Dị Giáo Trong Phần Áp Dụng: Phỏng Vấn Haddon Robinson
GiangluanKinhthanh.net – Đây là cuộc phỏng vấn Haddon Robinson, được đăng năm 1997 trên Tạp chí Christianity Today/Leadership, với lời giời thiệu như sau:
Hôm ấy phó tổng biên tập Ed Rowell nói chuyện với Haddon Robinson trên điện thoại và Gs. Haddon có buột ra một nhận xét tức thời “Không sợ giải kinh sai, dị giáo mà chỉ sợ áp dụng ý nghĩa lại dị giáo. Thường giải kinh ít sai mà đến khi áp dụng ý nghĩa đoạn Kinh Thánh thì lại áp dụng sai”. Nhận xét ấy xoáy ngay vào đầu chúng tôi. Vậy là giữa ban biên tập chúng tôi bùng ra vô số cuộc trao đổi, tranh luận hăng say ngay giữa các hành lang bên ngoài các phòng làm việc của chúng tôi.
Đến nỗi cuối cùng chúng tôi quyết định đến gặp Haddon tại văn phòng của ông ở trường Thần học Gordon-Conwell, gần thành phố Boston để buộc ông phải nói rõ những ý nghĩa của nhận xét ấy.
Ở đó, chìm giữa hàng tấn các loại bánh kẹo lắt nhắt lỉnh kỉnh, la liệt những bằng cấp và thậm chí nguyên một bộ quần áo mũ mãng giáo sư chuyên dùng trong các lễ trọng thể vẫn còn trong bọc ni-lông từ cửa hàng giặt ủi đem về, chúng tôi đã tìm ra vị giáo sư cao cấp về Tuyên đạo pháp, hàm Harold John Ockenga. Giáo sư Haddon là tác giả của cuốn sách Giảng Kinh Thánh, được dùng làm sách giáo khoa môn Tuyên đạo pháp tại 120 viện Thần học và trường Kinh thánh. Ông còn giảng dạy trên chương trình radio thường nhật “Lớp học Thánh kinh” và trong một chương trình bầu chọn do đại học danh tiếng Baylor tổ chức, ông được vinh danh là một trong mười hai giảng sư tài ba nhất trong tất cả những nước nói tiếng Anh.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi không những phong phú ngập tràn mà còn thành cuộc đối thoại đầy chất triết gia Socrat, tức là mở ra muôn vàn phương hướng suy tưởng, muôn vàn hứa hẹn nghiên cứu suy ngẫm cho tương lai của một nghệ thuật tinh tế áp dụng những chân lý cổ xưa cho con người hiện đại.
Phóng viên: Ông có nói, khi giảng kinh thánh thì phần áp dụng lại thường bị dị giáo hơn là phần giải kinh. Tại sao vậy, thưa ông?
Haddon Robinson: Người giảng vẫn luôn muốn trung thành với Thánh kinh, hiểu cho đúng ý nghĩa Thánh kinh. Họ vào thần học viện để được đào tạo, học hành và ở đó họ đã học được môn giải kinh. Nhưng rất có thể họ lại không học được làm thể nào đi từ bản văn Kinh thánh xưa ra tới đời sống hiện đại ngày nay. Đến khi tốt nghiệp trường thần học họ mới chợt nhận ra vấn đề hay thách thức của người giảng lại là trong việc áp dụng ý nghĩa Kinh thánh. Tức là, người giảng phải hiểu đoạn Kinh thánh ra sao để rồi áp dụng nó thể nào cho người nghe?
Cho nên có lúc chúng ta áp dụng ý nghĩa Kinh thánh theo kiểu mà các trước giả Kinh thánh phải ngồi bật dậy “này, từ từ, gượm đã…không phải áp dụng như thế. Trật rồi, áp dụng như thế là trật ý tôi rồi”. Đây chính là kiểu hiểu Kinh thánh thì đúng mà áp dụng thì lại sai.
Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn cái dị giáo ấy nó đại khái thế nào?
Này nhé, tôi từng nghe có vị giảng về sách Ru-tơ để áp dụng cho việc mẹ chồng nàng dâu. Quả thật là trong sách Ru-tơ có những nàng dâu. Vấn đề là sách Ru-tơ không phải được viết ra để giải quyết những vấn đề dâu, rể, mẹ chồng. Hôm ấy phần áp dụng của bài giảng có nhiều lời khuyên lắm nhưng khổ nỗi những lời khuyên ấy lại không phải ý từ Kinh Thánh.
Phóng viên: Thế nhỡ có người đăt vấn đề “Cứ cho là ý chính của đoạn Kinh thánh hay ý của trước giả không phải như vậy nhưng phần áp dụng vẫn là đúng, là hữu dụng”, thì ông sẽ trả lời làm sao?
