Bốn Thế Giới Của Người Giảng Đạo – Phần 1: Thế giới Kinh thánh
Giangluankinhthanh.net – Tiến sỹ Haddon W. Robinson (1931 –2017) là giáo sư bộ môn Tuyên Đạo Pháp, chủ nhiệm chương trình Tiến Sỹ Mục Vụ tại chủng viện thần học Gordon-Conwell Theological Seminary (Hoa Kỳ). Mỗi khi Haddon Robinson bước lên để giảng, ông cầm Kinh thánh trên tay và lưu bài giảng trong lòng. Ông chia sẻ phân đoạn Kinh thánh và ông chia sẻ chính mình. Trong nhiều năm, Haddon W. Robinson đã giảng một bài nổi tiếng: Bốn Thế Giới Của Người Giảng Đạo. Trong bài giảng này, Robinson khích lệ các sinh viên học thạc sĩ thần học và tiến sĩ mục vụ có cái nhìn 360 độ về những thế giới mà họ giảng trong đó. Bài giảng này không bị hạn chế trong lớp học chủng viện, Robinson đã giảng nó ở nhiều nơi, tại các hội nghị giảng đạo và các hội nghị Kinh thánh(1). Hy vọng rằng những gì ông viết bằng tâm huyết dưới đây sẽ giúp chúng ta, những người giảng đạo ý thức hơn về các thế giới mà mình cần xét đến.
Một trong những khám phá bất ngờ của các nhà khảo cổ là đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và các đền thờ ngoại giáo ở vùng Cận Đông không hoàn toàn khác nhau. Phần lớn các đền thờ đã khai quật đều có tòa ngoài và tòa trong dẫn vào nơi thánh. Kiến trúc của nơi thánh trong các đền thờ ngoại giáo, chẳng hạn như đền thờ Sa-lô-môn, dẫn vào nơi chí thánh. Mọi thứ đều hướng đến căn phòng thiêng đó – những nền sàn nghiêng nghiêng, càng vào trong càng tối hơn, tạo cảm giác hãi hùng và bí ẩn. Các thầy tế ngoại đạo sẽ vào trong căn phòng thiêng đó, đôi khi là mỗi tháng một lần ở ngày trăng mới, hay mỗi quý một lần, hoặc thậm chí ít hơn, chỉ mỗi năm một lần. Khu trung tâm đó đầy bí ẩn và hãi hùng.
Trong các ngoại giáo, nơi chí thánh có một hình tượng nhỏ bằng vàng. Vị thần hoặc nữ thần đó tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng hoặc sự sinh sản mà người ta thờ lạy. Nếu nhìn vào đền tạm và sau này là đền thờ của dân Y-sơ-ra-ên trong Kinh thánh, đền cũng có một phòng ngoài và phòng trong, đền cũng có nơi chí thánh. Thế nhưng trong nơi chí thánh đó không đặt tượng thần bằng vàng, thần chiến tranh, hay nữ thần sinh sản, mà đặt một chiếc hòm vàng. Trong chiếc hòm vàng đó, ngoài những thứ khác, có các bảng luật pháp Chúa ban cho Môi-se trên đỉnh núi Si-na-i.
Bạn có thể nghĩ rằng chỉ dân Y-sơ-ra-ên mới có kiến trúc đền thờ như vậy.
Nhưng có lẽ điều phân biệt chúng ta với các tín đồ ngoại giáo không phải là hình dạng của tòa nhà hay thậm chí là hình thức thờ phượng. Điều phân biệt những người nam, người nữ nghiêm túc với Chúa là đây: trọng tâm tôn giáo của Kinh thánh là ý muốn đạo đức được bày tỏ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua lịch sử, và sự tỏ ra đó có trong Kinh thánh. Chúng ta tin rằng cuốn sách này là Lời Chúa, không chút sai sót, nên vì vậy, mọi suy nghĩ của Cơ Đốc nhân phải bắt nguồn từ sách này, mọi sự giảng dạy của Cơ Đốc nhân cũng phải dựa trên Kinh thánh.
Đó là lý do chính yếu của việc giảng giải kinh. Nếu suy nghĩ của chúng ta phải theo suy nghĩ của Đức Chúa Trời thì những người dẫn dắt dân sự Chúa phải dạy Kinh thánh và liên hệ Kinh thánh với đời sống của dân sự.
