HADDON ROBINSON: ĐÔI NÉT VỀ CON NGƯỜI VÀ SỰ GIẢNG DẠY CỦA ÔNG
Giangluankinhthanh.net – Tiến sỹ Haddon W. Robinson (1931 –2017) là giáo sư bộ môn Tuyên Đạo Pháp, chủ nhiệm chương trình Tiến Sỹ Mục Vụ tại chủng viện thần học Gordon-Conwell Theological Seminary (Hoa Kỳ). Ông cũng từng là viện trưởng của chủng viện Denver trong 12 năm và dạy tuyên đạo pháp tại chủng viện thần học Dallas trong 19 năm. Ông là tác giả của nhiều sách, trong đó có cuốn “Biblical Preaching” đã được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách này đã nhanh chóng trở thành “kinh điển” và được coi là một trong những tài liệu căn bản của bộ môn tuyên đạo pháp. Robinson cũng là người dẫn chính trong chương trình phát thanh uy tín Discover the Word (Khám Phá Lời Chúa).
Robinson chủ trương một bài giảng cần phải có tính giải kinh là chủ yếu, bởi khi ấy và chỉ khi ấy thì thẩm quyền của bài giảng mới nằm ở bản văn Kinh thánh, chứ không phải ở người giảng đạo. Ông định nghĩa giảng giải kinh là “truyền đạt một ý niệm Kinh thánh, rút ra từ việc nghiên cứu một phân đoạn Kinh Thánh theo văn phạm, lịch sử, và văn chương trong văn mạch của nó mà Thánh Linh trước hết áp dụng cho cá nhân và kinh nghiệm người giảng, rồi từ người giảng qua người nghe.”(1) Hãy lưu ý định nghĩa của ông mô tả không phải một phương pháp giảng mà là một triết lý giảng. Đôi khi chúng ta hiểu nhầm giảng giải kinh như là một phương pháp (ví dụ, diễn giải từng câu), thay vì nhìn thấy nó như một triết lý hướng dẫn (để ý tưởng giải kinh the exegetical idea của bản văn sẽ là cơ sở cho ý tưởng của bài giảng.) Theo Robison, hình thức của bài giảng (quy nạp, diễn giải, kể chuyện, v.v.) có thể khác nhau tùy thuộc đâu là cách tốt nhất để truyền đạt cho đối tượng người nghe cụ thể. Hình thức có thể thay đổi; nhưng điều không thay đổi là việc ý tưởng giải kinh bản văn là cơ sở cho sứ điệp. Các bài giảng giải kinh không có một hình thức cứng nhắc; nội dung và mục đích của chúng mới là cái thật sự quan trọng.
Đóng góp chính của ông cho bộ môn tuyên đạo pháp là khái niệm “Ý Tưởng Chủ Đạo” khi giảng Kinh thánh(2). Theo đó mỗi bài giảng cần có một ý tưởng chủ đạo, mặc dù ý tưởng chủ đạo ấy có thể được tách thành nhiều ý nhỏ. Ý tưởng chủ đạo của bài giảng phải là ý tưởng chủ đạo của phân đoạn Kinh thánh được rao giảng, nhưng được diễn đạt, giải thích và áp dụng trong ngôn ngữ thích hợp với người nghe thời nay. Ông ví việc giảng ấy giống như cầm búa đóng chặt một cây đinh (ý tưởng chủ đạo), thay vì cầm cả nắm đinh (nhiều ý khác nhau) quăng vào tường. Thật thế, ngắn gọn, cuốn hút ngay từ mở đầu, cơ sở Kinh thánh vững chắc, kết nối uyển chuyển, minh họa sống động và áp dụng thực tế khiến các bài giảng của Haddon Robinson thường gây tác động sâu sắc và khó quên trên người nghe.
Người viết bài này được nghe về Haddon Robinson lần đầu tiên khi dịch một khóa dạy về giảng Kinh thánh cho Kent Edwards, học trò của Robinson và cũng là giáo sư bộ môn giảng Kinh thánh tại Talbot School of Theology và chủng viện Gordon-Conwell Theological Seminary. Kent Edwards đã đề tặng cuốn sách mà ông viết về giảng Kinh thánh, có tựa đề “Deep Preaching” (giảng sâu) cho Haddon Robinson, người mà ông coi là bạn và thầy, “một người giảng sâu nhất mà tôi từng biết.”
Không chỉ khâm phục Robinson về nghệ thuật giảng dạy, Kent còn rất quý trọng ông như một con người. “Cậu biết đấy, có những người giảng đạo chúng ta ngưỡng mộ khi chưa tiếp xúc với họ, còn gặp rồi thì… Nhưng Robinson không phải như thế.” Người nghe sẽ nhanh chóng nhận ra tình yêu là chủ đề được nhấn mạnh trong các bài giảng của Haddon Robinson. Và có vẻ như tình yêu không chỉ là chủ đề của bài giảng. Trong lễ tang của ông, cô con gái Vicki Hitzges, người hiện cũng là diễn giả truyền cảm hứng, đã kể câu chuyện cảm động về lần đi dạo cùng bố. “Bố ơi, bố muốn người ta nhớ đến bố nhất ở điều gì? Bố có muốn được nhớ đến như một người giảng đạo vĩ đại, một giáo sư xuất sắc, một tác giả nhiều sách, một người viết sách về nghệ thuật giảng đạo? Bố có muốn người ta nhớ đến những giải thưởng, bằng cấp, những lần được vinh danh?” Vicky hỏi. “Và trong tất cả những điều đó, bố tôi chọn điều này: Vicky, bố hy vọng người ta sẽ nói về bố rằng: những người hiểu rõ ông nhất đều cho rằng ông là người coi tình yêu là điều có giá trị nhất. Và như là con gái của bố tôi, tôi đã nhìn thấy điều đó.”(3)
Có vẻ ông là minh họa tốt cho câu Kinh thánh mà sứ đồ Phao-lô đã căn dặn dò người giảng đạo trẻ Ti-mô-thê: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con” (1 Tim. 4:16).
Đội ngũ Ba-rúc
[1] Haddon W. Robinson, Biblical Preaching: The Development and Delivery of Expository Messages.Grand Rapids: Baker, 1980. tr. 20.
[2] Magruder, “The Big Idea: The Most Important Lesson I Learned From Haddon Robinson,” https://www.sagu.edu/thoughthub/the-big-idea-lessons-from-haddon-robinson, truy cập 2/7/2020.
[3] Haddon Robinson Memorial Service, https://www.youtube.com/watch?v=gUIECFCI3jo&t=1189s, truy cập 2/7/2020.