Chúng ta lấy thẩm quyền gì mà giảng? Chúng ta giảng Kinh thánh tức là chúng ta giảng trong thẩm quyền thánh kinh. Chúng ta biểu đồng tình với thánh Augustine: Kinh thánh nói tức là Đức Chúa Trời phán.
Như vậy, chúng ta đưa ra bài học áp dụng, tạm thời cứ nói là về mẹ chồng-nàng dâu đi, là bài học với thẩm quyền trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Người nghe họ sẽ nghĩ, nếu mình không đối xử với mẹ chồng theo như dạy dỗ này thì có nghĩa là mình bất tuân Đức Chúa Trời. Mà như vậy, thì với riêng tôi, là cưỡng bức Kinh thánh. Vì anh đang nói điều mà thực ra Đức Chúa Trời không có phán.
Phóng viên: theo ông, một sự giảng dạy như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào trên hội chúng?
Trước mắt có một hậu quả là anh chôn vùi mất đoạn Kinh thánh mà anh nói anh đang giảng. Còn về tối hậu thì người nghe đi đến chỗ tin rằng hễ bất kỳ cái gì có chút hơi hám thánh kinh thì đều là Đức Chúa Trời đang phán.
Hậu quả về lâu dài là thành ra chúng ta đi giảng chuyện thần thoại. Thần thoại vốn có một yếu tố sự thật đi với hằng hà sa số điều dối láo và khổ nỗi là người ta có khuynh hướng sống trong những cái dối láo ấy. Người nghe sẽ suy ra nhiều điều từ bài học áp dụng của người giảng và sống với những điều họ suy ra từ những áp dụng ấy. Cho đến một ngày họ sẽ phát hiện ra rằng cái mà họ nghĩ là lời Chúa phán hứa ấy thực ra Ngài chẳng hề phán.
Tuần trước tôi có nói chuyện với một phụ nữ còn trẻ bị chồng bỏ. Cô ta hỏi tôi “Tôi đã cố vâng phục rồi. Chẳng phải chính Kinh thánh dạy rằng nếu người vợ vâng phục chồng thì người vợ ấy sẽ được một hôn nhân hạnh phúc, thành công hay sao?”
Tôi đáp “Không, Kinh thánh chẳng hề dạy thế”
Cô ấy nói “này, đó là tôi đi các buổi nhóm seminar và tôi nghe thế mà”
“Kinh thánh chỉ dạy rằng người vợ phải có trách nhiệm của mình. Chồng cũng có trách nhiệm của mình. Nhưng vậy thì chỉ chờ đợi một hôn nhân ở mức đạt, vừa phải thôi chứ. Chỗ nào đảm bảo về một hôn nhân gọi là trên cả tuyệt vời đâu.”
Phóng viên: điều gì khiến cho Kinh thánh dễ bị áp dụng sai như vậy?
Khi áp dụng, chúng ta cố lấy điều chúng ta tin là chân lý của Đức Chúa Trời muôn đời, vốn được cho trong một nơi chốn, thời điểm, không gian xác định nào đó, để áp dụng lên cho con người trong thế giới hiện tại vốn thuộc một nơi chốn khác, thời điểm khác, hoàn cảnh cũng khác. Thực ra việc áp dụng như thế vốn khó hơn ta tưởng rất nhiều.
Thánh kinh vốn cụ thể – Phao-lô viết các bức thư cho các hội thánh cụ thể, với những câu chuyện cụ thể – còn người nghe giảng bây giờ thì tổng thể. Ví dụ, có một người nghe có thể áp dụng đánh đồng mình với Đa-vít, khi ông phạm tội tà dâm cùng Bát-sê-ba. Nhưng người ấy không phải là vua, không phải là tổng chỉ huy quân đội, tóm lại là hoàn cảnh người ấy khác với Đa-vít hoàn toàn. Cái khó là người giảng chúng ta phải lấy câu chuyện Kinh thánh ấy, vốn xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể duy nhất và phải tìm cách áp dụng là Đức Chúa Trời muốn nói gì cho con người hôm nay từ câu chuyện đó.
Phóng viên: Vậy theo ông thì cách tốt nhất để rút ra áp dụng là gì?
Những người giảng đi con đường áp dụng ấy theo nhiều cách.
Một cách là cứ lấy đoạn Kinh thánh rồi áp dụng thẳng trực tiếp vào hiện tại. Cũng nhiều lúc làm vậy là đúng. Ví dụ, Chúa Giê-su phán “hãy yêu kẻ thù mình”. Tôi sẽ giảng với người nghe “quý vị có kẻ thù không? Hãy yêu kẻ thù”.
