Hoàn thành Mọi việc: Thời gian, Năng lượng & Sứ mệnh
Giangluankinhthanh.net – Đến tuần này, chúng ta đã đi được gần một nửa chặng đường của Hoàn thành Mọi việc. Bạn đã xác định những khía cạnh trách nhiệm cho mình chưa? Hãy tiếp tục với Sứ mệnh nhé!
Tôi đã viết một loạt bài về hoàn thành công việc và cho bạn một cái nhìn thoáng qua về thế giới của tôi để chỉ ra cách tôi hoàn thành công việc (vì tôi không biết phải viết tiếp thế nào). Đến thời điểm này, tôi đã chia sẻ về ý nghĩa của năng suất làm việc, chỉ ra cách nó mở rộng với toàn bộ đời sống (không chỉ trong thế giới kinh doanh) và trọng tâm của năng suất làm việc là tôn cao Chúa bằng cách làm những việc lành [Phần 1]. Lần trước, tôi đã chỉ ra cách tôi phân chia đời sống mình thành các khía cạnh trách nhiệm bao hàm mọi thứ mà tôi thực hiện, và cách tôi vạch ra những vai trò cụ thể của mình trong từng khía cạnh đó [Phần 2]. Và giờ đây, chúng ta đã sẵn sàng để đi tiếp.
Chút nữa tôi sẽ nói đến việc bắt đầu sứ mệnh và tiếp tục sứ mệnh, nhưng trước hết, tôi muốn rằng trong vài ngày tới, bạn sẽ suy nghĩ về một điều.
Thời gian & Năng lượng
Tôi tin rằng chúng ta có xu hướng tập trung quá nhiều vào quản lý thời gian và quá ít vào quản lý năng lượng. Nhưng trong nhiều ngành nghề và ở nhiều chỗ trong cuộc sống, chính năng lượng – chứ không phải thời gian – lại là một mặt hàng giá trị hơn. Giống với thời gian, năng lượng cũng có hạn và cần được sử dụng một cách có chiến lược. Bạn có thể dành một lượng lớn thời gian cho những khía cạnh nhất định của cuộc sống, nhưng nếu bạn chỉ dành thời gian đó khi năng lượng của bạn ở trạng thái thấp nhất, năng suất làm việc của bạn vẫn sẽ thấp.
Ở đây, bạn cần phải hiểu rõ bản thân. Vậy nên, trong vài ngày tới, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau: Mình cảm thấy tỉnh táo nhất vào những thời điểm nào trong ngày? Mình kém hiệu quả nhất vào những thời điểm nào trong ngày? Mình là gà dậy sớm, cú đêm, hay chiến binh buổi chiều?
Những câu hỏi này rất quan trọng vì không lâu nữa, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn vào việc bạn sử dụng thời gian, và ít nhất là ở một mức độ nào đó, quản lý thời gian của bạn theo sự lên xuống của năng lượng. Bạn sẽ muốn lên kế hoạch sử dụng những lúc dồi dào năng lượng nhất để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất và những nhiệm vụ phụ thuộc vào sự sáng tạo. Bạn sẽ muốn lên lịch cho những công việc chủ động và sáng tạo khi năng lượng còn dồi dào, còn những công việc bị động liên quan đến hành chính sẽ để đến khi năng lượng xuống thấp. Vì vậy, hãy bắt đầu nghĩ ngay đến điều đó, và chúng ta sẽ sớm trở lại chủ đề này.
Bắt đầu sứ mệnh
Khi bạn đã định nghĩa được những khía cạnh trách nhiệm của mình, điều này chỉ có ý nghĩa khi bạn xác định sứ mệnh cho từng khía cạnh. Ngoài cách đó, tôi không biết có cách nào khác để bạn biết mình cần chú trọng điều gì, cần nhận làm điều gì và từ chối điều gì. Nên tôi muốn khích lệ bạn đặt ra một tuyên bố sứ mệnh ngắn gọn và đơn giản cho từng khía cạnh trách nhiệm của bạn. Dù đó không phải là một sứ mệnh dài, hãy nghĩ ra một điều sẽ chỉ hướng cho bạn và định nghĩa sự kêu gọi của Chúa trên bạn trong từng khía cạnh.
