Lãnh Đạo Theo Quy Mô Của Hội Thánh – Làm Sao Để Thay Đổi Chiến Lược Tương Xứng Với Sự Tăng Trưởng? (Phần 3)
Giangluankinhthanh.net – Phần cuối cùng trong loạt bài phân tích và gợi ý cách lãnh đạo, phân bổ quyền ra quyết định, thay đổi vai trò của mục sư trưởng, v.v. cho tương xứng với quy mô hiện tại và sắp tới của hội thánh. Dưới đây là hai quy mô mà có lẽ các hội thánh đều muốn hướng tới: Hội thánh lớn và hội thánh rất lớn, cũng là hai quy mô mang lại nhiều thay đổi và thách thức hơn cả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
HỘI THÁNH LỚN, 400-800 NGƯỜI THAM DỰ
Đặc điểm
+ Chúng ta đã thấy rằng trong hội thánh nhỏ, vòng quan hệ chính là toàn bộ của hội thánh. Tại hội thánh cỡ vừa, vòng kết nối chính là lớp học hoặc nhóm mục vụ, thường là cỡ 10-40 người. Tuy nhiên, trong hội thánh lớn, vòng quan hệ chính trở thành sự thông công trong nhóm nhỏ. Điều này khác với lớp học hoặc mục vụ theo các cách sau:
• Nó thường nhỏ hơn – từ 4 người đến không quá 15 người.
• Nó thường mang tính chất của một “hội thánh thu nhỏ” hơn là lớp học hay mục vụ. Các lớp học hoặc mục vụ là những chương trình chuyên biệt, chỉ tập trung vào việc học tập, thờ phượng qua âm nhạc hoặc mục vụ cho người nghèo, v.v. Sự thông công trong nhóm nhỏ bao gồm học Kinh thánh, thông công, thờ phượng và phục vụ.
+ Hội thánh lớn cũng có chức năng lãnh đạo khác. Trong hội thánh nhỏ, những người lãnh đạo được chọn vì có thâm niên; trong hội thánh cỡ vừa, họ được chọn vì có kỹ năng và sự trưởng thành. Tất cả những điều này đều rất đáng mong chờ! Nhưng tại hội thánh lớn, những phẩm chất này phải được kết hợp với sự cam kết với khải tượng và sứ mệnh riêng của hội thánh. Hội thánh càng lớn thì càng phát triển những mục vụ và thế mạnh chủ chốt nhất định mà nó nhấn mạnh, và khải tượng chung là một lý do quan trọng khiến các thành viên gia nhập. Nên song song với những phẩm chất khác, cũng cần xét đến khải tượng của những người lãnh đạo.
+ Trong hội thánh nhỏ, ban điều hành cho phép hoặc không cho phép (những) người mục sư, là người làm mục vụ, được làm điều này, điều kia. Trong hội thánh cỡ vừa, ban điều hành gồm những lãnh đạo không chuyên (lay leader – lãnh đạo không phải là chức sắc – N.D) và các trưởng ban cùng làm mục vụ với các mục sư và nhân sự. Nhưng trong hội thánh lớn, ban điều hành phải làm việc với người mục sư trưởng để đặt ra khải tượng và các mục tiêu chung, sau đó đánh giá mục vụ chung. Không giống như ban điều hành hội thánh nhỏ, họ không giám sát tất cả các nhân sự – họ để người mục sư trưởng làm điều đó. Không giống như ban điều hành hội thánh cỡ vừa, họ không nhất thiết phải là các lãnh đạo mục vụ không chuyên. Thay vào đó, họ giám sát cách hội thánh và các mục vụ vận hành một cách tổng thể.
+ Trong hội thánh lớn, vai trò của cá nhân các nhân sự ngày càng chuyên biệt hơn, điều đó cũng áp dụng với vai trò của người mục sư trưởng. Anh ta phải ngày càng tập trung hơn vào (a) việc giảng đạo và (b) chia sẻ khải tượng và lên chiến lược. Anh ta phải buông nhiều hoặc phần lớn các nhiệm vụ quản trị; nếu không thì anh ta sẽ trở thành nút thắt cổ chai cản trở sự phát triển.
