Lãnh Đạo Theo Quy Mô Của Hội Thánh – Làm Sao Để Thay Đổi Chiến Lược Tương Xứng Với Sự Tăng Trưởng? (Phần 1)
Giangluankinhthanh.net – Tiến sỹ Timothy Keller (sinh năm 1950) là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời đại hậu hiện đại. Năm 1989 ông thành lập hội thánh Redeemer Presbyterian Church tại Manhattan. Từ 15 thành viên ban đầu, hội thánh tăng trưởng bền vững và lên tới hơn 5000 người vào năm 2016. Năm 2017, hội thánh thực hiện một bước đi mang tính chiến lược, hội thánh đã chia thành ba trụ sở nhằm duy trì chất lượng chăn bầy và tăng trưởng. Bài báo sau của Tim Keller được đánh giá rất cao về công tác lãnh đạo hội thánh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phong cách vận hành của một hội thánh, những thế mạnh và điểm yếu của nó, vai trò của các lãnh đạo chuyên trách và không chuyên sẽ thay đổi đáng kể khi quy mô của nó thay đổi.
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến các lãnh đạo chăn bầy phạm sai lầm là không thấy được tầm quan trọng của quy mô hội thánh. Quy mô tác động mạnh mẽ tới cách vận hành một hội thánh. “Văn hóa quy mô” (size culture) ảnh hưởng sâu sắc tới cách ra quyết định, dòng quan hệ, cách đánh giá hiệu quả cũng như công việc của người mục sư, nhân sự và các lãnh đạo không chuyên.
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng khác biệt chính giữa các hội thánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hệ phái hoặc thần học, nhưng điều đó đã hạ thấp tác động của quy mô tới cách vận hành một hội thánh. Khác biệt giữa cách hội thánh 100 người và hội thánh 1000 người vận hành có thể lớn hơn khác biệt giữa hội thánh Trưởng lão và một hội thánh Báp-tít cùng quy mô. Xét trên nhiều góc độ, người nhân sự chuyển từ một hội thánh 400 người sang hội thánh 2000 người phải thay đổi nhiều hơn rất nhiều so với khi người đó chuyển từ hệ phái này sang hệ phái khác.
Hội thánh lớn không chỉ là phiên bản to hơn của hội thánh nhỏ. Khác biệt trong giao tiếp, hình thành cộng đồng và quy trình ra quyết định lớn đến nỗi các kỹ năng lãnh đạo cho từng quy mô gần như ở một thứ tự hoàn toàn khác nhau.
VĂN HÓA QUY MÔ
Mọi hội thánh đều có một văn hóa gắn liền với quy mô của nó, văn hóa này phải được tiếp nhận. Hầu hết mọi người đều có xu hướng thích một văn hóa quy mô nhất định, và thật đáng buồn, nhiều người gán cho một địa vị đạo đức nào đó cho văn hóa quy mô mà anh ta thích nhất. Họ coi những phạm trù quy mô khác ở tầm thấp kém hơn về thuộc linh và đạo đức. Họ có thể giữ khư khư quan điểm rằng cách duy nhất để vận hành hội thánh theo Kinh thánh là thực hành một văn hóa quy mô nhất định, phớt lờ thực tế rằng hội chúng mà họ đang tham dự quá lớn hoặc quá nhỏ để phù hợp với văn hóa đó.
Ví dụ, nếu vài thành viên trong hội thánh 2000 người cảm thấy mình hoàn toàn có thể gọi điện cho chính mục sư trưởng thì họ đang đòi hỏi sự chăm sóc thuộc linh của mà một hội thánh dưới 200 người có thể đáp ứng. Tất nhiên là vị mục sư đó sẽ nhanh chóng cảm thấy choáng ngợp. Thế mà các thành viên cứ khăng khăng bảo rằng nếu tôi mà không gọi được cho mục sư thì ông ấy đang không hoàn thành nhiệm vụ chăn bầy theo Kinh thánh.
Một ví dụ khác: người mục sư trưởng mới của một hội thánh 1500 người cứ muốn cả ban chấp sự và nhân sự đi đến thống nhất rồi mới đưa ra tất cả các quyết định. Thế thì ban chấp sự tuần nào cũng phải họp cả sáu tiếng đồng hồ mất! Người mục sư lại vẫn cứ bảo rằng nếu nhân sự tự đưa ra quyết định nghĩa là họ tự ý hành động và không xây dựng được cộng đồng. Khi áp đặt một thực hành văn hóa của quy mô này vào một hội thánh ở quy mô khác, chúng ta sẽ hủy hoại hội thánh và cuối cùng là buộc nó trở lại với quy mô tương xứng với những thực hành này.