Tôi khác nhiều bậc thầy về năng suất làm việc ở bên ngoài theo hai điều.
Đầu tiên, tôi không tin rằng bạn cần một tuyên bố sứ mệnh toàn cảnh để bao hàm toàn bộ đời sống và mọi khía cạnh trách nhiệm của bạn. Nếu điều đó phù hợp với bạn và bạn muốn một tuyên bố sứ mệnh cho toàn bộ đời sống, hãy cứ tiếp tục soạn nó ra. Nhưng tôi nghĩ là có giá trị hơn, ít nhất là cho thời điểm hiện tại, khi chúng ta soạn ra những tuyên bố sứ mệnh cá nhân giới hạn với từng khía cạnh trách nhiệm của bạn.
Hai là, tôi không tin rằng những tuyên bố sứ mệnh của bạn đối với từng khía cạnh phải cố định và không thay đổi. Tôi thấy những tuyên bố này là để chỉ hướng cho bạn theo từng tuần, khi bạn lên lịch và cố gắng quyết định xem cần đặt nỗ lực của mình vào đâu. Tất nhiên là bạn không nên thay đổi chúng cách tùy tiện, nhưng có thể thay đổi một chút khi sứ mệnh của bạn trở nên tập trung hơn và khi nó thay đổi theo quá trình sống. Khi coi chúng là những tuyên bố “sống động”, bạn sẽ không phải suy nghĩ quá nhiều về chúng. Hãy nghĩ ra một điều gì đó có hiệu quả, rồi gọt giũa nó theo khoảng thời gian vài tuần hay vài tháng.
Tôi sẽ lấy cho bạn một vài ví dụ về tuyên bố sứ mệnh. Đây là tuyên bố cho ba khía cạnh trách nhiệm của tôi: công việc của tôi tại hội thánh, chức vụ của tôi đối với hội thánh rộng hơn (chủ yếu qua blog và các cuốn sách) và đời sống cá nhân:
• Tại GFC: Dạy dỗ, huấn luyện và điều hành [quản lý] để dân sự hội thánh sẽ trưởng thành và nhân lên.
o Giải thích: Tôi tin rằng nếu dân sự hội thánh đang sống trong vai trò Cơ Đốc nhân, họ sẽ trưởng thành trong đức tin và nhân lên qua việc chia sẻ Tin lành với những người khác. Vai trò của tôi trong hội thánh chủ yếu xoay quanh việc dạy dỗ, huấn luyện và quản lý; tôi muốn làm những điều đó theo cách hướng dân sự hội thánh đến sự trưởng thành và nhân lên.
• Kinh doanh: Dùng những cơ hội Chúa ban để giúp những người khác nghĩ và sống như những Cơ Đốc nhân trưởng thành.
o Giải thích: Qua nhiều năm, sứ mệnh cốt lõi của tôi trong vai trò một tác giả và diễn giả đã đi vào trọng tâm, và tôi rất thích giúp người ta nghĩ và sống như những Cơ Đốc nhân trưởng thành. Đó là trọng tâm của blog, các cuốn sách và những cơ hội mà tôi được phát biểu trước công chúng.
• Cá nhân: Vui mừng trong Chúa để Chúa được vinh hiển và mọi người được ích lợi.
o Giải thích: Tôi tin rằng nếu mình vui mừng trong Chúa, sự vui mừng của tôi sẽ dâng vinh hiển cho Chúa và tuôn tràn để làm điều lành cho những người khác. Tôi là một người cha tốt hơn, người chồng tốt hơn, người mục sư tốt hơn và là một người lân cận tốt hơn khi tôi tìm thấy sự vui mừng của mình trong Chúa.
