GIẢNG VỀ ĐỊA NGỤC, HƯỚNG ĐẾN THIÊN ĐÀNG
Giangluankinhthanh.net – Hơn 250 năm trước, Jonathan Edwards (1703-1758), một mục sư Thanh giáo tại Hoa Kỳ đã khởi sự giảng một bài giảng mà ông không thể kết thúc, nhưng vẫn còn rúng động cho đến ngày nay: “Tội Nhân Trong Tay Đức Chúa Trời Thịnh Nộ.” Một bài giảng mà có lẽ Cơ Đốc nhân nào chưa từng nghe đến sẽ thấy nó khác lạ ngay từ cái tên. Tín đồ thời nay thường được nghe giảng về tình yêu và ân điển tuyệt vời của Thiên Chúa, và ít biết về sự phán xét hay cơn giận của Ngài, dù chúng đều thực hữu. “Tội nhân trong tay Đức Chúa Trời thịnh nộ” được cho là bài giảng nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ(1), đem lại thật nhiều cảm xúc cho người nghe và tốn không ít giấy mực của các nhà thần học trên toàn thế giới.
Jonathan Edwards – “Nhà Thần Học Vĩ Đại Nhất Trong Lịch Sử Hoa Kỳ”
Là một mục sư tại Tân Anh Cát Lợi (một vùng của Hoa Kỳ thời thuộc địa), đã gần ba thế kỷ qua, Jonathan Edwards được coi là người mục sư xuất sắc nhất, “nhà thần học tin lành vĩ đại nhất” của nước Mỹ. Không nghi ngờ gì nữa, ông được công nhận là “nhà thần học của cuộc Đại Tỉnh thức Đầu tiên” (First Great Awakening) và được cho là “một trong số ít những nhà thần học vĩ đại nhất mọi thời đại.”(2)
Bấy nhiêu dòng đó thôi đã đủ nói lên tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Jonathan Edwards đối với Cơ Đốc giáo. Vào đầu thế kỷ 20, người ta đã thực hiện một nghiên cứu về các hậu duệ của Jonathan Edwards để lần theo tầm ảnh hưởng lâu dài của ông trên Hoa Kỳ. Kết quả của nghiên cứu thật choáng váng: ba trăm mục sư, giáo sĩ và giáo sư thần học; một trăm hai mươi giáo sư đại học; một trăm mười luật sư; hơn sáu mươi bác sĩ, hơn sáu mươi nhà văn; ba mươi thẩm phán; mười bốn hiệu trưởng của các trường đại học; nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp Hoa Kỳ; ba thị trưởng của những thành phố lớn; ba thống đốc bang; ba thượng nghị sĩ, một mục sư phụ trách Thượng Nghị viện Hoa Kỳ; một kiểm soát viên của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và một phó tổng thổng Hoa Kỳ(3). Thật khó để tưởng tượng rằng một người lại có đóng góp quan trọng đến vậy cho linh hồn của một quốc gia.
Ở độ tuổi 18, 19, chỉ một năm sau khi cải đạo, Edwards đã viết những “quyết tâm” cho mình . Đó là bảy mươi khẳng định mục đích cho đời sống mới cải đạo của ông, bảy mươi tuyên bố – khẳng định sứ mệnh sẽ chi phối và dẫn đường cho ông trong công cuộc theo đuổi ý muốn của Đức Chúa Trời. Hằng tuần, Edwards xét lại những quyết tâm này, và chúng giống như chiếc la bàn cho linh hồn ông, chỉ ông đến với chòm sao Bắc Đẩu của một đời sống từ bỏ chính mình cho vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Những người đương thời với Jonathan Edwards đều coi ông là một “Nhà Giảng đạo Xuất sắc,” vì ba lý do. Một là, Edwards “lao tâm khổ tứ để soạn các bài giảng của mình…Ông dốc sức viết phần lớn các bài giảng của mình, trong gần 20 năm sau khi ông bắt đầu giảng đạo; tuy khi giảng, ông không hoàn toàn hạn chế chính mình trong những tờ ghi chú. Hai là ông “am hiểu về thần học, nghiên cứu và hiểu biết về Kinh thánh. Ông có hiểu biết sâu rộng và uyên bác và tư duy cực kỳ thông suốt.” Ba là ông “thấu hiểu chính tấm lòng và cảm giác của bản thân, đồng thời hứng thú với những điều thiên thượng…điều này giúp ông nhìn thấu được bản chất của con người: ông biết rằng trong con người có cả thánh đồ và tội nhân. Ngoài ra, “ông có lối nói đơn giản, tự nhiên và rất trang nghiêm.”(4)