+ Tại hội thánh nhỏ, sự thay đổi và các quyết định xảy ra từ dưới lên trên qua những cá nhân tín đồ có quyền lực, và trong hội thánh cỡ vừa, chúng đến từ các ban ngành, trong hội thánh lớn, chúng xảy ra “từ trên xuống dưới” – từ các nhân sự và các lãnh đạo không chuyên chủ chốt.
Phương thức tăng trưởng
Hội thánh nhỏ chủ yếu tăng trưởng qua các nhóm người, lớp học và mục vụ mới mà người mục sư khởi xướng, đôi khi có sự giúp đỡ của một người đồng minh. Tôi gọi đây là “phương thức tiếp cận sân sau” (backyard approach), vì nó tăng trưởng từ các vòng thông công thân mật mới. Hội thánh cỡ vừa tăng trưởng chủ yếu qua các mục vụ nhắm đúng vào mong muốn của nhiều nhóm người khác nhau như thanh niên, người cao tuổi, các cặp vợ chồng trẻ, và những người “đang tìm hiểu”. Tôi gọi đây là “phương thức tiếp cận cửa phụ” (side-door approach) vì nó mang nhiều nhóm người từ thành phố hoặc khu lân cận của bạn đến với hội thánh qua việc đáp ứng những mong muốn của họ. Tuy nhiên, hội thánh lớn lại tăng trưởng bằng phương thức tiếp cận “cửa chính” (front door). Chìa khóa mở ra sự tăng trưởng của hội thánh là những gì diễn ra trong các buổi thờ phượng – chất lượng giảng, trải nghiệm thờ phượng vượt trội, v.v.
Vượt ngưỡng tới dạng quy mô tiếp theo
Để tiến tới mức độ kế tiếp, các hội thánh lớn cũng cần đến năm thay đổi mà tôi đã đề cập trước đó.
+ Thay đổi đầu tiên – các phương án nhân lên. Khi chưa cán “mốc 800”, các hội thánh vẫn có thể xoay sở được với hệ thống nhóm nhỏ xoàng xĩnh hoặc yếu kém. Dân sự vẫn có thể nhận được sự chăm sóc chủ yếu qua các chương trình lớn hơn, các lớp học và nhóm người do nhân sự vận hành trực tiếp. Nhưng nếu Chúa cứ cứu thêm người mới vào hội thánh và bạn cán mốc 800, bạn phải đưa phần đa các thành viên và tín đồ vào các nhóm nhỏ vận hành thực sự tốt, và chúng phải thực hiện được công việc chăn bầy thay vì chỉ học Kinh thánh. Khi chúng ta cán mốc 200 hoặc 400, nhiều buổi thờ phượng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng đời sống nhóm nhỏ là chìa khóa để điều hướng sự thay đổi này.
+ Thay đổi thứ hai – nhân đội ngũ nhân sự lên. Khi chưa cán “mốc 800”, các hội thánh vẫn có thể xoay sở được với đội ngũ nhân sự tổng hợp nho nhỏ, nhưng sau khi cán mốc, cần có sự chuyên biệt hơn nhiều. Các nhân sự phải có ơn hơn, điều này không chỉ áp dụng với nhân sự, hay lãnh đạo nhân sự, mà với cả các lãnh đạo của lãnh đạo. Họ phải khá trưởng thành, độc lập, có khả năng thu hút và giám sát những người khác.
