấy trong đền thờ. Khi tìm thấy Lời Đức Chúa Trời, vua Giô-si-a đã thực hiện những cải cách, bắt đầu từ việc đọc Kinh Thánh trước hội chúng: “Vua Giô-si-a sai người triệu tập tất cả các trưởng lão của Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Rồi vua đi lên đền thờ Đức Giê-hô-va cùng với tất cả người Giu-đa, cả dân cư Giê-ru-sa-lem, các thầy tế lễ, các nhà tiên tri, cùng toàn dân từ nhỏ đến lớn. Vua đọc cho họ nghe mọi lời của sách giao ước vừa tìm được trong đền thờ của Đức Giê-hô-va.” (2 Các Vua 23: 1–2).
Chúng ta thấy một hành động giống hệt như thế sau khi dân sự của Đức Chúa Trời trở về từ nơi lưu đày dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra và Nê-hê-mi. “Từ rạng đông cho đến giữa trưa” họ nghe đọc Kinh thánh. E-xơ-ra, người đọc, thì đứng trên một “bục gỗ” đặc biệt, có vẻ là “tòa giảng” đầu tiên trong lịch sử (Nê-hê-mi 8:3–4).
ĐỌC KINH THÁNH TRƯỚC HỘI CHÚNG TRONG TÂN ƯỚC
Câu chuyện về việc đọc Kinh thánh trước hội chúng đạt đến cao trào khi Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ công khai của Ngài bằng cách đứng dậy để đọc Kinh thánh. “Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, vào ngày sa-bát, Ngài đến nhà hội, đứng dậy để đọc” (Lu-ca 4:16). Khi Chúa Giê-su đứng dậy đọc trong nhà hội ở Na-xa-rét, Ngài đang làm theo một thực hành cổ xưa, bắt đầu với Môi-se ở chân núi Sinai và tiếp tục qua Giô-suê, Giô-si-a, Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi. Chưa hết, khi Chúa Giê-su đứng lên đọc, Ngài cũng có thể nói, “Hôm nay lời Kinh Thánh mà các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm” (Lu-ca 4:21). Tại đây Lời không chỉ được đọc mà còn trở nên xác thể.
Tiếp tục đọc Tân Ước, chúng ta thấy rõ ràng là thực hành đọc Kinh Thánh trước hội chúng đã trở nên quy chuẩn đối với hội thánh. Hãy xem những lời của Phao-lô nói với hội thánh tại Cô-lô-se: “Sau khi đã đọc thư nầy giữa anh em, hãy chuyển cho Hội Thánh Lao-đi-xê cùng đọc; đồng thời cũng hãy đọc thư của Hội Thánh Lao-đi-xê gửi đến nữa” (Cô-lô-se 4:16). Hoặc, tương tự, hãy xem thư của Phao-lô gửi hội thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca: “Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu anh em hãy đọc thư nầy cho tất cả anh em được nghe” (1 Tê 5:27).
Thực tế, sách cuối cùng trong Kinh Thánh bắt đầu bằng lời khích lệ đáng chú ý này: “Phước cho người đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy và vâng giữ những điều đã ghi chép trong đó, vì thì giờ đã gần rồi” (Khải huyền 1: 3).
Có thể nói, việc đọc Kinh thánh trước hội chúng là một yếu tố thiết yếu trong sự thờ phượng Cơ đốc.
KẾT LUẬN
Việc đọc Kinh thánh trước hội chúng là một yếu tố thiết yếu trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời của dân có giao ước với Ngài. Thật vậy, việc đó được cho là yếu tố cơ bản nhất trong sự thờ phượng vì tất cả các yếu tố khác trong sự thờ phượng (như cầu nguyện, ca tụng, rao giảng và các thánh lễ) đều nhằm đáp lại việc nghe Lời Đức Chúa Trời. Thật đáng buồn vì thực hành này đã rơi vào thế bí, và trong một số trường hợp đã được thay bằng việc đọc Kinh thánh cá nhân.
Việc suy ngẫm riêng tư về luật pháp của Đức Chúa Trời không thể thay thế việc đọc Kinh thánh trước hội chúng. Đặc biệt là trong một xã hội như xã hội chúng ta, với “chủ nghĩa cá nhân thể hiện” ngày càng rõ nét, hội thánh rất cần khôi phục thực hành cổ xưa này để hình thành đời sống tâm linh của cộng đồng. Đây đã là hoạt động của hội thánh ban đầu, như Justin Martyr ghi lại trong mô tả nổi tiếng của ông về sự thờ phượng vào thế kỷ thứ hai. “Và vào ngày gọi là Chúa Nhật, tất cả những người sống trong các thành phố hoặc thôn quê tập trung lại tại một nơi, và hồi ký của các sứ đồ hoặc tác phẩm của các vị tiên tri được xướng lên trong thời gian cho phép; sau đó, khi người đọc dừng lại, vị chủ tọa đưa ra lời hướng dẫn, và khuyến khích dân sự bắt chước những điều tốt đẹp này. Sau đó, tất cả chúng tôi cùng nhau đứng dậy và cầu nguyện” (1 Apology 1.67; ANF 1: 186).
Nguyện dân giao ước của Đức Chúa Trời được đổi mới khi chúng ta phục hồi thực hành cổ xưa này và khám phá lại danh tính đích thực của mình qua việc đọc Kinh thánh trước hội chúng. Thật vậy, như Justin Martyr có thể nói, nguyện chúng ta được khuyến khích để “bắt chước những điều tốt đẹp này”.
Tác giả: Justin Borger
Justin Borger là mục sư phụ tá tại hội thánh St. Paul’s Presbyterian Church ở Orlando, Florida.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Link: https://tabletalkmagazine.com/posts/dont-forsake-the-public-reading-of-scripture/ truy cập 17/1/2021.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!