Lãnh Đạo Theo Quy Mô Của Hội Thánh – Làm Sao Để Thay Đổi Chiến Lược Tương Xứng Với Sự Tăng Trưởng? (Phần 2)
Giangluankinhthanh.net – Tuần trước, Timothy Keller, nhà thần học và mục sư uy tín tại Mỹ, cũng là một lãnh đạo hội thánh kỳ cựu đã phân tích cho chúng ta tầm quan trọng và tác động của quy mô trên cách vận hành của hội thánh. Hai phần cuối của bài sẽ đi sâu vào thực tế và dễ áp dụng hơn: Phân tách các dạng quy mô cụ thể theo đặc điểm, phương thức tăng trường và cách để bứt phá sang dạng quy mô tiếp theo. Bài viết ngày hôm nay sẽ tập trung vào ba dạng quy mô thường gặp nhất ở các hội thánh tại Việt Nam, từ hội thánh tư gia đến hội thánh cỡ vừa, hãy xem hội thánh bạn đang tham dự/lãnh đạo thuộc dạng nào nhé!
CÁC DẠNG QUY MÔ CỤ THỂ
HỘI THÁNH TƯ GIA: TỪ 40 NGƯỜI THAM DỰ TRỞ XUỐNG
Đặc điểm
+ Hội thánh tư gia thường được gọi là “hội thánh mặt tiền” (storefront church) tại các khu đô thị và “hội thánh thôn quê” (country church) tại các vùng nông thôn.
+ Về cơ bản, nó vận hành như một nhóm tế bào mở rộng. Đó là một hội thánh có quan hệ thân thiết, mọi người đều biết rõ về nhau.
+ Các lãnh đạo không chuyên (lay leaders – hay lãnh đạo không phải là chức sắc – ND) cực kỳ có ảnh hưởng và họ nổi lên làm lãnh đạo bởi mối quan hệ – họ không được bổ nhiệm hay lựa chọn. Họ thường là những người ở hội thánh lâu nhất và đã dâng hiến nhiều thời gian và tiền bạc cho công việc nhất.
+ Quyết định được đưa ra một cách dân chủ, tùy nghi và cần có sự đồng thuận tuyệt đối. Quyết định được đưa ra cách tùy ý và phụ thuộc vào mối quan hệ. Nếu có thành viên nào không hài lòng với một đường hướng nào đó thì hội thánh sẽ không thực hiện nữa.
+ Truyền thông qua truyền miệng, và thông tin nhanh chóng được truyền đến tất cả các thành viên.
+ Người mục sư thường là “người may trại” và làm chức vụ trong hội thánh bán thời gian, tuy rằng khi hội thánh có ít nhất mười gia đình dâng 1/10 thì có thể hỗ trợ cho mục sư phục vụ trọn thời gian. Công việc chính của người mục sư là chăn bầy chứ không phải lãnh đạo hay giảng đạo.
Phương thức tăng trưởng
Các hội thánh tư gia tăng trưởng theo cách tự nhiên nhất có thể – nhờ sức hút từ sự ấm áp, các mối quan hệ và con người. Người mới được mời đến, và họ tiếp tục đến vì có bầu bạn. Không có “chương trình” vươn ra.
Bứt phá sang dạng quy mô tiếp theo
Giống như mọi nhóm tế bào, hội thánh tư gia bão hòa khá nhanh. Khi hội thánh có hơn 40 người thì việc duy trì các mối quan hệ mặt đối mặt thân thiết là không thể. Khi đó, hội thánh đối mặt với một lựa chọn: Hoặc là nhân lên một hội thánh tư gia khác hoặc là tăng trưởng sang dạng quy mô tiếp theo – hội thánh nhỏ.
Nếu không chọn cả hai thì về cơ bản, hội thánh khó có thể tiếp tục truyền giáo. Chính sự thông công cũng có thể bị thu hẹp và trì trệ – có chút gì đó ngột ngạt, đôi khi là giáo điều.
