NƯỚC NGOÀI – NƯỚC TRỜI
Tôi không nhớ mình biết đến bài hát Nước Ngoài của Phan Mạnh Quỳnh, nhạc sỹ – ca sỹ trẻ tài năng người Công giáo, lần đầu là khi nào. Giai điệu tự sự, giằng xé, đôi chỗ như hụt hẫng, ca từ giản dị, mộc mạc, kết hợp với giọng ca “là lạ” nhưng tình cảm. Nhưng có lẽ tôi đặc biệt ấn tượng với bài hát này vì nó gợi lại những ngày tôi sống ở Nga, nơi những người bạn đồng hương của Quỳnh đang sống và kể lại cho Quỳnh. Từng bị một người Nga say rượu đấm, từng bị lũ “skin-head” (đầu trọc) theo chủ nghĩa dân tộc bài ngoại rượt đuổi (ơn Chúa mà tôi bắt ngay được cái taxi nên trốn thoát), tôi biết câu hát “mà đâu biết trong đêm dài người không muốn ta ở lại, chạy trong giá băng mệt nhoài tâm tư hoang mang” là một câu tả thực.
Cách suy nghĩ và tâm tình trong bài hát cũng rất thực, rất “Việt Nam.” Bài hát là một cuộc nói chuyện điện thoại, của người con xa xứ gọi về cho mẹ, có cả những câu nói với mẹ, và có cả những câu chắc chỉ nghĩ mà không dám nói, vì sợ mẹ “buồn phiền.” Chàng trai cảm thấy “chơi vơi” khi nghe tin người yêu đi lấy chồng nhưng cũng không dám “nặng lời” vì biết bản thân chẳng thể lo liệu được cho người ta. Chẳng biết tự bao giờ, chữ nghèo hình như đã “ám” vào số phận của con người và đất nước này, đến nỗi nhiều nhà nghĩ rằng chỉ có ra nước ngoài mới là giải pháp!
Nhà tôi cũng thế. Quê tôi nghèo, nhà tôi đông con, hồi còn bé, tôi nhớ anh cả hay than với mẹ: “Nhà người ta đi nước ngoài, nhà mình toàn ‘đi ngoài ra nước.’” Câu nói ấy cũng là một phần động lực khiến tôi cố gắng học, học để được đi nước ngoài, để “đổi đời,” để “tạm biệt ngô, khoai, sắn.” Tuy nhiên, sang Nga được vài tháng thì Liên Xô sụp đổ, học bổng giờ chỉ đủ sống được vài ngày, quả là “cuộc sống khác xa quá vậy.”
Tuy nhiên, cũng bởi thế mà các đoàn truyền giáo được tự do vào Nga truyền giảng Tin Lành, không chỉ cho người Nga, mà cả cho người Việt, và một hội thánh người Việt ở Moscow được thiết lập. Cũng nhờ đó mà tôi được nghe về Chúa, và đặt lòng tin nơi Ngài.
Tôi nhớ có lần một người Việt đến hội thánh và nhờ hội thánh cầu nguyện để được vào Đức (thường là qua con đường bất hợp pháp), vì nước Đức giàu và dễ kiếm tiền hơn Nga. Vị mục sư nhanh trí đáp lại rằng: “Chúng tôi sẽ cầu nguyện để chị được vào nước Đức… Chúa Trời!”
Mà đúng thế nhỉ. Chúa Giê-su không hứa rằng những ai tin Ngài đều sẽ được sang nước ngoài, nhưng Ngài thật có hứa hễ ai ăn năn và tin Ngài thì trở thành công dân của Nước Trời.
Phan Mạnh Quỳnh có nói tới hai lý do khiến các bạn của anh muốn ra nước ngoài. “Ngày chưa biết quê ta nghèo” thì đi nước ngoài là để thỏa ước mơ “bước đi muôn nẻo” và “thả đôi cánh bay xa hoài.” Nhưng khi lớn rồi, “biết quê ta nghèo,” họ rủ nhau đi nước ngoài để kiếm tiền “cho thôi đời sau bần tiện,” làm giàu để “mai sau ngẩng cao đầu.” Nghèo thường đi đôi với hèn, nhiều khi người ta cố xây cái nhà không phải chỉ để cải thiện điều kiện sống, mà còn để cải thiện “danh dự” của mình, để “nở mày nở mặt” với hàng xóm láng giềng.