Chúng ta nhận ra rằng nếu muốn làm giáo viên, chúng ta phải làm người truyền đạt. Chúng ta phải có có sứ điệp tối quan trọng này, nhưng hơn thế nữa, chúng ta cũng muốn hiểu những người mà chúng ta giảng cho. Vậy nên một số người nói đến việc giảng không theo hình tròn nhưng theo hình elip. Một hình elip có hai tâm điểm. Chúng ta không chỉ tập trung vào Kinh thánh – dù Kinh thánh đóng vai trò quan trọng và thiết yếu với chúng ta; mà chúng ta còn tập trung vào những người nam và người nữ trên thế giới. James Cleland gọi điều này là “giảng đạo nhị tâm” (bi-focal preaching)(2).
Nó có hai trọng tâm – một trọng tâm là Kinh thánh và một trọng tâm là con người thời gian.
Hình ảnh trung tâm trong cuốn Giữa hai thế giới (Between Two Worlds) của John Stott là một cây cầu(3). Ông nói rằng người giảng đạo đứng như một cây cầu giữa hai thế giới – thế giới Kinh thánh và thế giới đương đại. Một cây cầu nối hai vùng đất với nhau. Hai vùng đất bị chia cắt bởi một d òng sông hay một hẻm núi được nối liền, và câu cầy đó nối chúng lại với nhau. Stott cho rằng người giảng giải kinh nghiêm túc với Kinh thánh và người nghe thì giống như một cây cầu nối hai thế giới.
Tuy nhiên, để làm một người truyền đạt thật tốt lẽ thật của Chúa, chúng ta không chỉ ở trong hai thế giới mà tới bốn thế giới. Một thế giới mà chúng ta đang nói đến là thế giới Kinh thánh – thế giới cổ đại. Đó là thế giới mà chúng ta bước vào qua việc giải kinh, qua việc nghiên cứu Kinh thánh. Thế giới đó chi phối chúng ta, đóng vai trò thiết yếu với sứ điệp của chúng ta. Là người giảng đạo, chúng ta muốn hiểu lịch sử của thế giới cổ đại. Không ai thực sự hiểu được Kinh thánh nếu anh ta không hiểu lịch sử của nó.
Thế giới đầu tiên: Thế giới Cổ đại hay Thế giới Kinh thánh
Lịch sử
Nếu đi dọc theo Bờ Bắc của vùng Boston thì bạn sẽ thấy rất nhiều cửa hàng bán đồ cổ nho nhỏ. Ở Anh chúng tôi có một cửa hiệu tại thành phố Gloucester, một bên đề biển “Chúng tôi mua đồ bỏ đi” và bên kia đề “Chúng tôi bán đồ cổ.” Nhưng giả sử bạn vào trong một trong những cửa hàng đó, và khi dạo quanh, bạn thấy một chiếc rương cũ kỹ. Tay bạn bật cái lẫy nhỏ lên, trong đó có một ngăn rõ ràng là đã giấu từ rất lâu. Bạn cho tay vào ngăn đó và lôi ra một xấp thư. Chúng đã cũ kỹ và bạc màu, bên ngoài buộc một sợi ruy băng từng một thời vàng rực nhưng nay đã nhuốm màu thời gian. Bạn rón rén mở chúng ra. Tuy mực đã mờ nhưng bạn vẫn đọc được những dòng chữ trong thư. Khi đọc, bạn nhận ra rằng đây là những bức thư mà một chàng trai gửi đến một cô gái. Bạn khám phá ra rằng hình như anh này đã ra trận. Khi đọc những lá thư này, bạn không phải biết nhiều lắm để cảm nhận được chút ít. Bạn có thể hiểu sự cô đơn khi anh viết về nó. Bạn cũng đã từng cảm thấy cô đơn. Bạn có thể hiểu nỗi sợ của anh khi anh kể về những người đồng đội đã ngã xuống trong trận mạc. Bạn có thể hiểu nỗi bực tức của anh. Khi anh ra trận, người ta hô khẩu hiệu rằng “Rán trứng cho nóng nha – chúng tôi sẽ về ăn sáng.” Nhưng giờ chúng đã nguội ngơ nguội ngắt. Rồi có những điều khác trong thư mà bạn không hiểu nổi. Chúng có thể nhắc đến Bull Run, đến Chattanooga. Có những thư khác nhắc đến các vị tướng và “căn nguyên.” Những bức thư nói về cuộc Nội Chiến tại Hoa Kỳ. Rõ ràng là để hiểu các lá thư, bạn phải hiểu lịch sử.
