TÍNH ĐẾN SỰ CUỐI CÙNG – BÀI HỌC TỪ CÁC QUYẾT TÂM CỦA JONATHAN EDWARDS
Trong cuốn sách nổi tiếng “Bảy Thói Quen Của Người Thành Đạt” của Stephen Covey, “bắt đầu bằng đích đến” (begin with the end in mind) là thói quen thứ hai của những người hiệu quả. Muốn đạt hiệu quả, ta cần suy nghĩ đến sự cuối cùng. Stephen Covey đã khéo léo áp dụng nguyên tắc ấy cho cuộc sống và kinh doanh. Trước Covey 300 năm, nguyên tắc ấy cũng được thể hiện rõ trong những quyết tâm của chàng trai mười chín tuổi Jonathan Edwards.
Edwards rõ ràng là đã năng nghĩ về cái chết và sự sống đời sau. Nghe những người lớn tuổi nói chuyện “làm lại cuộc đời,” ông “đã quyết, sống theo cách mà tôi ước mình đã sống nếu tôi được sống đến lúc tuổi già” (điều 52), “sống theo cách mà tôi ước mình đã từng sống như thế khi sắp chết” (điều 17) và “không bao giờ làm điều mà tôi sẽ sợ không dám làm, nếu chỉ còn chưa đầy một tiếng nữa là nghe thấy tiếng kèn cuối cùng” (điều 19). Ông quyết “nỗ lực để đạt được hạnh phúc tối đa cho bản thân trong đời sau” (điều 22), và “hành động theo cách tốt nhất, khôn ngoan nhất”, trong quan điểm của “thế giới tương lai” (điều 50). Thậm chí khi gặp đau khổ, ông “đã quyết” sẽ nghĩ về những đau đớn của việc tử đạo hay khổ hình nơi địa ngục (điều 10).
Người khôn ngoan thì tính đến sự cuối cùng. Tôi rất thích uống cà-phê, và sẽ rất biết ơn nếu ai đó mời mình một ly “nâu nóng” vào buổi sáng. Nhưng nếu bạn mời tôi vào buổi chiều, tôi sẽ phải lịch sự khước từ, dù vẫn rất muốn uống, vì biết rằng nếu uống vào, mình sẽ trằn trọc mất ngủ cả đêm. Muốn thi tốt thì phải chịu khó học bài, “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Biết là một chuyện, thực tế không phải lúc nào chúng ta cũng làm theo nguyên tắc ấy, đặc biệt với những vấn đề không thấy ngay hậu quả như chuyện uống cà-phê. Biết hậu quả đấy, nhưng tặc lưỡi, “không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại.”
“Truyền đạo” là một sách thuộc thể loại văn chương khôn ngoan trong Kinh Cựu ước. Tác giả Sa-lô-môn, vị vua nổi tiếng khôn ngoan, viết: “Ngày chết hơn ngày sanh. Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng… Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng (Truyền đạo 7:2-4). “Cuối-cùng của một việc hơn sự khởi-đầu nó” (câu 8). Tuy nhiên, cũng bởi người khôn ngoan thì nghĩ đến sự cuối cùng, nên Sa-lô-môn nhanh chóng nhận ra “hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không” ở “dưới mặt trời” (bản dịch mới dịch là “trên cõi đời này”) (Truyền đạo 1:2-3). Nói cũng phải, bởi kết thúc của cõi đời này là cái chết, và cái chết, của mỗi người và toàn bộ loài người, làm cho mọi nỗ lực của nhân loại trở nên vô nghĩa. Cái chết phủ bóng u ám trên suy nghĩ của Sa-lô-môn về những buồn vui, thành bại, giàu nghèo, khôn dại trong đời này. Chỉ khi nghĩ tới Chúa, suy nghĩ của Sa-lô-môn mới có chút tươi sáng hơn. Và khi tính tới Chúa, thì kết cục của con người không chỉ là cái chết mà còn là những gì sẽ diễn ra sau cái chết, cụ thể là sự phán xét. Vì vậy, Sa-lô-môn khuyên những người trẻ tuổi “hãy vui-mừng trong buổi thiếu-niên, khá đem lòng hớn-hở trong khi còn thơ-ấu, hãy đi theo đường-lối lòng mình muốn, và nhìn-xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét” (Truyền đạo 11:9-10). Nói cách khác, hãy tận hưởng và sống hết mình, nhưng chớ quên rằng sẽ có ngày mỗi chúng ta phải giải trình về cuộc đời mình với Đấng đã ban cho chúng ta sự sống!