Thêm một ví dụ nữa: Một số người rời hội thánh lớn để gia nhập hội thánh nhỏ hơn sẽ bắt đầu phàn nàn về việc thiếu chuyên nghiệp trong các mục vụ của hội thánh, và khăng khăng cho rằng điều này thể hiện rằng hội thánh thiếu xuất sắc về mặt thuộc linh. Tuy nhiên, thực ra, vấn đề là trong hội thánh nhỏ hơn, các tình nguyện viên phải làm công việc của những nhân sự trọn thời gian tại hội thánh lớn. Tương tự như vậy, các thành viên mới của hội thánh nhỏ có thể ca cẩm rằng bài giảng của mục sư không được trau chuốt và kỹ càng như kỳ vọng của họ trong hội thánh lớn. Mục sư của hội thánh lớn với nhiều nhân sự có thể dành 20 giờ/tuần để chuẩn bị bài giảng, tuy nhiên, mỗi tuần, vị mục sư duy nhất của một hội thánh nhỏ có thể chỉ dành được nửa số thời gian đó.
Nghĩa là một mục sư khôn ngoan phải vừa đương đầu với những người không thể thích nghi với văn hóa quy mô của hội thánh vừa cảm thông với họ – giống như nhiều người không thể thích nghi với văn hóa của một vùng miền khác mà họ từng sống. Một số người hay ngờ vực về mặt tổ chức, thường vì những lý do xác đáng bắt nguồn từ những gì họ đã trải qua. Những người khác không thể chịu được khi người giảng đạo không phải là mục sư của họ. Chúng ta phải khiến họ thừa nhận rằng họ đang đòi hỏi những điều mà một hội thánh thuộc quy mô đó không thể làm được. Chúng ta không được ngụ ý rằng họ thật thiếu trưởng thành khi tìm hội hội thánh khác, cũng không nên chủ động khuyến khích ai bỏ hội thánh.
SỰ KHÁNG CỰ LÀNH MẠNH
Mọi hội thánh đều có những khía cạnh văn hóa quy mô tất yếu, nhưng chúng ta phải chống lại một số khía cạnh trong đó.
Những hội thánh lớn hơn phải chật vật với việc theo dõi các thành viên rơi rụng hoặc đánh mất đức tin. Đừng bao giờ coi điều này là lẽ đương nhiên. Thay vào đó, hội thánh lớn phải không ngừng tìm cách cải thiện việc chăn bầy và môn đồ hóa.
Do nhu cầu nên hội thánh lớn phải dùng những kỹ thuật tổ chức của thế giới kinh doanh, nhưng điều này có nguy cơ tiềm ẩn của nó. Mục vụ đó có thể trở nên quá thiên về kết quả và tập trung vào những thành quả dễ định lượng (số người tham dự, số thành viên, số tiền dâng hiến) mà không tập trung vào sự thánh khiết và sự trưởng thành trong tính cách. Tôi nhắc lại, đừng coi điều này là hiển nhiên; thay vào đó, hãy phát triển những chiến lược mới để tập trung vào tình yêu thương và phẩm cách.
Theo lẽ tự nhiên, hội thánh nhỏ hơn sẽ dành cho những thành viên thiếu trưởng thành, bộc trực, cố chấp và thất thường một lượng quyền hành đáng kể trên cả thân thể. Vì ai cũng biết nhau nên khi các thành viên trong gia đình hoặc nhóm nhỏ kịch liệt phản đối đường lối mà người mục sư và các lãnh đạo đưa ra, cả hội chúng có thể là người đứng giữa vì cớ họ. Nếu họ dọa bỏ hội thánh thì số đông sẽ thúc giục các lãnh đạo từ bỏ những gì họ định làm. Thật sự quá khó để đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về chương trình và hướng đi trong một nhóm 50-150 người, đặc biệt là trong xã hội đa dạng và phân tán như hiện nay. Ấy thế mà các hội thánh có một cái luật bất thành văn: mọi người đều phải vui vẻ với mọi sáng kiến mới được thực hiện. Lãnh đạo của các hội thánh nhỏ có thể đủ can đảm để dẫn dắt và đối chất với những thành viên thiếu trưởng thành, bất chấp những khó chịu nhất định.
