Cách Hoàn Thành Mọi Việc: Xử Lý Những Gián Đoạn Chen Ngang
Giangluankinhthanh – Hôm nay, loạt bài này sẽ kết thúc bằng một vài suy tư về cuộc chiến mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày – làm sao để đặt thứ tự ưu tiên cho đúng? Cuộc đời không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý định của chúng ta. Bao nhiêu gián đoạn bỗng dưng chen ngang – những tình huống khẩn cấp cần giải quyết, con cái cần được quan tâm, các sếp yêu cầu làm việc nọ, việc kia; khách hàng muốn bạn đáp ứng ngay lập tức những nhu cầu của họ. Cứ như thể cả thế giới hiệp nhau lại để cười nhạo những nỗ lực sắp xếp cuộc sống của bạn. Làm sao để giải quyết hết những gián đoạn chen ngang đó?
Chúa kêu gọi chúng ta làm việc lành cho những người khác, và sự kêu gọi này còn ở với chúng ta cho đến cuối đời. Một khi chưa trút hơi thở cuối cùng, chúng ta vẫn còn cơ hội để làm việc lành cho người khác, từ đó khiến Chúa được vinh hiển. Chúng ta luôn phải học cách làm tốt điều này hơn, và luôn học cách sử dụng các công cụ hỗ trợ tốt hơn nữa.
Hôm nay, tôi sẽ kết thúc loạt bài này bằng một vài suy tư về cuộc chiến mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày – làm sao để đặt thứ tự ưu tiên cho đúng? Chúng ta đã xét đến việc lên kế hoạch cũng như cách tốt nhất để sử dụng các công cụ khác nhau. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý định của chúng ta. Bao nhiêu gián đoạn bỗng dưng chen ngang – những tình huống khẩn cấp cần giải quyết, con cái cần được quan tâm, các sếp yêu cầu làm việc nọ, việc kia; khách hàng muốn bạn đáp ứng ngay lập tức những nhu cầu của họ. Cứ như thể cả thế giới hiệp nhau lại để cười nhạo những nỗ lực sắp xếp cuộc sống của bạn. Bạn định hôm nay dọn nhà mà lại có cô bạn bị tổn thương cần được tâm vấn; bạn định sáng nay chuẩn bị bài giảng mà một tín đồ trong hội thánh lại gọi đến và nói: “Em thật sự cần nói chuyện với mục sư.” Cả ngày bạn kín lịch với khách hàng mà ông sếp lại bảo bạn đi họp.
Làm sao để giải quyết hết những gián đoạn chen ngang đó?
Giải quyết những gián đoạn chen ngang đòi hỏi bạn phải biết những hạn chế của bản thân. C.J. Mahaney phát biểu rất hay về điều này: Chỉ Chúa mới có thể hoàn thành mọi danh sách công việc cần làm mà thôi. Ngày nào Chúa cũng hoàn thành mọi việc. Còn bạn, tối nay bạn sẽ đi ngủ với một danh sách chưa hoàn thành, và cũng không chắc là ngày mai mình sẽ làm hết việc của ngày mai. Chỉ có Chúa mới có sự chắc chắn đó. Mà không sao, Chúa dựng nên bạn có những hạn chế nhất định và Ngài biết rằng tội lỗi lại càng hạn chế bạn hơn.
Giải quyết những gián đoạn chen ngang đòi hỏi bạn phải biết rằng Chúa là Đấng tể trị, bạn thì không. Khi tin cậy vào một Đức Chúa Trời tối cao, bạn biết rằng không gián đoạn nào có thế khiến Chúa bất ngờ. Điều này giải phóng bạn khỏi những cơn giận bộc phát hay nỗi thất vọng tràn trề. Nó cho phép bạn dừng lại và ngẫm nghĩ xem có phải Chúa đem những gián đoạn này đến để bạn có cơ hội làm việc lành cho ai đó không. Nên bạn đâu có quyền tự động từ chối chúng.
Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể làm việc lành với mọi người. Greg McKeown phát biểu điều này rất hay: “Chỉ khi bạn cho phép bản thân ngừng làm hết mọi sự, ngừng nói “vâng” với tất cả mọi người, bạn mới có thể dốc sức cho những điều thật sự quan trọng.” Randy Alcorn nhắc lại rằng: “Chìa khóa cho một đời sống năng suất và thỏa lòng là biết mình KHÔNG được làm gì, và sẵn sàng nói không với những cơ hội thực sự tốt – đôi khi là những cơ hội tuyệt vời. Điều này chỉ xảy ra khi bạn nhận ra rằng mình thực sự có những hạn chế, và rằng bạn phải quản trị đời sống nhỏ bé của mình, và rằng trong tất cả những điều hay ho nhất trên đời, Chúa chỉ muốn bạn làm một số việc.” Vậy bạn có biết mình phải hưởng ứng điều gì, khước từ điều gì không?
Để xử lý những phân tán hằng ngày, bạn cần đánh giá từng điều và xác định xem mình cần cứng nhắc hay mềm mại, mình cần từ chối hay hưởng ứng. Cái khó là ở chỗ, tội lỗi núp sau cả hai vế của phương trình.
Một bên là nhìn thời gian một cách cứng nhắc. Tại đây, bạn không để bất cứ thứ gì làm gián đoạn kế hoạch của bản thân. Bạn hoàn toàn không thể lay chuyển và sẽ không để bất cứ cơ hội nào, dù cho chúng có cấp bách đến đâu, khiến bạn gác danh sách công việc cần làm sang một bên. Rất có thể đây là sản phẩm của sự kiêu ngạo. Bạn quá chắc chắn về bản thân, dám chắc rằng mình biết điều gì tốt nhất, nên không gì có thể khiến bạn dao động. Tôi đã minh họa điều này trong một bài thuyết trình về năng suất:
Ở phía bên kia, bạn nhìn thời gian một cách mềm mại. Ở đây, bạn cho phép mọi thứ gián đoạn kế hoạch của mình. Bạn hoàn toàn có thể bẻ cong và để cho những cơ hội – dù là thoáng qua và không quan trọng – khiến bạn gác danh sách công việc cần làm sang một bên. Rất có thể đây là sản phẩm của nỗi sợ con người. Bạn rất mong làm hài lòng những người khác và rất sợ nói “không” với họ, đến nỗi luôn để họ làm bạn dao động. Tôi minh họa điều này như sau:
Không có gì đáng ngạc nhiên cả, bạn cần sống ở đâu đó giữa hai thái cực này. Chẳng có loạt tiêu chí nào đủ khách quan và chắc chắn để quyết định thay cho bạn, nhưng có Đức Chúa Trời là Đấng ban sự khôn ngoan và ân điển. Hãy thì thầm cầu nguyện xin sự khôn ngoan, ra quyết định, và làm việc lành cho những người khác. Hãy biết rằng, trên hết, khi bạn càng hiểu rõ sứ mệnh của mình, càng lên kế hoạch và sắp xếp đời sống cho tốt thì những quyết định đó càng trở nên dễ dàng hơn.
Tôi muốn kết bài với vài lời khôn ngoan từ C.J. Mahaney—những lời mà bạn sẽ cần nhớ đến, không khi này thì khi khác: “Niềm vui của tôi không bắt nguồn từ việc hoàn thành mọi mục tiêu một cách hoàn hảo. Niềm vui của tôi bắt nguồn từ thân vị và công việc của Chúa Giê-su Christ trên thập tự giá.” Năng suất là một người đầy tớ tuyệt vời, nhưng là một ông chủ tệ bạc. Gạch đi những nhiệm vụ và hoàn thành những dự án không phải là mục đích của bạn, càng không được trở thành niềm vui lớn nhất của bạn. Niềm vui lớn nhất của bạn đặt nơi thân vị và công việc của Chúa Giê-su Christ, và mục đích lớn nhất của bạn là tôn cao Ngài. Nên hãy đi và làm như vậy.
– Nguồn: challies.com –
Giảng Luận Kinh Thánh xin tri ân tác giả Tim Challies đã cho phép chuyển ngữ loạt bài này ra tiếng Việt.
Giangluankinhthanh.net – Chúng ta đã đi đến cuối loạt bài Hoàn Thành Mọi Việc. Quý độc giả có thể xem lại các bài viết trước đây theo các đường link sau:
2. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Xác Định Các Khía Cạnh Trách Nhiệm Của Bản Thân
3. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Thời Gian, Năng Lượng & Sứ Mệnh
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!