Khổ nỗi là tôi lật trang sau và cũng chính Chúa Giê-su phán “hãy bán hết của cải ngươi, phân phát cho kẻ nghèo, rồi theo ta”. Tôi khựng lại, không dám giảng trực tiếp vậy với thính giả, vì tôi nghĩ rằng, nhỡ mình giảng thế, rồi ai nghe cũng làm theo thế thì không phải chỉ là rắc rối mà là rắc rối lớn.
Có những đoạn kinh thánh có vẻ như có thể giảng trực tiếp như vậy cho người nghe hiện tại nhưng thực ra lại không phải. Người giảng phải biết về hoàn cảnh cả của đoạn Kinh thánh và của người nghe hiện tại.
Chuyện đau đầu của người giảng là chuyện áp dụng.
Phóng viên: Ví dụ như là…
Ví như tôi đặt một câu hỏi, mà nhiều cơ đốc nhân thế kỷ 19 cũng hỏi “chế độ nô lệ có sai không?”. Tôi tìm đến Phao-lô, vì ông có dạy về nô lệ. Nhưng rồi tôi phát hiện là ông không nói gì về nô lệ thế kỷ 19 ở châu Mỹ. Ông dạy về nô lệ ở nơi khác, thời khác.
Trong thế kỷ thứ nhất người ta tự bán mình làm nô lệ vì làm nô lệ lại tốt hơn làm người tự do vì có ăn và được chủ bảo vệ tốt hơn. Rồi hầu hết nô lệ được thả vào khoảng tuổi 30, vì giữ lại thì nuôi họ tốn kém quá. Luật La-mã dạy rằng chủ nô không phải muốn đối xử với nô lệ thế nào cũng được. Và khi anh thả bộ trên các con phố của La-mã thì anh không phân biệt được đâu là nô lệ, đâu là người tự do vì không phải cứ da màu là nô lệ.
Người giảng mà không nhận ra sự khác biệt về thời cảnh của Phao-lô và thế giới sau này thì có thể sẽ áp dụng những lời dạy về nô lệ của Phao-lô theo cách mà thực ra Phao-lô không hề dạy.
Một khó khăn khác là Phao-lô đang nói với những con người mà tôi không nhìn thấy được, không hỏi han gì họ được. Tựa như chúng ta nghe một người nói chuyện trên điện thoại vậy. Tức là chúng ta chỉ nghe được một nửa cuộc nói chuyện. Chúng ta cố đoán là người bên kia nói gì, nhưng cũng chỉ là đoán thôi. Tức là cố đoán ra cuộc nói chuyện của cả hai bên trong khi chỉ nghe một bên nói. Rất có thể là trước giả thánh kinh đang viết những điều để trả lời cho những câu hỏi rất khác câu hỏi mà tôi đoán.
Phóng viên: đâu là những dấu hiệu cho chúng ta biết mình đã đoán nhầm câu hỏi?
Đừng gán cho một đoạn kinh thánh cái ý nghĩa mà vốn nó không có. Tức là, khi Phao-lô viết cho những người ở thời của ông thì ông nghĩ rằng họ hiểu được điều ông nói.
Ví dụ, chúng ta có khoảng ba chục giải thích khác nhau về ý nghĩa Phao-lô viết trong thư Cô-rinh-tô về báp-têm cho người chết. Nhưng những người đọc thư ông thời ấy đâu có nhìn nhau ngơ ngác như chúng ta bây giờ vì không biết Phao-lô muốn nói gì, rồi còn đoán ra nhiều nghĩa như vậy. Có thể họ có những thắc mắc này khác thêm nữa quanh vấn đề đó nhưng ý nghĩa ông viết thì lúc ấy rất rõ ràng với họ.
Người giảng không thể ép đoạn kinh văn phải có cái ý nghĩa gì đó cho ngày hôm nay mà ý nghĩa đó, về mặt nguyên tắc, không thể có trong thời ấy. Thực ra đó chính là lý do vì sao người giảng phải học môn giải kinh. Người giảng phải rất thành thực với đoạn kinh thánh trước khi mang ý nghĩa của nó cho thế giới hiện tại.
Là người giảng, tôi vẽ ra một cái “thang trừu tượng hoá” bắt đầu từ thế giới thánh kinh, vắt qua các bậc trừu tượng hoá rồi cong xuống lại đến thế giới hiện tại. Tôi phải nhận thức được mình đang đi qua cái thang ấy như thế nào. Tôi phải chắc chắn rằng hai thế giới ấy là tương đồng nhau ở những điểm mình nối chúng lại và sự tương đồng phải ở những điểm chính yếu, trung tâm chứ không phải những điểm ngoài rìa.
