Cách Hoàn Thành Mọi Việc: Xác định Những Khía Cạnh Trách Nhiệm Của Bản Thân
Giangluankinhthanh.net – Tuần trước, chúng ta đã thấy rằng mình tồn tại để mang vinh hiển đến cho Chúa, và là Cơ Đốc nhân, chúng ta khiến Chúa được vinh hiển khi làm việc lành cho những người khác. Hãy bắt đầu hành trình Hoàn Thành Mọi Việc bằng cách xác định những khía cạnh trách nhiệm mà Chúa đã giao phó cho chính bạn!
Hôm nay, tôi tiếp tục loạt bài về hoàn thành mọi việc. Tuần trước, chúng ta đã thấy rằng mình tồn tại để mang vinh hiển đến cho Chúa, và là Cơ Đốc nhân, chúng ta khiến Chúa được vinh hiển khi làm việc lành cho những người khác. Đấng Christ “đã hi sinh vì chúng ta để chuộc chúng ta khỏi mọi gian ác, và tinh luyện chúng ta thành một dân thuộc riêng về Ngài, là dân sốt sắng làm các việc lành” (Tít 2:14) và hiện đang kêu gọi mỗi chúng ta “chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Vì vậy, “năng suất là quản trị những ân tứ, tài năng, thời gian, năng lượng và sự sốt sắng của bạn để làm ích cho người khác và dâng vinh hiển cho Chúa.”
Định nghĩa về năng suất này kêu gọi chúng ta hành động: Chúng ta cần sắp xếp và tổ chức đời sống mình để có thể làm tối đa những việc lành cho người khác, từ đó khiến Chúa được vinh hiển cách tối đa.
Tuần này, tôi định sẽ viết một cách thực tế hơn, nhưng trước hết, tôi muốn đề cập đến một ngộ nhận về năng suất và đặt ra một thách thức.
Một Ngộ Nhận, Một Thách Thức
Người ta ngộ nhận rằng những người năng suất và có tổ chức luôn hoàn thành deadline, không bao giờ phải xin gia hạn, và không bao giờ thấy rệu rã vào cuối tuần. Nhưng đó không phải là cách để đánh giá năng suất. Tại sao? Vì Chúa là Đấng tể trị, còn chúng ta thì không. Trách nhiệm của chúng ta là lên kế hoạch, tổ chức và thực hiện bằng hết khả năng của mình, nhưng cần nhận ra rằng hoàn cảnh và ý chỉ của Chúa có thể gián đoạn và cản trở cả những kế hoạch hợp lý nhất của chúng ta. Có những cách tốt hơn để đánh giá năng suất, và chúng ta sẽ thảo luận về chúng sau. Hiện giờ, tôi chỉ muốn bạn nhận ra rằng Chúa có cách để gián đoạn những kế hoạch của chúng ta và rằng ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng có thể thất bại.
Và đây là thách thức. Bạn có thể là một ông trùm năng suất, liên tục xóa sổ một loạt danh sách những việc cần làm, nhưng điều đó chẳng đem lại lợi ích gì lớn lắm nếu phần đời còn lại của bạn mất kiểm soát. Năng suất – làm việc lành – phải mở rộng với cả cuộc đời chứ không chỉ một phần trong đó. Nhiều người chỉ ra, và đây cũng là kinh nghiệm của tôi, rằng khi chúng ta nhấn mạnh một thói quen chính, những thói quen khác chắc chắn sẽ kéo theo. Khi bạn thể hiện sự tiết độ trong một khía cạnh của cuộc sống, bằng cách này hay cách khác, nó sẽ giúp cho sự tiết độ trong những khía cạnh khác. Nên hãy thử thực hiện thách thức này: Nếu bạn muốn có một đời sống có quy củ và hoàn thành được nhiều việc hơn bao giờ hết thì hãy cam kết với việc tập thể dục ba đến bốn ngày/tuần. Hoặc cam kết với kỷ luật đọc Kinh thánh và cầu nguyện hằng ngày. Chọn ít nhất một thói quen chính và theo đuổi nó, thậm chí khi bạn đang muốn học hoàn thành công việc.
Và đây là lúc chuyển sang thực tế.
Các khía cạnh trách nhiệm
Tất cả chúng ta đều có một cuộc sống phức tạp và luôn phải cố gắng cân bằng những nhu cầu luôn cạnh tranh nhau. Chúng ta có gia đình, hội thánh, sở thích và công việc, và tất cả những thứ đó đều đang cạnh tranh cho đúng 168 tiếng mà chúng ta được ban cho mỗi tuần. Tuy thời gian có hạn nhưng khả năng sử dụng thời gian đó là vô hạn. Năng suất phụ thuộc vào sự hài hòa giữa từng điều khác nhau mà chúng ta có thể làm vào mọi thời điểm cụ thể.