Chẳng có quy mô nào phù hợp nhất với một hội thánh cả. Mỗi quy mô đều thể hiện những thách thức cũng như cơ hội mục vụ mà những hội thánh thuộc các quy mô khác không thể có (hoặc ít nhất là không làm tốt bằng). Chỉ khi cùng nhau thì các hội thánh ở mọi quy mô mới có thể trở thành mọi điều mà Đấng Christ muốn hội thánh trở thành.
NGUYÊN TẮC CỦA QUY MÔ
Các cuốn sách về quy mô hội thánh có thể khiến chúng ta bối rối, vì mỗi người lại phân chia các loại quy mô một khác, vì nhiều biến số khác nhau trong văn hóa và lịch sử của một hội thánh quyết định chính xác thời điểm mà mội hội thánh chuyển sang một mốc quy mô mới. Ví dụ, mọi người đều biết rằng ở mội thời điểm nào đó, một hội thánh sẽ trở nên quá lớn đến nỗi một mục sư không tài nào xoay sở nổi. Người ta bắt đầu ca thán rằng họ không được chăm sóc đúng mực. Đã đến lúc phải bổ sung thêm nhân sự. Nhưng khi nào thì điều đó xảy ra? Trong một số cộng đồng, điều này có thể xảy ra khi số người tham dự tăng đến 120, trong khi một số cộng đồng khác phải đợi đến khi hội thánh có gần 300 người. Nó phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng, tính lưu động của dân số trong thành phố, tốc độ tăng trưởng của hội thánh, v.v.
Dù có nhiều biến số, thời điểm mà một hội thánh cần bổ sung thêm nhân sự chăn bầy thứ hai thường được gọi là “mốc 200” (the 200 barrier). Đó là một con số trung bình phù hợp, nhưng hãy nhớ rằng hội thánh của bạn có thể đạt đến ngưỡng đó ở một mốc tham dự khác.
Dưới đây là những xu hướng hoặc thay đổi chung xuất hiện khi hội thánh trở nên lớn hơn.
PHỨC TẠP HƠN
Hội thánh càng lớn thì thành viên của nó càng ít có điểm chung. Họ càng đa dạng hơn ở những yếu tố như độ tuổi, tình trạng gia đình, sắc tộc, v.v, nên hội thánh 400 người cần số chương trình gấp bốn đến năm lần hội thánh 200 người – chứ không phải gấp đôi. Các hội thánh lớn phức tạp hơn nhiều so với các hội thánh nhỏ. Họ có nhiều buổi nhóm, nhiều nhóm khác nhau, nhiều đường hướng và cuối cùng, họ thật sự trở thành nhiều hội chúng.
Đồng thời, hội thánh càng lớn thì càng cần thêm nhân sự theo đầu người. Thông thường, cứ mỗi lần hội thánh tăng thêm 150 – 200 người tham dự thì cần bổ sung những nhân sự đầu tiên. Một hội thánh 500 có thể có hai hoặc ba nhân sự trọn thời gian, nhưng cuối cùng, cứ mỗi khi hội thánh tăng thêm 75-100 người mới thì bổ sung thêm nhân sự. Vì vậy, hội thánh 2000 người có thể có 25 nhân sự.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NHÂN SỰ KHÔNG CHUYÊN THAY ĐỔI
Mặt khác, hội thánh càng lớn thì việc ra quyết định càng phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự chứ không phải là mọi thành viên, hay thậm chí là các lãnh đạo không chuyên. Dần dần, các trưởng lão hoặc Ban Điều hành chỉ xử lý những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới bức tranh toàn cảnh. Nghĩa là hội thánh càng lớn thì việc ra quyết định càng lui dần về đội ngũ nhân sự và lui xa khỏi hội chúng và các lãnh đạo không chuyên. Thật là thừa thãi khi nói rằng nhiều thành viên sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu với điều này.
Mặt khác, hội thánh càng lớn thì những chức vụ chăn bầy cơ bản như thăm người ốm, môn đồ hóa, giám sát sự tăng trưởng Cơ Đốc và tâm vấn càng phải được thực hiện bởi những lãnh đạo không chuyên chứ không phải các mục sư chuyên trách.
Nhìn chung, trong các hội thánh nhỏ, nhiều người quyết định chính sách, ít người làm mục vụ; còn trong các hội thánh lớn, nhiều người làm mục vụ còn ít người quyết định chính sách.