Vấn đề thường trực của hội thánh độc lập thuộc quy mô này là chất lượng các mục vụ dành cho các nhóm cụ thể như thiếu nhi, giới trẻ và người độc thân còn thấp. Nếu chọn nhân ra một hội thánh tư gia khác, hai (cuối cùng là vài) hội thánh tư gia có thể hình thành một hiệp hội và cùng nhau thực hiện những điều như mục vụ giới trẻ. Các hội thánh cũng có thể cùng nhóm lại để dự lễ thờ phượng theo định kỳ.
Nếu chọn tăng trưởng từ hội thánh tư gia thành hội thánh nhỏ thì phải làm sao cho dân sự sẵn sàng cho điều này: thừa nhận rằng chúng ta sẽ mất đi sự thân mật, tính tự phát, sự thân thiết và bằng lòng chịu những giá trả như vậy để đổi lấy việc truyền giáo, để tiếp nhận thêm những người mới vào hàng ngũ. Đây phải là quyết định được sự đồng thuận của cả nhóm, và phải tôn trọng tính chất của hội thánh tư gia ngay cả khi hội thánh chọn thay đổi điều đó.
HỘI THÁNH NHỎ: 40-200 NGƯỜI THAM DỰ
Đặc điểm
+ Dạng này rải từ những hội thánh tư gia vừa phát triển lên tới những hội thánh đã sẵn sàng có thêm nhân sự. Nhưng chúng đều có những đặc điểm cơ bản giống nhau.
+ Tuy các mối quan hệ kém thân mật hơn nhưng người ta vẫn muốn mọi thành viên phải có mối quan hệ mặt đối mặt với mọi thành viên khác.
+ Dù đã có những lãnh đạo được bổ nhiệm hay lựa chọn, hệ thống lãnh đạo tùy nghi vẫn còn rất mạnh mẽ. Có vài dân sự là những “lãnh đạo ý kiến”, dù họ có địa vị chính thức hay không. Nếu họ không tán thành những phương thức mới thì các thành viên còn lại sẽ không ủng hộ những thay đổi đặt ra.
+ Truyền thông vẫn không chính thức, chủ yếu qua truyền miệng, và truyền đạt khá nhanh.
+ Người mục sư vẫn chủ yếu là người chăn bầy. Trong một hội thánh lớn hơn, người ta sẽ để anh chăm sóc mình nếu anh giảng hay; còn trong hội thánh nhỏ hơn thì ngược lại: người ta sẽ nghe bài giảng của anh nếu anh là người chăn bầy tốt.
+ Việc chăm sóc mọi thành viên cách hiệu quả trong tình yêu thương là động lực thúc đẩy mục vụ – không phải sự lãnh đạo hay thậm chí là khả năng diễn thuyết. Nếu người mục sư nghĩ rằng “Mình không phải chăm sóc mọi thành viên, mình đã giao việc đó cho các trưởng lão hoặc trưởng nhóm tế bào rồi” thì anh ta đang áp dụng đặc tính của hội thánh lớn vào môi trường của hội thánh nhỏ.
+ Tuy nhiên, khi số thành viên tăng lên, người mục sư của hội thánh nhỏ sẽ ngày càng thấy cần kỹ năng lãnh đạo quản trị. Các hội thánh nhỏ không đòi hỏi nhiều về cách truyền đạt khải tượng hay lên chiến lược, nhưng rõ ràng là chúng cần lên chương trình, huy động tình nguyện viên và các nhiệm vụ quản trị khác.
+ Những thay đổi không chỉ thông qua lãnh đạo là đủ, chúng vẫn phải qua cả hội chúng một cách tùy nghi và theo mối quan hệ. Nhưng vì số lượng thành viên đông hơn nên các quyết định đưa ra cần nhiều thời gian hơn so với hội thánh tư gia hoặc hội thánh cỡ vừa. Tuy nhiên, đến cuối cùng, sự thay đổi trong hội thánh nhỏ sẽ xảy ra từ dưới lên trên, qua những lãnh đạo không chuyên chủ chốt. Anh không thể thực hiện được bất cứ thay đổi quan trọng nào nếu không có ít nhất một trong những người này làm đồng minh và ủng hộ.