Chặng đầu tiên trong con đường đến với sự hài hòa là xác định các khía cạnh trách nhiệm của chúng ta. Đợi đã. Tôi biết một số người sẽ nghĩ rằng điều này chưa đủ thực tế, và họ muốn đi thẳng vào danh sách những việc cần làm và sắp xếp thông tin. Chúng ta sẽ làm như vậy, nhưng không phải bây giờ. Hãy chịu đựng tôi một chút, và bạn sẽ thấy điều này cũng thiết thực không kém những điều kế tiếp.
Mỗi người trong chúng ta có những khía cạnh mà chúng ta chịu trách nhiệm trước Chúa, những khía cạnh mà Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải giải trình. Chúng ta có trách nhiệm săn sóc thân thể và linh hồn của mình, các bậc cha mẹ có trách nhiệm với sức khỏe thể chất và thuộc linh của con cái họ, người chồng có trách nhiệm chu cấp, các thành viên trong hội thánh có trách nhiệm bày tỏ tình yêu đối với những thành viên khác trong hội thánh, và mọi Cơ Đốc nhân đều có trách nhiệm chăm sóc cho người nghèo và chia sẻ Tin lành. Và đó chỉ là chút bề nổi.
Hôm nay, tôi muốn bạn làm điều này. Hãy suy nghĩ thật kỹ về những khía cạnh trách nhiệm của bản thân và liệt kê chúng ra. Thách thức của tôi là thế này: Bạn cần xếp mọi điều mà mình phải chịu trách nhiệm trong cuộc sống vào một trong những phạm trù sau, nhưng càng ít phạm trù càng tốt. Bạn cần phải nghĩ về toàn bộ đời sống và cố gắng tạo ra những phạm trù rộng.
Tôi đã sắp xếp đời sống mình thành năm khía cạnh trách nhiệm:
• Bản thân
• Gia đình
• Xã hội
• GFC [Hội thánh Grace Fellowship]
• Kinh doanh [Trang web, các bài nói chuyện, viết sách, v.v…]
Không có trách nhiệm nào trong cuộc sống tôi nằm ngoài những khía cạnh này. Nếu người ta bảo tôi trở thành gì đó hoặc làm gì đó, nếu người ta bảo tôi cống hiến thời gian cho điều gì đó, nó sẽ rơi vào một trong số này.
Chút nữa tôi sẽ cho bạn biết thêm về những phạm trù này, nhưng trước hết, tôi muốn làm rõ rằng: Là người mục sư, tôi có thể kết hợp cả nghề nghiệp và việc phục vụ hội thánh vào một phạm trù duy nhất – GFC. Bạn có thể cần một phạm trù cho công việc và phạm trù khác cho hội thánh. Bạn có thể muốn dành một phạm trù cho sở thích nếu bạn thực sự dành tâm sức vào đó, hoặc là một việc từ thiện, một mục vụ nếu bạn dồn nhiều thời gian và chú tâm vào nó. Các khía cạnh trách nhiệm của bạn có thể khác tôi và vive la difference!(1)
Hành động: Lập một danh sách các khía cạnh trách nhiệm của bạn.
Vai trò
Trước khi kết thúc, chúng ta muốn thực hiện thêm một bước nữa. Giờ đây, sau khi nghĩ ra những phạm trù rộng đó, hãy suy nghĩ đôi chút về từng phạm trù và bắt đầu xác định những vai trò khác nhau trong đó.
Trong khía cạnh trách nhiệm là gia đình, tôi có những vai trò khác nhau: Chăm sóc thuộc linh chẳng hạn, rồi bảo trì nhà cửa, và chăm lo về tài chính. Trong khía cạnh trách nhiệm là GFC, tôi có những vai trò khác: quản lý, lãnh đạo mục vụ tráng niên, thành viên trong Ban điều hành Trung tâm Chăm sóc Thai kỳ, v.v.