+ Thay đổi thứ ba – chuyển quyền ra quyết định. Khi chưa cán “mốc 800”, quyền quyết định đang trở nên tập trung hơn – chuyển từ ngoại vi (toàn bộ các thành viên hoặc cả ban lãnh đạo không chuyên) vào trung tâm (đội ngũ nhân sự và cuối cùng là các nhân sự cấp cao). Bây giờ, quyền ra quyết định phải phân cấp hơn – chuyển từ các nhân sự cấp cao và mục sư tới cá nhân nhân sự và đội ngũ lãnh đạo của họ. Như đã đề cập ở trên, đội ngũ nhân sự phải ngày một giỏi hơn và được giao thêm thẩm quyền quyết định trong lĩnh vực của mình mà không phải việc nào cũng thông qua các nhân sự cấp cao hoặc ban lãnh đạo không chuyên.
+ Thay đổi thứ tư – giúp người mới hòa nhập một cách chính thức và có chủ đích hơn. Việc hòa nhập, kỷ luật và sáp nhập những người mới đến phải càng quy củ, tỉ mỉ và được giám sát kỹ hơn.
+ Thứ năm – điều chỉnh vai trò của mục sư trưởng. Người mục sư ngày càng ít tiếp cận với việc chăm sóc từng cá nhân, đồng thời ngày càng tập trung nhiều hơn vào việc giảng đạo, dạy dỗ nhóm lớn, truyền đạt khải tượng và lên chiến lược.
HỘI THÁNH RẤT LỚN
Đặc điểm
+ Hội thánh rất lớn có sự tập trung vào sứ mạng. Nhìn chung, các hội thánh nhỏ hơn để các thành viên có tiếng nói hơn (xem ở dưới dây), nên mối quan tâm và lợi ích của các thành viên, người trong cuộc có xu hướng lấn át mối quan tâm và lợi ích của những người bên ngoài. Mặt khác, hội thánh lớn hơn để đội ngũ nhân sự và các lãnh đạo điều hành có tiếng nói hơn. Hội thánh càng định hướng nhân sự thì nó càng có khả năng tập trung vào các mục vụ chạm tới những người không phải thành viên hội thánh, tuy điều đó không mang lại lợi ích sát sườn cho các thành viên. Các mục vụ đó là lập hội thánh, mục vụ thương xót, bảo vệ công lý cùng những buổi nhóm và chương trình mới.
+ Hội thánh rất lớn có một số điểm đặc biệt thu hút những người đang tìm hiểu về Chúa và tầng lớp thanh niên:
• Sự xuất sắc. Những người không buộc phải đến hội thánh vì quan hệ họ hàng, truyền thống, sắc tộc hay lịch sử địa phương sẽ dễ dàng tham dự những nơi có chất lượng nghệ thuật, dạy dỗ, chương trình cho thiếu nhi, v.v. cao.
• Nhiều lựa chọn. Con người thời nay quen với việc có nhiều lựa chọn liên quan tới lịch trình hoặc kiểu thờ phượng, việc học, các dịch vụ hỗ trợ, và những điều tương tự như vậy.
• Cởi mở với sự thay đổi. Nhìn chung, những người mới đến và thanh thiếu niên dễ dàng chịu được những thay đổi và tính lưu động của một hội thánh lớn, trong khi những người lớn tuổi hơn, các thành viên kỳ cựu và các gia đình thường muốn ổn định hơn.
• Ít áp lực. Những người muốn tìm hiểu về Chúa sẽ thấy thích khi bước vào một hội thánh mà không bị phát hiện ngay. Phần đa những người đang tìm hiểu và muốn tìm hiểu về Chúa sẽ thấy dễ chịu khi họ có thể ghé thăm một hội thánh lớn mà không bị ép phải quyết định hoặc tham gia một nhóm nào đó ngay.
+ Hội thánh rất lớn cũng có tiềm năng phát triển những đặc tính và mục vụ nhất định hơn:
• Trở nên đa văn hóa. Đội ngũ nhân sự đông hơn làm tăng khả năng họ thuộc nhiều dân tộc hơn (điều này không xảy ra nếu chỉ có một nhân sự/mục sư). Một hội thánh lớn hơn với nhiều buổi nhóm, lớp học hay thậm chí là nhiều “hội chúng” có thể gồm chứa nhiều sở thích và cảm nhận khác nhau.
