HÌNH ẢNH VỎ SÒ TRONG BÀI GIẢNG “CHỈ KHOE MÌNH TRONG THẬP TỰ CỦA ĐẤNG CHRIST” CỦA JOHN PIPER
Giangluankinhthanh.net – Các chuyên gia về nghệ thuật giảng dạy nói rằng: “Một bài giảng mà không có minh họa thì giống như một ngôi nhà không có cửa sổ,” đồng thời, “một bài giảng với những minh họa nhạt nhẽo và tầm phào thì còn tệ hơn; nó giống như một ngôi nhà mà các cửa sổ bị vỡ, và các lỗ thủng được nhét bằng giẻ và rơm.”(1) Ngược lại, những hình ảnh thích hợp, sống động, gần gũi, dựa trên cơ sở bản văn Kinh thánh (chỉ đóng vai trò “minh họa” cho bản văn Kinh thánh) có thể gây ra tác động to lớn và lâu dài. Theo nghĩa ấy, hình ảnh vỏ sò trong bài giảng “Chỉ Khoe Mình Trong Thập Tự Của Đấng Christ” (Boasting Only in the Cross of Christ) có thể được coi là “minh họa đáng nhớ nhất, trong một bài giảng được xem là “quyền năng” nhất, của một trong những nhà lãnh đạo Cơ đốc ảnh hưởng nhất trong thời của chúng ta”.(2)
Bối Cảnh
John Piper giảng bài giảng này trước khoảng 40’000 sinh viên tại đại hội the Passion (Nhiệt Huyết hoặc Đam Mê, đôi khi được gọi là 268 Generation – Thế Hệ 268 –một tổ chức Cơ đốc do mục sư người Mỹ Louie Giglio thành lập, thường được tổ chức hằng năm, nhắm tới các sinh viên đại học tuổi 18-25).
“Đó là đám đông nhất mà tôi từng giảng,” Piper nhớ lại. Quy mô đám đông khiến ông bối rối. “Khi còn học cấp ba, tôi không thể nói trước người khác. Tôi bị tê liệt vì sợ hãi. Đó là điều kỳ lạ. Mẹ tôi phải dẫn tôi đến gặp bác sỹ tâm lý… Vậy nên mỗi lần đứng trước nhiều người nghe mới đều có rất nhiều ký ức tôi phải gắng vượt qua.”(3)
Đứng trên sân khấu trước đám đông luôn có người đi lại, bị gió thổi mạnh vào mặt, Piper cầu nguyện: “Lạy Cha ở trên trời, ngay giờ này, Ngài biết con đang thấy mình thiếu khả năng thế nào,” ông nói lớn tiếng. “Vậy nên con xin Ngài sự trợ giúp và xức dầu thật đặc biệt.” Mắt nhắm nghiền, ông hít thở sâu và cầu xin ân điển Chúa.
Hít thở sâu một lần nữa, rồi ông bắt đầu: “Bạn không cần biết thật nhiều thứ thì cuộc đời bạn mới tạo nên sự khác biệt lâu dài trong thế giới. Bạn không cần phải thông minh, có ngoại hình, hay ra từ một gia đình danh giá, ông nói với họ. “Bạn chỉ cần biết một ít điều, căn bản, vinh quang, hào hùng, rõ ràng, bất biến, vĩnh cửu, và bị cuốn hút bởi chúng, và sẵn sàng phó sự sống mình cho chúng.”
Nói được 5 phút rồi ông đưa ra sự so sánh khó quên:
“Cách đây ba tuần, hội thánh chúng tôi nhận tin Ruby Eliason và Laura Edwards đã chết tại Cameroon. Ruby Eliason – hơn 80 tuổi, cả đời độc thân, là nữ y tá. Đã tuôn đổ cuộc đời mình cho một điều: Khiến Chúa Giê-su được biết tới giữa vòng những người bệnh tật và nghèo đói tại những nơi khó khăn và ít được chạm tới nhất.
