Giáo Lý Ba Ngôi: Giáo Lý Mang Tính Sống Còn Với Cơ Đốc Giáo
Giangluankinhthanh.net – Augustine từng bình luận về giáo lý Ba Ngôi rằng: “một chủ đề mà nếu sai lầm thì không gì nguy hiểm hơn, nếu tìm hiểu thì không gì khó nhọc hơn, còn nếu tìm ra lẽ thật thì không gì ích lợi hơn.”
Nếu có một giáo lý khiến Cơ Đốc Giáo mang tính Cơ Đốc thì chắc chắn đó là giáo lý Ba Ngôi. Ba bản tín điều phổ quát và quan trọng nhất: Bản Tín điều các Sứ đồ, Bản Tín điều Nicaea và Bản Tín điều Athanasius, tất cả đều xoay quay Đức Chúa Trời ba ngôi nhất thể, chỉ ra tầm quan trọng sống còn của thần học Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Augustine từng bình luận về giáo lý Ba Ngôi rằng “một chủ đề mà nếu sai lầm thì không gì nguy hiểm hơn, nếu tìm hiểu thì không gì khó nhọc hơn, còn nếu tìm ra lẽ thật thì không gì ích lợi hơn.” Gần đây, Sinclair Ferguson đã nhìn nhận đây là “một tư tưởng quá rõ ràng đến nỗi khi các môn đồ sắp sửa thấy thế giới đang sụp đổ quanh mình, thì Chúa chúng ta lại dành thật nhiều thời gian trên Phòng Cao để phán bảo họ về sự mầu nhiệm của Ba Ngôi (1). Nếu có một điều nhấn mạnh tính thiết yếu của Đức Chúa Trời Ba Ngôi đối với Cơ Đốc giáo thực tiễn thì đây chính là điều đó.
Ấy thế mà khi nói đến giáo lý Ba Ngôi, hầu hết Cơ Đốc nhân đều thiếu hiểu biết, khó diễn đạt thành lời và trên hết, không thấy tầm quan trọng của giáo lý này trong đời thực. Một nhà thần học đã bông đùa rằng “Ba ngôi là vấn đề của năm khái niệm hay đặc tính, bốn tương quan, ba ngôi vị, hai “ra bởi” (2) (two processions), một bản thể (substance) hay bản tính (nature), và không hiểu biết.” Mọi cuộc trò chuyện về bản thể (essence) và ngôi vị (person), rồi đồng nọ, đồng kia dường như là một thứ tiếng xì xồ thần học chỉ dành cho những học giả và triết gia – có lẽ cho những tay mọt sách trầm ngâm, chứ chắc chắn không dành cho những bà mẹ bỉm sữa, thợ thuyền và những cô cậu sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu.
Vậy, bằng vài trăm từ dưới dây, hãy để tôi giải thích xem giáo lý Ba Ngôi là gì, có thể tìm thấy nó ở đâu trong Kinh thánh và tại sao nó lại quan trọng.
Một là, giáo lý này có nghĩa là gì? Có thể tóm tắt giáo lý Ba Ngôi bằng bảy khẳng định. (1) Chỉ có một Đức Chúa Trời. (2) Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời. (3) Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời. (4) Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời. (5) Đức Chúa Cha không phải Đức Chúa Con. (6) Đức Chúa Con không phải Đức Thánh Linh. (7) Đức Thánh Linh không phải Đức Chúa Cha. Mọi công thức tín điều, biệt ngữ thần học và biện giáo triết học phải bảo vệ mỗi một khẳng định này mà không chối bỏ sáu khẳng định còn lại. Các bản tín điều cổ đại dùng thuật ngữ không có trong Kinh thánh và đòi hỏi sự thận trọng trong sắc thái thần học không phải để làm sáng tỏ những điều khó hiểu trong Kinh thánh, nhưng để bảo vệ, định nghĩa và phân định những mệnh đề Kinh thánh quan trọng. Bản Tín điều Athanasius phát biểu điều này như sau: “Đức tin phổ quát là đây: Ấy là chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời trong ba ngôi và ba ngôi hiệp một, không lẫn lộn giữa các ngôi vị mà cũng không tách rời bản thể. Vì ngôi vị của Đức Chúa Cha khác, ngôi vị của Đức Chúa Con khác và ngôi vị của Đức Thánh Linh cũng khác. nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh cùng chung một thiên tính duy nhất, cùng chung một vinh quang đồng đều, cùng chung một uy phong vĩnh cửu.”