TĂNG TÍNH CHỦ ĐÍCH
Hội thánh càng lớn thì càng phải giúp người mới hòa nhập một cách hệ thống và có chủ đích hơn. Khi một hội thánh tăng trưởng, các thành viên trong hội chúng không dễ nhìn thấy người mới. Vì vậy, thành viên cũ sẽ không tự động ra chào hỏi và tiếp đón người mới. Cần phải xác định và thiết lập các phương thức hòa nhập qua việc đặt những câu hỏi như sau:
+ Những người mới sẽ đến đây như thế nào?
+ Làm sao để hội thánh nhận ra họ là người mới?
+ Những người chưa tin sẽ tìm hiểu mức độ liên quan, nội dung và đức tin Cơ Đốc tại đâu?
+ Ai sẽ đồng hành cùng họ trong chặng đường này?
+ Các tín đồ sẽ được gắn vào đâu?
+ Ai sẽ giúp họ?
Hội thánh càng lớn thì càng khó tuyển tình nguyện viên nên càng cần có quá trình tuyển tình nguyện viên tuần tự hơn. Tại sao lại như vậy? Một là, hội thánh càng lớn thì người đi tuyển càng không quen người được tuyển. Chúng ta dễ từ chối người mà chúng ta không quen hơn là từ chối người chúng ta biết rõ. Hai là, trong một hội thánh lớn, dân sự càng dễ cảm thấy mình không cần chịu nhiều trách nhiệm với các mục vụ của nó: “Có nhiều người thế rồi, họ không cần đến mình đâu.” Vì vậy, hội thánh càng lớn thì càng cần tuyển tình nguyện viên một cách tuần tự và trang trọng hơn.
TĂNG ĐỘ RƯỜM RÀ TRONG TRUYỀN THÔNG
Hội thánh càng lớn thì càng cần phải truyền thông hiệu quả hơn. Nếu không có nhiều dạng thức và không liên tục truyền thông thì dân sự sẽ cảm thấy bị loại ra và họ sẽ phàn nàn rằng “Tôi có được thông báo đâu.” Khi liên tục nghe những lời phàn nàn như vậy thì hãy biết rằng bạn đã chuyển sang một dạng quy mô cao hơn. Các mạng lưới truyền thông không chính thức (thông báo trên bục giảng, thông báo bằng bản tin và truyền miệng) là không đủ để tiếp cận mọi người. Để truyền thông hiệu quả, chúng ta cần truyền thông từ sớm hơn.
TĂNG CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC SỰ KIỆN
Hội thánh càng lớn thì càng cần phải đầu tư vào việc lên kế hoạch và tổ chức các sự kiện. Nhìn chung, người ta kỳ vọng rằng các hội thánh lớn hơn có chất lượng tổ chức cao hơn và không thể cứ thế mà đẻ ra các sự kiện. Các sự kiện tự phát, diễn ra vào phút chót không có hiệu quả.
Hội thánh càng lớn thì tiêu chuẩn nghệ thuật càng phải cao. Trong các hội thánh nhỏ hơn, trải nghiệm thờ phượng chủ yếu nằm trong mối quan hệ theo chiều ngang giữa những người tham dự. Âm nhạc từ những người chưa qua đào tạo và không đặc biệt tài năng dù sao cũng vẫn được tôn trọng vì “ta biết nhau hết rồi”, họ đều là thành viên trọng hội thánh cả mà. Nhưng hội thánh càng lớn thì sự thờ phượng càng dựa trên mối quan hệ theo chiều dọc – theo ý niệm siêu việt. Nếu một người bên ngoài bước vào hội thánh, không quen biết các nhạc công, thì sự xoàng xĩnh của sự kiện sẽ khiến họ không tập trung vào sự thờ phượng. Họ không có mối quan hệ với các nhạc công để bù lại sự thiếu tài năng. Vì vậy, hội thánh càng lớn thì cần phải để ý đến yếu tố âm nhạc.
CỞI MỞ VỚI THAY ĐỔI HƠN
Hội thánh càng lớn thì nó càng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi thường xuyên và liên tục. Tại sao?
Một là, các hội thánh nhỏ có xu hướng ít luân chuyển: cá nhân các thành viên thấy mình mạnh mẽ và cần cho hội thánh nên họ cứ giữ như vậy.
Hai là, hội thánh càng lớn thì quyền ra quyết định càng chuyển từ cả hội chúng sang các lãnh đạo và đội ngũ nhân sự. Quá nhiều điều diễn ra nên các hội chúng, ban chấp sự hoặc thậm chí là đội ngũ nhân sự cũng không thể quyết định mọi thứ theo nhóm được. Khi quyền quyết định được chuyển cho một nhân sự hoặc các lãnh đạo tình nguyện, sự thay đổi sẽ diễn ra nhanh hơn. Quyết định có thể đưa ra một cách chóng vánh mà không cần mọi người ký tá.