Laura Edwards, bác sỹ tại thành phố Đôi (Twin Cities), khi về hưu, đã cộng tác cùng Ruby. Bà ấy cũng gần 80, và họ đi từ làng này qua làng kia ở Cameroon. Xe mất phanh, lao xuống vực, và họ tử vong ngay tại chỗ. Và tôi hỏi dân sự của mình, “Đây có phải là một thảm họa không?”
Hai người phụ nữ, tuổi trên dưới 80, cả đời tận hiến cho lý tưởng duy nhất – là để Chúa Cứu Thế Giê-su được tôn cao giữa những người nghèo và bệnh tật tại những nơi khó khăn nhất. Và 20 năm sau khi đa số những người Mỹ đồng trang lứa với họ đã phí cuộc đời cho những thứ vặt vãnh ở Florida hay New Mexico, họ đã bay vào vĩnh cửu bằng cái chết trong khoảnh khắc.
“Đây có phải là thảm họa không?” John Piper hỏi.
Đám đông đã biết câu trả lời, hô lên, “Không!”
“Đó không phải là một thảm họa,” Piper xác nhận. “Tôi sẽ đọc cho các bạn biết thảm họa là gì.”
Ông rút ra trang tạp chí Reader’s Digest và đọc:
“Bob và Penny… nghỉ hưu sớm, từ giã công việc đang làm tại Đông Bắc cách đây 5 năm khi ông mới có 59 và bà mới 51. Hiện họ sống ở Punta Gorda, Florida, tại đó, họ lướt trên du thuyền dài 9 mét, chơi bóng mềm, và sưu tập vỏ sò.”
“Đó là thảm họa,”- ông nói với đám đông – và có những người tại đất nước này chi hàng tỷ đô la để các bạn tin vào điều đó. Còn tôi có 40 phút để nài xin các bạn – đừng tin điều đó. Và với cả trái tim, tôi nài xin các bạn – đừng tin giấc mơ ấy… Và chương cuối trước khi bạn đứng trước Đấng Tạo Hóa của vũ trụ để trả lời về những gì bạn đã làm: “Đây này Chúa ơi – bộ sưu tập vỏ sò của con. Và con có cái xích đu xịn. Và hãy nhìn vào cái tàu của con.”
“Đừng lãng phí cuộc đời của bạn,” ông nói, câu nói dầm thấm vào lòng người nghe trước khi ông chuyển sang một giai thoại đáng nhớ khác, lần này là về một bức tranh treo tường trong nhà có khắc câu thơ của C.T. Studd: “Một đời rồi cũng sẽ qua. Việc dâng Christ, còn ra đời đời” (Only one life, twill soon be past. Only what’s done for Christ will last.)
Và Tác Động
Trước khi giảng, John Piper đã cầu xin Chúa cho mình “những lời có tính tiên tri, gây tác động sóng, lan ra đến cùng trái đất và vào cả cõi đời đời,” và thật Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện ấy.
Converse, một trong những sinh viên nghe bài giảng hôm đó, đã nói thế này: “Điều đó đã thay đổi quan điểm của tôi không chỉ về vấn đề hưu trí, mà cả việc tôi sẽ làm gì với sự nghiệp của mình,” Anh tiếp tục làm ít năm nữa trong ngành quảng cáo cho các khách hàng như chuỗi khách sạn Hilton trước khi tham gia mục vụ Đời Sống Gia Đình của Dennis Rainey, sau đó là chương trình phát thanh Revive Our Hearts của Nancy Leigh DeMoss.
“Có lẽ tôi sẽ không bao giờ về hưu” anh nói. “Tôi muốn làm gì đó với cuộc đời mình ngay cả khi đã ngoài 50, 60, 70, làm một điều gì đó để tạo nên sự khác biệt, dù đó là tình nguyện ở một nhà bếp hay tư vấn cho trẻ em hay bất cứ việc gì kiểu như thế.”
Một người nghe khác, Matt Carter, đã đăng trên tweeter của mình như sau: “Tôi ở trong đám đông ấy. Bài giảng đó đã khai tử cho mọi giấc mơ hưu trí của tôi.”