Có những lúc khi nghiên cứu một đoạn kinh thánh, tôi cứ phải đi lên cái thang trừu tượng hoá ấy, tức là trừu tượng hoá đoạn ấy cho đến khi tôi đến được điểm hiểu rõ mục đích đoạn kinh văn.
Phóng viên: xin ông cho một ví dụ về việc ấy
Ví dụ sách Lê-vi-ký viết “Đừng nấu dê con trong sữa mẹ nó”. Thì, đầu tiên, ta sẽ tự hỏi “cái này là nói về việc gì?”. Theo nghĩa đen thì ít nhất ta sẽ nghĩ “nếu mình có con dê nhỏ và mình muốn nấu nó trong sữa mẹ nó cho bữa ăn tối nay thì mình sẽ phải tạm ngừng việc ấy lại đã”.
Nhưng rồi chúng ta biết những người ngoại làm vậy khi họ thờ phụng những thần tượng là hình tượng của họ. Cho nên chúng ta tiến đến mức hiểu rằng ở đây không phải cấm nấu dê con trong sữa mẹ nó mà là cấm việc thờ thần tượng vốn lúc ấy diễn ra nhan nhản xung quanh dân sự Chúa hay cấm mang những thực hành ấy vào việc thờ phượng Đức Chúa Trời.
Nếu vậy thì người giảng hoàn toàn không nên áp dụng nghĩa đen của bản văn mà phải leo qua cái thang kia đến vài ba cấp trừu tượng hoá cho đến khi nêu ra được nguyên tắc áp dụng là: chúng ta không nên gắn mình với sự thờ hình tượng, dẫu chỉ là những cái liên quan xa xa không trực tiếp đến cụ thể một hình tượng nào.
Phóng viên: bây giờ cứ giả dụ là chúng ta có một đoạn Kinh thánh không thể áp dụng trực tiếp nghĩa đen. Vậy thì ông sẽ đi cái thang ấy, tức là ông sẽ trừu tượng hoá đoạn ấy theo cách nào?
Có một điều tôi luôn làm khi giải nghĩa một đoạn Kinh thánh là luôn “trừu tượng hoá” nó đến tới Đức Chúa Trời. Bất kỳ đoạn Kinh thánh nào cũng có hình bóng của Chúa, ví như Chúa là Đấng Tạo Hoá hay Đấng Bảo Tồn.
Thứ hai (tiếp theo) tôi sẽ đặt câu hỏi “yếu tố suy bại ở đâu? Điều gì trong loài người đã phản loạn chống lại hình ảnh ấy của Chúa?”
Hai câu hỏi này vô cùng hữu ích cho việc áp dụng vì Đức Chúa Trời là Đấng không hề thay đổi và cả sự suy bại của loài người cũng là hằng số, không đổi. Sự suy bại ấy mới ngó qua thì có thể có nhiều bộ mặt nhưng tóm lại vẫn trong vòng sự kiêu ngạo, sự ương ngạnh và sự bất tuân.
Hãy thử áp dụng với 1 Cô-rinh-tô chương 8 nhé. Phao-lô nó về việc ăn của cúng thần tượng.
Hình ảnh của Đức Chúa Trời: Ngài là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Vì lẽ ấy Phao-lô lý luận rằng tôi sẽ không ăn thịt ấy nếu việc ăn khiến anh em yếu đuối của tôi vấp ngã. Làm vậy là tội phạm tội cùng Đấng Christ, Đấng Cứu Chuộc tôi.
Yếu tố suy bại: con người muốn có quyền của mình (tôi có quyền ăn thịt ấy) nên họ bất chấp việc Đấng Christ đã chết cho anh em của họ.
Tôi nói rồi, áp dụng thực ra rất khó, không dễ như ta tưởng.
Phóng viên: Gặp những tình huống, cảnh đời mà đoạn Kinh thánh ông giảng không có áp dụng dạy dỗ trực tiếp thì ông làm sao? Không ích lợi lắm cho người nghe khi nói rằng, “Đức Chúa Trời không nói gì về hoàn cảnh của bạn.”
Dù vậy, tôi nghĩ rằng đôi khi người giảng nói vậy cũng là tốt cho hội chúng. Cũng là một sự dạy dỗ khi thấy rằng một số thứ mà chúng ta bỏ thời gian để cầu nguyện chẳng có dính líu mấy tới vương quốc Chúa.