Hai từ khóa ở đây là bản thể và ngôi vị. Khi bạn đọc đến “bản thể”, hãy nghĩ đến “Thần tính” (Godness). Cả ba Ngôi Thiên Chúa đều có cùng một “Thần tính.” Không ngôi vị nào Thần (God) hơn ngôi vị khác. Về bản chất, không ngôi vị nào thiêng liêng hơn các ngôi vị còn lại. Khi bạn đọc đến “ngôi vị”, hãy nghĩ đến “một sự khác biệt cá nhân và đặc thù với những ngôi khác.” Các nhà thần học dùng những thuật ngữ này vì họ cố gắng tìm cách diễn đạt mối quan hệ của ba hữu thể (being) đều là Đức Chúa Trời ngang hàng và duy nhất, nhưng không phải là ba Đức Chúa Trời. Vậy nên chúng ta mới có ngôn ngữ phức tạp (nhưng có thể học được) là bản thể và ngôi vị. Chúng ta muốn trung thành với chứng cớ trong Kinh thánh rằng có tính hiệp nhất và không thể tách rời của Đức Chúa Trời, tuy chúng ta hoàn toàn có thể gọi Cha, Con và Thánh Linh là Đức Chúa Trời. Các Ngôi vị không phải là ba đức chúa trời mà ở trong sự thông công với nhau khi các Ngôi tồn tại trong bản chất thiên thượng mà không hòa trộn hay lẫn lộn nhau.
Đôi khi, nếu khẳng định những điều mình không tin thì chúng ta sẽ dễ hiểu điều mình tin hơn.
Giáo lý Chúa Ba Ngôi (Trinitarianism) chính thống phủ nhận duy nhất thần thuyết (monarchianism) vì thuyết này tin rằng chỉ có một ngôi vị (mono) và bảo vệ quan điểm rằng Con và Thánh Linh tồn tại trong bản thể thánh như là thuộc tính phi thân vị, không phải các Ngôi thánh và riêng biệt.
Giáo lý Chúa Ba Ngôi chính thống phủ nhận thuyết hình thức (modalism), một thuyết tin rằng Cha, Con và Thánh Linh là những cái tên khác nhau cho cùng một Đức Chúa Trời hành động trong những vai trò khác nhau và có những biểu hiện khác nhau (giống như phép so sánh “nước, hơi nước, đá”, tuy có ý tốt nhưng lại sai trật).
Giáo lý Chúa Ba Ngôi chính thống phủ nhận thuyết Arius, một thuyết chối bỏ thần tính trọn vẹn của Đấng Christ.
Và cuối cùng, Giáo lý Chúa Ba Ngôi chính thống phủ nhận mọi hình thức của thuyết tam thần (tri-theism), một thuyết dạy rằng ba thành viên của Thiên Chúa là “ba Hữu thể riêng biệt, ba Đức Chúa Trời riêng rẽ” (trích lời của một nhà biện giáo Mặc-môn hàng đầu).