Còn Chad Huddleston thì vừa kết thúc năm nhất đại học, và ngồi giữa đám đông. “Có lẽ đó mà một trong những bài giảng tác động mạnh nhất trong đời tôi,” anh nói. Vài năm sau, Huddleston và vợ anh đã đi truyền giáo tại Trung Quốc.
Mối Quan Hệ Giữa Giải Kinh và Minh Họa
Sự thật thì thách thức “đừng lãng phí cuộc đời bạn” với hình ảnh minh họa “vỏ sò” chỉ chiếm khoảng 7 phút đầu trong bài giảng dài gần 40 phút của Piper. Cách để không lãng phí cuộc đời, Piper nói, là dâng vinh hiển cho Chúa vì mỗi ơn huệ – từ một chiếc xe mới đến sự an toàn thân thể đến nhịp đập tiếp theo của trái tim – đều là ân điển do thập tự giá mang đến và trả giá cho. Ý tưởng đó, dựa vào câu nói của Phao-lô trong Ga-la-ti 6:14 mới là “ý tưởng chủ đạo” mà Piper muốn nói, phản ánh qua cách ông đặt tên bài giảng: “Chỉ Khoe Mình Trong Thập Tự Của Đấng Christ.” Nhưng có lẽ câu “đừng lãng phí cuộc đời của bạn” cũng đã nắm bắt được cốt lõi của sứ điệp. Sau đại hội không lâu, nhà xuất bản Crossway đã đề nghị ông viết sách, và tác phẩm Đừng Lãng Phí Cuộc Đời Bạn (Don’t Waste Your Life) được xuất bản vào năm 2003. Tính đến năm 2017, sách đã bán được hơn 600 ngàn bản.(4)
18 năm sau, khi hồi tưởng lại bài giảng ấy, Piper đã chân thành tâm sự: “Tôi e rằng điều trớ trêu đã xảy ra, đó là ý chính của bài giảng lại bị hình ảnh minh họa nuốt mất.” Nhưng có phải vì thế mà người giảng chỉ nên tìm hình ảnh minh họa mà bỏ qua việc giải kinh không? Nghĩ về cách Chúa làm thông qua sự giảng dạy của chúng ta, Piper vẫn quả quyết rằng cần có sự giải kinh vững chắc, trung thành với Kinh thánh, luận cứ cẩn trọng, giải thích rõ ràng, để sự giải kinh ấy là mảnh đất tốt và từ đó mà các minh họa trở nên “đáng tin cậy và đầy sức mạnh, trong một cách lâu dài và giá trị.”(5)
Để chốt lại, xin mượn lời của tác giả và blogger Cơ đốc Tim Challies: “Bài giảng ấy đã biến những người chỉ chú tâm kiếm tiền thành các giáo sỹ, người ấp ủ giấc mơ Mỹ thành người vác thập tự, và người yêu thế gian thành người yêu Chúa Giê-su.”(6) Một điều không thể phủ nhận là hình ảnh “vỏ sò” đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra tác động ấy.
Đội ngũ Ba-rúc
[1] Killinger, Fundamentals of Preaching, 143.
[2] Challies, “Why John Piper’s ‘Shells’ Illustration Transformed a Generation.” www.challies.com, truy cập 8/7/2020
[3] Eekhoff, Zylstra Sarah, “How John Piper’s Seashells Swept Over a Generation.” www.thegospelcoalition.org, truy cập 8/7/2020.
[4] Eekhoff, Zylstra Sarah, “How John Piper’s Seashells Swept Over a Generation.” www.thegospelcoalition.org, truy cập 8/7/2020.
[5] John Piper, “Reflections on the Seashells Sermon, 18 years later,” www.desiringgod.org, truy cập 8/7/2020.
[6] Challies, “Why John Piper’s ‘Shells’ Illustration Transformed a Generation.” www.challies.com, truy cập 8/7/2020