THẦN HỌC HỆ THỐNG LÀ GÌ VÀ VÌ SAO NÓ QUAN TRỌNG?
Giangluankinhthanh.net – Wayne Grudem (sinh 1948) là một nhà thần học tin lành nổi bật. Ông là giáo sư chủng viện Phoenix và là tác giả của hơn 20 đầu sách. Một trong những sách nổi tiếng của ông là về Thần Học Hệ Thống Systematic Theology: An Introduction to Biblical Doctrine).
Thần học hệ thống trả lời cho câu hỏi: “Cả Kinh Thánh nói gì với chúng ta ngày nay về một chủ đề nào đó?”
Nó có nghĩa là tra cứu Kinh thánh để tìm tất cả những câu có đề cập đến chủ đề đang quan tâm. Sau đó, sắp xếp tất cả những câu này với nhau để hiểu điều Chúa muốn chúng ta tin. “Hệ thống” có nghĩa “tổ chức cẩn thận theo chủ đề.” Như vậy, nó khác với thần học ngẫu nhiên hay thiếu tổ chức.
Bạn là một nhà thần học
Dù chưa viết về thần học hệ thống, hay thậm chí không coi mình là một nhà thần học, bạn vẫn đang tiến hành thần học hệ thống trong một nghĩa nào đó. Mỗi người đều có những niềm tin về việc Đức Chúa Trời là ai, Chúa Giê-su là ai, sự cứu rỗi là gì, và các Cơ đốc nhân chúng ta cần sống như thế nào. Tất cả chúng ta đều đang tổng hợp những niềm tin ấy lại với nhau.
Vì vậy, là Cơ đốc nhân tức là bạn đang thực hiện thần học hệ thống rồi, dù bạn có ý thức được điều đó hay không. Nếu bạn không ý thức được điều đó thì thần học của bạn có thể không có tính tổ chức lắm, hoặc có thể chưa tính đến các câu của cả Kinh thánh. Có thể có câu ở đây, câu ở kia, hoặc từ những phần nào đó của Kinh thánh, nhưng chưa phải là toàn bộ điều Đức Chúa Trời bày tỏ về một giáo lý cụ thể.
Đó là lý do vì sao học thần học hệ thống đóng vai trò quan trọng – để hiểu điều Đức Chúa Trời nói và điều Kinh thánh nói.
Học Thần Học Hệ Thống Như Thế Nào
Chúng ta cần tiếp cận thần học hệ thống theo 5 cách như sau:
1. Với sự cầu nguyện
Chúng ta cần bắt chước tác giả thi thiên, khi ông cầu nguyện rằng: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi thiên 119:18).
2. Với sự khiêm nhường
Cả Phi-e-rơ và Gia-cơ đều nói Đức Chúa Trời chống lại những kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm nhường. Trong hai nhóm người đó, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn thuộc nhóm được Đức Chúa Trời ban ơn.
Có một lời cảnh báo thích hợp ở đây: Hãy cẩn thận khi bạn trò chuyện với người khác về các chủ đề thần học, đừng nổi nóng. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta nói về Ngài theo cách đó:
“Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.” (Gia-cơ 3:17)
Chúng ta phải học thần học hệ thống với sự khiêm nhường và tìm kiếm sự hòa thuận với người khác.
3. Với lý trí
Nghiên cứu thần học hệ thống không chấp nhận mâu thuẫn, vì Kinh thánh không hề có mâu thuẫn.
Thi thiên 119:160 nói: “Sự tổng cộng lời Chúa là chân thật.” Tổng cộng – khi bạn xét tất cả lời Chúa với nhau. Nhiều khi chúng ta phải công nhận sự mầu nhiệm, nghịch lý, và những điều chúng ta không thể hiểu hết. Nhưng điều đó khác với việc nói rằng có mâu thuẫn. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ yêu cầu chúng ta tin vào một điều mâu thuẫn.
4. Với sự giúp đỡ của người khác
Tôi đã học được nhiều về thần học hệ thống qua những cuộc thảo luận với người khác – trong thư viện, trên đường cao tốc, hoặc tại phòng ăn trưa của chủng viện khi trò chuyện với các sinh viên khác. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi bạn nghiên cứu.
Chúng ta cần đến sự giúp đỡ của người khác khi chúng ta đọc sách về thần học, vì Đức Chúa Trời đã ban các thầy giáo cho hội thánh (1 Côr. 12:28). Chúng ta có thể học về Ngài từ họ.
5. Với vui mừng và ca tụng
Lòng chúng ta cần có sự vui mừng khi nghiên cứu những chủ đề này, và việc nghiên cứu phải kết quả là sự ca tụng cho Vua của chúng ta.
Thi thiên 139:17 chép rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa quí báu cho tôi thay! Số các tư tưởng ấy thật lớn thay!” Tác giả thi thiên tràn ngập vui mừng và ca tụng vì điều Đức Chúa Trời bày tỏ về Ngài và công việc Ngài. Chúng ta cũng cần phải đáp ứng như thế.
Vì Sao Cần Nghiên Cứu Thần Học Hệ Thống
Nghiên cứu thần học là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm, vì có mối quan hệ giữa điều chúng ta tin và cách chúng ta sống.
Kinh thánh nói tới giáo lý tương ứng với sự tin kính. Ví dụ, Phao-lô khích lệ các Cơ đốc nhân Ê-phê-sô tăng trưởng trong Đấng Christ để họ không bị dao động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng ổn định và lớn lên đến độ trưởng thành (Êph. 4:14).
Mặt khác, nếu sự dạy dỗ sai lạc đi vào hội thánh – nếu tín hữu không còn thấy thần học chân chật – thì điều đó có thể tổn hại và khiến người ta rời xa đức tin. Phao-lô cảnh báo các trưởng lão tại hội thánh ở Ê-phê-sô.
“Vì tôi đã công bố toàn bộ mục đích của Đức Chúa Trời cho anh em, không giữ lại điều gì. Anh em hãy giữ chính mình và luôn cả bầy chiên mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sẽ có muông sói dữ tợn đột nhập vào trong anh em, chẳng tiếc bầy chiên đâu. Ngay từ giữa anh em cũng sẽ dấy lên những người giảng những điều sai lạc để lôi cuốn các môn đồ theo họ.” (Công vụ 20:27–30)
Phao-lô cảnh báo rằng giáo lý sai lạc sẽ đến từ các tín đồ tiếp nhận những dạy dỗ sai lạc và có ảnh hưởng tiêu cực bên trong hội thánh. Bỏ qua thần học và để các hội thánh và tổ chức sa vào dạy dỗ sai lạc về những lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến thiệt hại.
Nghiên cứu thần học hệ thống là quan trọng. Chúng ta phải làm điều đó một cách có chủ đích và có mục tiêu.
Tác giả: Wayne Grudem
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Nguồn: thegospelcoalition.org
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!