Mỗi tuyên bố này sẽ là một thước đo hoặc tiêu chuẩn để mỗi tuần, tôi có thể nhìn lại và hỏi rằng: “Mình đã làm những điều này chưa?” Và tôi có thể nhìn vào tuần kế tiếp và hỏi rằng: “Mình sẽ làm những điều này như thế nào? Khi ai đó hỏi tôi rằng: “Anh có thể phát biểu tại hội nghị của chúng tôi không?” hay “Anh có thể gặp tôi để nói về chủ đề này không?” thì tôi sẽ cố gắng quyết định theo sứ mệnh của mình. Nếu nó phù hợp với sứ mệnh của tôi, tôi sẽ dành thời gian, năng lượng và sự nhiệt tình cho nó. Nếu nó không phù hợp với sứ mệnh của tôi, tôi sẽ không ưu tiên cho nó như vậy.
Hành động: Hãy viết một tuyên bố sứ mệnh cho từng khía cạnh trách nhiệm của bạn. Hãy cố gắng viết cho thật tốt, và chuẩn bị gọt giũa chúng theo thời gian.
Bạn có đang trong sứ mệnh hay không?
Bạn có thể thấy rằng đến thời điểm này, tôi mới chỉ hỏi bạn rằng: “Đâu là những điều mà bạn đang làm?” và “Đâu là những điều mà bạn có trách nhiệm với chúng?” Trước khi đi xa hơn, tôi muốn bạn dành thời gian xem xét kỹ những vai trò, nhiệm vụ và dự án thuộc từng khía cạnh trách nhiệm của bạn để hỏi xem đó có phải là những điều bạn phải làm hay không. Liệu những điều bạn làm có thực sự phù hợp với sứ mệnh của bạn không? Nếu không, hoặc là bạn phải điều chỉnh sứ mệnh của mình, hoặc là phải điều chỉnh vai trò của mình.
Vấn đề là ở chỗ: Theo thời gian, hiển nhiên là bạn sẽ nhận những vai trò và dự án không hợp với sứ mệnh của mình. Đôi khi bạn nhận việc vì nó cần phải thực hiện – không có ai làm nữa cả. Đôi khi bạn nhận việc vì người ta quản lý công việc không tốt – sếp của bạn cứ quẳng nó cho bạn. Đôi khi bạn nhận việc chỉ vì sợ con người – bạn không muốn từ chối hoặc muốn người khác có ấn tượng rằng bạn sẵn sàng làm hết mọi thứ.
Nên với sứ mệnh của mình trong đầu, bạn cần trở lại với danh sách các vai trò và dự án đó rồi hỏi những câu như sau:
• Đây có phải là những điều đúng đắn và tốt nhất để mình thực hiện hay không?
• Những điều này có phù hợp với sứ mệnh của mình không?
• Đây có phải là những điều mà mình có thể làm trong từng khía cạnh mà không ai khác có thể làm?
• Mình đặc biệt được ơn hay có tài năng ở đâu?
Là một mục sư, tôi biết rằng mình luôn cố gắng nhận những nhiệm vụ hoặc dự án mà một chấp sự hoặc quản lý hành chính có thể làm tốt hơn. Nhưng khi nhờ một người được kêu gọi hơn, có kỹ năng hơn hoặc được trang bị nhiều hơn, tôi sẽ được thoải mái tập trung vào sứ mệnh cốt lõi của mình. Là một người yêu sự đồng thuận của những người khác, tôi bị cám dỗ nhận những lời mời phát biểu không liên quan gì lắm với sứ mệnh cốt lõi của mình. Cuối cùng thì chúng chỉ là một điều khiến tôi phân tâm khỏi những điều quan trọng nhất. Greg McKeown nói rất hay về điều này trong cuốn Chủ nghĩa hiệu dụng (Essentialism): “Chúng ta cần biết cách chậm đồng ý và nhanh từ chối.” Càng rõ sứ mệnh của mình, chúng ta càng dễ đưa ra những quyết định như vậy.