Hơn nữa, như chúng ta đã thấy trên đây, hội thánh càng lớn thì càng phức tạp, nên càng có nhiều lịch trình, sự kiện và chương trình để thay đổi.
MẤT THÀNH VIÊN VÌ NHIỀU THAY ĐỔI
Hội thánh càng lớn thì nó càng mất thành viên vì nhiều thay đổi. Tại sao? Những hội thánh nhỏ tìm mọi cách để không mất thành viên. Kết quả là những cá nhân và nhóm nhỏ thường có quyền hành không tương xứng với số lượng của họ. Nếu hội thánh áp dụng thay đổi nào đó thì luôn có người coi đó như một sự mất mát, và vì hội thánh nhỏ sợ xung đột hơn nên thông thường, nó không áp dụng một thay đổi có thể khiến các thành viên bỏ đi. Vì vậy, các hội thánh nhỏ hơn thường có số thành viên ổn định hơn các hội thánh lớn.
Trong các hội thánh lớn, các nhóm nhỏ và cá nhân có ít quyền hành hoặc không thể kháng cự những thay đổi mà họ không thích. Hơn nữa, như đã lưu ý trên dây, vì các hội thánh lớn liên tục kinh nghiệm sự thay đổi nên họ thường mất thành viên vì “Hội thánh lớn quá rồi” hay “Tôi không tài nào gặp được mục sư” hay “Hội thánh chúng ta không cầu nguyện tự phát nữa rồi.” Các lãnh đạo của hội thánh tăng trưởng dễ bằng lòng với việc mất đi những thành viên không đồng tình với quy trình hay triết lý của mục vụ.
THAY ĐỔI VAI TRÒ CHỨC VỤ
Hội thánh càng lớn thì người giảng chính càng khó làm công việc chăn bầy. Trong các hội thánh nhỏ hơn, người mục sư luôn có mặt, trong hầu hết các dịp và phục vụ phần đa các nhu cầu của bất cứ thành viên nào, kể cả người không đi hội thánh. Hội thánh lớn đôi khi có số mục sư, nhân sự và lãnh đạo không chuyên nhiều hơn cả số dân sự của một hội thánh nhỏ! Nên các mục sư của hội thánh lớn cần nhận thức được những hạn chế của mình và dành nhiều thời gian hơn cho nhân sự và những người chăn bầy không chuyên trong sự cầu nguyện và tĩnh nguyện.
Hội thánh càng lớn thì khả năng lãnh đạo của người mục sư càng quan trọng. Kỹ năng giảng đạo và chăn bầy là đủ với các mục sư ở hội thánh nhỏ, nhưng khi hội thánh tăng trưởng, những kỹ năng lãnh đạo khác trở nên cấp thiết. Trong một hội thánh lớn, đội ngũ mục sư không chỉ cần kỹ năng quản lý mà còn cần ơn truyền đạt khải tượng và lên chiến lược, điều này cực kỳ quan trọng.
Hội thánh càng lớn thì nhân sự càng phải chuyển từ nhân sự tổng hợp thành nhân sự chuyên trách. Tất cả mọi người, từ mục sư trưởng trở xuống phải tập trung vào các khía cạnh mục vụ nhất định và tập trung vào hai hoặc ba nhiệm vụ chính. Hội thánh càng lớn thì mục sư trưởng càng phải chuyên việc giảng đạo, giữ và truyền đạt khải tượng, đồng thời nhận ra các vấn đề trước khi chúng trở thành thảm họa.
Cuối cùng, hội thánh càng lớn thì các mục sư, đặc biệt là mục sư trưởng càng cần phải cố định trong một thời gian dài. Như đã nói ở trên, các hội thánh nhỏ thay đổi chậm hơn và có ít sự luân chuyển hơn. Với sự ổn định vốn có này, một hội thánh nhỏ có thể chấp nhận thay đổi mục sư vài năm một lần nếu cần. Nhưng hội thánh càng lớn thì đội ngũ nhân sự nói chung và mục sư trưởng nói riêng là những nguồn chính cho sự liên tục và ổn định. Hay luân chuyển nhân sự là một việc rất bất lợi cho hội thánh lớn.
CHIA NHÓM NHỎ HƠN
Hội thánh càng lớn thì vòng chăn bầy cơ bản càng nhỏ hơn.