Khi Đức Chúa Trời chọn ban cho chúng ta sự tỏ ra của Ngài, Ngài chọn ban điều đó qua những con người ở một nơi chốn cụ thể, vào một thời điểm cụ thể. Đức Chúa Trời đã từng phán với một dân tộc, từ xa xưa, và qua những con người đó, Ngài phán với chúng ta. Để hiểu được Kinh thánh, bạn phải biết lịch sử của nó. Nếu đọc các sách Tiểu tiên tri chẳng hạn, mà không hiểu chút gì về Ê-đôm thì bạn sẽ không thể hiểu nổi sách Áp-đia. Nếu không hiểu chút gì về Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thì bạn không thể hiểu Ô-sê, và càng khó hiểu A-mốt hơn. Tức là, để hiểu nghĩa của bất kỳ phân đoạn Kinh thánh nào, bạn phải hiểu lịch sử.
Ngôn ngữ
Để hiểu Kinh thánh, cũng nên hiểu các thứ tiếng của Kinh thánh – tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ. Ít nhất là hãy để tôi đưa ra tuyên bố miễn trừ trách nhiệm này (điều này không được phổ biến lắm trong khuôn viên của một chủng viện thần học): bạn không thực sự phải biết tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng Hy Lạp thì mới hiểu được Kinh thánh. Những gì bạn học được khi đọc Kinh thánh trong tiếng mẹ đẻ đã rất tuyệt vời rồi. Tôi nghĩ vai trò của ngôn ngữ giống như sự khác nhau giữa một bức ảnh màu và một bức ảnh đen trắng. Cả ảnh đen trắng và ảnh màu đều có hình ảnh, nhưng một tấm cho bạn thêm chút chiều sâu, thêm chút “màu”.
Philipp Melanchthon nói: “Sự khôn ngoan trong Kinh thánh nằm ở ngữ pháp.” Một trong những lý do khiến chúng ta cần biết hai thứ tiếng đó là khi bạn dùng các sách giải kinh, bạn phát hiện ra rằng những nhà giải kinh cũng giống hệt như bạn. Họ là những người đọc Kinh thánh và cố gắng tìm ra ý nghĩa trong đó. Thực tế rằng họ đưa thông tin vào một cuốn sách không khiến họ đáng tin hơn so với khi bạn ngồi nghiên cứu. Khi đọc ba hoặc bốn sách giải kinh, bạn phát hiện ra rằng chúng khác nhau. Thường thì các nhà giải kinh khác nhau không phải vì đội này ngây ngô ngơ ngác còn đội kia được học chủng viện. Họ khác nhau vì để dịch Kinh thánh, để dẫn giải vào đó, bạn phải cố gắng hiểu luồng suy nghĩ của Kinh thánh. Nên là một người giảng đạo, bạn phải đưa ra những quyết định giải Kinh. Ví dụ, bạn có một sở hữu cách dạng chủ động: “Tình yêu của Chúa Cứu Thế kiềm chế chúng tôi” (BDM 2002). Bạn thắc mắc không biết đó có phải sở hữu cách dạng bị động không. Đó là tình yêu của tôi dành cho Đấng Christ, hay đó là tình yêu của Ngài dành cho tôi? Bạn phải đưa ra quyết định. Khi bạn đưa ra quyết định đó, câu này đảo chiều và làm nên phần còn lại của phân đoạn và bài giảng của bạn. Hãy đọc ba hoặc bốn bản dịch để xem chúng giống nhau ở đâu, khác nhau ở đâu. Rõ ràng là biết chút gì đó về ngôn ngữ của Kinh thánh, biết tại sao một số dịch giả không dịch phân đoạn này giống hệt nhau có ích lợi của nó. Vì vậy, ngay cả khi chỉ biết chút ít ngôn ngữ của Kinh thánh thì bạn cũng thấy đó là một ích lợi. Bạn có thể hiểu các bản dịch, và đôi khi bạn hiểu rõ hơn về nhà giải kinh đó.
Nhưng có một lý do khác khiến việc tiếp xúc với các ngôn ngữ của Kinh thánh hữu ích với bạn. Ngôn ngữ không chỉ là một cách bày tỏ suy nghĩ, ngôn ngữ là một cách giúp chúng ta suy nghĩ. Chúng ta không thể suy nghĩ mà bỏ ngôn ngữ sang một bên. Benjamin Lee Whorf là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, ông đã làm việc với người Hopi ở vùng Tây Nam Mỹ. Khi làm việc với họ, ông phát hiện ra rằng họ hiểu thuyết tương đối của Einstein. Khi ông giải thích cho họ thuyết đó, họ có thể hiểu được vì tiếng Hopi không có ý niệm về thời gian. Người Hopi không nói về quá khứ, hiện tại, tương lai. Với họ, mọi thứ hoặc là xảy ra ở đây, nơi họ đang đứng hoặc cách xa chỗ họ, không liên quan gì đến thời gian.