Phương thức tăng trưởng
Giống như các hội thánh tư gia, các hội thánh nhỏ tăng trưởng vì những mối quan hệ trong hội chúng thu hút người mới. Tuy nhiên, trong hội thánh nhỏ, mối quan hệ cá nhân với người mục sư cũng là yếu tố chính thu hút một người mới. Người mục sư có thể khởi đầu hai hoặc ba mục vụ, lớp học hay nhóm mới, với điều kiện là anh ta phải có sự hậu thuẫn hoặc tham gia của một lãnh đạo không chính thức chủ chốt. Họ có thể cùng nhau bắt đầu một hoạt động mới để đưa thêm nhiều người mới vào hội thánh.
Bứt phá sang dạng quy mô tiếp theo
Sẽ đến lúc hội thánh này đối mặt với “mốc 200” nổi tiếng. Để dành chỗ cho hơn 200 người trong một hội thánh, chúng ta cần cam kết với một số hoặc tất cả những thay đổi sau.
+ Thay đổi đầu tiên – các phương án nhân lên
• Phải sẵn sàng đặt câu hỏi về cái luật bất thành văn rằng mọi thành viên đều phải có mối quan hệ mặt đối mặt với mọi thành viên khác.
• Khi hội thánh đạt đến độ mà những thành viên cũ bắt đầu nhận ra rằng có những thành viên mà họ không quen lắm hoặc không hề quen biết, họ có thể lên tiếng phàn nàn với tông giọng dạy đời: “Cái hội thánh này lớn quá rồi.” Một dạng ca thán khác là hội thánh đang “thiếu tình thân”. Về cơ bản, nếu muốn chào đón người mới thì phải thay đổi thái độ này.
• Thường thì thay đổi chính yếu mà hội chúng phải cho phép nó xảy ra là: chuyển sang phương án nhân lên như thêm buổi nhóm Chúa nhật, hoặc chú trọng hơn vào mục vụ nhóm tế bào thay vì chỉ có một buổi cầu nguyện chung.
• Thông thường, các phương án nhân lên sẽ tạo ra sự bứt phá trong tăng trưởng. Cách duy nhất và tốt nhất để tăng lượng người tham dự là nhân thêm buổi nhóm Chúa nhật. Ngay lập tức, hai buổi nhóm sẽ thu hút nhiều người hơn là một buổi nhóm. Nhìn chung, bốn môn tùy chọn ở trường Chúa nhật sẽ thu hút nhiều người hơn so với hai môn tùy chọn. Tại sao? Vì khi bạn cho người ta nhiều lựa chọn hơn thì họ sẽ chọn thôi!
+ Thay đổi thứ hai – sẵn sàng trả giá cho một nhân sự mục vụ bổ sung
• Trên thực tế, xét đến khía cạnh xã hội học, một mục sư trọn thời gian không thể tự mình chăm sóc quá 150-200 người. Đến một thời điểm nào đó, mọi mục sư sẽ không thể tự mình thăm viếng, giữ liên lạc hay tiếp chuyện với mọi dân sự trong một hội chúng đang tăng trưởng.
• Vòng chăn bầy của người mục sư có thể mở rộng nếu có thêm nhân sự chuyên môn hoặc nhân sự hành chính bán thời gian hoặc trọn thời gian, chẳng hạn như giáo viên thiếu nhi, thư ký, người quản trị hay nhạc công. Con số này khác nhau tùy theo tính khí và mức năng lượng của người mục sư cũng như văn hóa địa phương. Ví dụ, cộng đồng trí thức có xu hướng đòi hỏi những chương trình chuyên biệt hơn so với cộng đồng làm việc chân tay; vì vậy, cứ mỗi 100-150 người tham dự thì bạn có thể cần đến một nhân sự mục vụ trọn thời gian.
• Cuối cùng thì cũng phải tuyển thêm nhân sự mục vụ thứ hai. Thường thì đây là một mục sư được tấn phong khác, nhưng cũng có thể là một thành viên tâm vấn, một người giám sát các nhóm tế bào hoặc một người quản lý các chương trình, là người thực hiện việc chăn bầy và dạy dỗ. Cần đảm bảo rằng người thứ hai này thực sự có thể khiến hội thánh tăng trưởng, và thực tế mà nói, có thể tăng số tiền dâng hiến để chi trả lương cho chính người đó. Chẳng hạn, tuyển người nhân sự thứ hai làm mục sư thanh niên chưa chắc đã là tốt; nên tuyển một mục sư chuyên về nhóm tế bào hoặc một mục sư chuyên truyền giáo và vươn ra. Hoặc, nếu người mục sư chính giỏi vươn ra bên ngoài thì nhân sự thứ hai có thể là một mục sư/người tâm vấn bổ sung cho những ơn của vị mục sư chính và chú trọng vào sự tăng trưởng bên trong của hội thánh. Ban đầu, việc tuyển nhân sự phải phục vụ cho sự tăng trưởng.
