Cơ Đốc Nhân Có Phải Giữ Ngày Sa-bát Hay Không?
Giangluankinhthanh.net – Cơ đốc nhân có phải giữ ngày Sa-bát hay không là một cuộc tranh luận dài. Những người chủ trương giữ ngày Sa-bát nhấn mạnh đây là một trong mười điều răn. Hơn nữa, ngày Sa-bát còn được Chúa “thánh hóa” từ buổi Sáng Thế (Sáng 2:1-3) và vì vậy là có tính bắt buộc trên tất cả mọi người. Những câu Kinh Thánh như “Vì vậy, con dân Y-sơ-ra-ên phải tuân giữ ngày sa-bát qua mọi thế hệ như một giao ước đời đời” (Xuất Ai cập 31:16) dường như củng cố cho điều đó. Cuộc tranh luận này đặc biệt trở nên quan trọng khi một số tà giáo hoặc người dạy dị giáo lại hay dùng vấn đề ngày Sa-bát làm xuất phát điểm cho lý luận của họ, để tấn công đức tin Cơ đốc chính thống.
Tín đồ ngày nay tiếp tục tranh luận xem chúng ta có buộc phải giữ ngày Sa-bát hay không. Ngày Sa-bát được ban cho Y-sơ-ra-ên như một dấu hiệu của giao ước, và Chúa lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên nghỉ vào ngày thứ bảy. Chúng ta thấy ở những chỗ khác trong Cựu Ước, các giao ước cũng có dấu hiệu: Dấu hiệu của giao ước với Nô-ê là cầu vồng (Sáng 9:8–17) và dấu hiệu của giao ước với Áp-ra-ham là phép cắt bì (Sáng 17). Ngày Sa-bát dựa trên việc Đức Chúa Trời cũng nghỉ vào ngày thứ bảy của công cuộc sáng tạo (Sáng 2:1–3). Vì thế, Chúa cũng kêu gọi Y-sơ-ra-ên nghỉ làm việc vào ngày thứ bảy (Xuất 20:8–11; 31:12–17). Không làm việc vào ngày Sa-bát có ý nghĩa gì với Y-sơ-ra-ên? Bảng 5 liệt kê các loại hoạt động bị cấm và được phép.
Ngày Sa-bát chắc chắn là một ngày để quan tâm tới xã hội, vì nghỉ ngơi là mạng lệnh cho mọi người Y-sơ-ra-ên, kể cả con cái, nô lệ và thậm chí là gia súc của họ (Phục 5:14). Đó cũng là một ngày để tôn kính và thờ phượng Chúa. Những tế lễ thiêu đặc biệt được dâng lên cho Chúa vào ngày Sa-bát (Dân 28:9-10). Thi thiên 92 là một bài hát Sa-bát cất lên sự ngợi khen Đức Chúa Trời vì tình yêu và sự thành tín không dời đổi của Ngài. Chúa kêu gọi Y-sơ-ra-ên giữ ngày Sa-bát để nhớ đến công việc của Chúa khi giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập (Phục 5:15). Vì vậy, ngày Sa-bát gắn với giao ước của Y-sơ-ra-ên với Chúa, vì ngày đó kỷ niệm việc Y-sơ-ra-ên được giải phóng khỏi ách nô lệ. Như vậy, ngày Sa-bát là dấu hiệu của giao ước giữa Chúa và Y-sơ-ra-ên (Xuất 31:12–17; Ê-xê-chi-ên. 20:12–17). Đức Chúa Trời đã hứa ban phước hạnh lớn lao cho những người giữ ngày Sa-bát (Ê-sai 56:2, 6; 58:13–14). Vi phạm mạng lệnh về ngày Sa-bát không phải chuyện tầm thường, vì án tử hình dành cho những ai cố tình vi phạm ngày đó (Xuất 31:14–15; 35:2; Dân. 15:32–36), mặc dù lượm ma-na vào ngày Sa-bát trước khi có luật của Môi-se không phải chịu hình phạt như vậy (Xuất 16:22–30). Y-sơ-ra-ên thường xuyên vi phạm ngày Sa-bát – dấu hiệu của giao ước – và đây là một trong những lý do khiến dân này bị đày đi làm phu tù (Giê 17:21–27; Ê-xê-chi-ên. 20:12–24).