Còn chúng ta, nếu chỉ biết tiếng mẹ đẻ thì chúng ta không thể suy nghĩ mà bỏ thời gian sang một bên. Gắn liền với tiếng mẹ đẻ của chúng ta, và tiếng Hy Lạp, có quá khứ, có hiện tại, có tương lai, có quá khứ xảy ra trước cả quá khứ; bạn không thể trò chuyện mà bỏ thời gian sang một bên. Einstein nói rằng nếu ông không hiểu toán học và tiếng Đức thì ông sẽ không thể nghĩ đến thuyết tương đối. Benjamin Lee Whorf nhận ra một điều, rằng ngôn ngữ không chỉ bày tỏ suy nghĩ mà nó còn hình thành nên suy nghĩ.
Ví dụ, người Eskimo không chỉ có một từ để chỉ tuyết – họ có 17 từ. Họ có từ để chỉ tuyết rơi, tuyết vừa chạm mặt đất, tuyết bắt đầu đóng băng, tuyết đã rơi xuống đất được vài ngày, tuyết đang bắt đầu tan. Khi người Eskimo nghĩ về tuyết(4), họ có thể thật sự nghĩ về tuyết! Cũng vậy, người Mỹ không chỉ có một từ để chỉ một sản phẩm bánh mì làm từ bột mì. Khi nghĩ về bánh mì, họ có xu hướng nghĩ về một ổ bánh mì. Họ không nghĩ đến bông lan nhân kem, bánh vòng hay bánh sừng bò. Ở những vùng khác trên thế giới và ở Việt Nam thì không như vậy. Ở những nơi người ta không dùng bột mì thì một từ bánh mì có thể dùng chung cho tất cả. Vì vậy, một lợi thế của việc biết ngôn ngữ của Kinh thánh nói riêng, là nó giúp bạn hiểu được cách suy nghĩ của con người trong thế giới cổ đại.
Ngữ pháp là vậy. Đó là cách người ta ráp suy nghĩ của mình lại với nhau. Nếu đã học tiếng Đức, bạn sẽ biết là động từ hoặc ở vị trí thứ hai, hoặc ở cuối. Thử tưởng tượng xem sẽ ra sao nếu bạn nghe một câu nói vừa dài vừa phức tạp, nhưng lại phải đợi đến động từ cuối mới biết hành động đó là gì. Ngữ pháp là như vậy. Khi học các ngôn ngữ khác, người Anh thường phát hiện ra rằng họ học tiếng Anh qua việc nghiên cứu tiếng Hy Lạp. Họ vốn đã biết Tiếng Anh rồi – họ không biết tân ngữ gián tiếp, tân ngữ hay cụm giới từ. Đây là những lối suy nghĩ. Đó là cách người ta ráp suy nghĩ của mình lại với nhau.
Vậy nên, để biết thế giới Kinh thánh, chúng ta nên biết lịch sử và ngôn ngữ là những điều bộc lộ lối suy nghĩ của con người trong thế giới cổ đại.
Văn hóa
Biết Kinh thánh là biết về văn hóa của Kinh thánh. Chỉ vài năm trước, tôi nhận ra rằng các trước giả và độc giả của Kinh thánh bị giới hạn trong nền văn hóa của họ. Tôi từng nghĩ rằng vấn đề văn hóa của Kinh thánh là Phao-lô nói hãy chào nhau bằng một cái hôn thánh và chúng ta biến nó thành một cái bắt tay nồng nhiệt. Chúng ta không muốn đi quanh hội thánh và hôn người ta. Nghe rất hợp lý. Càng tìm hiểu về điều đó, tuy sự tỏ ra đến với chúng ta từ tiếng Hy Lạp và tiếng Hê-bơ-rơ, nó vẫn đến với chúng ta từ văn hóa. Văn hóa đó có sức lan tỏa toàn diện. Một trong những vấn đề nan giải mà bạn gặp phải khi nghiên cứu Kinh thánh là không biết bao nhiêu phần trong đó gắn liền với văn hóa và bao nhiêu phần trong đó vượt trên cả văn hóa. Câu trả lời là: Cả Kinh thánh đều gắn liền với văn hóa. Chính từ văn hóa đó mà bạn phải tìm lẽ thật vượt trên cả văn hóa.