Giảng Cho Một Hội Chúng Thờ Ơ
Từ mùa xuân đến mùa hạ năm 1741, đã có một cơn phấn hưng càn quét nhiều địa phương tại Mỹ. Các hội thánh lạnh lẽo và khô khan hồi đầu năm đã được biến đổi. Làn sóng phấn hưng lan ra rộng khắp. Nhưng có một điều đáng lưu ý, đó là trong khi nhiều người được cải đạo ở những thị trấn lân cận – có hội thánh tiếp nhận tới 95 thành viên mới trong một buổi nhóm Chúa nhật – hội thánh tại Enfield vẫn nổi tiếng vì chống lại cơn phấn hưng và sự vận hành của Chúa tại thời điểm đó.(5)
Theo một người dự nhóm kể lại, khi các mục sư bước vào hội thánh tại Enfield, những người nhóm lại đều “vô tư lự và bất kính.” Họ thậm chí còn không thể hiện chút quan tâm đặc biệt nào tới những điều liên quan đến Chúa, nói gì đến việc nóng cháy cho Chúa. Thực ra họ còn “không hành xử cho đúng phép tắc tối thiểu.”(6)
Truyền thống cho rằng Edwards thậm chí không phải là người được chỉ định để giảng vào ngày hôm đó. Ông chỉ là người thay thế. Và trước đó, Edwards cũng đã giảng “Tội nhân trong tay Đức Chúa Trời thạnh nộ” tại Northhampton, hội thánh của chính mình. Tại đó không có những biểu hiện, hay phản ứng, hay cảm xúc đáng kinh ngạc. Nhưng giờ đây, khi ông đến giảng tại Enfield – một thị trấn chống lại cơn phấn hưng – và Chúa đã chúc phước cách đặc biệt cho những lời ông giảng.
Giảng Về Địa Ngục, Hướng Tới Thiên Đàng
Phần lớn bài giảng tập trung vào 10 “suy xét” sau:
1. Chúa có thể ném kẻ gian ác xuống địa ngục vào bất kỳ lúc nào.
2. Kẻ gian ác đáng bị ném vào địa ngục. Sự công minh thiên thượng không ngăn cản khi Chúa dùng quyền năng để hủy diệt Kẻ ác bất cứ lúc nào.
3. Ngay giờ này, kẻ ác phải chịu án phạt của Chúa trong hoả ngục.
4. Kẻ ác ở trên đất – ngay lúc này – đang gánh chịu cơn thịnh nộ đó. Họ không được nghĩ rằng, chỉ vì thân thể họ chưa ở trong Hỏa ngục, nên Chúa (Đấng mà kẻ ác đang trú ngụ) không nổi giận với họ như với những tạo vật khốn khổ mà Ngài đang dày vò trong địa ngục, và những người đang thật sự cảm nhận và chịu đựng cơn thịnh nộ dữ tợn của Ngài.
5. Vào bất cứ thời điểm nào mà Chúa cho phép, Sa-tan đang chực sẵn để vồ chụp họ và bắt giữ họ cho mình.
6. Nếu không phải bởi sự kiềm chế của Đức Chúa Trời, thì những nguyên lý tối tăm ngự trị trong linh hồn của con người gian ác sẽ nhen lên và bùng cháy thành lửa âm phủ.
7. Kẻ ác chớ yên vị chỉ vì không thấy rõ mình sẽ chết theo cách nào, vào bất kỳ lúc nào.
8. Con người chớ nghĩ rằng họ được an toàn trước cơn thịnh nộ của Chúa chỉ vì họ có thể chăm sóc cho bản thân hoặc người khác có thể chăm sóc cho họ.
9. Mọi điều mà kẻ ác có thể làm để cứu họ khỏi những đau đớn của địa ngục sẽ chẳng ích gì cho họ nếu họ tiếp tục chối bỏ Đấng Christ.