Trong suốt thời kỳ Đền thờ Thứ hai, các quan điểm về ngày Sa-bát tiếp tục phát triển. Ở đây tôi không định làm một nghiên cứu tổng thể. Thay vào đó, tôi sẽ đưa ra một số minh họa để thấy được người Do Thái nghiêm túc với ngày Sa-bát như thế nào. Sa-bát là ngày hội hè, vì vậy kiêng ăn vào ngày Sa-bát là một điều không phù hợp (Giu-đi-tha 8:6; 1 Ma-ca-bê 1:39, 45). Ban đầu, người Hasmoneus không chịu chiến đấu vào ngày Sa-bát, nhưng sau khi bị bại trận, họ đổi ý và bắt đầu chiến đấu vào ngày Sa-bát (1 Ma-ca-bê 2:32–41; tương tự như trong Josephus, Jewish Antiquities 12.274, 276–277). Tác giả của sách Jubilees đưa ra một quan điểm khắt khe về ngày Sa-bát (Jubilees 50:6–13). Ông nhấn mạnh rằng chúng ta không nên làm việc gì và ghi rõ một số việc bị cấm thực hiện (50:12–13). Việc kiêng ăn bị cấm vì Sa-bát là ngày hội hè (50:10, 12). Quan hệ tình dục với chính vợ mình cũng bị cấm (50:8), tuy có thể dâng các của lễ nêu trong luật pháp (50:10). Những người vi phạm quy định về ngày Sa-bát phải chết (50:7, 13). Ngày Sa-bát là đời đời, thậm chí các thiên sứ còn giữ ngày đó (2:17-24). Thực vậy, các thiên sứ giữ ngày Sa-bát trên thiên đàng trước khi ngày đó được thiết lập trên đất (2:30). Mọi tác giả Do Thái đều đồng thuận rằng Đức Chúa Trời lệnh cho Y-sơ-ra-ên nghỉ ngơi theo đúng nghĩa đen, tuy không có gì đáng ngạc nhiên khi Philo cũng nghĩ đến nó dưới góc độ nghỉ ngơi trong Chúa (Sobriety, 1:174) và có những suy nghĩ thích hợp về Chúa (Special Laws, 2:260). Philo cũng giải thích ý nghĩa tượng trưng của số bảy (Moses, 2:210).Cộng đồng Qumran khá nghiêm khắc về việc giữ ngày Sa-bát, họ cho rằng phải tuân theo sự giải nghĩa đúng đắn (CD 6:18; 10:14–23). Ngay cả khi một con vật rơi xuống hố vào ngày Sa-bát thì ta cũng không nên giúp nó (CD 11:13-14). Tuy nhiên, khi nói với người Pha-ri-si, Chúa Giê-su lại cho rằng điều này được phép làm (Ma-thi-ơ 12:11). Sách Mishnah của người Do Thái nêu 39 loại công việc bị cấm làm vào ngày Sa-bát (m. Shabbat 7:2).
Tôi không tin rằng tín đồ ngày nay bắt buộc phải giữ ngày Sa-bát vì giờ đây, giao ước mới đã đến trong thân vị của Chúa Giê-su Christ. Đầu tiên, tôi cần nói rằng tôi không định nhắc lại những gì mình đã viết về ngày Sa-bát trong các sách Tin lành vì tại đó, tôi đã nghiên cứu các phân đoạn về ngày Sa-bát rồi. Ở đây, tôi muốn xâu chuỗi các dữ kiện liên quan đến tính hiệu lực của ngày Sa-bát trong thời đại ngày nay. Đúng ra thì Chúa Giê-su không bãi bỏ ngày Sa-bát một cách rõ ràng, Ngài cũng không vi phạm những quy định của ngày đó. Nhưng sự dạy dỗ của Chúa Giê-su không tập trung vào những điều lệ hiển nhiên trong sách Jubilees, Qumran và sách Mishnah. Ngài nhắc nhở người nghe rằng “Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sa-bát” (Mác 2:27). Rõ ràng là một số phần trong Do Thái giáo đã bỏ lỡ phương diện này, từ đó ngày Sa-bát đã mất đi phương diện con người của nó. Họ đã quá chú trọng vào các luật lệ đến nỗi quên mất lòng thương xót (Ma-thi-ơ 12:7). Chúa Giê-su buồn phiền vì lòng những người Pha-ri-si cứng cỏi, họ thiếu đi tình yêu với những người đang chịu khổ (Mác 3:5).
