Tầm Quan Trọng Của Tuyên Đạo Pháp Đối Với Hội Thánh
Giangluankinhthanh.net – Tuyên Đạo Pháp (homiletics) được định nghĩa là môn học về phương pháp chuẩn bị, xây dựng và trình bày bài giảng(1). Theo truyền thống, bộ môn này thuộc mảng thần học mục vụ hoặc thần học ứng dụng. Trong một số xã hội hậu Cơ Đốc, giảng luận Kinh Thánh không còn đươc đánh giá cao. Thế giới kỹ thuật số với những thay đổi chóng mặt có thể đặt ra nhiều thách thức cho việc giảng luận. Hơn nữa, một số sách viết về tăng trưởng hội thánh dường như tạo ấn tượng rằng việc giảng luận chỉ góp phần rất nhỏ trong sự phát triển của hội thánh(2). Tuy nhiên, giảng luận là việc thiết yếu đối với Cơ đốc giáo, và có những lý do xác đáng tại sao hội thánh cần ưu tiên cho việc giảng luận trong các công tác mục vụ của mình.
Trước tiên, việc giảng luận Kinh thánh là thiết yếu vì Kinh thánh là thiết yếu đối với hội thánh và tín hữu. Kinh thánh được gọi là Lời Đức Chúa Trời vì đó quả thật là những lời mà Đức Chúa Trời muốn truyền đạt cho con người. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (2 Tim. 3:16). Lời Đức Chúa Trời là hạt giống cho sự tái sinh, và nhờ Lời Chúa mà một tín đồ được trưởng thành và trang bị để phục vụ. Kinh Thánh có nói tới việc “phục vụ Lời Chúa” (Công Vụ 6:2, 4) và có ít nhất 33 từ Hy Lạp trong Tân Ước được dịch là “rao giảng” hoặc “công bố”(3). Không phải tất cả những trường hợp đó đều là giảng luận trước công chúng. Tất cả các tín hữu cần đều cần tự mình học Kinh Thánh trong sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Các Cơ đốc nhân cần có khả năng dạy dỗ và khuyên bảo nhau trong các nhóm học hoặc thảo luận Kinh thánh trong nhiều hình thức khác nhau (Côl. 3:16). Hội thánh không nên chờ đợi rằng tác động biến đổi đời sống nhờ Lời Chúa chỉ đến qua việc giảng luận Kinh Thánh. Tuy nhiên, có những người được Đức Thánh Linh ban ơn đặc biệt để rao giảng Lời Chúa, với nhiệm vụ cụ thể là chăm sóc và nuôi dưỡng bầy của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 5:2). Phao-lô có nói tới những “trưởng lão” “chịu khó nhọc trong viêc truyền đạo và dạy dỗ” (1 Tim. 5:17). Có sự khác biệt về chất lượng giữa việc công bố Lời Chúa khi hội chúng nhóm lại so với các hình thức phục vụ Lời Chúa khác. Những bài giảng của Phi-e-rơ, Ê-tiên và Phao-lô trong sách Công Vụ cho thấy quyền năng phi thường của việc giảng luận, khi lời rao giảng được tiếp nhận “… như là lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) bởi thẩm quyền độc đáo mà Thần Đức Chúa Trời có thể mang tới khi hội chúng nhóm lại thờ phượng. Tim Keller kết luận rằng việc giảng luận về Đấng Christ cho hội chúng Cơ đốc nhóm lại là một cách độc đáo để qua đó Đức Chúa Trời phán bảo và gây dựng dân của Ngài, và tạo nền cho những hình thức phục vụ Lời Chúa khác(4). Nói cách khác, việc dạy dỗ Lời Chúa không bị giới hạn chỉ ở tòa giảng, nhưng cần có “tòa giảng là trung tâm”(5).