10. Chúa không bao giờ hứa rằng sẽ cứu chúng ta khỏi Địa ngục, trừ những người ở trong Đấng Christ qua giao ước Ân điển.
Bài giảng dành cho “những ai chưa tiếp nhận ân điển”, “tất cả những người chưa bao giờ được sự thay đổi triệt để trong tấm lòng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh vận hành trong linh hồn, tất cả những người chưa bao giờ được tái sinh và trở nên một tạo vật mới, chưa được sống lại từ cái chết trong tội lỗi để trở nên con người mới, để trải nghiệm ánh sáng và sự sống”, và người giảng nó “hy vọng sự suy ngẫm về chủ đề này sẽ đánh thức những ai chưa tiếp nhận ân điển trong hội chúng này”, bởi lẽ:
1. Cơn phẫn nộ không chỉ là của một vị vua đáng sợ, mà còn là của Đức Chúa Trời vô hạn, Vua của cả trời và đất.
2. Cơn thịnh nộ quả là “kinh hãi vô tận” và thật “mãnh liệt”, thể hiện qua Khải Huyền 19:15 – “máy ép nho chứa rượu thịnh nộ mãnh liệt của Đức Chúa Trời Toàn Năng”.
3. Tuy Chúa bày tỏ “sự tuyệt vời của tình thương Ngài” nhưng cũng “sẵn sàng bày cơn thịnh nộ Ngài và phóng đại uy phong đáng sợ của Ngài.”
Tất cả những điều trên đều được dẫn chứng bằng những câu/đoạn Kinh thánh rõ ràng (như Lu-ca 12:4-5, Ê-sai 66:15, Châm Ngôn 1:25-26, Rô-ma 9:22, v.v). Jonathan Edwards đã viện đến những câu chuyện và ví dụ xuyên suốt Kinh thánh.
Rosemary Hearn cho rằng chính cấu trúc logic của bài giảng đã hình thành nên yếu tố thuyết phục quan trọng nhất của nó(7). Gallagher tập trung vào “nhịp điệu” của bài giảng và cách các yếu tố cấu trúc liên tiếp của bài giảng phục vụ những mục tiêu thuyết phục khác nhau(8). Người tổng hợp bài này đặc biệt chú ý tới yếu tố nhịp điệu của bài giảng, và cảm thấy nó rất giống “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Đại Vương. Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng những câu như “cung của sự phẫn nộ Thiên Chúa đã được giương, tên đã sẵn sàng trên dây, mũi tên công chính đang nhắm vào tim bạn và căng dây”, hay “dù đồng tâm hiệp lực, dù đông đảo muôn vàn, kẻ thù của Thiên Chúa sẽ bị tan tác như rơm rạ trước gió, như cỏ khô trước lửa” nghe vần vè chẳng khác gì những áng văn hùng hồn “ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù” của võ tướng Trần Hưng Đạo.
Một nghệ thuật nữa khiến địa ngục càng trở nên đáng sợ và người nghe càng bị thuyết phục là lối nói so sánh, ẩn dụ trong bài giảng của Jonathan. Ông so sánh tội nhân với “người lảo đảo bước đi trên chỗ trơn trượt…chỉ trọng lượng của người ấy cũng đủ quật ngã anh ta,” “một người đứng trên bờ dốc trơn tuột, sát mé vực thẳm” và anh ta dễ bị rơi xuống địa ngục như người ta “dễ dàng cắt đứt sợi tơ mỏng manh mà vật gì đó đang treo trên đó”, như “một tấm mạng nhện níu giữ một tảng đá đang rơi”. Edwards cũng mượn những hình ảnh ẩn dụ như “đám mây đen của cơn thịnh nộ Chúa…. chứa đầy bão tố ghê sợ và sấm sét rền vang…tiến tới như vũ bão…” và “dòng nước lớn hiện bị chặn lại…càng bị ngăn giữ lâu, dòng nước càng hung hãn khi thoát ra.” Ví thử trong hội chúng ngày hôm đó có ai lơ đãng, thì chỉ cần “thoáng nghe” được một trong số những hình ảnh đó thôi, chắc hẳn anh ta sẽ không thể nào quên được mà “tra xét lòng mình, và vùng dậy khỏi cơn mê.”
Edwards đã kết thúc bài giảng với lời kêu gọi cuối cùng dành cho “những bậc phụ lão, trung niên, nam hay nữ, thanh niên hay trẻ nhỏ” như sau: “Vì vậy, hỡi hết thảy những người sống không có Chúa, hãy thức tỉnh và trốn khỏi cơn thịnh nộ hầu đến”, bởi chỉ có niềm tin nơi Đấng Christ Giê-su mới có thể khiến họ thoát khỏi số phận hãi hùng mà ông vừa phác thảo.