Việc Chúa Giê-su giữ ngày Sa-bát không phải là bằng chứng mạnh mẽ để tiếp tục giữ ngày này trong giao ước mới. Việc Ngài giữ ngày Sa-bát là hoàn toàn hợp lý, vì Ngài sống dưới luật Cựu Ước. Ngài được “sinh ra dưới luật pháp” như Phao-lô đã nói (Ga 4:4). Mặt khác, khi đọc kỹ các sự việc trong sách Tin lành, chúng ta thấy rằng ngày Sa-bát sẽ không còn đóng vai trò quan trọng nữa. Chúa Giê-su tuyên bố rằng “Con Người cũng là Chúa của ngày Sa-bát” (Mác 2:28). Ngày Sa-bát không cai trị trên Ngài, nhưng Ngài cai trị trên ngày Sa-bát. Ngài là Đa-vít mới, là Đấng Mê-si-a; ngày Sa-bát và cả Kinh thánh Cựu Ước đều chỉ về Ngài (Ma-thi-ơ 12:3-4). Thực vậy, Chúa Giê-su thậm chí còn xác nhận trong Giăng 5:17 rằng giống với Chúa Cha, Ngài cũng làm việc vào ngày Sa-bát. Tất nhiên, làm việc trong ngày Sa-bát là điều mà Cựu Ước ngăn cấm, nhưng Cựu Ước xác nhận rằng Ngài phải làm việc trong ngày Sa-bát vì Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời (Giăng 5:18).
Ở đây, thật thú vị khi xét đến quan điểm của viên quản lý nhà hội trong Lu-ca 13:10-17. Ông ta cho rằng Chúa Giê-su nên chữa bệnh vào sáu ngày khác trong tuần, đừng chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Một mặt, lời khuyên này có vẻ rất chí lý, nhất là khi quan điểm nghiêm ngặt về ngày Sa-bát có tính phổ biến trong Do Thái giáo. Bất ngờ ở chỗ, Chúa Giê-su lại cố tình chữa lành vào ngày Sa-bát. Chữa lành là điều Ngài “phải” (dei) làm vào ngày Sa-bát (Lu-ca 13:16). Có vẻ như Ngài làm như vậy để thể hiện rằng Ngài cao trọng hơn ngày Sa-bát và gợi ý rằng điều đó không có hiệu lực mãi. Lu-ca 4:16-21 ám chỉ rằng Chúa Giê-su làm trọn Năm hân hỉ của Cựu Ước (Lê-vi ký 25). Sự nghỉ ngơi và vui mừng mà người ta chờ đợi trong Năm hân hỉ được hoàn tất trong Ngài, cho nên sự nghỉ ngơi và hội hè của ngày Sa-bát lên đến đỉnh điểm của nó trong Chúa Giê-su.
Chúng ta cho rằng ngày Sa-bát không còn hiệu lực nữa vì đó là dấu hiệu của giao ước với Môi-se, và như tôi đã lập luận trong sách này, rõ ràng là các tín đồ không còn ở dưới giao ước Si-na-i nữa. Vì vậy, họ cũng không bị ràng buộc với dấu hiệu của giao ước nữa. Ngày Sa-bát – một dấu hiệu của giao ước – kỷ niệm việc Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi Ai Cập, nhưng Xuất Ai Cập ký – theo các trước giả Tân Ước – chỉ về sự cứu rỗi trong Đấng Christ. Những người tin Đấng Christ không được cứu khỏi Ai Cập, vì vậy dấu hiệu giao ước của Y-sơ-ra-ên không áp dụng với họ.
