Hướng Dẫn Lễ Bái Gia Đình
Giangluankinhthanh.net – Các bậc cha mẹ mong muốn rằng khi lớn lên, con cái mình sẽ trở thành những người trưởng thành, yêu mến Chúa và trọn lòng bước theo Ngài. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc đọc Kinh thánh và cầu nguyện thường xuyên khi còn nhỏ có tác động đáng kể đến đời sống thuộc linh của người này khi trưởng thành. Các bậc cha mẹ có thể khuyến khích và làm gương về việc đọc Kinh thánh và cầu nguyện qua các buổi lễ bái gia đình. Gia đình lễ bái là một cách thiết thực để kết hợp việc đọc Kinh thánh và cầu nguyện.
Gia đình lễ bái là gì?
Gia đình lễ bái là thì giờ thờ phượng. Mỗi gia đình có những buổi lễ bái gia đình khác nhau. Thì giờ lễ bái của một gia đình có thể khác với gia đình khác. Thời gian biểu của gia đình, số con trong nhà và độ tuổi của con cái là một số yếu tố tác động đến cung cách lễ bái gia đình. Thông thường, một buổi lễ bái gia đình bao gồm đọc một câu chuyện trong Kinh thánh, hát những bài hát và cầu nguyện.
Kinh thánh nói gì?
Tuy không trực tiếp đề cập đến lễ bái gia đình nhưng Kinh thánh chia sẻ rõ ràng rằng các bậc cha mẹ phải là những người lãnh đạo thuộc linh của con cái mình.
“Toàn dân Y-sơ-ra-ên hãy nghe đây! CHÚA, Đức Chúa Trời của chúng ta là CHÚA có một không hai. Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em. Anh chị em phải ghi lòng tạc dạ các điều răn tôi truyền lại cho anh chị em hôm nay. Phải ân cần dạy dỗ con cái những điều này, dạy chúng khi ngồi ở nhà cũng như khi đang đi đường, khi đi ngủ cũng như khi
thức dậy. — Phục truyền 6:4-7
Trong Phục truyền 6:4-7, Kinh thánh chép rằng cha mẹ phải dạy dỗ cho con cái mình về Đức Chúa Trời. Họ là những người lãnh đạo thuộc linh chính của gia đình mình. Cha mẹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên đời sống và sự phát triển của một đứa trẻ. Khi cha mẹ ưu tiên những buổi gia đình lễ bái, con cái họ sẽ biết yêu Chúa là Đức Chúa Trời của chúng với hết lòng, hết linh hồn và sức lực.
9 bí quyết để bắt đầu & duy trì một thì giờ lễ bái gia đình đều đặn
1. Chủ động lên lịch cho các buổi lễ bái.
Hãy ưu tiên thì giờ này bằng cách viết nó vào lịch của bạn. Khi nhìn vào lịch, hãy chọn một thời gian phù hợp nhất cho gia đình mình, chẳng hạn như vào bữa sáng, vào buổi tối hoặc trong ngày.
2. Thực tế.
Hãy lưu ý đến độ tuổi và các giai đoạn phát triển của con mình. Cung cách lễ bái cùng trẻ nhỏ sẽ rất khác lễ bái cùng trẻ ở độ tuổi đến trường. Thì giờ gia đình lễ bái có thể kéo dài từ vài phút đến 15 phút.
3. Cùng nhau lên kế hoạch cho thì giờ này.
Hãy thử dùng các trang ghi hoạt động của con mình trên hội thánh làm xuất phát điểm. Chọn một câu chuyện Kinh thánh để đọc và ôn lại. Chọn một câu Kinh thánh để cả nhà cùng học với nhau. Hãy viết những bài hát thờ phượng ra, cả gia đình bạn có thể hát cùng nhau.
4. Linh hoạt.
Không phải lúc nào những buổi lễ bái gia đình cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Bạn cần phải nhớ một điểm quan trọng, ấy là gia đình bạn đang dành thời gian với Chúa.
5. Dung thứ cho bản thân.
Nếu bạn bỏ lỡ một ngày lễ bái gia đình, hãy dung thứ cho bản thân. Đến ngày hôm sau, hãy bắt đầu lại từ đầu để góp phần thiết lập thói quen này.
6. Sáng tạo.
Nếu một thành viên trong gia đình không thể có mặt vì đi công tác hoặc lịch trình không cho phép, hãy dùng công nghệ để người đó có thể cùng tham gia thì giờ lễ bái gia đình. Thi thoảng, chúng ta cũng có thể dùng công nghệ để mời ông bà, gia đình và những người bạn khác cùng tham gia.
7. Khiến cho thì giờ lễ bái luôn tươi mới.
Hãy đưa nhiều điều đa dạng vào thì giờ lễ bái gia đình. Sau khi đọc một câu chuyện Kinh thánh, hãy đưa những hoạt động như đánh dấu Kinh thánh hoặc chơi một trò chơi để ôn lại một câu Kinh thánh.
8. Tập trung vào Kinh thánh.
Kinh thánh là trọng tâm của gia đình lễ bái. Hãy dùng một bản Kinh thánh mà con bạn có thể hiểu được. Hãy cho con cầm Kinh thánh, giúp con tìm và đọc phân đoạn Kinh thánh đó.
9. Củng cố các bài học trong các hoạt động thường ngày.
Trong ngày, nếu có cơ hội, hãy nhắc con về những điều mà các bạn đã nói và học trong các buổi lễ bái gia đình.
Bắt đầu
Một dịp tuyệt vời để bắt đầu thì giờ lễ bái gia đình là vào mùa Vọng. Hãy dùng một lịch mùa Vọng thích hợp để tạo sự thích thú và hứng khởi cho đến sáng Giáng sinh.
Sau đây là những ví dụ đơn giản về thì giờ lễ bái phù hợp với độ tuổi cho từng thời kỳ khác nhau của gia đình.
Những gia đình có con nhỏ
• Kể các các gia đình có con nhỏ cũng có thể bắt đầu thói quen lễ bái.
• Đọc câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh trong Lu-ca 2:1-7.
• Chọn một bài hát về Chúa Giê-su như “Giê-su yêu em” hay “Bài ca máng cỏ.”
• Kết thúc bằng lời cầu nguyện.
• Đọc câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh trong Lu-ca 2:1-7 (Cho đứa nhỏ mở phân đoạn đó trong Kinh thánh, và cho đứa ở tuổi đến trường đọc phân đoạn này.)
• Trò chuyện với các con về cảm giác của những người chăn chiên khi đến thăm Chúa Giê-su.
• Để con bạn hát một bài về Chúa Giê-su như “Giê-su yêu em” hoặc “Bài ca máng cỏ.”
• Kết thúc bằng lời cầu nguyện.
• Cho các con lần lượt đọc câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh trong Lu-ca 2:1-7.
• Đặt ra những câu hỏi về câu chuyện Kinh thánh đó.
• Trò chuyện với các con về cảm giác của những người chăn chiên khi đến thăm Chúa Giê-su.
• Cả gia đình cùng nhau hát một bài về sự giáng sinh của Chúa Giê-su như “Bài ca máng cỏ” hoặc “Nằm yên trong máng chiên kia.”
• Cả gia đình cùng nhau cầu nguyện.
-Nguồn: lifeway kids-
Chuyển ngữ: Đội Ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Các gợi ý của bài viết rất thực tiễn và ích lợi ạ!
cảm ơn bạn!