• Trong hội thánh ở quy mô này, căng thẳng thường nảy sinh ở chỗ, hội thánh đã đủ lớn để khiến người mục sư cảm thấy kiệt sức nhưng lại chưa đủ lớn để hỗ trợ tài chính cho một mục sư thứ hai.
+ Thay đổi thứ ba – sẵn sàng để quyền lực chuyển từ tín đồ, thậm chí là các lãnh đạo không chuyên sang nhân sự
• Đến mốc quy mô này, cách ra quyết định cũ, tức là cần mọi người phải đồng thuận, sẽ trở nên quá chậm và rườm rà. Trong mô hình ra quyết định theo sự đồng thuận, chúng ta không thể thực hiện một thay đổi nào đó khi bắt gặp sự phản đối kịch liệt từ một thành viên, nhất là khi sự thay đổi có thể khiến một số người bỏ hội thánh.
• Khi hội thánh gần đến mốc 200, gần như luôn có ai đó coi sự thay đổi tất yếu là một mất mát. Vì vậy, nếu không chuyển quyền quyết định từ cả hội đồng thành viên sang các lãnh đạo và nhân sự thì sẽ chẳng có thay đổi nào hết. Tuy nhiên, không chỉ tín đồ phải nhượng lại quyền cho người lãnh đạo. Những lãnh đạo không chuyên kỳ cựu cũng phải nhượng lại quyền cho nhân sự và các lãnh đạo tình nguyện.
• Trong các hội thánh nhỏ, những lãnh đạo không chuyên thường biết rõ các thành viên hơn so với các mục sư. Các lãnh đạo không chuyên đã ở hội thánh lâu hơn nên biết nhiều về quá khứ hơn, được các thành viên tín nhiệm hơn, cũng như biết nhiều hơn về năng lực, khả năng, sở thích và ý kiến của các thành viên hơn.
• Tuy nhiên, khi hội thánh vượt quá 200 người, đội ngũ nhân sự sẽ biết nhiều hơn về các thành viên trong hội thánh so với các lãnh đạo không chuyên, và dần dần, các thành viên mới sẽ noi gương (các) mục sư hơn là các lãnh đạo không chuyên.
• Ban viên chức không chuyên hay trưởng lão sẽ không được phê duyệt tất cả mọi thứ và phải để đội ngũ nhân sự và các lãnh đạo tình nguyện tự ra quyết định.
+ Thay đổi thứ tư – sẵn sàng giúp người mới hòa nhập và truyền thông một cách chính thức, có chủ đích hơn
• Khi một hội thánh vượt qua mốc này, đừng mặc định rằng việc truyền thông và giúp người mới hòa nhập sẽ “tự động” xảy ra mà không có kế hoạch gì cả. Truyền thông sẽ phải có chủ đích hơn thay vì chỉ truyền miệng. Phải chăm sóc người mới một cách có chủ đích hơn. Ví dụ, có thể chỉ định một “người đỡ đầu” cho từng gia đình mới – gia đình của một thành viên trong hội thánh sẽ mời gia đình mới này đến nhà mình, đưa họ đến lớp học dành cho người mới, v.v.
+ Thay đổi thứ năm – khả năng và sự sốt sắng của người mục sư giảm đi một chút trong công việc chăn bầy và tăng lên một chút trong công việc lãnh đạo
• Hội thánh thuộc quy mô tiếp theo đòi hỏi phải truyền đạt khải tượng và lên chiến lược tốt hơn một chút và biết nhiều hơn nữa về công việc quản trị. Người mục sư của hội thánh cỡ vừa phải dành nhiều thời gian tuyển mộ và giám sát các chương trình cũng như tình nguyện viên đảm nhiệm mục vụ mà một người mục sư trong hội thánh nhỏ phải tự làm. Điều này cần kỹ năng quản trị: lên kế hoạch, ủy quyền, giám sát và tổ chức.