Các thư tín của Phao-lô nêu rõ rằng ngày Sa-bát không ràng buộc trên người tin Chúa. Trong Cô-lô-se, Phao-lô coi ngày Sa-bát cùng với những yêu cầu về đồ ăn, ngày lễ và ngày trăng mới chỉ là cái bóng (Cô-lô-se 2:16-17). Nói cách khác, ngày Sa-bát chỉ về Đấng Christ và được hoàn tất trong Ngài. Từ “bóng” (skia) mà Phao-lô dùng để mô tả ngày Sa-bát là cùng một thuật ngữ mà trước giả sách Hê-bơ-rơ dùng để mô tả các của lễ trong Cựu Ước. Luật pháp chỉ là “bóng (skia) của những điều tốt đẹp đến sau, chứ không phải là hình thật của sự vật” (Hê 10:1). Luận điểm đó rất giống với điều chúng ta thấy trong Cô-lô-se: cả hai đều coi các yếu tố trong luật pháp chỉ là bóng so với “hình”(sōma, Cô 2:17), (eikona, Hê 10:1) thấy trong Đấng Christ. Phao-lô không khinh dể ngày Sa-bát. Ông nhìn nhận chỗ đứng của nó trong lịch sử cứu chuộc, bởi lẽ, giống như các của lễ trong Cựu Ước, tuy không giống hệt nhau nhưng nó dọn đường cho Đấng Christ. Thời nay, tôi chưa thấy ai nghĩ rằng nên dâng các của lễ như thời Cựu Ước; và khi chúng ta so sánh điều Phao-lô nói về ngày Sa-bát với những của lễ đó, dường như có thể kết luận rằng ông nghĩ là ngày Sa-bát không còn bắt buộc nữa.
Tuy nhiên, một số người cho rằng “Sa-bát” trong Cô-lô-se 2:16 không nói tới các ngày Sa-bát hằng tuần nhưng chỉ nói đến các năm sa-bát. Đó chỉ là lý sự cùn vì ngày nổi bật nhất trong lịch của người Do Thái là ngày Sa-bát hằng tuần. Từ những nguồn tài liệu thế tục, chúng ta biết rằng chính việc giữ ngày Sa-bát hằng tuần đã thu hút sự chú ý của dân ngoại (Juvenal, Satires 14.96–106; Tacitus, Histories 5.4). Có lẽ Phao-lô nói đến cả các năm sa-bát, nhưng cũng không có nghĩa là ông loại trừ ngày Sa-bát hằng tuần, vì hễ cứ nhắc đến Sa-bát là cả người đọc Do Thái và dân ngoại đều nghĩ đến ngày đó. Điều Phao-lô nói ở đây rất đáng chú ý, vì ông đặt ngày Sa-bát cạnh các luật lệ về đồ ăn, những kỳ lễ như Lễ Vượt qua và ngày trăng mới. Tất cả những điều này là cái bóng chỉ về sự đến của Đấng Christ. Rất ít Cơ Đốc nhân nghĩ rằng chúng ta phải giữ các luật lệ về đồ ăn, Lễ Vượt qua và ngày trăng mới. Nếu vậy thì sao lại phải giữ ngày Sa-bát, vì rõ ràng là nó được đặt cạnh những điều kia.