• Tạo một hệ thống hỗ trợ gia đình toàn diện. Các gia đình thường cần nhiều dạng lớp học hoặc nhóm cho thiếu nhi thuộc các độ tuổi khác nhau, cũng như được tâm vấn, có cơ hội giải trí, v.v. Các hội thánh lớn hơn thường thu hút nhiều gia đình vì lý do đó.
• Lập hội thánh mới. Nhìn chung các hội thánh lớn hơn giỏi lập hội thánh mới hơn cả các tổ chức theo hệ phái hoặc các hội thánh nhỏ hơn.(1)
• Tiến hành các mục vụ toàn diện liên quan đến đức tin. Các hội thánh lớn có nguồn tình nguyện viên, tài chính và chuyên môn lớn hơn để thực hiện những điều này.
• “Nghiên cứu và phát triển” cho hội thánh rộng hơn. Một lần nữa, hội thánh lớn hơn thường là nơi phù hợp để hình thành và thử nghiệm chương trình, cơ cấu mục vụ mới và những điều tương tự. Một hội thánh lớn có thể làm tất cả những điều này hiệu quả hơn các hệ phái, hội thánh nhỏ hơn hoặc các mục vụ phi giáo hội (parachurch).
+ Tất nhiên là hội thánh rất lớn cũng có bất lợi:
• Dân sự phải đi xa hơn để đến hội thánh, điều này có thể giảm hiệu quả truyền giáo. Các hội thánh rất lớn có thể trở nên nổi tiếng và thu hút các Cơ Đốc nhân từ những vùng ngày càng xa hơn. Những người này không thể đưa những người chưa tin Chúa quanh mình đến hội thánh. Không lâu sau, hội chúng không gồm những người sống cùng khu và không thể vươn tới chính cộng đồng xung quanh hội thánh. Tuy nhiên, các lợi thế truyền giáo cũng như việc (a) lập hội thánh mới và (b) luôn hướng tới việc truyền giáo và vươn ra có thể phần nào bù đắp cho điều này.
• Dân sự phải đi xa hơn để đến hội thánh, điều này có thể giảm tính cộng đồng/sự thông công và hiệu quả môn đồ hóa. Các Cơ Đốc nhân từ nơi xa đến khó có cơ hội được môn đồ hóa và gắn vào cộng đồng Cơ Đốc thực thụ. Người mà bạn gặp trong buổi nhóm Chúa nhật ngày càng có ít khả năng sống gần nhà bạn nên khó có thể phát triển mối quan hệ và tình bạn một cách tự nhiên. Có thể phần nào bù đắp cho điều này bằng một hệ thống nhóm nhỏ hiệu quả để hiệp nhất những dân sự cùng sở thích hoặc khu vực.
• Hạn chế trong giao tiếp và việc dự phần vào công việc của hội thánh. “Khi một hội thánh lớn phát triển nhanh hơn hệ thống và khả năng truyền thông nội bộ của nó, … thường là nhiều người sẽ thấy mất cảm giác thân thuộc và cuối cùng là [hội thánh giảm] về số lượng.”(2) Người ta không biết phải trò chuyện với ai: trong một hội thánh nhỏ hơn, đội ngũ nhân sự và các trưởng lão biết mọi thứ, nhưng trong một hội thánh rất lớn, một nhân sự nào đó có thể không biết gì khác ngoài mục vụ mà người đó đang thực hiện.. Danh sách các nhân sự và mục vụ trở nên rất dài và choáng ngợp. Không ai cảm thấy mình có thể nhanh chóng lấy được thông tin; không ai biết phải bắt đầu dự phần vào công việc của hội thánh như thế nào. Có thể bù đắp cho điều này bằng cách nâng cấp hệ thống truyền thông của hội thánh bạn. Điều này trở nên cực kỳ quan trọng đối với một hội chúng rất lớn.