• Trong hội thánh ở quy mô tiếp theo này, người mục sư sẽ ít gặp thành viên hơn và không phải thành viên nào cũng có thể tiếp cận người mục sư. Ngay cả khi đã tuyển thêm một nhân sự mục vụ khác, không phải thành viên nào cũng có thể tiếp cận mục sư trưởng như trước. Cả dân sự và người mục sư trưởng cần thừa nhận và chấp nhận cái giá này.
+ Thay đổi thứ sáu – cân nhắc đến phương án chuyển tới không gian và cơ sở mới
• Việc di chuyển đó có đóng vai trò thiết yếu trong việc đột phá sang mốc tăng trưởng tiếp theo không? Đôi khi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Thông thường, chúng ta cần lên kế hoạch cho nhiều buổi thờ phượng, tuyển nhân sự để phục vụ cho sự tăng trưởng, đồng thời điều chỉnh thái độ và kỳ vọng để sẵn sàng tiếp nhận văn hóa quy mô mới.
HỘI THÁNH CỠ VỪA, 200-450 NGƯỜI THAM DỰ
Đặc điểm
+ Tại các hội thánh nhỏ hơn, mỗi thành viên đều quen với mọi thành viên khác trong hội thánh. Vòng quan hệ chính là toàn bộ hội thánh. Nhưng ở hội thánh cỡ vừa, vòng quan hệ chính thường là những người cùng tham gia một lớp học hoặc chương trình cụ thể. Các mục vụ cho nam giới và nữ giới, ca đoàn, lớp hôn nhân, đội thờ phượng buổi tối, mục vụ cho nhà tù địa phương, mục vụ phát đồ ăn từ thiện – tất cả đều là những vòng quan hệ có thể khiến hội thánh tăng trưởng. Mỗi nhóm thứ cấp này xấp xỉ quy mô của một hội thánh tư gia, 10-40 người.
+ Hội thánh cỡ vừa có chức năng lãnh đạo khác.
• Một là, vì hội thánh cỡ vừa có đặc điểm phức tạp hơn nhiều nên các lãnh đạo phải đại diện cho những tầng lớp nhất định trong hội thánh (VD: người cao tuổi, các gia đình trẻ).
• Hai là, có quá nhiều việc nên một ban ngành nhỏ không thể xử lý hết được. Lúc này, những đội hoặc ban lãnh đạo có tầm ảnh hưởng (như ban truyền giáo hoạc ban nhạc/ban thờ phượng) có sức mạnh đáng kể.
• Ba là, vì hai yếu tố kể trên, việc lựa chọn lãnh đạo không còn phụ thuộc nhiều vào thời gian ở trong hội thánh hay điểm mạnh trong nhân cách mà phụ thuộc nhiều vào kỹ năng và ơn gọi.
• Bốn là, vai trò của các viên chức hoặc ban bệ không chuyên bắt đầu thay đổi. Tại các hội thánh nhỏ hơn, về cơ bản, các viên chức giám sát người mục sư và nhân sự, có quyền thông qua hoặc bác bỏ những kiến nghị khác nhau. Nên người mục sư và nhân sự là người làm mục vụ. Trong hội thánh cỡ vừa, chính các viên chức bắt đầu cộng tác với đội ngũ nhân sự để làm nhiều mục vụ hơn. Các lãnh đạo mục vụ tình nguyện thường dấy lên và trở thành các lãnh đạo ra quyết định. Các trưởng ban có tầm ảnh hưởng sẽ ngồi trong ban điều hành chính thức.
+ Như đã lưu ý ở trên, người mục sư trưởng phần nào chuyển từ người chăn bầy sang thành “chủ trại.” Thay vì tự mình làm mọi chức vụ, anh ta trở thành người huấn luyện và sắp xếp tín đồ làm mục vụ. Anh ta cũng phải giỏi huấn luyện, hỗ trợ và giám sát mục vụ cũng như nhân sự quản trị. Mức hội thánh cỡ vừa đòi hỏi khá nhiều kỹ năng quản trị.