Trước cả Sa-lô-môn, Môi-se, dường như linh cảm được xu hướng lầm lạc của cả dân tuyển, đã nói rằng: “Chớ chi họ khôn ngoan và hiểu được, Ước gì nghĩ đến sự cuối cùng vẫn đợi họ!” (Phục truyền 32:29). Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ tính phí tổn trước xây tháp hay đi đánh giặc (Lu-ca 14:28-32). Theo Ngài thì việc tính đến ngày cuối cùng, đến thế giới đời sau, thậm chí cần ảnh hưởng cả trên cách chúng ta mời khách đến dự tiệc. Đừng mời người giàu có, sang trọng, để “có đi có lại”, hãy mời người nghèo khó và hèn mọn, “thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công-bình sống lại, ngươi sẽ được trả.” (Lu-ca 14:14).
Sứ đồ lỗi lạc Phao-lô cũng đã luôn nghĩ tới sự cuối cùng ấy khi thi hành chức vụ. Ông mong mỏi các tín hữu mà mình coi sóc sẽ “được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ” (Phi-líp 1:10), vì chỉ khi họ như thế thì ông mới không “chạy vô ích và khó nhọc luống công” trong “ngày của Đấng Christ” (Phi-líp 2:15-16). Kent Edwards, trong sách “Deep Preaching” (Tạm dịch – Giảng Sâu), đã lấy ví dụ về người phụ nữ Nhật Bản đam mê leo núi tên là Yasuko. Năm 1996, ở tuổi 47, Yasuko đầy nghị lực đã chinh phục đỉnh Everest. Tính đến thời điểm đó, bà đã trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất chinh phục được cả bảy đỉnh núi cao nhất thế giới. Tiếc thay, niềm vui chiến thắng chưa được bao lâu thì thảm họa xảy ra. Đang trên đường trở về mặt đất để tận hưởng vinh quang, một trận bão tuyết dữ dội ập đến. Với cân nặng chỉ vẻn vẹn 44kg, Yasuko nhanh chóng bị hạ nhiệt và nhiễm lạnh, rồi tử vong. Theo Krakauer, tác giả cuốn “Into thin air” viết về sự kiện này, thì sai lầm chết người của Yasuko là đặt sai mục tiêu. Mục tiêu của người leo núi thành công không phải là lên đến đỉnh mà là xuống tới chân núi cách an toàn. Và Edwards đặt câu hỏi về mục đích của các mục sư giảng đạo. Chúng là gì? Chức vụ lớn? Bài giảng vĩ đại? Phải vậy không?
Để xác định “đích đến”, tác giả “Bảy Thói Quen Của Người Thành Đạt” khuyên chúng ta tưởng tượng ra ngày tang lễ của chính mình, xem mình muốn nghe gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nói gì về mình trong ngày ấy? Theo ông, chúng ta có thể để lương tâm, trí tưởng tượng, sự nhận thức về bản thân góp phần xác định đích đến cuộc đời của chúng ta. Cơ đốc nhân tin Kinh thánh còn có nhiều hơn thế. Chẳng phải Đấng “đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên” (Ê-sai 46:10) đã cho chúng ta sách Khải huyền nói về chung kết của thế giới sao? “Có hai ngày trong lịch của tôi: Ngày này và Ngày Ấy” (Martin Luther). Ngày hôm nay để tận hưởng và tận dụng mọi cơ hội, và hãy để ngày chúng ta khai trình trước Chúa soi sáng mọi suy tưởng và hành động của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng con, học theo Jonathan Edwards, biết tính đến sự cuối cùng!
Joseph Hưng
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!