• Sự đào thải. Những người vào hội thánh khi nó còn nhỏ hơn có thể cảm thấy cảm giác mất mát to lớn và có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với văn hóa quy mô mới. Nhiều người sẽ nhớ tiếc cảm giác được đích thân tham gia vào các sự kiện, quá trình ra quyết định cũng như được kết nối với mục sư trưởng. Một số “thành viên kỳ cựu” này sẽ buồn bã bỏ đi, và việc họ bỏ đi cũng làm buồn lòng những người còn ở trong hội thánh. Có thể bù đắp cho điều này bằng cách dành cho các thành viên kỳ cựu thêm sự tôn trọng và cân nhắc, hiểu những thay đổi mà họ đã trải qua, và không khiến họ cảm thấy tội lỗi vì muốn có một hội thánh khác đi hoặc nhỏ hơn. Thật may là vấn đề này cuối cùng sẽ giảm nhẹ đi. Những người vào hội thánh khi nó có 1500 thành viên sẽ thấy rằng nó không thay đổi gì nhiều lắm khi đạt tới con số 4,000.
• Sự phức tạp, thay đổi và quy trình. Hội thánh lớn sẽ kéo theo (a) sự phức tạp thay vì đơn giản, (b) thay đổi thay vì dễ đoán, và (c) cần truyền thông, ra quyết định theo quy trình chứ không được tùy ý. Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân và gia đình kỳ cựu lại coi trọng sự đơn giản, dễ đoán và tùy nghi, thậm chí đề cao giá trị của chúng hơn – trên quan điểm thuộc linh. Hội thánh càng lớn thì cả ba yếu tố trên càng phát triển, và nhiều người sẽ không ủng hộ cho chúng.
• Sự kế nhiệm. Hội thánh càng lớn thì nó càng gắn với người mục sư trưởng. Tại sao? (a) Người đó trở thành vị lãnh đạo duy nhất có thể nhận ra trong số rất nhiều nhân sự và lãnh đạo mà một thành viên bình thường không thể nhận diện. (b) Hội thánh không tăng trưởng đến độ lớn như vậy nếu người lãnh đạo không truyền đạt khải tượng một cách xuất chúng. Nhờ đó, việc truyền đạt này trở thành chìa khóa cho cả hội thánh. Đó là dạng ơn đặc biệt và khó thay thế hơn nhiều, thậm chí là so với việc giảng hay. Điều này dẫn đến điểm yếu của hội thánh – sự tiếp nối và kế nhiệm. Làm sao để người mục sư nghỉ hưu mà dân sự không cảm thấy như hội thánh đã chết? Một cách là chia hội thánh ra, từng địa điểm mới đều có mục sư trưởng của nó. Tuy nhiên, Lyle Schaller tin rằng những người kế nhiệm cần phải là những người thuộc đội ngũ nhân sự trong một thời gian đủ lâu chứ không phải là những người bên ngoài.
Phương thức tăng trưởng
Về cơ bản, một hội thánh rất lớn chỉ tiếp tục tăng trưởng nếu biết khai thác các lợi thế đã nêu và chống lại cũng như giảm thiểu các bất lợi đã nêu.
THÊM MỘT VÀI GỢI Ý CHO CÁC HỘI THÁNH RẤT LỚN ĐỪNG PHÁN XÉT
Một vấn đề thường gặp trong các hội thánh là người ta gắn một ý nghĩa mang tính đạo đức cho văn hóa quy mô mà họ cho là lý tưởng. Họ không coi văn hóa quy mô hội thánh lớn là “khác biệt”, mà là “tệ hại.” Ví dụ, một số thành viên có thể cảm thấy rằng một hội thánh rất lớn “không thân thiện” hoặc “không quan tâm” vì họ không thể gọi điện trực tiếp cho vị mục sư trưởng. Tuy nhiên, nếu ai trong hội thánh 3000 người cũng có thể gọi cho vị mục sư vào bất cứ lúc nào họ muốn thì điều đó cũng không hề khiến hội thánh trở nên chu đáo hơn. Người mục sư không thể nào đáp ứng mọi nhu cầu của họ. (Mặt khác, nếu dân sự không thể gọi cho người mục sư của hội thánh 150 người thì vị mục sư đó đang áp đặt văn hóa quy mô lớn hơn trong một hội thánh nhỏ hơn, và điều đó sẽ dẫn đến thảm họa.)