Thứ hai, giảng luận Kinh thánh là thiết yếu cho sự sống động và tăng trưởng hội thánh. Keck đã quan sát thấy rằng “sự đổi mới trong Cơ Đốc giáo luôn đồng hành với sự đổi mới trong việc giảng luận(6). Đồng thời, mỗi đổi mới trong việc giảng luận đều là sự tái khám phá vai trò của Kinh Thánh trong giảng luận.” Tác động to lớn trên sức sống của hội thánh và thậm chí tác động thức tỉnh xã hội của những nhà giảng đạo nổi tiếng như John Chrysostom, Augustine thành Hippo, Martin Luther, John Wesley, Jonathan Edward, hay Tống Thượng Tiết (được mệnh danh là “John Wesley” của Trung Quốc) và nhiều người khác nữa đã khẳng định quan sát đúng đắn này. Những nghiên cứu hiện nay cũng cho thấy khuôn mẫu tương tự.
Thứ ba, việc giảng luận Kinh Thánh là thiết yếu cho chất lượng đức tin của các thành viên hội thánh. Steven Lawson nhắc nhở thật đúng rằng mối bận tâm cao nhất của mỗi người giảng đạo không phải ở quy mô mà là “thực chất” của mục vụ. Lawson đánh giá cao lối giảng giải kinh và công nhận rằng giảng Kinh thánh theo cách này có thể không dẫn đến hội thánh đông người nhất. Tuy nhiên, theo ông, hình thức giảng luận này là phương tiện chủ yếu qua đó quyền năng của Đức Chúa Trời được khai phóng để xây dựng hội thánh. Ông viết: “Lời Chúa được rao giảng có thể đập tan một tấm lòng cứng cỏi nhất và khiến nó trở nên cởi mở. Lời Chúa có sức mạnh bùng nổ để vạch trần sự tha hóa giấu kín trong một tấm lòng tội lỗi. Lời Chúa có khả năng di chuyển tội nhân từ chốn tối tăm sang vương quốc của sự sáng”(7). Tòa giảng là phương tiện thiết yếu để mang giáo lý lành mạnh đến với các thành viên hội thánh. Thực tế là đối với nhiều thành viên bận rộn và non trẻ của hội thánh thì buổi nhóm Chúa nhật có thể là cơ hội duy nhất để được dạy dỗ về giáo lý. Tòa giảng có thể không phải là nơi để trình bày về thuyết “thứ vị luận” (subordinationism) trong giáo lý Ba Ngôi, tuy nhiên nó có thể và cần phải cung cấp những giáo lý căn bản và lành mạnh cho các thành viên. Vấn đề này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh nhiều tà giáo và dị giáo đang xuất hiện và hoạt động ráo riết.
Thứ tư, những người giảng đạo cần được trang bị để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Một số người cho rằng học tuyên đạo pháp là quá nhấn mạnh vào nỗ lực của con người và coi nhẹ quyền năng của Thánh Linh. Tuy nhiên, Kinh Thánh khích lệ cả việc nghiên cứu lẫn chuẩn bị để trở nên “người làm công không có gì đáng thẹn, thẳng thắn giảng dạy lời chân lý” (2 Tim 2:15, 1 Tim 4:13). Giảng luận Kinh thánh vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Tuyên đạo pháp là một bộ môn tích hợp phức tạp, liên quan mật thiết với các bộ môn khác, như giải kinh, thần học, lịch sử, hùng biện, truyền thông và nhiều lĩnh vực khác. Kinh Thánh đúng là Lời Đức Chúa Trời, nhưng nó được viết cách đây đã lâu, bởi những người sống ở một nơi rất xa (cách nói của Haddon Robinson, bậc thầy về tuyên đạo pháp). Để hiệu quả, người giảng đạo cần hiểu thấu đáo cả Kinh Thánh (sứ điệp nguyên thủy của nó) lẫn đối tượng độc giả (cả đối tượng độc giả nguyên thủy lẫn ngày nay). Những sự hiểu biết và kỹ năng ấy phải học thì mới có được. Bộ môn tuyên đạo pháp ngày nay đã được tích lũy kinh nghiệm phong phú của lịch sử hội thánh. Có những điều nên và không nên mà nếu bỏ qua thì thật là uổng phí. Các cuộc khảo sát cho thấy phần đa tín hữu khi đến nhóm mong đợi được nghe bài giảng tốt, được chuẩn bị kỹ càng, có sứ điệp rõ ràng, được trình bày lưu loát, khiến Lời Chúa trở nên sống động và thiết thực đối với đời sống, mang đến sự chỉ hướng, sửa trị và khích lệ trong hành trình theo Chúa. Để đáp ứng những yêu cầu chính đáng đó của hội chúng, người giảng cần được huấn luyện.