Một câu Kinh thánh không thể thiếu về ngày Sa-bát là Rô-ma 14:5: “Người nầy cho rằng ngày nầy tốt hơn ngày kia, còn người khác thì coi mọi ngày đều như nhau; mỗi người hãy tin chắc ở trí mình.” Trong Rô-ma 14:1–15:6, Phao-lô chủ yếu nói đến những đồ ăn mà một số người – gần như là những người bị ảnh hưởng bởi những điều luật về đồ ăn trong Cựu Ước – nghĩ là ô uế. Trái với Lê-vi ký 11:1–44 và Phục truyền luật lệ ký 14:3–21, Phao-lô dạy rõ rằng mọi đồ ăn đều thanh sạch (Rô 14:14, 20) vì một kỷ nguyên mới của lịch sử cứu chuộc đã ló dạng. Nói cách khác, về mặt thần học, Phao-lô đứng về phía những người mạnh trong cuộc tranh luận, ông tin rằng mọi đồ ăn đều thanh sạch. Tuy nhiên, ông cho rằng người mạnh phải tránh làm tổn hại và hủy hoại người yếu. Người mạnh phải tôn trọng quan điểm của người yếu (Rô 14:1) và tránh tranh cãi với họ. Có vẻ như người yếu không khăng khăng cho rằng phải giữ các luật lệ về đồ ăn và giữ các ngày thì mới được cứu, vì nếu vậy thì họ lại công bố một tin lành khác (đối chiếu Ga 1:8–9; 2:3–5; 4:10; 5:2–6), và Phao-lô sẽ không chấp nhận quan điểm của họ. Có lẽ là người yếu tin rằng người ta sẽ trở nên Cơ Đốc nhân mạnh mẽ hơn khi giữ các luật lệ về đồ ăn và các ngày. Người yếu có nguy cơ phán xét người mạnh (Rô 14:3–4), và người mạnh có nguy cơ khinh bỉ người yếu (Rô 14:3, 10). Trong bất cứ trường hợp nào thì người mạnh cũng có vị thế hơn trong hội chúng La Mã, vì Phao-lô e rằng họ sẽ làm tổn hại đến người yếu.
Tuy nhiên, đừng bỏ qua một điểm cực kỳ quan trọng. Mặc dù Phao-lô lo cho lương tâm của người yếu nhưng ông lại ủng hộ quan điểm của người mạnh về cả luật lệ về đồ ăn và các ngày. John Barclay đã đúng khi cho rằng Phao-lô khéo léo (chứ không quá dè dặt!) hạ quan điểm thần học của người yếu xuống vì ông cho rằng người ta ăn cái gì và giữ những ngày nào cũng không thành vấn đề. Mặt khác, Cựu Ước lại rất rõ ràng về vấn đề này. Dân sự ăn cái gì và giữ những ngày nào đều do Đức Chúa Trời định ra. Ngài đã ban những mạng lệnh rõ ràng về cả hai vấn đề này. Do vậy, lập luận của Phao-lô là những điều luật đó không còn hiệu lực vì các tín đồ không ở dưới giao ước Môi-se nữa. Thật vậy, quyền tự do tin rằng tất cả mọi ngày đều giống nhau bao gồm cả ngày Sa-bát, vì khi đọc như vậy, người Do Thái sẽ nghĩ ngay đến ngày Sa-bát vì tuần nào họ cũng giữ ngày này.
Phao-lô không hề tranh cãi với những người muốn coi ngày Sa-bát là ngày đặc biệt, miễn là họ không đặt nó làm điều kiện để được cứu hoặc bắt những tín đồ khác đồng thuận với mình. Cần tôn trọng quan điểm của những người coi ngày Sa-bát là một ngày đặc biệt, không nên khinh thường hay cười nhạo họ. Tuy nhiên, những người khác coi mọi ngày đều như nhau. Họ không nghĩ là có ngày nào quan trọng hơn những ngày còn lại. Cũng đừng phán xét những người nghĩ như vậy là không thuộc linh. Chắc chắn là Phao-lô ủng hộ quan điểm này, vì ông mạnh mẽ trong đức tin chứ không yếu đuối. Cần thực sự chú ý đến những điều ông nói ở đây. Nếu quan niệm rằng mọi ngày trong tuần đều như nhau là thỏa đáng, và nếu Phao-lô cũng có quan điểm như vậy thì việc giữ các quy định về ngày Sa-bát không còn ràng buộc nữa. Người mạnh không nên áp đặt sự tin quyết của mình trên người yếu và nên khoan dung với những người ủng hộ một quan điểm khác, nhưng rõ ràng là về nguyên tắc, Phao-lô đã hạ thẩm quyền của ngày Sa-bát xuống. Ông để cho từng người quyết định điều này một cách cá nhân. Nhưng nếu ngày Sa-bát trong Cựu Ước vẫn còn có hiệu lực thì Phao-lô không thể nói được như vậy, vì Cựu Ước đưa ra những tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ về những người vi phạm ngày Sa-bát, và thậm chí còn áp dụng án tử hình trong một số trường hợp. Phao-lô đang sống dưới một chế độ tôn giáo mới, tức là một giao ước mới, vì giờ đây, ông nói rằng việc người ta giữ hay không giữ một trong bảy ngày là ngày Sa-bát đều không thành vấn đề.