Vì đặc điểm của một hội thánh rất lớn hay thay đổi, khải tượng chung có thể giữ nguyên, nhưng rất ít hoặc không có chương trình/lệ thường nào là bất khả xâm phạm. Vì hội thánh phức tạp nên không phải lúc nào dân sự cũng biết cần phải nói chuyện với ai, hay những ai cần tham gia vào một quyết định cụ thể; nhiều sự kiện mới có thể để lại những hệ quả không lường trước được cho những chương trình khác. Vì mọi việc cần có quy trình hơn nên phải viết các kế hoạch ra rồi thực thi một cách cẩn thận, thay vì chỉ gặp nhau và nói miệng. Trong một hội thánh rất lớn, cần phải coi tất cả những đặc điểm này là cái giá tất yếu của mục vụ. Bớt bối rối và đừng áp cho những đặc điểm này một ý nghĩa đạo đức nào đó (chẳng hạn như gọi thay đổi là “bất ổn’, gọi quy củ là “vô cảm”. Các nền văn hóa khác nhau là như vậy – chúng khác nhau chứ không phải cái này thấp kém hơn cái kia.
HÌNH THÀNH NHỮNG BỘ MÁY RA QUYẾT ĐỊNH NHỎ HƠN
Nhìn chung, hội thánh càng lớn thì càng nên để ít người tham gia vào một quyết định. Tại sao? Hội thánh càng lớn thì quan điểm càng đa dạng. Nếu cứ theo quy trình cũ thì việc ra quyết định ngày càng trì trệ, dẫn đến việc dần thỏa hiệp. Khi một hội thánh lớn dần lên, nó cần giao việc quyết định cho ít người đi chỉ để giữ mức độ tiến hành công việc, sự quả quyết và chủ định như khi còn nhỏ. Nhiều Cơ Đốc nhân coi văn hóa quy mô của một hội thánh rất lớn là không dân chủ, không có tính giải trình. Đây là một trong những lý do khiến nhiều hội thánh không thể trở nên hội thánh rất lớn, hoặc đã lớn rồi lại nhỏ đi.
CHO PHÉP SỰ PHÂN TÁN QUYỀN LỰC
Một đặc điểm khác của hội thánh rất lớn, đặc biệt là khi vượt ngưỡng 1800 thành viên, là cơ cấu “trục và nan hoa”, trong đó người mục sư trưởng đóng vai trò là người chỉ huy hay “cái trục”, còn đội ngũ nhân sự là “các nan hoa” đã trở nên lỗi thời. Thay vì trở thành một đội ngũ dưới quyền mục sư, các nhân sự trở thành đội ngũ của các đội ngũ. Quyền của người trưởng ban ngành hoặc các cụm trưởng ban ngành gia tăng đáng kể. Hội thánh đã trở nên quá lớn, vị mục sư trưởng không thể giám sát các trưởng ban một cách chặt chẽ được nữa, và quyền lực được chuyển sang các ban ngành cụ thể. Điều này có hai hệ quả. Một mặt, điều đó có nghĩa rằng các lãnh đạo nhân sự có nhiều quyền quyết định hơn ở chính lĩnh vực của họ. Các trưởng ban ngành khác hoặc thậm chí là người mục sư trưởng có ít thông tin và khả năng để chỉ trích hay can thiệp vào. Hội thánh càng lớn hơn thì việc này càng phổ biến hơn. Mặt khác, điều đó có nghĩa rằng các nhân sự không thể mong rằng họ vẫn được các nhân sự điều hành dạy dỗ, dẫn dắt và giải cứu nhiều như khi hội thánh còn nhỏ hơn.