Những Phản Ứng Bất Ngờ
Chúng ta không biết rõ rằng Edwards đã giảng ra sao – không có video nào ghi lại phong cách, phong thái và kỹ thuật giảng của ông. Chúng chỉ được tập hợp qua vài báo cáo hoặc dựa trên những bản thảo còn lưu lại của bài giảng. Chỉ biết rằng những phản ứng của hội chúng “vô tư lự” đó còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Trong khi Edwards giảng, nhiều người đã khóc lóc và la lên rằng “Tôi phải làm gì để được cứu đây?” tới mức đến cuối cùng, Edwards buộc phải dừng bài giảng. Điều này khớp với mô tả của chính Jonathan Edwards trong một bức thư gửi Thomas Prince: “một ngôi nhà đầy tiếng la hét, choáng ngất, co giật và tương tự như vậy, có cả đau đớn, thán phục lẫn vui mừng.”(9) Cũng vì bài giảng này mà Edwards được gắn mác là một nhà thức tỉnh dễ xúc động và đầy phán xét, nhưng thực tế là ông đã giảng nó một cách thản nhiên như những bài giảng khác(10). Bài giảng của Edwards tiếp tục là ví dụ điển hình của một bài giảng Đại Thức tỉnh Đầu tiên, nó vẫn được sử dụng trong các nghiên cứu tôn giáo và học thuật.(11)
Quan trọng hơn cả, ấy là ngày hôm đó, Lời Chúa qua ông đã khiến nhiều người hiểu biết về sự cứu rỗi nơi Đấng Christ. Bởi lẽ, sau khi Edwards buộc phải ngừng giảng vì những biểu hiện mãnh liệt trên hội chúng, các mục sư đã xuống giữa vòng dân sự và cầu nguyện cùng họ theo các nhóm nhỏ.
“Tội nhân trong tay Đức Chúa Trời thịnh nộ” của Jonathan Edwards chỉ ra rằng trên bục giảng, chúng ta cần có chút cân bằng trong việc giảng luận. Hãy cứ giảng về một Đức Chúa Trời yêu thương vô điều kiện và đầy nhân từ, nhưng cũng đừng ngại giảng rằng Chúa có cơn giận của Ngài, và địa ngục kinh khiếp đã dành sẵn cho những người không chịu tiếp nhận Ngài. Và hẳn rồi, cũng hãy quỳ gối mà hy vọng, rằng Chúa không chỉ mang những cuộc “thức tỉnh” đến trên Hoa Kỳ vào thế kỷ 18, mà còn trên toàn thế giới, vào chính thời đại của chúng ta ngày nay.
– Đội ngũ Ba-rúc –
[1] Jonathan Edwards – America’s greatest theologian, Christianity Today
[2] Lawson, Steven (2015), The Life and Legacy of Jonathan Edwards, P. 1, Tạp chí Expositor số 08 – tháng 11-12/2015, t.41
[3] Lawson, Steven (2015), The Life and Legacy of Jonathan Edwards, P. 1, Tạp chí Expositor số 08 – tháng 11-12/2015, t.41
[4] Hopkins, Samuel (1765), The Life of the Late Reverend, Learned and Pious Mr. Jonathan Edwards, p. 46-48.
[5] Moody, Josh (2018), This Day in History: Jonathan Edwards Preaches “Sinners in the Hands of an Angry God”, Crossway, USA, truy cập ngày 28/07/2020
[6] Marsden, George (2003), Jonathan Edwards: A Life, t. 220
[7] Rosemary Hearn, Form as Argument in Sinners in the Hands of an Angry God, 1985, Tạp chí College Language Association số 28, t. 452-459
[8] Gallagher, Edward, “Sinners in the Hands of an Agry God: Some Unfinished Business”, The New England Quarterly, 73 (2)
[9] Marsden, George (2003), Jonathan Edwards: A Life, t. 218
[10] Jonathan Edwards – America’s greatest theologian, Christianity Today
[11] Ostling, Richard (4/10/2003), “Theologian Still Relevant After 300 Years”, Times Daily, Associated Press
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Tuyệt vời . Nguyện chúa ban Phước trên wed
cảm ơn bạn!
Quá Tuyệt Vời Quá kinh điển