Để chống lại luận điểm này, một số người viện dẫn đến trình tự sáng tạo. Như đã nói ở trên, với Y-sơ-ra-ên, ngày Sa-bát phỏng theo việc Đức Chúa Trời sáng tạo thế giới trong bảy ngày. Tuy nhiên, một thông tin hữu ích là Tân Ước không bao giờ viện đến Công cuộc Sáng tạo để bảo vệ cho ngày Sa-bát. Chúa Giê-su viện đến công cuộc sáng tạo để chứng minh cho quan điểm rằng hôn nhân là sự kết hợp trọn đời giữa một người nam một người nữ (Mác 10:2-12). Phao-lô căn cứ vào trình tự sáng tạo để phản đối việc người nữ dạy dỗ hay thi hành thẩm quyền trên người nam (1 Ti 2:12–13), và nghiêm cấm tình trạng đồng tính luyến ái vì điều đó trái với lẽ tự nhiên (Rô 1:26–27), về bản chất là trái với ý định của Đức Chúa Trời khi Ngài sáng tạo nên người nam và người nữ. Cũng vậy, những người cấm các tín đồ ăn những thứ nhất định và cấm kết hôn là sai vì cả đồ ăn và hôn nhân đều bắt nguồn từ sự sáng tạo tốt đẹp của Đức Chúa Trời (1 Ti 4:3–5). Chúng ta không thấy những viện dẫn tương tự về ngày Sa-bát. Tân Ước không bao giờ lấy trình tự sáng tạo để bảo vệ ngày đó. Thay vào đó, chúng ta có những câu nêu rất rõ rằng đó là “cái bóng”, và rằng các tín đồ giữ hay không giữ ngày Sa-bát cũng không thành vấn đề. Vậy chúng ta sẽ giải thích thế nào khi người ta viện đến công cuộc sáng tạo để bảo vệ ngày Sa-bát? Có lẽ tốt nhất là hãy coi công cuộc sáng tạo với ngày đó là phép so sánh tương đồng thay vì là một căn cứ để chứng minh. Ngày Sa-bát là dấu hiệu của giao ước Môi-se, và vì giao ước đó đã qua đi nên dấu hiệu của giao ước cũng vậy.
Tuy nhiên, điều đó cũng không nói lên rằng ngày Sa-bát không có ý nghĩa gì với các tín đồ. Như Phao-lô nói, đó là bóng của hình thật mà chúng ta đã có trong Đấng Christ. Vai trò của ngày Sa-bát như một cái bóng được sách Hê-bơ-rơ giải thích rõ nhất, tuy Hê-bơ-rơ không dùng từ “bóng” cho ngày Sa-bát. Trước giả sách Hê-bơ-rơ coi ngày Sa-bát như cái bóng báo hiệu sự an nghỉ lai thế của con dân Chúa (Hê 4:1-10). Một “ngày an nghỉ sa-bát” vẫn đang chờ đợi con dân Chúa (c.9) và điều đó sẽ nên trọn vẹn vào ngày cuối cùng, khi các tín đồ được nghỉ làm những công việc trên đất này. Như vậy, ngày Sa-bát chỉ đến sự an nghỉ cuối cùng của con dân Đức Chúa Trời. Nhưng vì Hê-bơ-rơ nói về sự an nghỉ với đặc điểm là “đã có nhưng còn đến” nên liệu tín đồ có cần thực hành ngày Sa-bát trong thời gian “còn đến” không? Tôi sẽ trả lời ở dạng phủ định, vì những bằng chứng mà chúng ta có trong Tân Ước chỉ về hướng ngược lại. Hãy nhớ rằng ngày Sa-bát được đặt cạnh các luật về đồ ăn, ngày trăng mới và Lễ Vượt qua trong Cô-lô-se 2:16, nhưng không có lý do gì để nghĩ rằng chúng ta nên giữ các luật về đồ ăn, Lễ Vượt qua và ngày trăng mới trước khi mọi thứ được hoàn tất. Lý lẽ của Phao-lô là giờ đây, các tín đồ thuộc về kỳ hầu đến và những đòi hỏi của giao ước cũ không còn ràng buộc nữa.