CHIÊU MỘ THÊM NHÂN SỰ CHUYÊN BIỆT VÀ CÓ KHẢ NĂNG, ĐỒNG THỜI HIỂU KHẢI TƯỢNG
Nghiên cứu cho rằng các hội thánh dưới 800 thành viên có đội ngũ nhân sự chủ yếu gồm các mục sư được đào từ chủng viện, nhưng hội thánh càng lớn thì đội ngũ nhân sự có càng ít các mục sư được đào tạo. Tại sao lại như vậy?
Đầu tiên, hội thánh lớn hơn cần những chuyên gia tâm vấn, âm nhạc, tài chính, công tác xã hội, phát triển thiếu nhi – trong khi các chủng viện chỉ đào tạo ra những nhân sự tổng hợp. Các hội thánh rất lớn không cần lắm những người được huấn luyện về mặt thần học chuyển sang học chuyên ngành, nhưng cần những chuyên gia có thể được huấn luyện về mặt thần học.
Hai là, hội thánh rất lớn không thể chiêu mộ một người mới vào nhưng khó đào tạo để làm trưởng một mục vụ lớn. Trong hội thánh 500 người, bạn có thể có một mục sư giới trẻ chịu trách nhiệm với 30 đứa trẻ, nên bạn có thể thuê một người trẻ tuổi mới ra từ chủng viện thần học để làm mục sư thanh niên. Nhưng ở một hội thánh rất lớn có thể có 300 thanh thiếu niên, nên trưởng ban nhân sự phải rất có năng lực ngay từ đầu. Hội thánh càng lớn thì đội ngũ nhân sự càng phải có năng lực. Sự kêu gọi của đội ngũ nhân sự đổi từ “Tôi bảo gì thì anh làm đấy” sang “Hãy đi ra và khiến chúng phải xảy ra.” Sự tháo vát và sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng. Đội ngũ nhân sự thường cần truyền cảm hứng cho những người theo sau và tìm những cách sáng tạo để tạo ra điều gì đó từ không có gì. Họ phải chuyển từ việc làm lãnh đạo sang thành lãnh đạo của các lãnh đạo.
Ba là, hội thánh càng lớn, khải tượng của nó càng phải khác biệt. Hội thánh có một loạt các điểm nhấn và phong cách, được mài giũa và thật sự cân bằng – “tiếng nói” của riêng nó. Chắc hẳn là những người được đào tạo về mặt thần học rồi mới trở thành nhân sự sẽ vào hội thánh với những thái độ và niềm tin khác nhau về khải tượng của hội thánh. Họ có thể cảm thấy mình cao trọng hơn những nhân sự không được đào tạo về mặt thần học khác hoặc có thể không biết nhiều về bối cảnh đặc trưng của hội thánh. Hội thánh càng lớn thì càng cần phải dấy lên và đào tạo các lãnh đạo từ bên trong. Nghĩa là nhân sự từ bên ngoài đến cần được huấn luyện kỹ càng về lịch sử, giá trị, văn hóa, v.v. của hội thánh rất lớn đó, còn nhân sự từ bên trong cần được đặc biệt hỗ trợ để tiếp tục học thần học.