Cách đây khá lâu tôi có anh người quen cứ loay hoay không biết phải chọn mua chiếc xe nào giữa năm ba loại xe mà anh ta thích. Anh ta nhờ tôi cầu nguyện để anh ta mua được chiếc nào đẹp lòng Chúa nhất. Tôi nói với anh ta “Thôi, chắc là Chúa không muốn anh mua chiếc xe nào đâu. Chắc là anh cứ phải đi xe buýt thôi”.
Tôi đùa anh ta thôi. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng thực ra còn nhiều người trên thế giới này thậm chí không có nổi một chiếc xe đạp.
Phóng viên: Người giảng thời nay có khuynh hướng áp dụng theo một cách nào đó mà những người giảng thời trước ít áp dụng không?
Ngày nay việc áp dụng thật cụ thể được chuộng hơn. Trước đây áp dụng thường chung chung hơn, chủ yếu tập trung vào tin cậy Chúa và quy vinh hiển cho Ngài. Ngày nay, giảng thì phải giảng sao cho có hôn nhân hạnh phúc, sao cho nuôi dạy con thật tốt, sao cho đừng bị xì-trét.
Phóng viên: Chà, ngó bộ khó quá. Người nghe thì mỗi người hầu như một xuất thân, nền tảng học thức, hoàn cảnh khác nhau. Ông làm sao để có áp dụng vừa cho mọi người?
Chúng ta có khuynh hướng áp dụng cho những người tương tự như ta. Giả dụ anh khoảng 35 tuổi và anh nhóm với những người trẻ, đang đi làm, thì anh sẽ có khuynh hướng quan tâm đến nhóm người ấy.
Việc tạm phân những người trong hội thánh thành những nhóm tùy theo tuổi tác, tình trạng hôn nhân, nhà cửa, lương bổng, học vấn sẽ rất hữu dụng. Khi anh rút ra được một nguyên tắc từ một đoạn kinh thánh, anh hãy nhìn vào một nhóm và tự nghĩ “nguyện tắc này sẽ áp dụng ra sao với một cô tuổi 50, bán hàng siêu thị, còn sống chung với cha mẹ?”. Có thể là không áp dụng gì được với nhóm ấy nhưng ta có thể tiếp tục chuyển qua nhóm khác.
Khi tôi soạn bài giảng tôi thường tưởng tượng tám người đang đứng quanh bàn tôi. Một là mẹ vợ tôi, vốn là một tín đồ thực sự. Một người nữa, là người hoài nghi, tôi phải tìm cách giảng sao cho kẻ hoài nghi ấy thỉnh thoảng phải thốt lên “ồ, hay quá, đúng rồi”. Tôi cũng tưởng tượng ra một giám đốc, người chỉ nghĩ về lợi nhuận, làm ăn. Cả một thiếu niên, tức là nhóm dễ ngáp “giảng chán thật”, để làm sao thiếu niên ấy không nói vậy khi tôi giảng. Tôi đi khắp hết lượt và nghĩ rằng “Bài giảng này có ý nghĩa gì đối với họ”?
Phóng viên: Đã có bao giờ sau khi giảng một bài và sau đó ông nói “Ôi, tôi ước gì mình không nói phần áp dụng như thế”?
Tôi không bao giờ quên đâu. Lúc tôi còn trẻ, chỉ hơn hai mươi, tôi có giảng một bài mà tôi nghĩ là sâu sắc lắm nhưng đến bây giờ tôi nhớ lại và nghĩ rằng, ôi không hiểu làm sao mà mình lại có thể đi đến một cái áp dụng như thế.
Tôi nhớ rằng tôi đã đinh ninh “làm đầu gia đình” nghĩa là người chồng phải đứng mũi chịu sào về tài chính. Chưa hết đâu, còn tệ hơn cơ. Vợ tôi còn nhắc một chi tiết rằng trong một bài giảng về gia đình tôi nhấn mạnh rằng vợ mà không chịu khó pha cho chồng ly cafe, chỉ lấy cafe pha sẵn chế là không chấp nhận được.
Rõ ràng là cái áp dụng ấy nó ra từ cái văn hoá của xã hội ngày ấy. Những văn hoá của xã hội cứ nhảy lên bục giảng. Lúc ấy bất kỳ điều gì nảy ra trong đầu tôi đều được đưa vào áp dụng. Điều không chấp nhận được là tôi nhân danh Chúa nói ra cái điều mà Chúa không hề phán dạy. Thử nghĩ, thế
nếu vợ mà giữ hết, quản lý hết tiền bạc chi tiêu thì là bất tuân lời Chúa? Chẳng hề. Thử đặt câu hỏi “việc này có nên xếp vào thang đo mức độ vâng lời Chúa hay không” sẽ là một cách rất tốt để xem có nên đưa vào phần áp dụng của bài giảng hay không.