Liệu ngày Chúa Nhật, tức là việc Cơ Đốc nhân thờ phượng vào ngày đầu tiên trong tuần, có góp phần hoàn tất ngày Sa-bát hay không? Tân Ước ít khi đề cập đến Chúa Nhật. Tại Trô-ách, các tín đồ nhóm lại vào “ngày thứ nhất trong tuần lễ . . . để bẻ bánh” và họ đã nghe một sứ điệp dài của Phao-lô (Công 20:7). Phao-lô lệnh cho người Cô-rinh-tô để dành tiền cho người nghèo “vào mỗi ngày đầu tuần” (1 Cô 16:2). Giăng nghe thấy một tiếng lớn phán cùng mình vào “ngày của Chúa” (Khải 1:10). Những dẫn chứng rải rác này chỉ ra rằng tại một thời điểm nào đó, những Cơ Đốc nhân thời đầu đã bắt đầu thờ phượng vào ngày đầu tiên trong tuần. Có lẽ thực hành này bắt nguồn từ sự sống lại của Chúa Giê-su, vì Ngài đã hiện ra cho các môn đồ vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Giăng 20:19). Tất cả các sách Tin lành cộng quan đều nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su sống lại vào ngày đầu tuần, tức là Chủ nhật: “ngày thứ nhất trong tuần lễ” (Mác 16:2, tương ứng với Ma-thi-ơ 28:1; Lu-ca 24:1). Thật ấn tượng khi từng sách Tin lành đều nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su được sống lại vào ngày đầu tiên trong tuần. Nhưng chúng ta không thấy Kinh thánh chỉ ra chức năng của ngày Chúa Nhật là để hoàn tất ngày Sa-bát. Có thể là việc nhóm lại vào Chúa Nhật bắt nguồn từ hội thánh đầu tiên, vì chúng ta không thấy người ta tranh luận về vấn đề này trong lịch sử hội thánh. Như vậy, khó có khả năng là thực hành này bắt nguồn từ các hội thánh của dân ngoại, bên ngoài Y-sơ-ra-ên. Ngược lại, hãy nghĩ đến cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra trong những thế kỷ đầu về ngày Phục sinh. Không thấy có tranh luận về ngày Chúa Nhật.
Các hội thánh của dân ngoại đã đồng loạt thực hành ngày Chúa Nhật vào thế kỷ thứ hai, điều này xác chứng nguồn gốc ban đầu của ngày đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều Cơ Đốc nhân gốc Do Thái vẫn giữ cả ngày Sa-bát. Một bộ phận những người theo Ebionites thực hành cả ngày Chúa Nhật và ngày Sa-bát. Đó là một thông tin hữu ích vì nó chỉ ra rằng ngày Chúa Nhật không được coi là cách hoàn tất ngày Sa-bát nhưng là một ngày riêng rẽ.