Khi tôi thu âm loạt bài Khám phá Lời Chúa, chúng tôi nghiên cứu sách Châm ngôn. Nếu có sách nào trong Cựu Ước giống như một cú ghi bàn thì đó là sách Châm ngôn. Văn học uyên bác có thể dễ dàng chuyển từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Nhưng khi đọc sách đó và nghiên cứu nó, bạn thấy rằng ở những chương cuối, sự khôn ngoan được dạy cho những người trai trẻ đang chuẩn bị phục vụ trong triều đình của đức vua. Trong đó nói rất nhiều về các vị vua và hoàng gia mà bạn coi là hiển nhiên khi đọc sách. Bạn đặt ra câu hỏi như: “Khi trước giả Kinh thánh này nói về các vị vua, có phải ông đang nói rằng chế độ quân chủ là dạng chính phủ ưu việt không?”
Hay hãy thử xét đến những cảnh báo trong sách Châm ngôn về việc đồng ký(5) vào một tờ giấy nợ. Nếu đồng ký vào đó thì bạn không thể thoát khỏi đó. Bạn có thể nài nỉ, xin xỏ, van lơn, làm tất cả mọi thứ để thoát khỏi sự ràng buộc đó. Tất nhiên, lý do là nếu bạn đồng ký vào giấy nợ, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với giấy nợ đó. Nếu người nhận giấy nợ không thể trả được nợ, chủ nợ sẽ quay lại tìm bạn, người đồng ký. Anh ta có thể bắt bạn và mọi thứ bạn có – vợ con bạn – và bán họ làm nô lệ để trả cho tờ giấy nợ. Trong thế giới cổ đại, nếu bạn đồng ký vào một giấy nợ thì bạn sẽ gặp rắc rối to. Điều đó không đúng với ngày nay.
Ngày nay bạn có thể đệ đơn phá sản cho Chương 11. Cảnh báo mạnh mẽ trong Châm ngôn về việc đồng ký vào một giấy nợ, tuy vẫn là một điều nên lưu ý nhưng ngày nay không còn nghiêm trọng như thời xưa nữa. Câu hỏi đặt ra là: Bạn mang gì đến thế kỷ 21? Bạn mang nó đến với ngày nay với tác động gì?
Với thế giới cổ đại của Kinh thánh, bạn phải biết ngôn ngữ của nó, bạn phải biết lịch sử của nó, bạn phải biết văn hóa của nó. Một người nghiêm túc với Kinh thánh sẽ hiểu thế giới cổ đại.
Nguy hiểm ở chỗ là có những người giảng đạo không bao giờ thoát được khỏi thế giới cổ đại. Mọi sự giảng dạy của họ đã được ít nhất hai ngàn năm tuổi hoặc hơn. Trong bài giảng của họ chỉ có ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa của thế giới cổ đại xuất phát từ Kinh thánh. Đó là những kiểu bài giảng mà khi rời đi, bạn nói rằng: “Lẽ ra Đa-vít không nên làm vậy với Bát-sê-ba” hay “Áp-ra-ham đã phạm sai lầm khi ông xuống Ai Cập”, nhưng nó không chạm đến ngày nay.
Hãy cùng tìm giải pháp cho điều này trong Phần 2: Thế giới Hiện đại vào tuần tới.
– Tác giả bài viết: Haddon W. Robinson –
– Nguồn: Scott M. Gibson, ed., The Worlds of the Preacher – Baker Academic, Baker Publishing Group, © 2018 –
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
[1] Scott M. Gibson, ed., The Worlds of the Preacher, Baker Academic, a division of Baker Publishing Group, © 2018
[2] James Cleland, Preaching to Be Understood (Nashville: Abingdon, 1965).
[3] John R. W. Stott, Between Two Worlds:The Challenge of Preaching Today (Grand Rapids: Eerdmans, 1980).
[4] John B. Carroll, ed., Language, Thought, and Reality: Selected Writings of Benjamin Lee Whorf (Cambridge: MIT Press, 1956), 98, 216.
[5] Đồng kí (cosign) là hành động cùng kí vào hợp đồng vay tiền với người đi vay. Người đồng kí vào hợp đồng vay tiền (Cosigner) đóng vai trò là một nguồn trả nợ bổ sung cho người vay chính (Vietnambiz.vn)
Trackbacks & Pingbacks
[…] Bốn Thế Giới Của Người Giảng Đạo – Phần 1: Thế Giới Kinh Thánh […]
[…] Bốn Thế Giới Của Người Giảng Đạo – Phần 1: Thế Giới Kinh Thánh […]
[…] Bốn Thế Giới Của Người Giảng Đạo – Phần 1: Thế Giới Kinh Thánh […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!