Và đó mới là vấn đề đáng lo ngại. Chúng ta đánh giá bản thân và đánh giá người khác dựa trên thứ chúng ta sở hữu. Đến bao giờ thì chúng ta mới “đánh giá” và “được công nhận vì có phẩm cách” (“Tôi có một giấc mơ” – Martin Luther King), và hơn thế, nhận biết rằng tự thân mỗi linh hồn chúng ta đã có giá trị vì được dựng nên theo “theo hình ảnh Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 3:5)?
Cách đây gần 100 năm, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo hình tháp. Đáy tháp là những nhu cầu được coi là “căn bản” nhất, như ăn, uống, nghỉ ngơi, tình dục, v.v. Đỉnh tháp là những nhu cầu được coi là “cấp cao” hơn, như nhu cầu sáng tạo và tự thể hiện. Ý tưởng ở đây là các nhu cầu cơ bản nhất của cá nhân phải được đáp ứng trước khi họ có động lực để đạt được nhu cầu cấp cao hơn. Chắc chắn lý thuyết này có ngoại lệ, bằng chứng là có nhiều người sẵn sàng khước từ những nhu cầu vật chất vì theo đuổi một lý tưởng nào đó. Chỉ e rằng tôi và đồng hương tôi lại đang làm bằng chứng cho lý thuyết của Maslow, khi chúng ta để cuộc tìm kiếm đáp ứng những nhu cầu vật chất, hữu hình, lấn át một cuộc tìm kiếm quan trọng hơn.
Trong phân đoạn Kinh thánh nổi tiếng, Ma-thi-ơ 6:25-34, dù ghi nhận những nhu cầu “ăn gì, uống gì, mặc gì” của loài người, Chúa Giê-su vẫn khuyến cáo các môn đồ của mình rằng: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (câu 33). Đoạn này cũng cho thấy, nếu chúng ta dành hết tâm huyết và sức lực của mình chỉ để tìm kiếm những “điều ấy”, là chúng ta đang không đánh giá hết giá trị của mình, bởi khi ấy chúng ta còn thua loài chim, loài hoa, trong khi chúng ta “chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?” (câu 26).
Phân đoạn Kinh thánh này đã là nguồn cảm hứng cho một bài thánh ca nổi tiếng “His eye is on the sparrow“ (Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào). Civilla D. Martin, tác giả bài thánh ca này cho biết rằng bài hát ra đời khi cô được gặp một cặp vợ chồng có hoàn cảnh rất éo le. Người vợ bị bệnh nằm liệt giường đã 20 năm. Người chồng cũng là người tàn tật và phải ngồi xe lăn để làm việc kiếm sống. Lạ thay, trong hoàn cảnh ấy, họ vẫn luôn vui vẻ và mang đến sự khích lệ cho tất cả những ai biết họ. Khi được hỏi đâu là bí quyết cho niềm vui trong cuộc sống, người vợ đã trả lời rất đơn giản: “Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào, và tôi biết Ngài đang chăm sóc tôi.” Cao trào bài hát thật hay: “I sing because I am happy.” Tôi hát vì tôi hạnh phúc. “I sing because I am free.” Tôi hát vì tôi tự do!
Đến bao giờ người Việt chúng ta đi nước ngoài không phải “cho thôi bần tiện” mà chỉ để “thả đôi cánh bay xa”?
Đến bao giờ “quê ta nghèo” không phải về vật chất mà về tâm linh, vì “nước thiên đàng là của những kẻ ấy” (Ma-thi-ơ 5:3)? Đến bao giờ đồng hương ta “đói khát” không phải đồ ăn thức uống mà “đói khát sự công chính,” vì “sẽ được no đủ” (Ma-thi-ơ 5:6)?
Dù nước ngoài không như mình tưởng, chàng trai trong bài hát Nước Ngoài vẫn tiếp tục mơ: “Một mai nắng xanh trời, rời nơi nương náu một thời, về trong đôi mắt rạng ngời.” Ước gì giấc mơ ấy không đặt ở “nước ngoài”, mà ở “Nước Trời.” Ước gì đôi mắt của đồng hương tôi sẽ “rạng ngời,” không phải vì giấc mơ vật chất đã thành hiện thực, mà bởi vì đã tìm thấy “Nước Trời” ở trong chính lòng mình (Lu-ca 17:21).
-Joseph Hưng-
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tháp nhu cầu của Maslow, truy cập 2/7/2020.
[1] https://www.umcdiscipleship.org/resources/history-of-hymns-his-eye-is-on-the-sparrow, truy cập 2/7/2020.