Hành động: Trong sự cầu nguyện, xem lại những vai trò và dự án thuộc mỗi khía cạnh trách nhiệm để xem chúng có đáp ứng sự mệnh cốt lõi của bạn hay không.
Vậy bạn phải làm gì với những mục không phù hợp với sứ mệnh của bạn? Bạn có một số lựa chọn.
• Bạn có thể giao chúng cho ai đó có thể làm tốt hơn bạn. Có thể bạn đã và đang quản lý ngân quỹ của gia đình, nhưng bạn nhận ra rằng vợ/chồng bạn có thể làm điều đó tốt hơn. Hỏi xem anh ấy hoặc cô ấy có sẵn sàng nhận nhiệm vụ đó không.
• Bạn có thể bỏ chúng. Trong nhiều trường hợp bạn đang làm nhiều việc mà không có lý do chính đáng nào cả. Nhiều hội thánh có những mục vụ rất có ý nghĩa với 10 năm trước, nhưng vì chưa ai dừng lại để hỏi rằng: Chúng ta có nên tiếp tục làm việc này không? Nếu hiện tại, nó không phục vụ một mục đích rõ ràng thì có lẽ tốt hơn hết là hãy dành thời gian và năng lượng vào chỗ khác.
• Bạn có thể thực hiện chúng. Trước khi bạn gạt đi mọi thứ không thật sự phù hợp với sứ mệnh cốt lõi trong từng khía cạnh trách nhiệm của bạn, hãy nhớ rằng bạn cần bày tỏ tình yêu thương với những người khác – làm những việc lành để mang ích lợi cho họ. Đây chính là chỗ mà năng suất làm việc Cơ Đốc khác nhiều so với sự dạy dỗ của nhiều người, trong đó họ khuyến khích bạn cứ ích kỷ và loại bỏ mọi thứ không khiến bạn thích thú. Là Cơ Đốc nhân, bạn có thể làm những điều không thật sự phù hợp với sứ mệnh của bạn, nhưng bạn vẫn làm vì tình yêu với Đức Chúa Trời và khao khát tôn cao Ngài. Chúa có thể kêu gọi bạn làm điều này, điều kia chỉ vì chúng cần được thực hiện, và thậm chí Ngài có thể ban ân tứ thuộc linh cho bạn để làm điều đó một cách xuất sắc. Vậy nên bạn mới cần xem lại những vai trò và dự án của mình trong sự cầu nguyện.
Tới thời điểm này, sự theo đuổi năng suất làm việc của chúng ta đã ở một mức độ rất rộng – chúng ta đã nhìn vào cuộc sống từ một kiểu góc nhìn rộng. Nếu bạn đã đọc cả ba bài, bạn biết rằng Chúa đang kêu gọi bạn làm lành cho những người khác trọn cuộc đời mình, bạn đã chia đời sống mình thành những khía cạnh trách nhiệm khác nhau, và đã định nghĩa cả sứ mệnh và những nhiệm vụ của mình cho từng khía cạnh đó. Bây giờ, bạn đang ở một vị trí thuận lợi để bắt đầu xem xét các công cụ hỗ trợ cho đời sống mình.
– Nguồn: challies.com –
Giảng Luận Kinh Thánh xin tri ân tác giả Tim Challies đã cho phép chuyển ngữ loạt bài này ra tiếng Việt.
giangluankinhthanh.net – Xin vui lòng đọc hai bài đầu và đón đọc những bài viết tiếp theo trong loạt bài “Cách Hoàn Thành Mọi Việc” vào những tuần kế tiếp:
1. Cách Hoàn Thành Mọi Việc
2. Cách Hoàn thành Mọi Việc – Xác Định Những Khía Cạnh Trách Nhiệm Của Bản Thân
4. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Tìm Đúng Công Cụ
5. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Tổ Chức & Hệ Thống
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!