THAY ĐỔI TRONG VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MỤC SƯ TRƯỞNG
Một phần rất chủ chốt và rất dễ thấy của văn hóa quy mô lớn là việc thay đổi vai trò của người mục sư trưởng. Như đã nói trước đó, trong một hội thánh rất lớn, người giảng đạo không thể là mục sư của dân sự. Vị mục sư trưởng phải chuyển trọng tâm từ chỗ làm mục vụ (dạy dỗ, chăn bầy, quản trị) sang ủy quyền công việc này đi để anh ta có thể tập trung vào việc truyền đạt khải tượng và giảng đạo nói chung. Nhiều hội thánh và mục sư không bao giờ để điều này xảy ra; thực ra họ tin rằng chuyển đổi như vậy là sai. Vị mục sư trưởng không được trở thành một Giám đốc Điều hành và ngừng làm mọi mục vụ truyền thống, nhưng anh ta cũng không được cố gắng chăn bầy hoặc giám sát cả hội thánh trên quy mô lớn. Trách nhiệm đó phải chuyển cho những người khác. Tất nhiên rồi, điều này rất khó khăn; vị mục sư trưởng luôn phải sống trong cảm giác tội lỗi. Đó là một gánh nặng mà anh ta cần mang lấy với sự giúp đỡ của Tin lành. Nếu không, áp lực phải làm tất cả mọi việc sẽ khiến anh ta kiệt sức. Vị mục sư trưởng, nhân sự, các lãnh đạo mục vụ cũng như hội chúng phải cho phép sự điều chuyển này diễn ra.
XÂY DỰNG SỰ TIN CẬY
Schaller cho thấy rằng hội thánh rất lớn dễ tiếp cận hơn, có khả năng chạm tới những người trẻ tuổi, những người độc thân, những người không đi hội thánh hay đang tìm hiểu hơn là hội thánh nhỏ. Sau đó, ông đặt ra một câu hỏi: Nếu chúng ta cần nhiều hội thánh rất lớn đến vậy thì tại sao lại có quá ít hội thánh rất lớn? Tại sao các hội thánh (a) không để người mục sư trưởng khó tiếp cận hơn, (b) để đội ngũ nhân sự có nhiều quyền hơn là ban điều hành, (c) để một bộ phận nhân sự điều hành có quyền ra quyết định hơn đội ngũ nhân sự mở rộng hay hội chúng, hay (d) để các trưởng ban có quyền thuê các nhân sự có khả năng hơn và đào thải các nhân sự tổng hợp. Câu trả lời chủ yếu cho câu hỏi đó là: chìa khóa của văn hóa hội thánh rất lớn là sự tin cậy. Trong những hội thánh rất nhỏ, những dân sự hay nghi ngờ lại vui vẻ hơn. Mọi quyết định đều phải qua quá trình đồng thuận và mọi thành viên đều được tham gia vào đó. Bất kỳ nhóm thiểu số nào không thích quyết định đó có thể cản trở nó. Thế nhưng khi hội thánh càng lớn hơn, hội chúng lại càng phải tin tưởng đội ngũ nhân sự hơn, đặc biệt là vị mục sư trưởng. Tuy đội ngũ nhân sự (và vị mục sư trưởng) có thể làm mọi điều để cởi mở hơn với sự chỉ trích, thiết lập mối quan hệ với dân sự, và truyền thông với dân sự sao cho họ cảm thấy mình thuộc về hội thánh và có đủ thông tin, nhưng cuối cùng, một hội thánh rất lớn vận hành dựa trên sự tin cậy.
Bản quyền © 2006 Timothy Keller, © 2010 Redeemer City to City. Bài viết này xuất hiện lần đầu trên The Movement Newsletter và được tái bản vào mùa xuân năm 2008, bản của tạp chí Cutting Edge, Vineyard USA.
Chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng và chia sẻ tài liệu này một cách miễn phí, nhưng đừng thu tiền, thay đổi câu từ hoặc loại bỏ thông tin bản quyền.
1. Đọc Timothy Keller, “Tại sao lại phải lập các hội thánh?” (“Why Plant Churches?”) (2002), redeemercitytocity.com, để hiểu sâu hơn về việc lập hội thánh.
2. Lyle Schaller, Hội thánh rất lớn (The Very Large Church) (Nashville: Abingdon, 2000), 174.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Quý độc giả có thể đọc lại hai phần đầu tiên theo các đường link dưới đây:
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!