Phóng viên: Rồi nếu có những điều không được xếp vào phần “vâng phục hay không vâng phục Chúa” thì ông xử lý thế nào?
Người giảng chúng ta thích nói rằng việc này, việc kia cụ thể trong đời sống thì “Chúa phán dạy phải thế này, phải thế kia”. Nhưng thực ra không phải đoạn Kinh thánh nào cũng ra được những áp dụng như vậy. Tức là chúng ta cần phân biệt giữa các loại ngầm ý áp dụng của đoạn kinh. Nói các loại tức là tôi nói các mức độ của ngầm ý áp dụng ấy. Có những mức độ của ngầm ý áp dụng là bắt buộc, rất có thể, có thể mức 50%, rồi mức 20% tức là ít có thể và mức nhất định không thể.
Ví dụ nhé, câu “ngươi không được phạm tội tà dâm” thì mức độ “bắt buộc” là cấm quan hệ tình dục với người không phải là vợ, chồng mình. Mức độ “rất có thể” là anh không được quá thân thiết, gần gũi với người không phải là vợ, chồng mình. Mức độ “có thể mức 50%” là anh không được cứ thường xuyên đi cùng người không phải là vợ, chồng mình tới những chỗ tụ tập. Rồi “ít có thể mức 20%” là cấm anh không được ăn một bữa trưa với người không phải là vợ chồng mình, đã ăn là cứ buộc phải ăn với vợ hoặc chỉ ăn một mình. Còn mức độ “không thể” tức là áp dụng thành: cấm anh không được ăn tối với một cặp vợ chồng khác vì như vậy là anh đã ngồi đồng bàn với một người khác giới mà không phải là vợ, chồng mình.
Có rất nhiều khi, có việc chỉ nên ở mức “có thể 50%” mà người giảng lại gán thành “mức bắt buộc”, tức là ở cái mức nếu vi phạm đến là thành bất tuân, chống nghịch Chúa. Chỉ có điều gì ở mức bắt buộc thì người giảng mới có quyền nói “Chúa phán dạy như vậy”.
Phóng viên: Khi có nhiều mức độ như vậy thì ông sẽ giảng và tuyên bố các mức độ ấy như thế nào?
Có một cách thế này, chúng ta nói “Thưa quý vị, đây là một nguyên tắc và nguyên tắc này rất rõ ràng. Nhưng còn áp dụng cái nguyên tắc này vào cuộc sống thì tuỳ theo từng hoàn cảnh, từng kiểu người mà áp dụng”.
Ví dụ, nguyên tắc là hãy kính trọng cha mẹ mình. Giờ đặt vấn đề, vậy thì giữ cha mẹ già ở nhà chăm sóc hay là đưa vào viện dưỡng lão của nhà nước? Sẽ có người nói “phải giữ cha mẹ ở nhà mới là kính trọng”. Nhưng có người khác lại nói “tôi có ba con, mà cha mẹ già của tôi thì ít ngủ được, nửa đêm còn lục đục trong nhà, khiến tụi nhỏ và cả nhà không ngủ được. Tụi nhỏ bị ảnh hưởng lắm”. Như vậy thì nguyên tắc này thuộc loại những nguyên tắc “còn tùy thuộc”.
Nhưng đưa bài học áp dụng ra mà còn cho phép suy nghĩ, lựa chọn thì có thể làm hội chúng thất vọng vì họ chỉ thích được giảng theo kiểu anh phải làm điều này, không được làm điều kia.
Phóng viên: Nhưng nếu ông bảo người nghe hãy suy nghĩ và quyết định thì có phải là ông tự cắt bỏ mất cái uy quyền của người giảng?
Phải có những lần mà đó là cách tốt nhất người giảng có thể làm cho dân sự. Vì phải nhìn nhận rằng thế giới ngày nay chúng ta sống có quá nhiều các nguyên tắc mâu thuẫn nhau. Khi nhìn chung chung, nếu không nói chi tiết thì chúng ta thường bỏ qua những chỗ đối nhau và căng thẳng, “còn tuỳ thuộc” trong Kinh Thánh.
Ví dụ, sách Gióp ngược với thần học trong sách Châm ngôn. Thần học Châm ngôn là về nhân quả. Các bạn của Gióp đã trích sách Châm ngôn khi nói chuyện chỉ trích Gióp. Chỉ duy có một yếu tố họ không biết mà nếu có yếu tố ấy sẽ thay đổi hết cả mọi chuyện. Yếu tố ấy là những gì đang xảy ra trên trời và những bạn của Gióp dưới đất không biết.