Hầu hết các giáo phụ hội thánh thời đầu không thực hành hay bảo vệ việc giữ ngày Sa-bát theo đúng nghĩa đen (cf. Diognetus 4:1) mà hiểu ngày Sa-bát theo lai thế học và trên góc độ thuộc linh. Họ không coi Chúa Nhật là sự thay thế cho ngày Sa-bát nhưng là một ngày riêng biệt. Ví dụ, trong thư Ba-na-ba, các ngày Sa-bát của người Y-sơ-ra-ên được đối chiếu với “ngày thứ tám” (15:8) – một ngày được mô tả như “sự khởi đầu của một thế giới khác.” Ba-na-ba chép rằng “chúng ta giữ ngày thứ tám (tức Chủ nhật) vì đó là “ngày mà Chúa Giê-su cũng sống lại từ kẻ chết” (15:9). Chúa Nhật không được coi là một ngày mà các tín đồ nghỉ công việc mình như ngày Sa-bát. Thay vào đó, Chúa Nhật từng là ngày mà hầu hết các tín đồ đều phải làm việc, nhưng họ dành một khoảng thời gian trong ngày để nhóm lại và thờ phượng Chúa. Sự đối chiếu giữa ngày Sa-bát và ngày Chúa Nhật rất rõ ràng trong Ignatius, khi ông nói: “Bởi thế, nếu những người được nuôi dưỡng trong trật tự cổ xưa nay đã sở hữu một niềm hy vọng mới, không còn giữ ngày Sa-bát nữa, nhưng sống vâng giữ Chúa Nhật, ngày mà sự sống của chúng ta đã đâm chồi trở lại bởi Ngài và bởi sự chết của Ngài (To the Magnesians 9:1). Ignatius, khi viết về năm 110 TCN, đã đối chiếu rõ ràng giữa ngày Sa-bát và ngày Chúa Nhật, từ đó chỉ ra rằng ông không tin rằng Chúa Nhật thay thế cho Sa-bát. Bauckham lý luận rằng ý tưởng lấy ngày Chúa Nhật thay cho ngày Sa-bát là thời hậu Constantine. Luther coi nghỉ ngơi là điều cần thiết nhưng không gắn nó với ngày Chủ nhật. Một cách hiểu khắt khe hơn về ngày Sa-bát trở nên ngày càng thông dụng giữa vòng những người Thanh giáo, cùng với những người theo Báp-tít Ngày thứ Bảy (Seventh-Day Baptist) và sau này là Cơ Đốc Phục lâm (Seventh-Day Adventism).
TÓM TẮT
Các tín đồ không buộc phải giữ ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát là một dấu hiệu của giao ước Môi-se. Giao ước Môi-se và ngày Sa-bát là dấu hiệu của giao ước đó không còn áp dụng với thời nay vì giao ước mới của Chúa Giê-su Christ đã đến. Các tín đồ hãy tôn trọng những người nghĩ rằng Cơ Đốc nhân vẫn buộc phải giữ ngày Sa-bát. Nhưng nếu có ai cho rằng phải giữ ngày Sa-bát thì mới được cứu thì sự dạy dỗ đó đi ngược lại với tin lành và cần bị phản đối kịch liệt. Trong mọi trường hợp, Phao-lô nêu rõ trong cả Rô-ma 14:5 và Cô-lô-se 2:16-17 rằng ngày Sa-bát đã qua đi vì Đấng Christ đã đến. Theo lẽ tự nhiên, Cơ Đốc nhân nghỉ ngơi là một điều khôn ngoan. Như vậy, một nguyên tắc có thể rút ra từ ngày Sa-bát là các tín đồ cần nghỉ ngơi thường xuyên. Nhưng Tân Ước không nêu rõ là khi nào thì nên nghỉ, cũng không định ra một khoảng thời gian đều đặn cho sự nghỉ ngơi đó. Chúng ta phải nhớ rằng các Cơ Đốc nhân thời đầu phải làm việc vào Chủ nhật. Họ đã thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Giê-su sống lại, nhưng những Cơ Đốc nhân thời đầu không tin rằng ngày Chúa Nhật hoàn tất hoặc thay thế ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát chỉ về sự an nghỉ lai thế trong Đấng Christ – điều mà các tín đồ đang tận hưởng phần nào, và sẽ được tận hưởng trọn vẹn trong Ngày Cuối cùng.
Tác giả bài viết – Justin Taylor là Tiến sĩ Chủng viện Thần học Baptist Miền Nam, phó chủ tịch điều hành nhà xuất bản Crossway.
– Nguồn: thegospelcoalition.org –
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!