Tuy nhiên, thực tế là những bài giảng giáo điều, khô khan, hoặc hời hợt, nặng tính giải trí không phải là hiếm gặp. Một khảo sát được thực hiện năm 2017 về các hội thánh tại miền Bắc Việt Nam cho biết, thời gian trung bình dành cho việc chuẩn bị bài giảng là khoảng 2 đến 4 tiếng(8), một con số khá khiêm tốn (so với con số 10-18 tiếng của một khảo sát ở Mỹ chẳng hạn)(9). Tại nhiều nơi và trong một số hệ phái, nhiều người giảng đang phục vụ mà chưa được huấn luyện. Ân điển Chúa và nỗ lực của những người giảng (dù chưa được huấn luyện) thật đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, để “trái được đậu luôn,” thì việc giảng dạy vừa trung thành với Kinh Thánh, vừa được bối cảnh hóa để thích hợp với người nghe là vô cùng cần thiết.
Tóm lại, tuyên đạo pháp là không thể thiếu trong đời sống hội thánh. Việc giảng luận Kinh thánh có vai trò trọng tâm trong việc đưa mục vụ Lời Chúa đến với hội thánh. Giảng luận là yếu tố then chốt để hội thánh tăng trưởng và sống động, giúp tín hữu có giáo lý lành mạnh và được nuôi dưỡng thuộc linh. Người giảng đạo là có vinh hạnh lớn lao như đồ dùng trong tay Chúa để xây dựng hội thánh của Ngài. Người giảng đạo chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Đồng thời, uy phong của Đức Chúa Trời, sự kỳ diệu của Lời Chúa, và lòng tin của hội thánh yêu quý đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc nhất, với mục tiêu trở thành “chiếc bình sang trọng, được thánh hóa, hữu dụng cho chủ và sẵn sàng cho mọi việc lành” (2 Tim 2:20-21).
Đội ngũ Ba-rúc
Tài liệu tham khảo
(1)Daniel C. Owens, Phạm Xuân Thiều, and Nguyễn Thị Hải Vân, Sổ Tay Thuật Ngữ Thần Học Anh-Việt (Hà nội: Nhà xuất bản tôn giáo, 2014), 102.
(2)Earl V. Comfort, “Is the Pulpit a Factor in Church Growth?,” Bibliotheca sacra 140, no. 557 (1983): 64–70.
(3)Timothy Keller, Preaching: Communicating Faith in an Age of Skepticism (London: Hodder&Stoughton, 2015), 1.
(4)Ibid, 7.
(5)Peter Adam, Speaking God’s Word: A Practical Theology of Preaching (Vancouver, British Columbia: Regent College Publishing, 1996), 84.
(6)L. Keck, The Bible in the Pulpit: The Renewal of Biblical Preaching (Nashville: Abingdon, 1978), 11.
(7)Steven J. Lawson, “How Expository Preaching Builds the Church,” Expositor, no. 29 (2020): 5–19.
(8)The Evangelical Community of Hanoi, Conversion Growth in Northern Vietnam, Survey Project (Hanoi, 2018). The given figure is 2-4 hours, while according to Thom Rainer, in America, 70 per cent of pastors’ sermon preparation time is 10 to 18 hours. Thom Rainer, How Much Time Do Pastors Spend Preparing a Sermon? (2013), https://churchleaders.com (accessed August 22, 2020).
(9)Thom Rainer, How Much Time Do Pastors Spend Preparing a Sermon? (2013), https://churchleaders.com (accessed August 22, 2020).
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!