Trong các hội thánh nhỏ hơn, các tầng lớp và nhóm người có thể lớn hơn vì hầu hết mọi người trong hội thánh được chăm sóc bởi đội ngũ nhân sự trọn thời gian và đã qua đào tạo, mỗi người có thể chăm sóc 50-200 người. Tuy nhiên, trong những hội thánh lớn hơn, việc phân nhóm nội bộ cần phải nhỏ hơn, vì dân sự được chăm sóc bởi những người chăn bầy không chuyên, nếu có sự giám sát và hỗ trợ thích hợp thì mỗi người có thể chăm sóc 10-20 người. Vì vậy trong hội thánh lớn, càng có nhiều nhóm nhỏ cho mỗi 100 người tham dự thì bạn càng chăm sóc dân sự được tốt hơn và hội thánh càng tăng trưởng nhanh hơn.
NHẤN MẠNH VÀO KHẢI TƯỢNG VÀ THẾ MẠNH
Hội thánh càng lớn thì nó càng có xu hướng tập trung vào làm ít điều hơn và tập trung tốt hơn. Các hội thánh nhỏ thường làm nhiều mảng và cảm thấy mình cần làm mọi thứ. Điều này bắt nguồn từ quyền của các cá nhân trong một hội thánh nhỏ. Nếu bất cứ thành viên nào muốn hội thánh giải quyết một vấn đề gì đó thì hội thánh sẽ cố gắng làm hài lòng người đó. Tuy nhiên, hội thánh lớn hơn xác định và tập trung vào khoảng ba hoặc bốn điều chính, cố gắng thực hiện chúng cho thật tốt, phớt lờ sự mời gọi của những trọng tâm mới.
Hơn nữa, hội thánh càng lớn thì khải tượng riêng của nó lại càng trở nên quan trọng hơn với các thành viên. Người ta ở trong hội thánh nhỏ vì các mối quan hệ. Người ta ở trong các hội thánh lớn, chịu đựng mọi thay đổi và khó khăn là để hoàn thành sứ mạng. Người ta gia nhập một hội thánh lớn hơn vì khải tượng, nên sứ mạng riêng cần phải rõ ràng.
Hội thánh càng lớn thì nó càng phát triển việc truyền giáo thay vì hỗ trợ những chương trình đã có. Các hội thánh nhỏ hơn có xu hướng hỗ trợ những động cơ truyền giáo của hệ phái và đóng góp cho các mục vụ xuyên hệ phái (parachurch). Các lãnh đạo và thành viên trong hội thánh lớn hơn cảm thấy họ cần phải khai trình với Chúa về mạng lệnh của vương quốc và tìm cách mở những mục vụ truyền giáo của riêng mình hoặc cộng tác với các hội thánh khác, từ đó, cơ quan truyền giáo của họ có thể khai trình trực tiếp với hội thánh.
Vì vậy, hội thánh càng lớn thì càng cần phải xem các lãnh đạo không chuyên có đồng tình với khải tượng và triết lý của mục vụ không, chứ không chỉ kiểm tra các tiêu chuẩn về giáo lý hay đạo đức của họ. Trong các hội thánh nhỏ, dân sự có thể làm lãnh đạo nếu họ làm thành viên đủ lâu và trung tín. Trong các hội thánh lớn, nơi sứ mạng và khải tượng riêng đóng vai trò quan trọng hơn, cần đề bạt những người lãnh đạo có cùng triết lý mục vụ với đội ngũ nhân sự và các lãnh đạo khác một cách quyết đoán.
Xin đón đọc hai phần tiếp theo của bài báo tập trung vào việc phân loại năm quy mô hội thánh khác nhau – Hội thánh tư gia, hội thánh nhỏ, hội thánh vừa, hội thánh lớn, hội thánh rất lớn – theo đặc điểm, phương thức tăng trưởng và các bước cần thiết để mở rộng quy mô.
– Nguồn: redeemercitytocity.com –
Trackbacks & Pingbacks
-
[…] 1. Lãnh Đạo Theo Quy Mô Của Hội Thánh – Làm Sao Để Thay Đổi Chiến Lược Tươ… […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
“Người ta ở trong hội thánh nhỏ vì các mối quan hệ. Người ta ở trong các hội thánh lớn, chịu đựng mọi thay đổi và khó khăn là để hoàn thành sứ mạng.” Bài viết chia sẻ rất nhiều đúc kết và kinh nghiệm rất hay. Cảm ơn Chúa vì người lãnh đạo được ơn của Ngài.