Hai là, giáo lý Ba Ngôi này được tìm thấy ở đâu trong Kinh thánh? Tuy nhiều người biết rằng từ “Ba Ngôi” không có trong Kinh thánh nhưng có thể tìm thấy thần học củng cố cho từ này ở thật nhiều câu Kinh thánh. Với những người mới bắt đầu, những câu này nói đến tính độc nhất của Đức Chúa Trời (Phục 6:4; Ê-sai 44:6; 1 Tim 1:17). Rồi có vô số phân đoạn chứng tỏ rằng Chúa là Cha (chẳng hạn như Giăng 6:27, Tít 1:4). Tiếp theo, chúng ta có hàng chục phân đoạn chứng minh thần tính của Chúa Giê-su Christ – Đức Chúa Con. Những phân đoạn như Giăng 1 (“ngôi lời là Đức Chúa Trời”), Giăng 8:58 (“trước khi Áp-ra-ham hiện hữu, Ta hằng hữu”), Cô-lô-se 2:9 (“vì sự đầy trọn của thần tính hiện diện trong thân thể hữu hình của Ngài”), Hê-bơ-rơ 1:3 (“Con là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài”), Tít 2:13 (“Đức Chúa Trời vĩ đại, cũng là Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ”), chưa kể đến sự thờ phượng rõ ràng mà Đấng Christ vui lòng tiếp nhận từ các môn đồ Ngài (Lu-ca 24:52, Giăng 20:28) và những cáo buộc rằng Ngài phạm thượng, đặt mình ngang hàng với Đức Chúa Trời (Mác 2:7). Rồi chúng ta cũng có những dòng tương tự thừa nhận thần tính của Đức Thánh Linh, gọi Ngài là “Thánh Linh đời đời” (Hê (9:14) và dùng “Đức Chúa Trời” và “Đức Thánh Linh” thay thế cho nhau (1 Cô 3:16 và 1 Cô 6:19, Công 5:3-4) mà không cần suy nghĩ lại.
Cuối cùng, tính chính thống của giáo lý Ba Ngôi được trọn vẹn qua những phân đoạn ám chỉ số nhiều của các ngôi Thiên Chúa (Sáng 1:1-3, 26; Thi thiên 2:7; Đa 7), những dòng như 1 Cô 8:6, xưng Chúa Giê-su Christ là Chúa ngay giữa lời tuyên bố đức tin (Shema) của người Do Thái, và hàng chục phân đoạn nói đến Cha, Con và Thánh Linh trong cùng một mạch, đặt cả ba ở vị trí ngang hàng trong khi vẫn thừa nhận sự khác biệt trong ngôi vị (Ma-thi-ơ 28:19; Ga 4:6; 1 Cô12:4-6; 1 Phi 1:1-2; 2 Cô 2:21-22; 13:14; Ê-phê-sô 1:13-14; 2:18, 20-22; 3:14-17; 4:4-6; 5:18-20; 6:10-18).
Giáo lý Ba Ngôi – như đã tóm tắt trong bảy khẳng định trước đó – không phải là một triết lý do những nhà thần học sốt sắng và thông minh thái quá đời đầu bịa ra, mà là một trong những trụ cột chính trong tính chính thống – là điều mà chúng ta có thể chỉ ra (một cách rõ ràng hoặc ngụ ý) từ nhiều phân đoạn Kinh thánh.
Ba là, tại sao điều này lại quan trọng? Có rất nhiều lý do, nhưng mượn từ tác phẩm của Robert Letham và theo phong cách của giáo lý Ba Ngôi, hãy để tôi đề cập đến đúng ba lý do.
Một là, giáo lý Ba Ngôi quan trọng đối với công cuộc sáng tạo. Không giống như những vị thần trong các câu chuyện sáng tạo khác, Đức Chúa Trời vẫn tạo dựng được vũ trụ mà không cần ra khỏi chính Ngài. Thay vào đó, Ngôi Lời và Thánh Linh giống như chính hai tay của Ngài (mượn cách nói của Irenaeus) trong việc tạo nên vũ trụ. Chúa tạo dựng vũ trụ bằng lời phán (Ngôi Lời) khi Thánh Linh vận hành trong cõi hỗn mang. Công cuộc sáng tạo, cũng giống như sự tái sinh, là một hành động của Ba Ngôi, với Chúa làm việc nhờ Ngôi Lời được phán ra và sự vận hành mầu nhiệm của Đức Thánh Linh.