Các sách khôn ngoan dạy rằng “nhìn chung, đây là cách mà thế giới của Chúa vận hành, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy một người đang chịu đau khổ hay có vẻ như bị trừng phạt ấy là bởi vì người ấy đã trái lời Chúa. Quả thật bất tuân dẫn đến bị trừng phạt; nhưng không phải bất kỳ điều gì nhìn bên ngoài như là trừng phạt thì ắt là do bất tuân”.
Khổ nỗi là vào thời nào thì Kinh Thánh cũng đều như vậy. Hãy tạm gọi đó là “sự cân bằng của những điều đối nghịch nhưng hoà hợp”. Tất cả chúng ta đều đang sống cuộc sống có những căng thẳng, “còn tuỳ thuộc”, khó phân đúng sai ấy. Vì vậy, khi áp dụng bài giảng, quan trọng là khiến cho người nghe có được cách suy nghĩ đúng đắn theo tinh thần Thánh kinh chứ không phải là khiến cho họ phải cư xử sao cho ra vẻ người Tin lành mộ đạo.
Đây không phải là điều Chúa phán nhưng tôi nói, nhân danh Chúa.
Phóng viên: Trong Kinh thánh có nhiều thể loại văn. Những thể loại ấy ảnh hưởng thế nào đến sự áp dụng?
Thể loại chiếm nhiều nhất trong Kinh thánh là chuyện kể. Kể về những điều do người này người kia làm. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao Kinh thánh lại có quá nhiều thể loại tường thuật, kể chuyện vậy. Sao Chúa lại không hiện ra luôn, phán dạy thẳng luôn mà lại cứ kể các câu chuyện lòng vòng như vậy? Tôi mà là Chúa và sẽ phán dạy những điều có gía trị cho đến ngày tận thế thì tôi sẽ phán rằng “Hãy nghe, về ý muốn của ta thì có năm quy tắc sau đây… ”. Nhưng Chúa không làm vậy.
Cũng vì thế mà khi chúng ta đi vào một câu chuyện kể và nói rằng “đây là ba điều mà chúng ta học được về sự thần hựu của Chúa”. Vì đó không phải là cách các trước giả chép Thánh Kinh muốn có. Nếu chúng ta tin rằng Kinh thánh là lời được linh ứng của Đức Chúa Trời thì chúng ta phải học kỹ những nguyên tắc dùng để tuyên ra thông điệp của Chúa.
Phóng viên: Vậy thì giảng theo kiểu “có ba điều dạy dỗ” hay “rút ra được năm nguyên tắc” thì có hại gì, thưa ông? Có thể các trước giả Kinh thánh không thích kiểu đó nhưng như thế mới có ích cho người nghe hôm nay mà.
Ừ, thì đó cũng không phải là tội lỗi đến mức phải chết. Nhưng khi giảng các câu chuyện thì người giảng cần chỉ ra được chính sự căng thẳng khó phân ấy, sự “còn tuỳ thuộc” ấy. Người nghe là những con người thật được Chúa hướng dẫn và họ phải trả lời với Chúa. Vì mục đích cuối cùng của những câu chuyện không phải là rút ra được “quý vị phải…, quý vị nên…” Mục đích các câu chuyện là cho chúng ta nhìn thấy được sâu sắc cách con người liên hệ Chúa và cách Chúa liên hệ với họ.
Lấy ví dụ, nếu giảng về cuộc đời Giô-sép, tôi có thể nói “có nhiều lúc trong đời, không thể nào hiểu được. Chúng ta đặt kế hoạch đàng hoàng, mà rồi không ra gì cả. Quý vị thật lòng với Chúa nhưng không thấy được thưởng gì cả. Nếu bạn thấy mình bị như vậy thì Giô-sép đây chính là người chịu điều đó”
Tôi sẽ không nói với người ta rằng điều Giô-sép kinh qua cũng giống điều họ đang trải qua. Ngược lại tôi sẽ nói “điều căng thẳng khó phân trong đời Giô-sép cũng là sự căng thẳng mà chúng ta cảm nhận được”. Tôi sẽ áp dụng một kinh nghiệm chung cho mọi người.
Có một nguyện tắc lớn, ấy là Đức Chúa Trời là chủ tể. Có thể chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc ấy theo kiểu gây ra nhàm chán. Kiểu giảng như vậy khiến tôi nhớ đến những chiếc ca-nô có đệm khí, luôn là là cách mặt nước khoảng hai mét, chứ không đi hẳn vào đời sống. Phải có yếu tố con người, nếu không thì mất hết sự cụ thể, mất hết câu chuyện của lịch sử, mất hết sự tương tác cảm xúc.
Phóng viên: Giả sử mỗi bài giảng được soạn trong vòng tám tiếng. Giờ nếu được cho thêm hai tiếng đồng hồ thì ông sẽ làm gì để làm cho phần áp dụng tốt hơn?