+ Trong hội thánh nhỏ hơn, quyết định xuất phát từ dưới lên trên qua những tín đồ chủ chốt, nhưng trong hội thánh cỡ vừa, thay đổi xảy ra thông qua các ủy ban và đội ngũ chủ chốt. Thông thường, ban điều hành hoặc phiên họp chính thức trong hội thánh cỡ vừa vốn có tính bảo thủ. Họ cảm thấy rất có trách nhiệm và không muốn xúc phạm đến bất cứ tầng lớp nào mà họ tin rằng mình đại diện cho họ. Vì vậy, thay đổi thường được thúc đẩy bởi những ban ngành có tư tưởng tiến bộ như ban truyền giáo hoặc ban truyền giảng. Những ban ngành này có thể thuyết phục được hội chúng thử những điều mới mẻ.
Phương thức tăng trưởng
Như đã lưu ý từ trước, các hội thánh nhỏ hơn chủ yếu tăng trưởng qua các nhóm, lớp học và mục vụ do mục sư khởi xướng. Hội thánh cỡ vừa cũng tăng trưởng khi hội thánh nhân các lớp học, nhóm, buổi nhóm và mục vụ lên, nhưng chìa khóa mở ra sự tăng trưởng cho hội thánh cỡ vừa là cải thiện chất lượng các dịch vụ và mức độ hiệu quả của chúng để đáp ứng được những nhu cầu thực sự. Hội thánh nhỏ có thể chấp nhận chất lượng nghiệp dư vì sự cuốn hút của nó chủ yếu đến từ sự thân mật và ấm áp như gia đình. Nhưng các mục vụ của hội thánh cỡ vừa phải khác. Các lớp học phải thật sự đem lại trải nghiệm học tuyệt vời. Âm nhạc phải đáp ứng các nhu cầu nghệ thuật. Sự giảng dạy phải có tác động và truyền cảm hứng.
Bứt phá sang dạng quy mô tiếp theo
Tôi đã nói rằng hội thánh nhỏ vượt qua mốc 200 bằng (1) các phương án nhân lên, (2) thêm nhân sự, (3) không để toàn bộ các thành viên có quyền quyết định nữa, (4) giúp người mới hòa nhập một cách chính thức và có chủ đích hơn, và (5) người mục sư chuyển từ việc chăm sóc mọi người sang trở thành một nhà tổ chức/quản trị nhiều hơn. Bạn có thể tăng trưởng trên mức 200 người mà không phải thực hiện tất cả năm thay đổi này; trên thực tế thì phần lớn các hội thánh đều như vậy. Thông thường, các hội thánh tăng trưởng tới hơn 200 người mà vẫn giữ một hoặc nhiều thái độ của những dạng hội thánh nhỏ hơn. Ví dụ, nếu người mục sư trưởng mạnh mẽ và đầy ơn thì người đó có thể đảm nhận công việc tổ chức/quản trị mà vẫn có thời gian thăm viếng mọi thành viên trong hội thánh mình. Hoặc biết đâu hội thánh có bổ sung thêm những nhân sự mới nhưng việc ra quyết định vẫn được thực hiện dựa trên sự đồng thuận của cả hội chúng. Tuy nhiên, để bứt phá đến 400 người, bạn phải quyết tâm phá bỏ những thói quen cũ trong cả năm khía cạnh. Đối với sự thay đổi thứ 6: chuyển sang không gian và cơ sở mới, hội thánh cỡ vừa thường cần đến nó để phá vỡ rào cản tăng trưởng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
– Nguồn: redeemercitytocity.com –
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Phần ba, cũng là phần cuối của bài viết sẽ hướng tới hội thánh lớn và hội thánh rất lớn – hai dạng quy mô tầm cỡ nhất trong hệ thống phân loại. Nhiều điều thú vị vẫn đang chờ đón, xin hẹn quý độc giả vào tuần tiếp theo.
Trackbacks & Pingbacks
[…] 2. Lãnh Đạo Theo Quy Mô Của Hội Thánh – Làm Sao Để Thay Đổi Chiến Lược Tươ… […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!