Hai là, giáo lý Ba Ngôi quan trọng đối với việc truyền giảng và mối liên hệ về mặt văn hóa. Tôi từng nghe nói rằng hiện tại, hai đối thủ chính của thế giới quan Cơ Đốc là Hồi giáo và Chủ nghĩa Hậu Hiện đại (Postmodernism). Hồi giáo nhấn mạnh sự hiệp nhất – sự hiệp nhất về ngôn ngữ, văn hóa và cách thể hiện – mà không cho phép nhiều sự đa dạng. Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, mặt khác, lại nhấn mạnh đến sự đa dạng – đa dạng về quan điểm, niềm tin và xuất thân – mà không cố gắng nhìn mọi thứ trong bất kỳ dạng hiệp nhất cao hơn nào. Cơ Đốc giáo, với hiểu biết về Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một, cho phép sự đa dạng và hiệp nhất. Nếu Đức Chúa Trời tồn tại trong ba Ngôi vị riêng biệt có cùng một bản thể thì chúng ta có thể hy vọng rằng sự sáng tạo của Chúa có thể bộc lộ sự đa dạng và cá tính tuyệt mỹ nhưng vẫn gắn liền với nhau trong sự thống nhất thật sự.
Ba là, giáo lý Ba Ngôi quan trọng đối với các mối quan hệ. Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời – Đấng ở trong mối quan hệ bền vững và đời đời với chính Ngài như Cha, Con và Thánh Linh. Trong văn hóa Mỹ, cộng đồng là một từ thịnh hành, nhưng chỉ trong khuôn khổ Cơ Đốc, sự thông công và cộng đồng nhân sinh mới được coi là biểu lộ cho bản chất đời đời của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, chỉ với một Đức Chúa Trời Ba Ngôi thì tình yêu thương mới có thể là thuộc tính đời đời của Đức Chúa Trời. Nếu không có số nhiều của các ngôi Thiên Chúa, chúng ta sẽ buộc phải nghĩ rằng Chúa dựng nên con người để Ngài có thể bộc lộ tình yêu và nếm biết tình yêu, thế nên mới cần tạo ra tình yêu (và Chúa là một vị thần thiếu thốn). Nhưng với hiểu biết Kinh thánh về giáo lý Ba Ngôi, chúng ta có thể nói rằng Chúa không dựng nên vũ trụ để được yêu, nhưng Ngài tạo dựng nó từ tình yêu trọn vẹn và chan chứa luôn tồn tại giữa Cha, Con và Thánh Linh – những ngôi vị luôn sống trong mối quan hệ và sự vui mừng trọn vẹn với nhau.
Tác giả: Kevin DeYoung
Kevin DeYoung (tiến sĩ, Đại học Leicester) là mục sư trưởng của Christ Covenant Church tại Matthews, Bắc Carolina, chủ tịch hội đồng quản trị của The Gospel Coalition, phó giáo sư thần học hệ thống tại Reformed Theological Seminary (Charlotte). Ông đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có Just Do Something. Kevin và Trisha, vợ ông có tám người con: Ian, Jacob, Elizabeth, Paul, Mary, Benjamin, Tabitha, và Andrew.
– Đội ngũ Ba-rúc dịch từ thegospelcoalition –
[1] Có lẽ tác giả ngụ ý việc Chúa Giê-su đã dành nhiều thời gian để dạy về Đức Thánh Linh như có chép trong Tin lành Giăng – ghi chú của người dịch
[2] Nói về việc Con ra từ Cha, và Thánh Linh ra bởi Cha và Con
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
bài viết hay quá!
Cảm ơn đội ngũ Ba-Rúc, một bài viết rất ích lợi. Nguyện Chúa ban phước
cảm ơn a!