Nếu là tôi thì dùng hai tiếng ấy vào bất kỳ điều gì mà tôi biết rằng mình có khuynh hướng ít để tâm tới.
Những người giỏi về giải kinh thường có khuynh hướng say sưa giải kinh mà không biết là nên dừng mức độ nào. Với những người như thế thì thời gian thêm ấy sẽ rất tốt để đầu tư cho việc xem làm sao truyền đạt cho người khác kết quả nghiên cứu, giải kinh của mình.
Có những người khác thì lại quá lo chuyện nói năng, truyền đạt. Cho nên họ luôn có vẻ gần gũi, hiểu người. Nhưng những người ấy cần có thêm thời gian để lắng nghe Kinh thánh dạy dỗ mình.
Phóng viên: Ông nghĩ thế nào về vai trò của Đức Thánh Linh trong tiến trình áp dụng đoạn kinh thánh cho người nghe?
Đức Thánh Linh giải đáp Lời Chúa. Nếu tôi cứ trung thành với Thánh Kinh thì cũng đồng nghĩa là tôi đang để Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm việc với suy tư, tìm tòi của tôi. Vì nếu tôi giảng một bài văn hay trong cuốn Reader’s Digest chẳng hạn, thì dẫu tôi có suy nghĩ, tìm tòi gì Thánh Linh cũng không giúp tôi giải đáp văn đó.
Tôi có công thức thế này: đau đớn + thời gian + soi rọi = thay đổi
Có những lúc người ta trải qua niềm đau, cả một khoảng thời gian, nhưng họ cũng chẳng thay đổi gì. Nhưng đau đớn, cộng thời gian và cộng cả chiêm nghiệm, soi rọi thì sẽ thay đổi con người. Và cái chỗ soi rọi ấy chính là nơi mà người giảng bước vào để tạo ra.
Chính điều này giải thích vì sao có những bài giảng chỉ khiến người ta ngáp ngắn ngáp dài. Ngay cả các vị mục sư nổi tiếng, không phải bài giảng nào của họ cũng kích khởi người nghe. Nhưng có lúc có những người đến nói với người giảng rằng “ôi, cảm ơn ông, bài giảng dạy dỗ tôi quá nhiều”. Những người ấy họ không đi nhà thờ vô nghĩ vô lo mà họ mang theo một nỗi đau dồn nén qua thời gian. Họ nghe bài giảng và nhận được sự soi rọi. Tia sáng bật sáng và sự thay đổi xảy ra trong đời họ.
Phóng viên: Đã có khi nào ông cảm nhận Thánh Linh động chạm đến ông qua một bài giảng?
Nhiều năm trước rồi, khi ấy tôi gặp khó khăn với Chúa. Một Chúa nhật nọ tôi đi nhà thờ và dù người mục sư hôm ấy không phải giảng rất hay nhưng ông tập trung vào đoạn Kinh thánh. Tôi không muốn đọc đoạn Kinh thánh ấy nhưng dẫu không thích thì đoạn ấy vẫn ám ảnh tôi. Người giảng không hề áp dụng vào trường hợp của tôi. Dầu vậy chính Lời Kinh thánh đi thấu vào tôi đến nỗi mà sau buổi nhóm ấy tôi phải lái xe đi một vòng thật dài. Đó chính là giây phút mà chúng ta hay nói “Chúa đã đối mặt tôi và nếu tôi vẫn còn không chịu nghe thì tình hình sẽ trở nên vô cùng nguy ngập”. Cứ như là đoạn Kinh thánh ấy, cùng với người giảng hôm ấy và chính Đức Thánh Linh đã chụp lấy tôi giữa đám đông người nghe. Bài giảng hôm ấy không phải hùng hồn gì nhưng đoạn Kinh thánh và sự tập trung xoáy sâu của vị mục sư đã đem chân lý vào cuộc đời tôi.
Đó chính là điểm kỳ diệu của việc giảng Lời Chúa. Khi người giảng giảng Lời Chúa thật sự nghiêm túc thì bất cứ phép lạ nào cũng có thể xảy ra.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
“Mục đích các câu chuyện là cho chúng ta nhìn thấy được sâu sắc cách con người liên hệ Chúa và cách Chúa liên hệ với họ.”
“Khi người giảng giảng Lời Chúa thật sự nghiêm túc thì bất cứ phép lạ nào cũng có thể xảy ra.”
Khi học kinh thánh tôi thường đặt câu hỏi cho chính mình rằng Tôi nhận biết gì về Chúa và nhận biết gì về tôi như Chúa nhận biết tôi