Dưới đây là một số vai trò thuộc từng khía cạnh trách nhiệm của tôi:
Bản thân:
• Sự khỏe mạnh về thuộc linh: Đọc Kinh thánh, cầu nguyện, đến hội thánh, đọc những cuốn sách hay
• Sự khỏe mạnh về thể chất: ăn uống lành mạnh, tập thể dục
• Quản lý: lên kế hoạch, xem xét lại
Gia đình:
• Chăm sóc và lãnh đạo về mặt thuộc linh: Aileen, các con
• Nhà cửa: sửa chữa, cải tạo
• Chăm lo về tài chính: ngân sách, tiền tiêu vặt cho con
• Tăng trưởng gia đình: các kỳ nghỉ, hoạt động vui vẻ, các đêm gia đình
GFC:
• Quản lý: cơ sở, giấy tờ, các ban ngành
• Họp Trưởng lão: chuẩn bị, lãnh đạo, giám sát các mục hành động
• Họp Thành viên: chuẩn bị, lãnh đạo, cung cấp thông tin, giám sát các mục hành động
• Mục vụ Tráng niên: khải tượng và hướng đi cho mục vụ, lên kế hoạch họp, chuẩn bị nội dung
• Trung tâm Chăm sóc Thai kỳ: Họp Ban điều hành, các trách nhiệm của ủy ban, hỗ trợ thuộc linh
Bạn có thể tìm ra các vai trò của mình bằng cách hỏi như sau: Những nhiệm vụ, vai trò, dự án hay trách nhiệm cụ thể nào đã được giao cho mình trong từng khía cạnh trách nhiệm? Hoặc bạn có thể hỏi rằng: “Với mình, để được nghe Chúa nói rằng: ‘Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm!’ trong khía cạnh này, mình cần quản trị điều gì một cách trung tín?” Cũng giống như với khía cạnh trách nhiệm, tốt nhất là hãy định ra ít vai trò với một số mục nhỏ còn hơn là định ra cả trăm vai trò. Liệt kê càng tỉ mỉ càng tốt, nhưng đừng lo nếu bạn bỏ lỡ vài điều. Đây sẽ là một danh sách sinh động mà bạn sẽ thường xuyên bổ sung hoặc loại ra một số thứ.
Hành động: Liệt kê những vai trò thuộc từng khía cạnh trách nhiệm của bạn.
Như vậy là đủ cho hôm nay. Nhớ dành chút thời gian xem xét những khía cạnh trách nhiệm và vai trò của bạn trong từng khía cạnh đó. Chúng ta dễ bị cám dỗ bỏ qua bước này, nhưng hãy chống lại nó. Khi được bạn đầu tư thời gian, nó sẽ sản sinh ra năng suất.
Thảo luận & Bài tập tùy chọn
Đây là bài tập tùy chọn nếu bạn muốn tận dụng được những gì sắp đến. Trong vài tuần tới, bạn có thể kiểm kê lại việc sử dụng thời gian của bản thân. Bạn có thể làm điều này trong cả cuộc đời – để xác định chính xác xem bạn dùng từng tiếng trong 168 tiếng mà Chúa giao cho mỗi tuần như thế nào, hoặc bạn có thể chỉ làm điều đó với khía cạnh trách nhiệm chiếm nhiều thời gian nhất trong tuần. Những công cụ như Toggl, RescueTime hay Hours có thể ghi lại mọi thời gian mà bạn sử dụng. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều này bằng nhật ký. Ghi lại cách bạn sử dụng thời gian của mình, sau đó cố gắng hiểu xem bạn đang dành bao nhiêu thời gian cho từng khía cạnh trách nhiệm và/hoặc cho những vai trò của bạn trong đó.
Nếu có bất cứ câu hỏi gì về các khía cạnh trách nhiệm và vai trò, hãy bình luận ở phía dưới và chúng tôi sẽ cố gắng trả lời cho bạn.
– Nguồn: challies.com –
Giảng Luận Kinh Thánh xin tri ân tác giả Tim Challies đã cho phép chuyển ngữ loạt bài này ra tiếng Việt.
giangluankinhthanh.net – Xin vui lòng đọc bài đầu tiên và đón đọc những bài viết tiếp theo trong loạt bài “Cách Hoàn Thành Mọi Việc” vào những tuần kế tiếp:
3. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Thời Gian, Năng Lượng & Sứ Mệnh
4. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Tìm Đúng Công Cụ
5. Cách Hoàn Thành Mọi Việc – Tổ Chức & Hệ Thống
[1] Một câu tiếng Pháp hài hước, có nghĩa đen là: “Khác biệt muôn năm!”
Trackbacks & Pingbacks
-
[…] loạt bài mang tên Cách Hoàn Thành Mọi Việc (Phần 1: Cách Hoàn Thành Mọi Việc, Phần 2: Xác Định Những Khía Cạnh Trách Nhiệm Của Bản Thân, Phần 3: Thời gian, Năng […]
-
[…] và cách tôi vạch ra những vai trò cụ thể của mình trong từng khía cạnh đó [Phần 2]. Và giờ đây, chúng ta đã sẵn sàng để đi […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Cám ơn Chúa !